Tin tức

4 Nhóm thuốc điều trị viêm lợi và trường hợp được chỉ định

Ngày 20/02/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Bùi Thị Thanh
Cho đến nay, phương pháp điều trị viêm lợi phổ biến nhất vẫn là dùng thuốc để kiểm soát triệu chứng và ngăn chặn tình trạng viêm tiến triển nặng hơn. Các loại thuốc điều trị viêm lợi hiện tương đối đa dạng. Vậy đâu là các nhóm thuốc có hiệu quả và đang được sử dụng nhiều?

1. Thuốc điều trị viêm lợi là gì? 

Viêm lợi gây tình trạng sưng, đau, chảy máu,... tại tổ chức chân răng. Nguyên nhân gây viêm ở đây là do sự tấn công của vi khuẩn, virus. Thuốc điều trị viêm lợi thường có tác dụng chống viêm, giảm đau. Những loại thuốc này chủ yếu được chỉ định khi triệu chứng sưng đỏ niêm mạc, đau nhức đã bắt đầu diễn biến nghiêm trọng. 

Thuốc điều trị viêm lợi gồm nhiều loại

Thuốc điều trị viêm lợi gồm nhiều loại

2. Các nhóm thuốc điều trị viêm lợi và trường hợp chỉ định 

Thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm corticosteroid, thuốc giảm đau thông thường,... là một số loại thuốc có thể được chỉ định cho người bị viêm lợi. Cụ thể:

2.1. Nhóm thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh sử dụng để điều trị viêm lợi có khả năng tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn cư trú trong khu vực khoang miệng, vùng nướu răng. Từ đó, ngăn chặn hiện tượng viêm, kiểm soát triệu chứng hiệu quả hơn. Một vài loại kháng sinh hay được sử dụng trong điều trị viêm lợi phải kể đến là:

  • Penicillin: Liều lượng sử dụng tham khảo vào khoảng 500mg, dùng cách lần 8 tiếng; hoặc 1000mg, dùng cách lần 12 tiếng. 
  • Erythromycin: Tác dụng điều trị giống như Penicillin. Thuốc này thường được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân bị dị ứng với kháng sinh Penicillin. 
  • Clindamycin: Giúp tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn phát triển trong khoang miệng. Phụ thuộc theo diễn biến bệnh lý, liều lượng sử dụng có thể vào khoảng 600mg hoặc 300mg, dùng cách lần 8 tiếng. 
  • Tetracycline: Hỗ trợ kìm hãm, tiêu diệt phần nào vi khuẩn gây tình trạng viêm lợi. Ngoài ra, loại kháng sinh này cũng giúp ngăn ngừa hiện tượng nướu viêm loét, chân răng bị chảy máu hoặc chảy mủ. 
  • Azithromycin: Giúp ngăn chặn quá trình sinh sôi của nhiều loại vi khuẩn gây viêm lợi. Azithromycin cũng có thể được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân bị dị ứng với kháng sinh Penicillin. 

Thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt khuẩn gây viêm lợi

Thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt khuẩn gây viêm lợi 

2.2. Nhóm thuốc chứa chất kháng viêm non-steroid

Ngoài kháng sinh, người bị viêm lợi có thể được bác sĩ chỉ định điều trị bằng thuốc chứa thành phần kháng viêm non-steroid như Ibuprofen, Diclophenac,... nhằm kiểm soát triệu chứng sưng, viêm. Trong đó, Ibuprofen là loại thuốc điều trị viêm lợi phổ biến hơn cả, bởi thuốc có tác dụng giúp giảm đau, giảm viêm. Tuy nhiên, người từng bị hen suyễn, gặp vấn đề về đường tiêu hóa nên thông báo tiền sử bệnh lý trước khi được bác sĩ kê đơn điều trị bằng những loại thuốc thuộc nhóm chứa chất kháng viêm non-steroid. 

Hiệu quả giảm đau của thuốc sẽ phụ thuộc theo khả năng đáp ứng điều trị của từng người bệnh. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ cho người bệnh dùng kết hợp thêm thuốc giảm đau

Nhóm thuốc chứa chất kháng viêm non-steroid giúp giảm tình trạng viêm, sưng

Nhóm thuốc chứa chất kháng viêm non-steroid giúp giảm tình trạng viêm, sưng 

2.3. Nhóm thuốc chống viêm corticosteroid

Các loại thuốc chống viêm corticosteroid giúp giảm tình trạng khó chịu, cùng triệu chứng sưng. Tuy nhiên, những loại thuốc này chỉ thích hợp sử dụng trong ngắn hạn. 

Prednisolon và Dexamethasone là hai loại thuốc chống viêm corticosteroid dùng trong điều trị viêm lợi phổ biến nhất. Bên cạnh điều trị viêm lợi, chúng còn giúp giảm tình trạng nhức răng, sưng lợi, đau nhức răng, hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý về răng miệng khác. 

