Tin tức

Chăm lấy rái tai cho con dẫn tới thủng màng nhĩ

Ngày 19/08/2015
Phúc Mai
Các bác sĩ khuyên không nên lấy ráy tai cho trẻ khi còn quá nhỏ vì có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến thính giác của bé.
Ngoáy tai cho con thường xuyên là sai

Ảnh minh hoạ

Hàng ngày sau khi tắm cho con xong, chị Mai Thị Thúy Vân trú tại Cầu Giấy lại lấy bông tăm ngoáy tai cho cô con gái 2 tuổi. Chị Vân kể đó là thói quen. Hàng tuần, chị lấy đồ lấy ráy tai bằng inox để lấy các ráy trong tai. Còn ngoáy bông tăm thì chị dùng hàng ngày cho bé. 

Cách đây một tháng, con gái chị Vân được bố tắm cho. Mẹ đi vắng bố tắm không lấy bông tăm ngoáy tai nên cô bé thấy thiếu thiếu, bèn vào bàn mở hộp bông tăm lấy một cái cắm vào lỗ tai. Do bố bé không để ý bé cắm bông trong tai đi lại trong nhà nên khi bé bị trượt ngã, bông tai đã đâm sâu vào bên trong. Cháu bé được đưa vào một phòng khám tư gần nhà sơ cứu rồi đưa vào bệnh viện Nhi trung ương. Tại đây, bác sĩ cho biết cháu bị thủng màng nhĩ do bông tai ngoáy vào.

Trường hợp bé Minh Khang con chị Phạm Thị Huệ, Lê Hồng Phong, Hà Đông, Hà Nội cũng tương tự. Thấy mẹ thường lấy đồ lấy ráy rai bằng inox ngoáy tai cho mình, bé Khang rất thích. Chị Huệ kể có lúc bé không chịu ngủ, chị còn lấy bông ngoáy tai ra ngoáy cho con buồn buồn để bé ngủ. Một lần, khi chị đang ngoáy tai cho bé thì có điện thoại. Chị để đó ra ngoài nghe rồi quên mất mình đang lấy ráy tai cho con. Một lát sau chị nghe bé Minh Khang khóc thét, chiếc que lấy ráy tai còn trong lỗ tai của bé và có ít máu chảy ra. Đưa con vào Bệnh viện 103 khám, bác sĩ chẩn đoán cháu bị thủng màng nhĩ trái do ngoáy tai.

Bác sĩ Trần Thu Thủy - Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, trên thực tế, không ít cha mẹ tỏ ra quá sốt sắng trong việc làm vệ sinh ống tai cho con. Tốt nhất nên tránh dùng tăm bông hoặc các vật dụng dài để đưa vào tai của trẻ. Khi quá mạnh tay, tăm bông còn có thể làm tổn thương hoặc thủng màng nhĩ. Hàng ngày, khi tắm cho bé, mẹ chỉ cần dùng khăn ướt lau nhẹ vùng tai ngoài là đủ.

Không cần phải lấy ráy tai cho trẻ

Theo bác sĩ Thủy, ráy tai là hỗn hợp hòa tan trong nước của da chết, lông và chất tiết từ các tuyến nhầy ở ống tai. Ráy tai chỉ được hình thành ở 1/3 ngoài của ống tai, phần sâu bên trong gần với màng nhĩ không sản sinh chất này.

Ráy tai giúp điều hòa pH, diệt khuẩn, diệt nấm và bảo vệ lớp lót nhạy cảm của ống tai khỏi tác động của nước. Đây là một phần cơ chế tự bảo vệ của tai, giúp làm sạch, ngăn không cho bụi và vi khuẩn từ môi trường đi sâu vào bên trong tai, gây tổn thương hoặc nhiễm trùng màng nhĩ. Sự tích tụ của ráy tai không hề gây nhiễm trùng tai như nhiều người thường nghĩ. Trái lại, thiếu các thành phần bôi trơn và diệt khuẩn của ráy tai, tai có thể bị khô và ngứa.

Nhiều người nhầm tưởng rằng cần loại bỏ ráy tai hàng ngày như một biện pháp vệ sinh thân thể, thực tế không phải vậy. Trong đa số trường hợp, ống tai ngoài sẽ tự làm sạch. Nhờ động tác nhai và chuyển động của hàm, ráy tai cũ và các tế bào da chết liên tục di chuyển từ phía màng nhĩ tới lỗ tai ngoài. Chúng khô dần và rơi ra ngoài.

Ống tai ngoài quá nhỏ hoặc hình dáng khác thường có thể khiến ráy tai khó thoát ra ngoài, dẫn tới hình thành nút ráy tai. Nút ráy tai cũng xuất hiện khi chất này bị đẩy sâu vào trong ống tai. Khoảng 6% trong chúng ta có nút ráy tai. Nguyên nhân hay gặp nhất là do sử dụng tăm bông hoặc những vật dụng khác để lấy ráy tai. Rất tiếc, động tác này chỉ giúp loại bỏ phần ráy tai ở nông bên ngoài, trong khi lại đẩy phần ráy tai còn lại vào sâu hơn bên trong, tạo điều kiện hình thành nút ráy tai.

Ráy tai chỉ thực sự gây rắc rối trong hai trường hợp. Thứ nhất, khi chúng tích tụ quá nhiều, cản trở việc quan sát màng nhĩ của bác sĩ trong lúc thăm khám. Thứ hai, khi chúng gây tắc nghẽn hoàn toàn ống tai ngoài. Lúc này thính lực của trẻ có thể bị giảm. Cảm giác tắc nghẽn hoặc giảm thính lực có thể tăng sau khi trẻ tắm hoặc bơi, do nút ráy tai gặp nước trương to lên. Trường hợp nút ráy tai che lấp toàn bộ màng nhĩ, trẻ có thể mất khả năng nghe tạm thời. Với trẻ nhỏ đang trong giai đoạn học nói, nút ráy tai để quá lâu có thể khiến bé chậm nói.

Khi khám và phát hiện trẻ có nhiều ráy tai, gây trở ngại cho việc quan sát toàn bộ màng nhĩ, bác sĩ có thể dùng dụng cụ chuyên dụng để loại bỏ ráy tai. Trường hợp ráy tai cứng khó lấy và màng nhĩ không bị thủng, bác sĩ có thể khuyên mẹ làm mềm ráy tai tại nhà trước khi đưa bé đi khám lại.


Nguồn: infonet

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.