Tin tức
Độc tính của thuốc gây tê tại chỗ
Các biểu hiện của nhiễm độc thuốc gây tê
Nhiễm độc thuốc gây tê chủ yếu ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và hệ tim mạch, trong đó, các biểu hiện ở hệ thần kinh trung ương thường gặp hơn và xảy ra sớm hơn so với các biểu hiện ở hệ tim mạch. Các biểu hiện nhiễm độc cấp tính thường xảy ra do nồng độ thuốc tăng nhanh trong máu. Do đó, khi tiêm nhanh một liều nhỏ của thuốc gây tê cũng có thể gây ra các biểu hiện nhiễm độc cấp tính.
Biểu hiện ở hệ thần kinh trung ương: Các biểu hiện do kích thích hệ thần kinh trung ương thường xảy ra sớm, giai đoạn muộn là các biểu hiện do tác dụng ức chế thần kinh của thuốc. Những trường hợp nhẹ hoặc trong giai đoạn sớm, người bệnh thường có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, ù tai, tê bì đầu chi, rối loạn vị giác, lú lẫn và buồn ngủ. Trong quá trình tiêm, thầy thuốc cần liên tục hỏi bệnh nhân về cảm giác của họ, nếu có dấu hiệu nghi ngờ có nhiễm độc thuốc, cần ngay lập tức ngừng tiêm. Những trường hợp nặng, người bệnh có thể co giật, mất ý thức, hôn mê, suy hô hấp và ngừng thở. Tùy thuộc vào loại thuốc và tốc độ tăng của nồng độ thuốc trong máu, bệnh nhân có thể tỉnh lại sau một thời gian ngắn.
Các biểu hiện ở hệ tim mạch: Ở các trường hợp nhiễm độc nhẹ hoặc trong giai đoạn sớm, người bệnh thường có nhịp tim nhanh và tăng huyết áp, đặc biệt là khi thuốc gây tê được tiêm kết hợp với adrenalin. Sau đó người bệnh thường biểu hiện nhịp tim chậm và tụt huyết áp. Những trường hợp nặng, người bệnh có trụy tim mạch và rối loạn nhịp tim do tác dụng gây độc trực tiếp của thuốc tê trên tế bào cơ tim. Nói chung, bupivacain có độc tính trên cơ tim cao hơn so với lidocain. Rối loạn nhịp tim do thuốc gây tê có thể rất nặng và dai dẳng, khó điều trị. Nồng độ thuốc gây tê đủ để gây trụy tim mạch thường cao gấp 4 - 7 lần nồng độ thuốc đủ để gây ra co giật.
Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm độc thuốc gây tê tại chỗ, cần sử dụng đúng liều thuốc, lựa chọn những thuốc ít độc tính, giảm liều thuốc ở những người bệnh lớn tuổi hoặc có thể trạng gày yếu, tiêm thuốc chậm và lưu ý rút pit tông liên tục trong khi tiêm xem có máu ra không để đề phòng tiêm vào mạch máu. Tiêm thuốc gây tê đồng thời với adrenalin (epinephrin) cũng là một biện pháp có thể giúp giảm tốc độ hấp thu thuốc vào máu. Các nghiên cứu cho thấy, việc tiêm phối hợp với adrenalin gây giảm nồng độ tối đa của thuốc gây tê trong máu khoảng 50%. Adrenalin thường được pha ở nồng độ 1/200.000, với liều tối đa là 200 microgam. Cần lưu ý là việc tiêm phối hợp với adrenalin sẽ không giúp giảm được độc tính của thuốc gây tê nếu hỗn hợp thuốc được tiêm vào mạch máu.
Nên đặt sẵn đường truyền tĩnh mạch và chuẩn bị các thuốc và phương tiện cấp cứu trước khi gây tê. Sau khi gây tê, người bệnh cũng cần được theo dõi tại cơ sở y tế để phát hiện sớm các độc tính của thuốc có thể xảy ra sau đó.
Điều trị
Nếu người bệnh có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm độc thuốc gây tê trong quá trình tiêm, cần ngay lập tức ngừng tiêm và mở đường truyền tĩnh mạch. Phải đảm bảo thông thoáng đường thở và cho bệnh nhân thở ôxy nồng độ cao nếu có. Cung cấp đủ ôxy giúp ngăn ngừa tổn thương não, tình trạng co giật và các rối loạn nhịp tim khó kiểm soát. Nếu bệnh nhân co giật, có thể dùng diazepam tiêm tĩnh mạch hoặc đặt hậu môn. Các trường hợp hôn mê phải nhanh chóng đặt ống nội khí quản và cho bệnh nhân thở máy. Nếu bệnh nhân bị trụy tim mạch, cần điều trị bằng truyền dịch và các thuốc co mạch như ephedrin. Nếu ephedrin không hiệu quả, có thể dùng adrenalin dung dịch 1:1000 tiêm dưới da 0,3ml hoặc dung dịch 1:10,000 tiêm tĩnh mạch chậm 0,5 - 1ml. Điều trị các rối loạn nhịp tim nếu có, ép tim khi có ngừng tuần hoàn.
Nhiễm độc thuốc gây tê thường có tiên lượng tốt nếu người bệnh được phát hiện và điều trị sớm. Tình trạng nhiễm độc thường nhanh chóng hồi phục nếu được điều trị đúng.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!