Các tin tức tại MEDlatec

Virus HPV lây qua đường nào và biện pháp ngừa lây nhiễm?

Ngày 05/05/2025
Tham vấn y khoa: Ths.BSNT Trần Hiền
HPV là virus có thể gây ra các vấn đề y tế nghiêm trọng như ung thư cổ tử cung, ung thư họng, ung thư dương vật,... Đây chính là lý do nhiều người quan tâm đến vấn đề HPV lây qua đường nào. Trong chia sẻ sau đây, MEDLATEC sẽ giúp bạn hiểu rõ về con đường lây nhiễm HPV và các biện pháp nên thực hiện để phòng ngừa lây nhiễm một cách hiệu quả.

1. Một số đặc điểm của virus HPV

Virus HPV (Human Papillomavirus) có thể lây nhiễm vào da và niêm mạc của con người. Có đến trên 100 chủng HPV, được phân thành 2 nhóm chính:

- HPV nguy cơ thấp: Gây mụn cóc sinh dục nhưng hầu như không dẫn đến các biến chứng ung thư. 

- HPV nguy cơ cao: Là những chủng virus có khả năng gây biến đổi tế bào và có thể dẫn đến ung thư nếu không được kiểm soát kịp thời. 

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus có thể phát triển trong một thời gian dài trước khi gây nên triệu chứng. Một số trường hợp nhiễm phải chủng có nguy cơ cao, virus có thể làm biến đổi tế bào và dẫn đến ung thư.

Một số chủng của virus HPV có nguy cơ gây ung thư

2. Virus HPV lây qua đường nào?

2.1. Con đường có thể lây nhiễm virus HPV

Do khả năng lây nhiễm nhanh và có những chủng nguy hiểm nên vấn đề HPV lây qua đường nào được nhiều người quan tâm. Các con đường lây nhiễm virus này bao gồm:

2.1.1. Lây qua quan hệ tình dục

Quan hệ tình dục là con đường chính làm lây nhiễm HPV. Virus có thể lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với vùng sinh dục, kể cả khi không có triệu chứng lâm sàng. Đây là lý do mà nhiều bệnh nhân mắc HPV không hề hay biết mình đã nhiễm virus cho đến khi các triệu chứng hoặc biến chứng về sức khỏe xuất hiện.

2.1.2. Lây qua tiếp xúc da 

Nếu bạn đang quan tâm đến vấn đề HPV lây qua đường nào thì hãy lưu ý rằng, virus này cũng có thể lây qua việc tiếp xúc da gần kề. Khi da người bình thường có vết trầy xước hoặc tổn thương tiếp xúc với vùng da tổn thương của người nhiễm virus có thể tạo điều kiện cho virus xâm nhập và gây nhiễm trùng.

2.1.3. Lây gián tiếp qua dụng cụ cá nhân

Mặc dù con đường lây nhiễm này ít khi xảy ra nhưng nếu dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn tắm, đồ lót,... với người nhiễm virus HPV thì cũng có thể bị lây bệnh.

2.2. Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị lây nhiễm HPV

Từ chia sẻ về vấn đề HPV lây qua đường nào ở trên, có thể thấy rằng, các yếu tố sau sẽ làm tăng nguy cơ bị lây nhiễm virus này:

- Có quan hệ tình dục từ 2 bạn tình trở lên.

- Hệ miễn dịch suy yếu làm giảm khả năng chống lại virus của cơ thể nên có nguy cơ cao hơn đối với sự xâm nhập của HPV.

- Tiếp xúc với vết thương hở trên da.

Không sử dụng bao cao su khi quan hệ có thể bị lây nhiễm HPV

3. Các phương pháp phòng tránh nguy cơ bị lây nhiễm HPV

Để tránh lây nhiễm HPV từ những con đường nêu trên, bạn có thể chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:

3.1. Tiêm vắc xin phòng HPV

Hiện, tiêm vắc xin HPV là phương pháp được đánh giá cao nhất để đảm bảo hiệu quả phòng ngừa bệnh lý do các chủng HPV nguy hiểm gây ra. Vắc xin này tiêm được cho cả nữ giới và nam giới. 

Chuyên gia y tế khuyến cáo tốt nhất nên tiêm HPV ở độ tuổi 9 - 14 tuổi. Giai đoạn này hệ miễn dịch đang phát triển mạnh mẽ, khả năng tạo ra đáp ứng miễn dịch cao và chưa quan hệ tình dục nên tiêm vắc xin sẽ đem lại hiệu quả phòng ngừa tốt nhất. 

Nước ta hiện đang sử dụng 2 loại vắc xin HPV là Gardasil 4 và Gardasil 9 (đều do Mỹ sản xuất), mỗi loại có phạm vi bảo vệ khác nhau:

- Gardasil 4 phòng ngừa 4 chủng HPV: 6, 11, 16 và 18.

- Gardasil 9 phòng ngừa 9 chủng HPV: 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58.

