Tin tức

5 nguyên nhân chính dẫn đến quặm mi và cách xử lý

Ngày 23/09/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Lông mi bình thường sẽ mọc thẳng từ nang lông ra ngoài, có tác dụng như hàng rào bảo vệ tránh bụi bẩn, vi khuẩn, tác nhân lạ,… từ môi trường tấn công mắt. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, lông mi không mọc đúng hướng mà mọc ngược, mọc ngầm, mọc hướng về phía mắt được gọi là quặm mi. Lông mi khi đó không còn tác dụng bảo vệ mắt mà ngược lại dễ gây kích thích, tổn thương mắt, gây ra nhiều triệu chứng bệnh khó chịu.

1. Nguyên nhân nào dẫn đến quặm mi?

Quặm mi có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, bao gồm trẻ sơ sinh hoặc người lớn nhưng phổ biến nhất là người cao tuổi do lão hóa dẫn đến các mô nâng đỡ mi trở lên lỏng lẻo. Quặm mi khiến bờ mi bị cuộn vào trong nhãn cầu, lông mi và niêm mạc mi cọ xát vào giác mạc, kết  mạc gây ngứa ngáy, khó chịu và ảnh hưởng đến tầm nhìn. 

Quặm mi là tình trạng lông mi mọc ngược vào mắt

Quặm mi là tình trạng lông mi mọc ngược vào mắt

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến quặm mi, những nguyên nhân phổ biến có thể kể đến như:

1.1. Do viêm bờ mi

Bệnh viêm bờ mi mạn tính khiến cho vùng da mí mắt bị bong tróc, sưng đỏ, tích tụ dịch mủ và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Bệnh ảnh hưởng đến nang lông nên lông mi mọc ra có thể bị mọc ngược, mọc quặm vào trong mắt.

1.2. Do chấn thương

Chấn thương ở vùng mắt gây ra các mô sẹo phát triển có thể làm thay đổi chiều lông mọc, có thể mọc ngang, mọc nghiêng hoặc mọc ngược. Những người đã từng phẫu thuật mắt thường xảy ra tình trạng quặm lông mi.

1.3. Bệnh đau mắt hột

Đau mắt hột là bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng ở mắt, ảnh hưởng đến mi mắt và lông mi mọc. Nếu điều trị chậm trễ, nhiễm trùng có thể gây tổn thương mắt vĩnh viễn dẫn đến mù lòa, lông mọc ngược hay viêm mi mắt chỉ là một trong những triệu chứng của bệnh.

Quặm mi có thể biến chứng từ đau mắt hột

Quặm mi có thể biến chứng từ đau mắt hột

1.4. Lộn mi mắt

Thường ở những người cao tuổi, người mắc bệnh lý mạn tính ở mắt và mi mắt hoặc biến chứng sau chấn thương, nhiễm trùng khiến cho các cơ, mô xung quanh mắt yếu dần. Hậu quả là tình trạng lộn mi mắt, khi mí mắt gập vào bên trong và lông mi từ đó cũng bị mọc ngược.

1.5. Nhiễm trùng Herpes

Virus herpes là tác nhân gây ra nhiều bệnh lý ở da, nếu chúng tấn công ở mắt có thể dẫn đến viêm mi mắt, nhiễm trùng mi mắt và thậm chí làm hỏng mi mắt. Từ đó lông mọc từ mi mắt cũng bị ảnh hưởng.

Tình trạng quặm mi có thể là bẩm sinh ở trẻ sơ sinh do sự phát triển bất thường của da vùng mi mắt, còn gọi là tật nếp da thừa. Nếu trẻ gặp phải tình trạng này, nên theo dõi và can thiệp sớm nếu cần thiết, tránh quặm mi kéo dài ảnh hưởng đến sự phát triển mắt của trẻ sau này.

2. Triệu chứng và phân mức độ quặm mi

Quặm mi có thể chỉ xảy ra ở một vài lông mi ở vị trí nhất định, thường gặp là vị trí đầu hoặc đuôi mắt khi nếp mi khép lại. Tuy nhiên nhiều trường hợp bệnh tiến triển, khiến lông mi quặm vào mắt ngày càng nhiều hơn gây triệu chứng nặng hơn.

Quặm mi gây kích thích, đau và đỏ mắt

Quặm mi gây kích thích, đau và đỏ mắt

Các triệu chứng xảy ra khi lông mi bị quặm, mọc đâm vào trong mắt gồm:

  • Đỏ quanh mắt.