2.3. Nhóm thuốc hỗ trợ diệt khuẩn

Chlorhexidine là loại thuốc điều chế theo dạng dung dịch có tác dụng diệt khuẩn, hay được chỉ định trong điều trị viêm lợi. Mặc dù vậy trong thời gian dùng thuốc, răng dễ bị vàng. Tình trạng này sẽ chấm dứt khi mọi người ngừng sử dụng loại dung dịch này. 

Bên cạnh Chlorhexidine thì những hoạt chất sát khuẩn như Hexetidine, Stannous Fluoride,... cũng có thể dùng để điều trị viêm lợi. Tuy nhiên trong thời gian dùng các loại dung dịch sát khuẩn, bạn cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ nha khoa, tuyệt đối không được nuốt. 

2.4. Nhóm thuốc giảm đau

Tác dụng tránh của nhóm thuốc này là giúp giảm đau. Trong đó, Aspirin và Paracetamol là hai loại thuốc có thể được chỉ định cho người bệnh viêm lợi. Tuy vậy, cần lưu ý rằng Aspirin thường không chỉ định cho người bị sốt xuất huyết hoặc người mắc hội chứng ưa chảy máu. 

Trong khi đó, Paracetamol lại là thuốc giảm đau không cần kê đơn, vừa hỗ trợ giảm đau vừa hạ sốt. Mặt khác, thành phần Codein trong thuốc mặc dù giúp giảm đau hiệu quả nhưng lại dễ khiến người dùng hay bị buồn nôn trong thời gian dùng thuốc. 

Lưu ý, một số hướng dẫn đề cập trong bài viết ngày hôm nay chỉ có tính chất tham khảo. Trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc điều trị viêm lợi nào, bạn đều phải tham vấn ý kiến của bác sĩ chuyên môn. 

3. Một số phương pháp điều trị viêm lợi khác bên cạnh dùng thuốc

Bên cạnh điều trị bằng các loại thuốc, người bị viêm lợi đôi khi còn được bác sĩ chỉ định một vài phương pháp điều trị khác. Chẳng hạn như:

  • Cạo vôi răng, vệ sinh gốc răng: Mục tiêu chính của phương pháp này là tiêu diệt vi khuẩn, loại bỏ phần nào mảng bám cũng như cao răng trên bề mặt răng và khu vực dưới lợi. Trong quá trình điều trị, bác sĩ cần sử dụng tia laser để tiêu diệt vi khuẩn, vệ sinh chân răng. 
  • Súc miệng bằng dung dịch kháng khuẩn: Thông qua việc súc miệng bằng dung dịch kháng khuẩn chuyên dụng, nhiều loại vi khuẩn gây viêm lợi cũng sẽ bị loại bỏ. 
  • Chỉnh sửa răng: Trường hợp răng sắp xếp xô lệch, không khít với lợi,... cản trở quá trình vệ sinh răng miệng, tạo điều kiện hình thành mảng bám, gây viêm lợi, bác sĩ có thể cân nhắc chỉnh sửa răng cho bệnh nhân. 

Người bị viêm lợi có thể điều trị bằng cách chỉnh sửa răng

Người bị viêm lợi có thể điều trị bằng cách chỉnh sửa răng 

4. Làm thế nào để phòng ngừa viêm lợi? 

Tình trạng viêm lợi có thể phần nào được phòng ngừa nếu bạn chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách, và áp dụng một vài thói quen tốt khác. Đơn cử như: 

  • Đánh răng đều đặn 2 lần mỗi ngày. 
  • Sau 3 đến 4 tháng, bạn nên thay bàn chải đánh răng. 
  • Ưu tiên sử dụng loại bàn chải lông mềm, hoặc vệ sinh răng miệng bằng bàn chải điện. 
  • Tiến hành vệ sinh kẽ răng bằng chỉ nha khoa chuyên dụng. 
  • Dùng thêm nước súc miệng theo chỉ dẫn của nha sĩ. 
  • Không sử dụng thuốc lá. 
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh; hạn chế tiêu thụ thực phẩm, đồ uống ảnh hưởng không tốt đến răng miệng. 

Bạn nên đánh răng định kỳ 2 lần mỗi ngày để phòng ngừa viêm lợi

Bạn nên đánh răng định kỳ 2 lần mỗi ngày để phòng ngừa viêm lợi

Ngoài ra, bạn hãy duy trì lịch khám nha khoa 1 đến 2 lần mỗi năm để chủ động phát hiện và điều trị sớm bệnh lý về răng miệng. Trường hợp phải dùng thuốc điều trị viêm lợi, bạn cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu chưa biết nên khám nha khoa ở đâu uy tín, bạn có thể lựa chọn Hệ thống Y tế MEDLATEC. Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ tổng đài tư vấn 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