Tin tức
30 tuổi mọc răng khôn – có đáng lo ngại?
- 10/09/2024 | Khi nào nên nhổ răng khôn và chi tiết quy trình thực hiện
- 27/03/2025 | Mọc răng khôn đau mấy ngày và cách xử trí khi răng khôn gây đau
- 31/03/2025 | Nhận biết dấu hiệu nhiễm trùng sau khi nhổ răng khôn và cách xử trí an toàn
1. Độ tuổi mọc răng khôn phổ biến
Răng khôn còn có tên gọi khác là răng số 8 hoặc răng cối lớn thứ ba, chúng nằm ở vị trí cuối cùng trên cung hàm. Thông thường, mỗi người có 4 chiếc răng khôn, nằm ở vị trí trong cùng của cả hàm trên và hàm dưới. Thông thường, răng số 8 mọc trong khoảng từ 17 đến 25 tuổi. Tuy nhiên, thời điểm mọc răng khôn có thể khác biệt ở mỗi người, có người mọc sớm hơn hoặc muộn hơn, thậm chí có trường hợp đến 30-40 tuổi răng khôn mới bắt đầu mọc.
Độ tuổi mọc răng khôn phổ biến là từ 17 đến 25 tuổi
Quá trình mọc răng khôn có thể kéo dài trong vài tháng đến vài năm, với các đợt mọc răng cách nhau. Trong thời gian này, bạn có thể gặp phải các triệu chứng như:
- Đau nhức: Cảm giác đau ở vùng trong cùng của hàm, có thể lan ra tai và thái dương;
- Sưng nướu: Nướu ở vị trí răng khôn mọc có thể sưng đỏ và đau;
- Khó há miệng: Trong một số trường hợp, sưng đau có thể khiến bạn khó há miệng rộng;
- Hôi miệng: Do răng khôn mọc ở vị trí khó vệ sinh, thức ăn dễ mắc kẹt gây hôi miệng.
Trong nhiều trường hợp, răng khôn không mọc thẳng hàng mà có xu hướng mọc lệch, mọc ngầm, gây ra nhiều vấn đề như:
- Chèn ép các răng bên cạnh: Răng khôn mọc lệch có thể đẩy vào răng số 7, gây đau nhức và xô lệch răng;
- Tăng nguy cơ sâu răng và viêm nướu: Vị trí khó vệ sinh của răng khôn và tình trạng mọc lệch giúp vi khuẩn có điều kiện phát triển tốt, dẫn đến sâu răng và viêm nướu;
- Gây u nang: Trong một số ít trường hợp, tình trạng u nang xương hàm có thể hình thành do răng khôn mọc ngầm.
Chính vì vậy, răng khôn khi gây ra bệnh lý thường được các bác sĩ nha khoa khuyến cáo nhổ bỏ, đặc biệt là khi chúng mọc lệch hoặc gây ra các triệu chứng khó chịu. Thời điểm tốt nhất để nhổ răng khôn thường là từ 18 đến 25 tuổi, khi chân răng chưa phát triển hoàn toàn và xương hàm chưa quá cứng chắc, giúp việc nhổ răng diễn ra dễ dàng và nhanh chóng hơn.
2. 30 tuổi mọc răng khôn có đáng lo ngại không?
Khi răng khôn bắt đầu nhú lên, nướu và xương hàm đã phát triển hoàn thiện, các răng khác trên hàm cũng đã ổn định vị trí và gần như không còn chỗ trống. Do đó, răng khôn thường gặp khó khăn trong việc mọc thẳng hàng như các răng khác. Điều này khiến cho bất kỳ độ tuổi nào cũng đều tiềm ẩn nguy cơ cao gặp phải tình trạng mọc lệch, mọc ngầm. Lúc này, răng khôn không chỉ gây đau nhức khó chịu mà còn có thể kéo theo hàng loạt biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe răng miệng, có thể kể đến như sau:
- Viêm lợi trùm: Khi một phần thân răng khôn bị lợi che phủ, vi khuẩn rất dễ tích tụ gây viêm nhiễm, sưng đỏ, đau nhức;
- Ảnh hưởng đến răng bên cạnh: Răng khôn mọc lệch có thể chèn ép, đẩy răng số 7, gây đau, xô lệch răng, thậm chí làm tiêu chân răng số 7;
Người 30 tuổi mọc răng khôn gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng
- Sâu răng, hôi miệng: Do nằm sâu trong cung hàm, răng khôn rất khó làm sạch. Thức ăn dễ mắc kẹt và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến sâu răng và hơi thở có mùi khó chịu;
- Gây lệch khớp cắn, sai lệch hàm: Khi răng khôn mọc chen lấn vào vị trí các răng khác, toàn bộ cấu trúc hàm có thể bị ảnh hưởng, gây lệch khớp cắn và mất cân đối khuôn mặt;
- Khó khăn trong điều trị: Nếu cần nhổ răng khôn ở độ tuổi 30, quá trình nhổ có thể phức tạp hơn, thời gian hồi phục lâu hơn và nguy cơ biến chứng cũng có thể cao hơn so với tuổi trẻ do xương hàm đã đặc và chân răng đã phát triển hoàn chỉnh.
3. Liệu có cần nhổ răng khôn khi 30 tuổi mới mọc?
Như đã thông tin ở trên, những triệu chứng và các vấn đề phát sinh của mọc răng khôn có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Câu hỏi người 30 tuổi mọc răng khôn có nên nhổ răng hay không nên được đưa ra sau khi bạn đã được bác sĩ nha khoa thăm khám kỹ lưỡng và chụp X-quang. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng mọc răng, vị trí, hướng mọc của răng khôn, cũng như tình trạng sức khỏe răng miệng tổng thể của bạn để đưa ra lời khuyên phù hợp nhất.
Bạn đọc hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc 30 tuổi mọc răng khôn có nên nhổ không?
Nếu người 30 tuổi mọc răng khôn thẳng đứng bình thường không gây đau nhức, không ảnh hưởng đến các răng bên cạnh, dễ dàng vệ sinh và có chức năng ăn nhai tốt, thì việc nhổ bỏ có thể chưa cần tiến hành ngay. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần theo dõi định kỳ và giữ gìn vệ sinh răng miệng sạch sẽ, để hạn chế các viêm nhiễm có thể xảy ra.
Trong trường hợp răng khôn mọc lệch, mọc ngầm gây ra các triệu chứng như đau nhức, sưng má, viêm nhiễm, khó khăn khi mở miệng… người bệnh nên đến cơ sở nha khoa để bác sĩ kiểm tra và xác định tình trạng cụ thể. Lúc này, việc nhổ răng cần được tiến hành sớm, giúp loại bỏ những triệu chứng khó chịu nêu trên và hạn chế các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Tóm lại, việc xử trí tình trạng 30 tuổi mọc răng khôn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, do đó bạn đọc hãy lựa chọn cơ sở y tế uy tín để tiến hành thăm khám và có được lời khuyên phù hợp nhất từ bác sĩ chuyên khoa. Nếu có thêm thắc mắc liên quan cần giải đáp hoặc nhu cầu thăm khám chuyên khoa Răng hàm mặt nói chung và xử trí tình trạng răng khôn nói riêng, bạn đọc hãy liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ kịp thời và nhanh chóng.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
