Các tin tức tại MEDlatec
Vắc xin sởi - quai bị - rubella lịch tiêm là khi nào?
1. Tổng quan về bệnh sởi, bệnh quai bị và bệnh rubella
1.1. Bệnh sởi
Sởi là bệnh do virus có tên Paramyxoviridae gây ra. Bệnh có khả năng lây lan qua đường hô hấp, nước bọt hay nước mũi của người mắc bệnh. Đặc biệt đối với những người chưa có miễn dịch đặc hiệu có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Sởi - quai bị - rubella là 3 bệnh truyền nhiễm thường gặp nhất là ở trẻ nhỏ
Bệnh sởi có các triệu chứng đặc trưng như sốt, chảy nước mũi, ho khan, nổi phát ban toàn thân, mí mắt sưng,... Bệnh tuy có thể điều trị đơn giản nhưng nếu không được can thiệp y tế sớm và đúng cách sẽ dẫn đến một số biến chứng khó lường như viêm tai giữa, viêm phổi, tổn thương não, động kinh, thậm chí tử vong.
1.2. Bệnh quai bị
Giống như bệnh sởi, quai bị cũng là bệnh do virus gây ra và có khả năng lây truyền qua đường hô hấp.
Bệnh có biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất là viêm tuyến nước bọt mang tai, kéo theo sốt cao, góc hàm nổi hạch sưng và đau. Quai bị là một bệnh lý nguy hiểm bởi nó có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm màng não, viêm buồng trứng, mất thính giác,... Đặc biệt là đối với nam giới, quai bị có thể biến chứng khiến tinh hoàn sưng đau và dẫn tới vô sinh.
1.3. Bệnh rubella
Bệnh Rubella đôi khi có thể bị nhầm lẫn với bệnh sởi do có những biểu hiện tương tự nhau, tuy nhiên thường ở mức độ nhẹ hơn. Đây là một bệnh lý tương đối nguy hiểm, nhất là ở đối tượng phụ nữ mang thai hoặc trẻ sơ sinh.
Cả 3 bệnh lý truyền nhiễm kể trên đều dễ bùng phát thành dịch do khả năng dễ lây lan. Phụ nữ trong quá trình mang thai mắc 1 trong 3 bệnh này có nguy cơ cao sảy thai, thai chết lưu, sinh non hoặc dị dạng thai nhi. Chính vì vậy mà việc tiêm phòng vắc xin ngừa các bệnh này là điều cần thiết với tất cả mọi người.
2. Phòng ngừa sởi - quai bị - rubella với vắc xin
Hiện nay, có nhiều loại vắc xin giúp phòng ngừa các bệnh như sởi, quai bị hay rubella. Trong số đó, vắc xin kết hợp 3in1 sởi - quai bị - rubella MMR II được lựa chọn sử dụng nhiều nhất bởi có thể phòng ngừa cả 3 bệnh chỉ với 1 mũi tiêm.
Vắc xin được điều chế từ các loại virus sống đã được làm giảm độc lực, bao gồm virus sởi chủng Edmonston - Zagreb, virus quai bị chủng L - Zagreb và virus rubella chủng Wistar RA 27/3.
- Virus sởi và virus rubella: được nuôi cấy trên tế bào lưỡng bội của người (HDC).
- Virus quai bị: được nuôi cấy trên nguyên bào sợi từ trứng gà sạch SPF.
3. Vắc xin sởi - quai bị - rubella tiêm khi nào và tiêm mấy mũi?
Phác đồ tiêm vắc xin sởi - quai bị - rubella có thể khác nhau ở từng nhóm đối tượng nhưng thường đều gồm 2 mũi tiêm cơ bản. Cụ thể:
3.1. Trẻ nhỏ
- Mũi tiêm thứ nhất: khi trẻ đang trong độ tuổi từ 12 - 15 tháng tuổi.
- Mũi tiêm thứ hai: thường được tiêm khi trẻ 4 - 6 tuổi.
Trường hợp trẻ sống trong vùng dịch và có chỉ định của các chương trình tiêm chủng mở rộng thì có thể tiêm vắc xin sởi - quai bị - rubella khi trẻ được 9 - 12 tháng tuổi. Lúc này, mũi tiêm thứ hai sẽ được thực hiện khi trẻ đủ 15 - 18 tháng tuổi và mũi tiêm thứ 3 sau đó từ 3 - 5 năm.
3.2. Người lớn
Khuyến cáo của nhà sản xuất và Bộ Y tế: Người lớn, phụ nữ trước khi mang thai tối thiểu 3 tháng tiêm một mũi duy nhất. Nếu cần thiết thì sau 3 - 5 năm có thể tiêm nhắc lại.
Đặc biệt đối với phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ thì cần hoàn thành liệu trình tiêm vắc xin sởi - quai bị - rubella trước khi mang thai ít nhất 3 tháng.
Vắc xin sởi - quai bị - rubella thường gồm 2 mũi tiêm cơ bản
4. Các trường hợp chống chỉ định tiêm vắc xin sởi - quai bị - rubella
Không phải ai cũng có thể tiêm vắc xin sởi - quai bị - rubella. Một số trường hợp chống chỉ định như:
- Phụ nữ mang thai.
- Người có mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào có trong vắc xin.
- Người đang sốt hoặc nhiễm các bệnh liên quan đến máu, thận tổn thương hoặc bệnh tim mất bù.
- Người mắc các bệnh truyền nhiễm cấp tính hay bệnh bạch cầu.
- Người có hệ miễn dịch bị tổn thương nghiêm trọng do bẩm sinh hoặc do nhiễm lympho tiến triển hay các bệnh ác tính khác.
- Người đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hoặc corticosteroids.
- Người đang điều trị bệnh với steroid liều cao, chất chống chuyển hóa hoặc đang xạ trị.
5. Tác dụng phụ của vắc xin sởi - quai bị - rubella
Tuy đã được đảm bảo về độ an toàn thông qua nhiều nghiên cứu trong nhiều năm nhưng loại vắc xin này vẫn có thể xảy ra một số rủi ro nhất định.
Việc tiêm vắc xin có thể có tác dụng phụ như sốt nhẹ hoặc phát ban sau khi tiêm 7 - 12 ngày. Rủi ro nghiêm trọng hơn có thể gặp như phản ứng phản vệ hay tình trạng dị ứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, hầu như rất hiếm có ghi nhận nào về trường hợp gặp biến chứng nguy hiểm hoặc tử vong do sốc phản vệ sau khi tiêm vắc xin sởi - quai bị - rubella.
Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của trẻ, sau khi tiêm vắc xin người bệnh cần ở lại cơ sở y tế vừa tiến hành tiêm chủng ít nhất 30 phút để được theo dõi. Như vậy, khi có dấu hiệu bất thường có thể kịp thời can thiệp và xử lý ngay. Sau khi về nhà, trẻ vẫn cần được lưu ý theo dõi trong vòng 24 giờ.
Lựa chọn địa chỉ uy tín để tiêm vắc xin sởi - quai bị - rubella
Tiêm vắc xin sởi - quai bị - rubella hiện nay được áp dụng tại nhiều bệnh viện và cơ sở y tế lớn. Phụ huynh có thể đưa trẻ đến những địa chỉ uy tín như Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC hoặc đến các trung tâm tiêm chủng để thực hiện tiêm vắc xin cho trẻ.
Nếu có gì cần tư vấn thêm, liên hệ MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!