Tin tức

6 câu hỏi thường gặp về hiện tượng tiểu cầu tăng cao

Ngày 06/11/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Những vấn đề liên quan đến máu đều ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng sức khoẻ của chúng ta. Một trong số đó là hiện tượng tiểu cầu tăng cao gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt, có thể dẫn đến đột quỵ, đau tim hoặc tắc nghẽn mạch máu.

1. Tiểu cầu tăng cao là bệnh gì?

Tiểu cầu là một trong ba thành phần chính của máu, được hình thành từ tủy xương. Số lượng tiểu cầu ở mức bình thường dao động không quá 450 G/L máu. Khi vượt quá con số này sẽ gây ra tình trạng tiểu cầu tăng cao.

Số lượng tiểu cầu cao sẽ vượt quá 450 G/L máu

Số lượng tiểu cầu cao sẽ vượt quá 450 G/L máu

Tăng tiểu cầu được chia thành 2 loại, đó là:

  • Tăng tiểu cầu tiên phát: Đây là tình trạng số lượng tiểu cầu bị tăng cao mà không rõ nguyên nhân vì sao. Ngoài ra, tình trạng này có thể liên quan đến cơ chế đột biến gen. Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm gặp. Nếu tăng tiểu cầu ở loại này kéo dài nhiều năm, người bệnh rất dễ bị xơ hoá tuỷ xương.

  • Tăng tiểu cầu thứ phát: Tình trạng này xảy ra khi chúng ta mắc phải một bệnh lý hoặc gặp các tác nhân ngoại lai nào đó. Lượng tiểu cầu sẽ dần ổn định nếu giải quyết được nguyên nhân gây bệnh.

2. Nguyên nhân nào khiến tiểu cầu tăng cao?

Mỗi loại tăng tiểu cầu sẽ có nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Đối với tăng tiểu cầu tiên phát, ngoài những trường hợp hiếm gặp là do đột biến gen ra, thì bệnh sẽ xuất phát từ sự rối loạn của tuỷ xương.

Đối với tình trạng tăng tiểu cầu thứ phát, nguyên nhân gây bệnh có thể xuất phát từ:

  • Tình trạng thiếu máu.

  • Sau phẫu thuật, nhất là phẫu thuật cách lách.

  • Bị ung thư, thấp khớp hoặc các bệnh viêm mà không do nhiễm trùng.

  • Mắc phải các bệnh viêm hoặc truyền nhiễm như lao phổi, loét dạ dày hoặc mô liên kết,…

  • Chảy hoặc mất máu cấp tính.

  • Phản ứng dị ứng.

Cần phải xác định rõ nguyên nhân khiến cho lượng tiểu cầu tăng cao để có phương pháp điều trị thích hợp.

Đột biến gen có thể là nguyên nhân khiến số lượng tiểu cầu bị tăng cao

Đột biến gen có thể là nguyên nhân khiến số lượng tiểu cầu bị tăng cao

3. Dấu hiệu nhận biết tăng tiểu cầu là gì?

Trong trường hợp số lượng tiểu cầu tăng không đáng kể và kiểm soát tốt nguyên nhân gây bệnh, tình trạng này sẽ dần trở nên ổn định ngay. Tuy nhiên, khi lượng tiểu cầu vượt quá cao, người bệnh có thể xuất hiện những dấu hiệu sau:

  • Bị hoa mắt, chóng mặt.

  • Đau đầu.

  • Tê rần hoặc nóng rát ở tứ chi.

  • Đau ngực.

  • Tê yếu cơ bắp.

Ngoài ra, chúng ta có thể gặp phải dấu hiệu của tiểu cầu tăng cao kèm với các triệu chứng của bệnh lý nền.

4. Tiểu cầu tăng cao có nguy hiểm không?

Đa phần, những trường hợp tiểu cầu tăng cao do bệnh lý nền gây ra thường sẽ không nguy hiểm nếu chúng ta kiểm soát được tình trạng sức khoẻ. Tuy nhiên, nếu số lượng quá cao thì rất dễ hình thành các cục máu đông ở tất cả các bộ phận trong cơ thể, nhất là tay, chân và não. Điều này là nguyên nhân gây ra tình trạng thuyên tắc mạch máu.