  • Mắt bị kích thích, người bệnh luôn cảm thấy có vật gì ở trong mắt.

  • Chảy nhiều nước mắt do lông mi gây kích thích mắt.

  • Ngứa hoặc đau mắt.

  • Tăng nhạy cảm của mắt với ánh sáng.

Quặm mi gây kích thích mắt, chảy nhiều dịch mắt là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng. Đặc biệt do triệu chứng ngứa, cộm khó chịu mà nhiều người bệnh hay dùng tay dụi mắt, dễ dẫn đến tổn thương giác mạc. Khi đó việc điều trị sẽ khó khăn hơn, thậm chí biến chứng làm ảnh hưởng đến thị lực lâu dài.

Dựa trên chẩn đoán, bác sĩ có thể phân mức độ quặm mi để lựa chọn phương pháp điều trị như sau:

  • Quặm mi mức độ 1: Khi tình trạng quặm xảy ra ở ¼ chiều dài bờ mi.

  • Quặm mi mức độ 2: Khi tình trạng quặm xảy ra ở 1/3 chiều dài bờ mi.

  • Quặm mi mức độ 3: Khi tình trạng quặm xảy ra ở ½ chiều dài bờ mi.

  • Quặm mi mức độ 4: Khi có đến 2/3 chiều dài bờ mi trở lên gặp tình trạng quặm.

3. Xử lý thế nào khi bị quặm mi?

Nếu chỉ số ít lông mi bị mọc ngược, có thể xử lý tạm thời bằng cách loại bỏ những lông mi này. Tuy nhiên nhiều trường hợp nhổ không đúng cách, khiến mi mắt bị trễ nhiều hơn và lông mi mọc lại tiếp tục quặm vào trong mắt. Do vậy, tốt nhất không nên tự ý nhổ lông mi quặm tại nhà.

 Nhổ lông quặm mi có thể khiến bệnh nặng hơn

 Nhổ lông quặm mi có thể khiến bệnh nặng hơn

Nguyên nhân khiến lông mi bị quặm có thể là tổn thương, sẹo mắt hoặc bệnh lý phức tạp cần điều trị, do vậy người bệnh nên đi khám tại cơ sở chuyên khoa mắt để được tư vấn điều trị nguyên nhân. 

Khi quặm mi nhiều, lông mi mọc lại sai hướng thì có thể can thiệp bằng những cách sau:

Triệt lông vĩnh viễn

Những lông mi mọc ngược này sẽ được áp dụng phương pháp điện phân hủy hoặc chiếu tia laser để triệt lông vĩnh viễn. Khi nang lông bị phá hủy, lông sẽ không tiếp tục mọc lên gây tổn thương mắt, tỉ lệ thành công tương đối cao. 

Phẫu thuật tái định vị

Quặm mi thường do bất thường về vị trí của mi mắt, nang lông mi mắt nên bác sĩ có thể can thiệp phẫu thuật tái định vị mí mắt và lông mi, từ đó điều chỉnh hướng lông mi mọc thẳng như bình thường.

Phẫu thuật lạnh

Ở phương pháp phẫu thuật này, bác sĩ sẽ đóng băng và loại bỏ toàn bộ lông mi, nang lông mi bị quặm, từ đó lông không tiếp tục mọc ngược gây tổn thương cho mắt.

Quặm mi nặng có thể phẫu thuật tác động nang lông để lông mi không mọc nữa

Quặm mi nặng có thể phẫu thuật tác động nang lông để lông mi không mọc nữa

Ngoài ra, có thể bác sĩ sẽ chỉ định một số biện pháp sau:

- Tra mỡ kháng sinh (Tobramycin, Erythromycin… 3 lần/ngày để điều trị viêm giác mạc chấm nông).

- Tạm thời có thể dùng băng dính lật bờ mi ra xa nhãn cầu.

Như vậy, quặm mi là tình trạng khá phổ biến, dù ít gây nguy hiểm song người bệnh gặp phải nhiều triệu chứng khó chịu, kéo dài kể cả khi đã nhổ bỏ lông mi mọc quặm. Khi đó, hãy đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán nguyên nhân và điều trị dứt điểm chứng quặm mi.

Tổng đài tư vấn sức khỏe 1900 56 56 56 của MEDLATEC luôn sẵn sàng hỗ trợ 24/7 nếu khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào khác cần được giải đáp.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.