Tin tức
Bác sĩ giải đáp: Tại sao tiền sử bệnh của gia đình lại quan trọng?
- 28/07/2021 | Bạn nên biết: Vai trò của tiền sử sức khỏe gia đình là gì
- 22/07/2021 | Ung thư di truyền là gì? Những điều cần biết về ung thư di truyền
- 21/07/2021 | Hội chứng ung thư gia đình thường gặp và nguyên nhân
1. Tiền sử bệnh của gia đình là gì?
Tiền sử bệnh của gia đình chính là những thông tin sức khỏe về bạn và những thành viên trong gia đình bạn. Vì bạn và những thành viên trong gia đình có chung gen di truyền nên sẽ có thể có chung sở thích, chung hành vi, thói quen,… và những yếu tố này đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.
Khai thác tiền sử bệnh của gia đình rất hữu ích với các bác sĩ khi chẩn đoán và điều trị bệnh
Những thành viên giúp bạn khai thác tiền sử bệnh gia đình đầu tiên đó là những người có huyết thống với bạn, bao gồm: Ông bà, bố mẹ, anh chị em và con cái của bạn. Sau đó, có thể khai thác thông tin từ những thành viên khác như cô dì chú bác và những người họ hàng khác. Tất cả những thông tin sức khỏe này sẽ có thể hữu ích trong một thời điểm nào đó, nhất là khi một trong những thành viên trong gia đình đang có vấn đề về sức khỏe.
Cho dù những thông tin bạn cung cấp tới bác sĩ về tiền sử bệnh của gia đình có thể là những thông tin không đầy đủ, nhưng nó vẫn có thể mang lại những lợi ích nhất định. Vì thế, hãy nói cho bác sĩ về tất cả những thông tin mà bạn biết.
2. Tại sao tiền sử bệnh của gia đình lại quan trọng?
2.1. Tiền sử bệnh của gia đình là cơ sở để các bác sĩ tìm hiểu nguy cơ bệnh tật
Các thành viên trong gia đình thường có ngoại hình giống nhau, đây là điều mà tất cả chúng ta đều có thể dễ dàng nhận ra. Tuy nhiên, một điều quan trọng không kém nhưng lại ít người quan tâm, đó là những thành viên trong gia đình cũng có thể mắc phải những căn bệnh giống nhau, có nguy cơ bệnh tật như nhau,… Chẳng hạn như một số bệnh ung thư, bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, những vấn đề về thần kinh và trí nhớ, nhất là chứng sa sút trí tuệ, bệnh huyết áp cao, viêm khớp hay tình trạng trầm cảm,…
Các thành viên trong gia đình có gen giống nhau nên cùng có nguy cơ mắc phải một số bệnh
Lý do là vì các thành viên trong gia đình có gen giống nhau, thói quen sinh hoạt hay sở thích ăn uống cũng giống nhau, cùng sống trong một môi trường sống,… Bằng việc khai thác những thông tin này, các bác sĩ có thể nhận định một số nguy cơ mà một thành viên hoặc các thành viên khác trong gia đình và thậm chí là cả một thế hệ tương lai có thể có những nguy cơ như thế nào về sức khỏe.
Chẳng hạn, nếu gia đình bạn có một ai đó, chẳng hạn như ông bà, bố mẹ hay anh chị em ruột đã từng mắc một loại bệnh mạn tính nào đó, thì bạn cũng có nguy cơ mắc những bệnh này cao hơn những người khác hoặc bạn cũng có nguy cơ cao mắc những bệnh này ở độ tuổi còn trẻ.
Những thành viên trong gia đình có chế độ ăn, thói quen sinh hoạt giống nhau nên cùng có nguy cơ mắc một số bệnh
Đối với những bệnh lý về tim mạch, huyết áp, bệnh ung thư hay bệnh tiểu đường,… cũng vậy. Nếu ông bà, cha mẹ, hay anh chị em ruột của bạn đã từng mắc phải căn bệnh này thì nguy cơ mắc bệnh của bạn cũng sẽ cao hơn những trường hợp không có người thân bị bệnh. Hơn nữa, nếu bạn có lối sống không lành mạnh thì nguy cơ mắc bệnh sẽ càng cao hơn.
Hơn nữa, khi cung cấp cho các bác sĩ thông tin về tiền sử bệnh gia đình, các bác sĩ sẽ có thể chẩn đoán được một số nguy cơ về tình trạng đột biến gen thường gặp ở một số bệnh như bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh xơ nang,…
Bạn cũng cần hiểu rằng, khi những người thân trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột mắc phải một căn bệnh nào đó, thì bạn chỉ có nguy cơ mắc những bệnh này cao hơn những người khác. Điều này không khẳng định rằng bạn sẽ chắc chắn mắc những bệnh này, hay nói một cách khác, bạn có thể mắc nhưng cũng có thể không mắc phải những bệnh này. Hơn nữa, bạn cũng có thể mắc những bệnh mà trước đây những thành viên trong gia đình bạn chưa hề mắc phải.
2.2. Khai thác tiền sử bệnh của gia đình cũng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh
Không chỉ giúp tìm hiểu nguy cơ bệnh tật mà việc khai thác thông tin sức khỏe của các thành viên trong gia đình cũng rất hữu ích để tầm soát, phòng ngừa bệnh và bảo vệ sức khỏe tốt hơn.
Nếu mẹ hay chị em ruột từng mắc ung thư vú, bạn cũng nên tầm soát ung thư vú sớm hơn
Chẳng hạn, nếu bạn nắm rõ được tiền sử bệnh của gia đình cũng như nguy cơ mắc bệnh của chính bản thân mình, bạn sẽ có kế hoạch tầm soát bệnh, thực hiện những xét nghiệm để kiểm tra tình trạng sức khỏe của mình ở độ tuổi sớm hơn để phát hiện sớm nếu có bệnh và phòng ngừa tối đa nguy cơ biến chứng.
Bên cạnh đó, từ những thông tin về tiền sử bệnh gia đình, bạn đã biết được nguy cơ bệnh của mình và từ đó chủ động lên kế hoạch thay đổi lối sống khoa học như chăm chỉ tập thể dục, đồng thời áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh hơn, loại bỏ những thói quen xấu như uống rượu bia, hút thuốc lá hay thức quá khuya để giảm tối đa nguy cơ bệnh tật.
Những thông tin về tiền sử bệnh của gia đình cũng giúp các bác sĩ chỉ định một số xét nghiệm bạn cần thực hiện để đưa ra những chẩn đoán chính xác nhất về tình trạng sức khỏe của bạn.
Lưu ý: Khi thu thập thông tin, bạn hãy thu thập tất cả mọi vấn đề liên quan đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Chẳng hạn độ tuổi khởi phát bệnh, môi trường sống, thói quen, hành vi, thậm chí cả nguyên nhân tử vong nếu người thân của bạn không may qua đời vì bệnh tật,…
Như vậy, những thông tin trên đã giúp bạn tìm được lời giải đáp cho câu hỏi: “Tại sao tiền sử bệnh của gia đình lại quan trọng”. Nếu còn thắc mắc về vấn đề liên quan đến sức khỏe, bạn có thể liên hệ tới số đường dây nóng 1900 56 56 56 để được các chuyên gia của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tư vấn chi tiết hơn.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!