Các tin tức tại MEDlatec
Viêm túi lệ: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
- 19/06/2021 | Thắc mắc thường gặp: tắc tuyến lệ khi nào cần thông?
- 22/09/2022 | Tác nhân gây đau mắt đỏ và diễn biến của bệnh
- 07/09/2022 | Liên tục bị chói mắt là dấu hiệu của bệnh lý gì?
1. Tổng quan về bệnh viêm túi lệ
Để giúp mắt luôn được phủ dịch ẩm có tác dụng làm sạch và hỗ trợ hoạt động của mắt, các tuyến lệ nằm dưới mí mắt có vai trò tiết nước mắt liên tục. Ở mỗi lần chớp mắt, tuyến lệ sẽ tiết ra một lượng nước mắt mới, phần nước mắt cũ đi kèm với bụi bẩn, dịch bẩn ở mắt sẽ chảy qua lỗ nhỏ vào túi lệ và theo ống lệ chảy ra phía sau mũi.
Viêm túi lệ có thể gây ảnh hưởng đến thị lực mắt
1.1. Viêm túi lệ là gì?
Viêm túi lệ là tình trạng viêm ở túi lệ và ống lệ- những bộ phận có vai trò chứa, dẫn nước mắt từ bề mặt nhãn cầu xuống khoang mũi. Điều này khiến nước mắt cũ cùng chứa bụi bẩn, vi khuẩn,... không dẫn lưu liên tục được xuống mũi mà tích tụ lại trong túi lệ.
Đây là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi phát triển, gây tổn thương, sưng viêm, nhiễm trùng túi lệ. Khác với các bệnh viêm ngoài mắt khác, viêm túi lệ là bệnh lý nghiêm trọng, khó can thiệp để trị viêm và thông tắc. Nhiều trường hợp viêm tuyến lệ nặng, kéo dài cần phải phẫu thuật để điều trị dứt điểm, đây là phẫu thuật tương đối khó bởi nằm ở vị trí có nhiều mạch máu và dây thần kinh.
Viêm túi lệ khiến nước mắt cũ không được đưa xuống mũi
1.2. Nhận biết triệu chứng viêm túi lệ
Tùy theo mức độ viêm túi lệ, triệu chứng mà mỗi bệnh nhân gặp phải là khác nhau, đặc điểm chung là lệ cũ tích tụ ngày càng nhiều trong túi lệ dẫn đến triệu chứng nặng dần. Một số biểu hiện bệnh thường gặp bao gồm:
Chảy nước mắt kèm theo dịch mủ hoặc không
Do dịch lệ cũ không dẫn lưu được xuống mũi mà tích tụ dần trong túi lệ, khi hết sức chứa thì nước mắt này sẽ tự chảy ra ngoài. Người bệnh sẽ thấy bị chảy nước mắt nhiều thường xuyên, đôi lúc giống như khóc nhưng không thể kiểm soát được.
Sốt
Viêm túi lệ gây sốt nhẹ đến sốt vừa, đây là triệu chứng chung của nhiễm trùng.
Viêm túi lệ có thể gây sốt nhẹ đến sốt vừa
Triệu chứng đau, nóng, sưng đỏ khó chịu ở túi lệ
Tình trạng đau nhức, khó chịu ở mắt này thường nặng dần theo mức độ viêm túi lệ. Mức độ đau sẽ tăng lên khi bạn liếc mắt, thay đổi tầm nhìn bằng cách di chuyển tròng mắt.
Viêm túi lệ cấp tính nặng còn có thể gây triệu chứng như: áp xe túi lệ, rò dịch mủ ra ngoài da hoặc các biến chứng do tổn thương nặng ở mắt.
So với viêm túi lệ cấp tính, viêm túi lệ mạn tính thường ít gây triệu chứng nghiêm trọng và ồ ạt hơn nhưng triệu chứng bệnh kéo dài gây nhiều khó chịu. Ở người bệnh mạn tính, triệu chứng hay chảy nước mắt, nhiều gỉ mắt thường phổ biến hơn so với triệu chứng sốt hay sưng túi lệ.
