Tin tức

Trẻ sơ sinh hay bị trớ: Như nào là bình thường, như nào nên đi khám?

Ngày 25/09/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Bạn vừa cho con ti mẹ hoặc sữa công thức và ngay sau đó trẻ trớ ra toàn bộ. Điều này liệu có bình thường, hay đang cảnh báo một vấn đề nghiêm trọng hơn. Bài viết dưới đây sẽ giúp cha mẹ biết trẻ sơ sinh hay bị trớ là bình thường hoặc bất thường, lúc nào nên đưa trẻ đến bệnh viện.

1. Trớ sữa là gì?

Trẻ sơ sinh đều thường xuyên bị trớ sữa. Tình trạng này được gọi là nôn trớ sinh lý, gặp cả ở những trẻ sinh non và trẻ khỏe mạnh. Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Chính phủ Anh (NHS), có đến 50% trẻ sơ sinh hay bị trớ và các trường hợp này sẽ tự cải thiện theo thời gian. 

Trẻ sơ sinh bú mẹ hoặc ăn sữa công thức đều có thể gặp tình trạng nôn trớ.

Trẻ sơ sinh bú mẹ hoặc ăn sữa công thức đều có thể gặp tình trạng nôn trớ.

2. Nguyên nhân khiến trẻ nôn trớ.

Cũng theo NHS, có một số nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh hay bị trớ như sau:

Tình trạng trào ngược dạ dày thường gặp ở trẻ sơ sinh do van thực quản ở trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện, dẫn tới bé trớ ra một chút sữa sau khi ăn và cũng gây nên tình trạng nấc cụt. Van thực quản sẽ dần hoàn thiện khi bé được 3 tháng tuổi, tình trạng nôn trớ sẽ giảm mà không phải điều trị. Chỉ cần trẻ không có dấu hiệu bất thường như dịch nôn bất thường, triệu chứng kèm theo quấy khóc, không tăng cân, bỏ bú,... 

  • Dị ứng đạm bò

Đa phần các loại sữa bột dành cho trẻ sơ sinh được làm từ sữa bò. Những trẻ bẩm sinh bị dị ứng đạm bò sẽ trớ ngay sau khi ăn. Thậm chí ở trẻ bú mẹ, người mẹ ăn các sản phẩm từ sữa bò như sữa tươi, sữa chua, thịt bò,... cũng khiến trẻ sơ sinh hay bị trớ.

Để phân biệt giữa nôn trớ sinh lý và dị ứng đạm bò, cha mẹ có thể xem xét trẻ có mắc những dấu hiệu đi kèm như:

  • Da trẻ thô ráp, mẩn đỏ.
  • Trẻ khóc cong người khi bú.
  • Trẻ rặn nhiều nhưng không đi vệ sinh được.
  • Trẻ xì xoẹt nhiều lần trong ngày, phân lỏng.
  • Trẻ không tăng cân.
  • Gia đình có tiền sử dị ứng đạm bò.

Nếu nghi ngờ trẻ dị ứng đạm bò, người mẹ có thể bỏ sữa bò và các thực phẩm từ bò ra khỏi chế độ ăn của mình và theo dõi các triệu chứng có giảm không. Nếu trẻ đang ăn sữa công thức, cha mẹ có thể đổi qua các dòng sữa được điều chế riêng cho trẻ dị ứng đạm bò với thành phần từ sữa dê, sữa thủy phân một phần hoặc hoàn toàn.

Tuy nhiên, để chắc chắn trẻ sơ sinh hay bị trớ do nguyên nhân dị ứng đạm bò, cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế để khám bệnh.

  • Trẻ bất dung nạp đường

Vì một số lý do như di truyền, bệnh viêm ruột, nhiễm trùng đường ruột hoặc trẻ sinh non, trẻ có thể bị bất dung nạp đường Lactose. Lúc này trẻ sẽ thường xuyên nôn trớ, kèm theo là đi ngoài phân có bọt, chướng bụng, đầy hơi, viêm da,... Biểu hiện nôn trớ thường xuất hiện sau khi trẻ ăn, khiến trẻ quấy khóc, mệt mỏi và chậm tăng cân.

  • Hẹp môn vị

Tuy hiếm gặp nhưng trẻ sơ sinh vẫn có nguy cơ mắc căn bệnh này. Khi bị hẹp môn vị, trẻ sơ sinh hay bị trớ dữ dội sau khi ăn 30p. 

Bệnh xảy ra khi van dẫn từ dạ dày đến ruột non dày lên, khiến sữa khó di chuyển đến ruột non và bị trào ngược trở lại dạ dày. Bệnh có thể xuất hiện đột ngột khi trẻ được 6 tuần tuổi đến 16 tuần tuổi. Đôi khi tình trạng này đến từ nguyên nhân di truyền. Theo NIH, các bé trai cũng có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn bé gái gấp 4 lần.

Khi trẻ được xác định mắc hẹp môn vị, các bác sĩ có thể làm phẫu thuật đơn giản để cải thiện tình trạng này.

