Tin tức
Tiêu chảy cấp do rotavirus ở người lớn: Không thể xem nhẹ
Theo số liệu thống kê, trong tháng 01/2013, tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC đã có 84 bệnh nhân tiêu chảy cấp do rotavirus gồm 82 bệnh nhân nhi và 2 bệnh nhân người lớn. Sau đây là 2 trường hợp bị tiêu chảy cấp do rotavirus ở người lớn tại bệnh viện MEDLATEC đã cho thấy mức độ khá nghiêm trọng của bệnh ở người lớn.
Rotavirus ở người lớn không thể xem nhẹ
Đó là trường hợp của bệnh nhân Bùi Thu T (29 tuổi, ở Văn Quán, Hà Nội), sau một ngày bị đi ngoài 15 lần đã gửi mẫu phân đến xét nghiệm tại Bệnh viện MEDLATEC (ngày 3/01/2013). Xét nghiệm mẫu phân cho kết quả dương tính với rotavirus. Khai thác bệnh sử, bệnh nhân có con nhỏ 2 tuổi mới mắc tiêu chảy cấp do rotavirus cách đó 5 ngày. Bệnh nhân đã được bác sĩ của bệnh viện kê đơn điều trị, theo dõi và đã ổn định sau 7 ngày.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân Phạm Ngọc H (58 tuổi, ở Hàng Bông, Hà Nội), chưa có tiền sử gì đặc biệt, khởi bệnh có sốt nhẹ, sau đó biểu hiện nôn và đi ngoài phân lỏng 8-9 lần/ngày. Bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC ngày thứ 3 (ngày 13/01/2013), xét nghiệm mẫu phân dương tính với virus Rota kèm theo mức độ loạn khuẩn ruột rất nặng. Xét nghiệm máu còn cho thấy tình trạng mất nước, điện giải khá nặng do hậu quả của tiêu chảy. Bác sỹ khám lâm sàng và chẩn đoán bệnh nhân bị mất nước mức độ B. Do ăn uống kém và thể trạng yếu, bệnh nhân được bù nước, điện giải cấp cứu, sau đó kê đơn điều trị và theo dõi tiếp tại nhà. Hiện tại, bệnh nhân đã hoàn toàn khỏe mạnh.
Nguyên nhân gây bệnh
Tiêu chảy cấp ở người lớn hay gặp do các căn nguyên vi khuẩn như: tả, lỵ trực khuẩn, vi khuẩn Ecoli sinh độc tố ruột, salmonella, các loại ký sinh trùng như lỵ amip... Căn nguyên rotavirus ít có vai trò quan trọng trong bệnh sinh tiêu chảy cấp ở người lớn. Bệnh cũng ít gây những triệu chứng bệnh nặng giống như ở trẻ em do hệ tiêu hóa có sức đề kháng và thích nghi tốt hơn. Tuy nhiên, những ghi nhận từ 2 trường hợp trên cho thấy chúng ta không thể bất cẩn với dịch bệnh này ở mọi đối tượng, nhất là trong mùa dịch tễ cao điểm của bệnh (mùa đông, thời tiết khô và lạnh).
Bệnh pháp phòng bệnh
Vệ sinh phòng bệnh là chủ yếu vì bệnh lây theo con đường phân miệng: phân người bị bệnh làm nhiễm bẩn thức ăn, nước uống. Cá thể khác khi ăn uống phải thức ăn, nước uống này sẽ bị tiêu chảy. Rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, ăn sạch, uống sôi, đặc biệt ở những nơi có người đang mắc bệnh là cách phòng bệnh tốt nhất. Bên cạnh đó, các trẻ từ 6 tuần tuổi đến 5 tháng tuổi nên được đi uống vắc xin để phòng bệnh đặc hiệu nhất. Khi mắc bệnh, cần nhận biết những dấu hiệu sớm của bệnh: khởi bệnh thường sốt nhẹ, sau đó nôn nhiều (trớ ở trẻ nhỏ) trong khoảng 1-3 ngày, tiếp đó xuất hiện đi ngoài phân lỏng tóe nước với số lần đi rất nhiều. Bệnh thường biểu hiện nặng nhất ở ngày thứ 3- 5 của bệnh với nguy cơ mất nước điện giải nhiều và cấp tính. Sau đó giảm dần và thường ổn định vào ngày thứ 10-14 của bệnh. Khi được điều trị, chăm sóc đúng và kịp thời, bệnh hoàn toàn khỏi không để lại hậu quả gì.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!