1.3. Những nguyên nhân gây viêm túi lệ
Viêm túi lệ có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, kể cả trẻ sơ sinh hay người lớn tuổi, nguyên nhân gây bệnh cũng khá đa dạng. Với trẻ sơ sinh, nguyên nhân thường do bất thường bẩm sinh ở lệ đạo như: tắc nghẽn lệ đạo, hẹp lệ đạo,...
Viêm túi lệ có thể do tắc nghẽn, hẹp lệ đạo bẩm sinh
Ở người trưởng thành, nguyên nhân gây viêm túi lệ thường phức tạp hơn như: áp xe mũi, viêm xoang, chấn thương mắt hoặc mũi, xuất hiện khối u bên trong xoang hoặc đường mũi, xuất hiện dị vật bên trong lệ đạo, áp xe mũi,...
Những trường hợp viêm túi lệ do vi khuẩn cũng khá đa dạng, hầu hết thường gây nhiễm trùng nặng và kéo dài nếu không được điều trị tốt.
Một số yếu tố nguy cơ cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh được các nhà khoa học xác định bao gồm: viêm niêm mạc mũi, lệch vách ngăn mũi, sưng cấu trúc xương bên trong mũi, người từng làm phẫu thuật xoang hoặc mũi, mắc bệnh ung thư và suy giảm miễn dịch,...
Không phải trường hợp mắc bệnh nào cũng xác định được nguyên nhân, bác sĩ sẽ cần chẩn đoán tình trạng bệnh để điều trị nếu cần thiết.
2. Phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm túi lệ
Nhuộm Fluorescein( để chẩn đoán nguyên nhân gây viêm túi lệ do tắc hẹp túi lên): bác sĩ sẽ dùng thuốc nhuộm đặc biệt nhuộm vào góc mắt của người bệnh, từ đó chỉ ra tình trạng tắc nghẽn túi lệ khi thuốc nhuộm cùng nước mắt không được đẩy xuống mũi. Vì biểu hiện bệnh của viêm túi lệ không đặc trưng, dễ nhầm lẫn với các căn bệnh về mắt khác nên bác sĩ sẽ cần làm xét nghiệm để xác định bệnh chính xác. Một số bệnh hay chẩn đoán nhầm với viêm túi lệ như u túi lệ, áp xe túi lệ, viêm kết mạc,...
Viêm túi lệ thường điều trị bằng thuốc kháng sinh
Với trường hợp viêm túi lệ cấp tính, phương pháp điều trị thường là dùng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn, từ đó điều trị nhiễm trùng. Thông thường, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc kháng sinh đường uống, các trường hợp nặng sẽ cần tiêm thuốc tĩnh mạch. Tốt nhất là lấy dịch từ túi lệ để nuôi cấy, tìm tác nhân gây bệnh và dùng kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ. Bên cạnh đó, một số loại thuốc giảm phù nề, giảm đau có thể được kê kèm tùy theo triệu chứng người bệnh mắc phải.
Với trẻ em, mắt là bộ phận nhạy cảm dễ bị tổn thương, bác sĩ sẽ day, nắn vùng góc trong mắt nơi có túi lệ, kết hợp với kháng sinh dạng thuốc nhỏ mắt để đạt hiệu quả tốt nhất. CHỉ trường hợp nặng không đáp ứng với điều trị thông thường bác sĩ mới chỉ định rửa, thông niệu đạo. Tuổi để thông lệ đạo tốt nhất là khi trẻ được 4 - 5 tuổi.
Viêm túi lệ mạn tính khó điều trị hơn, thường phải thực hiện thủ thuật thông lệ đạo, giải phóng vùng tắc và loại bỏ dịch mủ. Sau điều trị, viêm túi lệ có thể tái phát, khi đó nếu cần thiết sẽ cần cắt bỏ túi lệ để tránh viêm nhiễm sau này.
Có thể thấy, viêm túi lệ là căn bệnh nguy hiểm ở mắt, gây triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác gây khó khăn trong điều trị. Nhiều bệnh nhân bị viêm túi lệ nhưng chẩn đoán và điều trị nhầm khiến bệnh diễn biến nặng, kéo dài gây nguy hiểm cho mắt. Do vậy khi có các triệu chứng bệnh, hãy đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán điều trị bệnh dứt điểm.
Nếu cần tư vấn thêm, khách hàng có thể liên hệ MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ từ chuyên gia.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!