  • Trẻ mắc bệnh lý đường tiêu hóa

Nếu trẻ sơ sinh hay bị trớ một cách đột ngột, đi kèm với dấu hiệu tiêu chảy, mẹ có thể nghĩ ngay đến trường hợp con nhiễm virus đường tiêu hóa. Đa phần tình trạng này sẽ tự khỏi và không cần chữa trị chuyên sâu.

Để khắc phục nôn trớ do nhiễm virus, trẻ cần ăn đủ sữa mẹ hoặc sữa công thức pha đúng tỷ lệ và có thể bổ sung thêm dung dịch bù nước dưới sự chỉ dẫn của chuyên gia y tế nếu trẻ có dấu hiệu mất nước.

  • Trẻ mắc các bệnh lý nhiễm trùng

Trẻ sơ sinh có thể nôn trớ nhiều khi cơ thể bị nhiễm trùng. Dấu hiệu này đi kèm với sốt cao trên 38 độ, báo hiệu các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, hoặc nguy hiểm hơn là nhiễm trùng huyết, viêm màng não,...

Trường hợp này trẻ cần thăm khám để xác định nguyên nhân gây bệnh và được bác sĩ đưa ra liệu trình điều trị phù hợp.

3. Lúc nào trẻ sơ sinh hay bị trớ là dấu hiệu nghiêm trọng

Bạn cần đưa trẻ sơ sinh đến ngay các cơ sở y tế nếu trẻ sơ sinh hay bị trớ và có những dấu hiệu nghiêm trọng dưới đây:

  • Trẻ nôn ra chất lỏng có màu xanh như matcha.
  • Da trẻ xanh xao, loang lổ và thân nhiệt trẻ hạ bất thường.

Trẻ xanh xao, vàng vọt, cơ thể lạnh bất thường là những dấu hiệu bất thường.

Trẻ xanh xao, vàng vọt, cơ thể lạnh bất thường là những dấu hiệu cần chú ý.

  • Trẻ có dấu hiệu ngừng thở ngắt quãng khoảng 10 giây, môi trẻ trở nên tím tái.
  • Trẻ có dấu hiệu co giật.
  • Trẻ li bì hoặc khóc không ngừng.
  • Da trẻ nổi các vết phát ban.
  • Trẻ sơ sinh hay bị trớ, đi kèm sốt trên 38 độ C (ngoại trừ trường hợp trẻ tiêm vắc xin và không có dấu hiệu phát ban).
  • Trẻ nôn dữ dội, bỏ ăn, môi khô, thóp trũng, có máu trong phân.
  • Trẻ khó tăng cân, trẻ khóc nhiều và cong mình khi bú.

4. Khi nào trẻ sơ sinh hay bị trớ là bình thường.

Trẻ sơ sinh hay bị trớ được coi là nôn trớ sinh lý bình thường nếu trẻ không có bất kỳ dấu hiệu nguy hiểm nào nêu trên, đồng thời trẻ có những biểu hiện tốt dưới đây:

  • Trẻ tăng cân đều đặn.
  • Trẻ có nhiều tã ướt mỗi ngày.
  • Trẻ chơi vui vẻ và khóc đòi ăn khi đói.

5. Cha mẹ có thể làm gì để hạn chế nôn trớ cho trẻ?

Nếu trẻ sơ sinh hay bị trớ do nguyên nhân sinh lý, cha mẹ có thể giúp giảm tình trạng này cho trẻ bằng những biện pháp đơn giản sau:

  • Bế trẻ thẳng đứng 30 phút sau ăn: Sau khi trẻ ăn sữa, nên bế trẻ thẳng đứng và không nên chơi đùa ngay để tránh trẻ nôn trớ.
  • Cho bé ăn lượng vừa đủ: Tránh làm dạ dày trẻ quá tải gây ra nôn trớ. Cha mẹ nên cho trẻ ăn khoảng sáu lần mỗi ngày. Dấu hiệu trẻ đã ăn no là tay trẻ thả lỏng, trẻ ngủ sâu giấc, nước tiểu trong, trẻ không quấy khóc.
  • Vỗ ợ hơi trước và sau khi trẻ ăn: Biện pháp này làm hơi trong dạ dày thoát ra dễ dàng, hạn chế ọc sữa và đầy hơi gây đau bụng cho trẻ.

Bế trẻ thẳng đứng trong khoảng 30p sau ăn giúp làm giảm tình trạng nôn trớ sinh lý.

Bế trẻ thẳng đứng trong khoảng 30 phút sau ăn giúp làm giảm tình trạng nôn trớ sinh lý.

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp thêm thông tin cho cha mẹ khi gặp tình trạng trẻ sơ sinh hay bị trớ. Tuy nhiên những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo và không thay thế cho thăm khám y khoa. Nếu nghi ngờ trẻ sơ sinh gặp các triệu chứng nguy hiểm như trên, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chữa trị kịp thời.

Để được đặt lịch khám chữa bệnh tại Hệ thống Y tế MEDLATEC, cha mẹ có thể đăng ký khám ngay trên điện thoại qua ứng dụng My Medlatec hoặc gọi điện trực tiếp đến tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn cụ thể.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