 Các cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu gây tai biến hay thậm chí là đột quỵ

Các cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu gây tai biến hay thậm chí là đột quỵ

Nếu các cục máu đông hình thành ở các mạch máu nhỏ sẽ gây ra tình trạng tê hoặc đau nhói ở lòng bàn tay, bàn chân. Tuy nhiên, khi xuất hiện ở não, người bệnh có nguy cơ cao bị tai biến hay thậm chí là đột quỵ. Đặc biệt, đối với phụ nữ có bầu nếu bị tăng tiểu cầu tiên phát làm hình thành cục máu đông trong nhau thai sẽ rất dễ khiến thai lưu hoặc sảy thai.

5. Chẩn đoán và điều trị tiểu cầu tăng cao

Tình trạng tăng tiểu cầu sẽ được chẩn đoán và điều trị như sau:

5.1. Chẩn đoán

Dưới đây là một trong số những phương pháp chẩn đoán nhằm xác định được lượng tiểu cầu:

  • Xét nghiệm máu: Thông qua kết quả của xét nghiệm này, chúng ta có thể xác định được số lượng tiểu cầu trong máu.

  • Sinh thiết tủy xương: Đây là xét nghiệm được thực hiện với mục đích kiểm tra tuỷ xương có gặp phải vấn đề gì khiến sản xuất quá nhiều tiểu cầu hay không.

  • Xét nghiệm đột biến gen JAK2V617F: Kết quả của xét nghiệm này là tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh tăng tiểu cầu thứ phát.

Sinh thiết tủy xương là một trong những phương pháp chẩn đoán tình trạng tiểu cầu tăng cao

Sinh thiết tủy xương là một trong những phương pháp chẩn đoán tình trạng tiểu cầu tăng cao

5.2. Cách điều trị

Thông qua kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ biết được người bệnh đang bị tăng tiểu cầu loại nào và nguyên nhân vì sao. Từ đó, sẽ có phương pháp điều trị thích hợp. Đa phần, để khắc phục hiện tượng tiểu cầu bị tăng cao sẽ dựa theo nguyên nhân cơ bản:

  • Đối với sau phẫu thuật hoặc chấn thương gây mất máu, tình trạng tăng tiểu cầu sẽ dần ổn định mà không cần biện pháp can thiệp nào cả.

  • Đối với nguyên nhân có liên quan đến bệnh nền, số lượng tiểu cầu sẽ trở lại bình thường nếu kiểm soát tốt tình trạng bệnh.

Trong trường hợp tiểu cầu tăng quá cao, người bệnh có thể sẽ phải tiến hành chiết tách liệu cầu. Đây là phương pháp sử dụng máu để lọc bớt đi số lượng tiểu cầu bị dư thừa.

6. Cần lưu ý gì khi tiểu cầu tăng cao?

Khi chỉ số tiểu cầu tăng lên cao hơn mức bình thường, người bệnh cần phải lưu ý những điều dưới đây:

  • Đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám. Ngoài ra, cần khám sức khỏe định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh cũng như kiểm tra lượng tiểu cầu.

  • Không được hút thuốc và uống rượu bia.

  • Kiểm soát những yếu tố có thể khiến xuất hiện những cục máu đông như bệnh tiểu đường, cao huyết áp hoặc cholesterol tăng trong máu,…

  • Sử dụng các loại thuốc theo đúng đơn mà bác sĩ đã kê. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng những loại thuốc gây ảnh hưởng đến tiểu cầu như ibuprofen hoặc aspirin.

Khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện những bất thường trong máu

Khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện những bất thường trong máu

  • Báo ngay cho bác sĩ khi xuất hiện những bất thường về sức khỏe.

  • Tránh hoạt động hoặc chơi những loại hình thể thao mạnh.

  • Hạn chế những hoạt động có thể gây chấn thương dẫn đến bầm tím hoặc chảy máu.

Tiểu cầu tăng cao nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Chính vì vậy, chúng ta cần phải đi khám cũng như thực hiện xét nghiệm máu định kỳ để có thể phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường. Nếu vẫn còn bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ với MEDLATEC thông qua hotline 1900 56 56 56 để được giải đáp nhanh chóng.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.