Tin tức
Mang thai mấy tuần thì biết thai ngoài tử cung, làm cách nào chẩn đoán?
- 08/07/2021 | Thai ngoài tử cung siêu âm có thấy không và những thông tin cần biết
- 15/09/2022 | Khi nào mẹ bầu phải thực hiện nội soi thai ngoài tử cung?
- 03/09/2024 | Sau mổ thai ngoài tử cung nên ăn trái cây gì? Những vấn đề cần lưu ý
1. Tại sao bị mang thai ngoài tử cung?
Thai ngoài tử cung là tình trạng trứng sau khi thụ tinh phát triển ở vòi trứng, buồng trứng,... chứ không làm tổ trong buồng tử cung như bình thường. Tình trạng thai ngoài tử cung thường xảy ra do:
- Vòi trứng bị tắc hoặc tổn thương vòi trứng do viêm nhiễm hoặc có sẹo từ lần phẫu thuật trước đó.
- Mắc bệnh lây qua đường tình dục khiến cơ quan sinh sản bị viêm nhiễm.
- Rối loạn nội tiết ảnh hưởng đến sự di chuyển của trứng trong quá trình thụ tinh.
- Vòi trứng bị dị tật bẩm sinh hoặc có khối u gây cản trở quá trình làm tổ của phôi.
- Chị em có tiền sử thai ngoài tử cung dễ tái phát.
Bất thường về vòi trứng có thể dẫn đến thai ngoài tử cung
2. Mang thai mấy tuần thì biết thai ngoài tử cung, chẩn đoán bằng cách nào?
2.1. Thời điểm xuất hiện dấu hiệu mang thai ngoài tử cung
Do tính chất nguy hiểm của thai ngoài tử cung nên nữ giới rất quan tâm đến vấn đề mấy tuần thì biết thai ngoài tử cung. Bình thường, khoảng tuần thứ 4 - 6 sau khi thụ thai thành công, các dấu hiệu thai ngoài tử cung bắt đầu xuất hiện, thường gặp nhất là:
- Chậm kinh và thử que lên hai vạch hoặc xét nghiệm máu có kết luận có thai.
- Bụng dưới đau âm ỉ hoặc dữ dội, chủ yếu đau ở một bên bụng.
- Ra máu âm đạo bất thường màu nâu sẫm hoặc nâu đen, khác với máu kinh.
- Chóng mặt, tụt huyết áp.
- Buồn nôn, khó chịu.
Điều đáng nói là những dấu hiệu này dễ gây nhầm lẫn với thai kỳ bình thường hoặc các bệnh lý sản phụ khoa khác, nên nếu chỉ dựa vào các triệu chứng đó cũng không thể giải đáp được câu hỏi mấy tuần thì biết thai ngoài tử cung và chẩn đoán chính xác tình trạng này.
2.2. Chẩn đoán thai ngoài tử cung chính xác từ tuần thứ mấy, bằng cách nào?
Cách duy nhất để chẩn đoán đúng thai ngoài tử cung là thăm khám bác sĩ Sản khoa và thực hiện các kiểm tra lâm sàng, cận lâm sàng:
2.2.1. Khám lâm sàng
Khám lâm sàng giúp bác sĩ đánh giá tình trạng tổng thể của mẹ bầu và phát hiện các dấu hiệu bất thường như đau bụng dưới, chảy máu âm đạo, tụt huyết áp, da niêm mạc,... Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử sức khỏe sinh sản, tiền sử mang thai ngoài tử cung hoặc các yếu tố nguy cơ. Sau đó, bác sĩ sẽ khám bụng để đánh giá mức độ và vị trí đau của người bệnh.
Khám lâm sàng chỉ cung cấp thông tin để bác sĩ có chẩn đoán ban đầu. Mặt khác, kết quả của quá trình này mang tính chủ quan và phụ thuộc vào kinh nghiệm của bác sĩ. Vì thế, người bệnh cần thực hiện thêm các kiểm tra cận lâm sàng để có cơ sở kết luận chính xác về thai ngoài tử cung.