Bác sĩ của MEDLATEC giải thích để khách hàng hiểu HPV lây qua đường nào và thăm khám trước tiêm HPV

3.2. Chung thủy với một bạn tình 

Quan hệ tình dục với nhiều bạn tình làm tăng nguy cơ tiếp xúc với các chủng HPV khác nhau, trong đó có những chủng nguy cơ cao gây ung thư. Vì thế, khi cả hai người cùng có mối quan hệ thủy chung với một bạn tình và không mắc HPV từ trước thì nguy cơ lây nhiễm sẽ giảm đi đáng kể.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc chỉ có một bạn tình không đảm bảo khả năng an toàn tuyệt đối nếu người kia đã từng nhiễm HPV. Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, trao đổi thẳng thắn về tiền sử bệnh lý tình dục giữa các cặp đôi là điều cần thiết để đảm bảo hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm.

3.3. Giáo dục giới tính, tăng cường nhận thức từ sớm

Giáo dục giới tính từ sớm đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa lây nhiễm HPV. Khi trẻ em, thanh thiếu niên được trang bị kiến thức đầy đủ về sức khỏe sinh sản, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và cách tự bảo vệ bản thân, các em sẽ có khả năng tự chủ và lựa chọn hành vi an toàn cho mình.

Đặc biệt, các nội dung sau nếu được tuyên truyền tốt trong cộng đồng và nhà trường, sẽ giúp thanh thiếu niên hiểu và phòng ngừa tốt trước nguy cơ lây nhiễm HPV:

- Cách thức HPV lây truyền, ảnh hưởng đến sức khỏe.

- Tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin HPV trước khi có quan hệ tình dục.

- Khuyến khích sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để giảm nguy cơ lây nhiễm.

- Giáo dục về sự tôn trọng bản thân, biết nói “không” với những hành vi tình dục không an toàn hoặc bị ép buộc.

3.5. Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục

Bao cao su không chỉ giúp bảo vệ trước các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác mà còn giảm thiểu nguy cơ lây truyền HPV. Để đảm bảo hiệu quả của phương pháp phòng ngừa lây nhiễm này, bạn nên dùng bao cao su đúng cách và thay mới sau mỗi lần quan hệ.

3.6. Thực hiện tốt khâu vệ sinh cá nhân

Duy trì tốt khâu vệ sinh cá nhân tốt cũng là cách giúp phòng tránh, giảm thiểu yếu tố nguy cơ lây nhiễm HPV. Để thực hiện tốt khâu này, bạn cần:

- Rửa tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn và nước sạch để vi khuẩn và virus bám trên tay được loại bỏ.

- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ và thay đồ lót hàng ngày để đảm bảo vệ sinh cho môi trường vùng kín.

3.7. Thay đổi về dinh dưỡng và lối sống

Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và đầy đủ vitamin kết hợp vận động đều đặn sẽ tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể tăng khả năng chống lại virus. Do đó, bạn cần chú ý:

- Tăng cường nhóm thực phẩm giàu vitamin C, E, chất chống oxy hóa như trái cây, rau xanh,... vào chế độ ăn để bảo vệ tế bào khỏi tổn thương và tăng khả năng chống lại vi khuẩn, virus, đảm bảo khả năng hoạt động của hệ miễn dịch.

- Tránh sử dụng thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều chất béo bão hòa và đường vì chúng làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể.

- Hoạt động thể chất đều đặn mỗi ngày để tăng cường hệ miễn dịch và cải thiện lưu thông máu.

3.8. Khám phụ khoa và sàng lọc HPV định kỳ

Phát hiện sớm các dấu hiệu nhiễm HPV thông qua kiểm tra sức khỏe định kỳ là cách tốt nhất để phòng tránh biến chứng nghiêm trọng do virus này gây ra. Ngoài ra, phụ nữ cũng nên thực hiện xét nghiệm Pap smear định kỳ để phát hiện sớm bất kỳ sự thay đổi bất thường nào ở tế bào cổ tử cung, phòng ngừa bệnh ung thư.

Trường hợp được bác sĩ chỉ định xét nghiệm HPV DNA, nữ giới nên thực hiện để xác định loại HPV đang mắc phải có thuộc nhóm nguy cơ cao gây ung thư không để kịp thời điều trị.

Những chia sẻ trên đây mong rằng sẽ hữu ích với bạn trong quá trình tìm hiểu HPV lây qua đường nào để biết cách thực hiện các biện pháp giúp phòng ngừa lây nhiễm cho chính bản thân và cộng đồng.

Trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ lây nhiễm HPV, quý khách hàng có thể liên hệ Hotline của Hệ thống Y tế MEDLATEC: 1900 56 56 56 để được tư vấn dịch vụ xét nghiệm HPV tự lấy mẫu tại nhà hoặc lấy mẫu tại cơ sở của MEDLATEC, giúp chẩn đoán đúng và kịp thời điều trị hiệu quả.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.