Các tin tức tại MEDlatec

Ý nghĩa tiếng khóc của trẻ và cách xử trí phù hợp

Ngày 01/05/2024
Hiểu được ý nghĩa tiếng khóc của trẻ sẽ giúp bố mẹ và người chăm sóc bé có cách xử lý phù hợp. Quan trọng hơn hết là nhận biết được tình trạng sức khỏe cũng như phát hiện được những bất thường để đưa bé đến gặp bác sĩ kịp thời, phòng tránh biến chứng.

1. Sơ lược về tiếng khóc của trẻ

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì khóc chính là cách để bé giao tiếp với bố mẹ, người chăm sóc. Đó là lý do bạn cần tìm hiểu ý nghĩa tiếng khóc của trẻ để có thể đáp ứng được nhu cầu của con cũng như xác định được bé đang gặp phải vấn đề gì. Qua đó, đáp ứng được nhu cầu và có cách chăm sóc bé tốt hơn.

Lưu ý là trẻ sơ sinh có thể phát ra 5 - 7 loại tiếng khóc khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu, cảm xúc và tình trạng sức khỏe. Với những người lần đầu làm ba mẹ thì khó có thể nắm bắt được ý nghĩa của từng tiếng khóc. Nhưng nếu đã là người “từng trải” thì việc giải mã tiếng khóc của trẻ là không quá khó.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dùng tiếng khóc để giao tiếp với mọi người

2. Tìm hiểu ý nghĩa tiếng khóc của trẻ

Nắm bắt được ý nghĩa tiếng khóc của trẻ sẽ giúp bố mẹ “nhàn” hơn khi chăm sóc con, đồng thời, hiểu được con đang có cảm xúc và mong muốn gì.

Khóc khi đói bụng

Khi đói bụng, tiếng khóc của trẻ sẽ có âm thanh “nèh” kèm theo các hành động như quấy khóc, mút tay, nhóp nhép miệng,… Lúc này, bạn cần cho bé bú ngay, tránh để bé khóc nhiều vì khi khóc sẽ nuốt không khí vào bụng, dẫn đến đầy bụng, khó chịu và càng quấy khóc. Ngoài ra, nếu bạn cho bé bú xong mà chỉ sau đó một lúc, bé khóc lại tương tự thì chứng tỏ bé bú chưa no.

Khóc khi đầy hơi

Trường hợp bé bú xong nhưng lại khóc nhiều, bạn cố gắng cho bé bú tiếp nhưng bé từ chối thì cần nghĩ ngay đến việc bé bị đầy hơi, cần phải vỗ ợ hơi cho bé. Lúc này, hãy bế bé thẳng đứng, cằm và đầu tựa vào vai bạn rồi dùng tay vuốt nhẹ lưng bé. Sau khi được ợ, bé sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, không còn quấy khóc.

Khóc khi buồn ngủ

Để “đọc vị” tiếng khóc này của trẻ không khó bởi ngoài khóc, bé còn lấy tay dụi mắt, gãi tai và ngáp. Đặc biệt, lúc đầu bé sẽ khóc ít và nhỏ nhưng nếu xung quanh ồn ào thì bé sẽ khó chịu, khóc to và nhiều hơn. Việc quan trọng nhất lúc này là bạn cần dỗ bé và cho bé ngủ nhanh chóng vì với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, giấc ngủ đóng vai trò quan trọng với sự phát triển thể chất và trí tuệ.

Trẻ khóc và đưa tay dụi mắt có thể là do buồn ngủ

Khóc khi bị kích thích quá mức

Làm sao để nhận biết ý nghĩa tiếng khóc của trẻ khi trẻ bị kích thích, căng thẳng? Đó là bé sẽ vừa khóc, vừa quay đầu tìm mẹ hoặc quay đầu sang chỗ khác. Lúc này, khi bạn ôm bé đi chỗ khác và vỗ về, ôm áp thì bé sẽ thôi khóc và cảm thấy dễ chịu hơn. Những yếu tố có thể làm bé bị kích thích có thể là người lạ, âm thanh, ánh sáng,…

Khóc khi tã bị ướt

Khi tã bị ướt, bẩn, bé sẽ khóc với âm thanh “héh” kèm theo hành động dụi mắt và mũi. Việc bạn cần làm lúc này là kiểm tra xem tã có vấn đề gì không, nếu có thì thay tã mới. Bạn cũng cần lưu ý là sau mỗi 2 - 3 giờ hoặc sau khi tã bị đầy nước tiểu, dính chất bẩn thì cần thay tã mới nhanh chóng để vừa không làm bé khó chịu, vừa tránh bị hăm đỏ.