2.2.2. Siêu âm đầu dò
Siêu âm đầu dò giúp phát hiện vị trí túi thai có trong tử cung hay không. Trong trường hợp thai ngoài tử cung, siêu âm có thể phát hiện túi thai ở vòi trứng, buồng trứng,...
Quá trình siêu âm đầu dò được diễn ra dưới sự hỗ trợ của đầu dò siêu âm nhỏ đưa vào âm đạo nữ giới. Hình ảnh tử cung và các cấu trúc lân cận sẽ được hiển thị trên màn hình máy tính, nhờ đó, bác sĩ đánh giá vị trí, kích thước túi thai, dịch cùng đồ douglas, dịch máu trong ổ bụng và các cơ quan xung quanh.
Với vấn đề mấy tuần thì biết thai ngoài tử cung, nếu tiến hành siêu âm thì có thể phát hiện sớm thai ngoài tử cung từ khi túi thai còn nhỏ. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, túi thai có thể chưa hiện rõ, nên vẫn cần tái khám thường xuyên để theo dõi và đưa ra kết luận cuối cùng.
Bác sĩ thực hiện siêu âm đầu dò để có căn cứ chẩn đoán thai ngoài tử cung
2.2.3. Xét nghiệm beta hCG
Beta hCG là hormone được sản sinh từ thai nên sự xuất hiện của hormone này trong máu sẽ giúp xác định đúng khả năng mang thai. Đối với thai kỳ bình thường, nồng độ hCG tăng gấp đôi giữa các lần xét nghiệm; nếu tăng chậm hoặc cao bất thường thì có thể nghi ngờ thai ngoài tử cung.
Xét nghiệm định lượng beta hCG được thực hiện bằng mẫu máu của nữ giới. Bác sĩ sẽ dùng kết quả xét nghiệm để so sánh nồng độ hCG hiện tại với mức bình thường của thai kỳ cùng thời điểm.
Điều đáng nói là nồng độ hCG có thể thay đổi theo từng giai đoạn, ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố cá nhân nên vẫn cần xét nghiệm nhiều lần để có kết luận chính xác.
3. Phòng ngừa mang thai ngoài tử cung như thế nào?
Tuy không thể phòng ngừa hoàn toàn nhưng một số biện pháp sau đây có thể giúp nữ giới giảm thiểu được nguy cơ mang thai ngoài tử cung:
- Quan hệ tình dục an toàn để tránh nguy cơ mắc phải bệnh lây bệnh qua đường tình dục.
- Kiểm tra sức khỏe sinh sản định kỳ để phát hiện sớm các bất thường ở tử cung, vòi trứng.
- Không nạo phá thai để tránh gây tổn thương vòi trứng.
- Đi khám sớm khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ có thai để chẩn đoán sớm tình trạng thai.
Sản phụ được bác sĩ giải thích về câu hỏi từ mấy tuần thì biết thai ngoài tử cung
Thai ngoài tử cung là cấp cứu sản khoa. Nếu không được phát hiện và điều trị ngay, thai ngoài tử cung có thể khiến thai phụ tử vong do mất máu nặng và sốc phản vệ. Đây cũng chính là lý do khiến cho nhiều phụ nữ quan tâm tới vấn đề mấy tuần thì biết thai ngoài tử cung.
Bằng siêu âm đầu dò và xét nghiệm máu beta-hcg có thể chẩn đoán sớm thai ngoài tử cung. Vì thế, trường hợp nghi ngờ thai ngoài tử cung, quý khách hàng có thể nhanh chóng đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56. Bằng những kiểm tra cần thiết, bác sĩ sẽ nhận đúng tình trạng này và giúp quý khách biết cách xử trí phù hợp để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của chính mình.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