Khóc khi bị đau bụng

Khi bị đau bụng, trẻ có thể khóc kiểu rên hoặc khóc với âm vực cao, tùy vào mức độ đau. Song song với khóc, bé sẽ không ngừng co chân, ưỡn lưng và nắm chặt bàn tay. Có nhiều nguyên nhân gây đau bụng, bạn cần theo dõi cẩn thận. Nếu bé khóc như vậy hơn 3 giờ trong ngày kèm theo bỏ bú, khó ngủ thì cần đưa bé đi khám.

Khóc làm nũng

Khi giải mã tiếng khóc của trẻ thì có rất nhiều trường hợp bé khóc không phải do đói bụng, buồn ngủ hay khó chịu, mà đơn giản là bé muốn được bạn ôm ấp, vỗ về. Lúc này, bé sẽ khóc lúc to lúc nhỏ nhưng điểm chung là không có nước mắt, tay chân quờ quạng, đầu quay sang bên này bên kia. Chỉ cần bạn ôm bé lên thì ngay lập tức, bé sẽ nín khóc.

Nhiều trẻ khóc đơn thuần là để làm nũng với bố mẹ

Khóc dạ đề

Khi tìm hiểu ý nghĩa tiếng khóc của trẻ thì bất cứ ba mẹ nào cũng không bỏ qua tiếng khóc dạ đề. Đối với trường hợp này thì dù có làm nhiều cách thì cũng khó cắt được tiếng khóc của bé. Ngược lại, bé vẫn khóc rất to và khóc liên tục. Tình trạng này có thể kéo dài trong nhiều giờ và xảy ra hàng ngày.

Cụ thể, với những trẻ khóc dạ đề thì bé có thể khóc hơn 3 giờ một ngày, hơn 3 ngày một tuần và hơn 3 tuần trong một đợt. Tuy bé khóc nhiều nhưng vẫn “ăn no ngủ kỹ” nên không ảnh hưởng đến sức khỏe hay sự tăng trưởng, phát triển. Thế nhưng, có thể làm bố mẹ hoặc người chăm sóc cảm thấy lo lắng và mệt mỏi.

3. Khi nào cần đưa bé đi khám?

Nắm được ý nghĩa tiếng khóc của trẻ là chưa đủ, bạn cần phải biết cách xử trí khi bé khóc. Đặc biệt là đưa bé đi khám trong các trường hợp sau.

●       Bé khóc từng cơn kèm nôn mửa, khả năng cao là bị rối loạn tiêu hóa, lồng ruột hay viêm màng não.

●       Bé khóc khàn giọng kèm sốt, bỏ bú, nhất là về đêm có thể là do viêm họng, viêm amidan cấp.

●       Khi bé thở khò khè vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo trẻ bị viêm đường hô hấp dưới.

●       Bé khóc và liên tục đưa tay lên vò tai, lắc đầu liên tục thì có thể do viêm tai giữa.

●       Bé khóc tím tái người hoặc khóc yếu ớt, rên ngắt quãng,… có thể do các mắc một số bệnh nghiêm trọng, tuyệt đối không chủ quan.

Bé khóc nhiều kèm các biểu hiện khác thì không được chủ quan

Và còn rất nhiều tiếng khóc khác cảnh báo nhiều bệnh lý trẻ đang gặp phải. Bạn cần nhanh chóng đưa bé đi khám để điều trị kịp thời. Để đặt lịch khám tại Chuyên khoa Nhi của Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách hãy gọi đến hotline 1900 56 56 56.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.