Tin tức

Bánh nhau là gì và những bất thường bánh nhau cần thận trọng

Ngày 15/10/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Trong suốt quá trình mang thai, bánh nhau giữ vai trò kết nối rất quan trọng giữa thai nhi với mẹ. Nhờ có bánh nhau mà thai nhi có được đầy đủ dưỡng chất để phát triển. Vì thế, mọi bất thường xảy ra ở bánh nhau đều dễ dàng gây nguy hiểm cho thai nhi. Vậy bánh nhau là gì và có thể xảy ra những bất thường nào ở bánh nhau, bài viết sau sẽ cùng bạn tìm hiểu về những vấn đề này.

1. Bánh nhau là gì, hình thành ra sao và có tác dụng như thế nào?

1.1. Bánh nhau (nhau thai) là gì?

Bánh nhau còn được biết đến với cái tên gọi khác là nhau thai, gắn ở thành tử cung, hình tròn, có đường kính vào khoảng 15cm, trọng lượng khoảng 400 - 500g, dày 2.5 - 3cm, phần ngoại vi thường mỏng. 

Bánh nhau và các vị trí bám của bánh nhau cần chú ý

Bánh nhau và các vị trí bám của bánh nhau cần chú ý

Ở mỗi bánh rau có 15 - 20 múi, phần trung tâm của các múi là rãnh nhỏ. Thai nhi được kết nối với cơ thể mẹ qua dây rốn là nhờ có bánh nhau. Bộ phận này chỉ hình thành khi phụ nữ mang thai và sẽ tự loại bỏ trong quá trình sinh nở.

1.2. Quá trình hình thành bánh nhau

Sau khi trứng được thụ tinh khoảng 3 tuần, nang buồng trứng sẽ phân rã và bắt đầu sản xuất hormone progesterone đồng thời cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi ở ba tháng đầu. Sau khi thụ thai được khoảng 4 tuần, phôi thai bám vào nội mạc tử cung, có một số tế bào phôi tách ra và bám sâu hơn vào thành tử cung và phát triển thành nhau thai.

Sang tam cá nguyệt thứ hai, nhau thai giữ vai trò cung cấp oxy cũng các dưỡng chất cần để thai nhi phát triển, đồng thời vận chuyển chất thải từ thai nhi đi vào máu của mẹ. Khi bước sang tuần thứ 12 của thai kỳ, cấu trúc của bánh nhau trở nên hoàn chỉnh rồi tiếp tục tăng trưởng theo kích thước của thai nhi, nhờ đó mà bánh nhau có thể cung cấp nhiều hơn dưỡng chất và oxy cho thai nhi.

Sau quá trình sinh nở, do không cần đến nhau nữa nên bánh nhau sẽ tự bong ra. Nếu trẻ sinh thường, nhau thai sẽ tự đẩy ra ngoài qua đường âm đạo. Còn nếu sinh mổ thì bánh nhau sẽ được bác sĩ lấy ra khỏi tử cung. 

1.3. Chức năng của bánh nhau là gì?

Nhau thai chỉ hình thành trong giai đoạn phụ nữ mang thai, vậy chức năng của bánh nhau là gì? Đây là bộ phận có nhiệm vụ cung cấp oxy và chất dinh dưỡng để thai nhi phát triển đồng thời vận chuyển dưỡng chất từ mẹ sang thai nhi cũng như chất thải từ thai nhi về cơ thể mẹ. 

Bánh nhau giúp cho chất dinh dưỡng được truyền từ mẹ đến thai nhi một cách nhanh chóng

Bánh nhau giúp cho chất dinh dưỡng được truyền từ mẹ đến thai nhi một cách nhanh chóng

Nhờ có bánh nhau mà chất dinh dưỡng có trong cơ thể mẹ được đến với thai nhi nhanh chóng và hiệu quả hơn. Bánh nhau cũng giúp nuôi dưỡng cho thai nhi phát triển hoàn thiện cho đến khi thai kỳ kết thúc. Cũng nhờ có bánh nhau mà thai nhi được bảo vệ trước những tác động của các yếu tố bên trong cơ thể mẹ cùng các yếu tố ở môi trường bên ngoài vào thai nhi.

Cụ thể chức năng của bánh nhau như sau:

- Hô hấp: do thai nhi không có khả năng hô hấp trực tiếp với oxy bên ngoài bánh nhau truyền oxy cho thai nhi, giúp thai tránh được nguy cơ hít nước ối.

- Dinh dưỡng: mọi loại năng lượng và nguyên liệu tạo hình mà thai nhi cần từ cơ thể mẹ đều được đưa qua bánh nhau. Bên cạnh đó, chất dinh dưỡng cũng phải chuyển hóa và đi qua bánh nhau rồi thai nhi mới sử dụng để tổng hợp lại, sau đó trở về trao đổi và tác động tới thai nhi.

- Bảo vệ: có một số loại kháng nguyên, kháng thể của cơ thể mẹ có thể đi qua bánh nhau, giúp cho thai nhi có được khả năng miễn dịch thụ động.

- Mầm bệnh: vi khuẩn không thể đi qua bánh nhau trong thời kỳ đầu của thai kỳ được. Vào tháng cuối, có một số vi khuẩn, virus có thể đi qua bánh nhau nên dễ gặp nguy cơ dị dạng thai nhi.

- Ngừa thuốc và hóa chất: trong 3 tháng đầu của thai kỳ, một số loại thuốc thông qua nhau thai có thể gây dị dạng thai nhi như: tetracyclin, thuốc động kinh,... Đặc biệt, có những loại thuốc đi qua bánh nhau vào tháng cuối có thể khiến cho bào thai bị ngộ độc.

- Nội tiết: bánh nhau còn giúp kích thích một số nội tiết tố peptid như hCG,...

2. Những vấn đề bất thường xảy ra ở bánh nhau

2.1. Độ bám của bánh nhau (nhau cài răng lược)

Rau tiền đạo - một trong những bất thường về bánh nhau dễ gây nguy hiểm cho thai kỳ

Rau tiền đạo - một trong những bất thường về bánh nhau dễ gây nguy hiểm cho thai kỳ

Có những trường hợp bánh nhau bám quá chặt vào tử cung, gọi là nhau cài răng lược. Tình trạng này khiến cho sau khi sinh, nhau thai khó bong, thậm chí còn ăn thủng thành tử cung và lan ra trực tràng hoặc thành bàng quang. 

Chính vì bất thường ấy mà bánh nhau không thể bong ra tự nhiên trong quá trình sinh nở hoặc có bong nhưng không đầy đủ, khiến cho sản phụ bị chảy máu nhiều. Đây là bệnh lý hay xảy ra ở tử cung đã có vết sẹo hoặc phụ nữ bị nhau tiền đạo.

2.2. Nhau bám ở vị trí bất thường (nhau tiền đạo)

Bất thường bánh nhau là gì, điều này có nghĩa là thay vì bám ở đáy tử cung, bánh nhau sẽ bám một phần hoặc che lấp hoàn toàn lỗ trong tử cung (còn gọi là rau tiền đạo). Tình trạng này khiến thai phụ bị xuất huyết thai kỳ bất thường còn thai nhi dễ bị suy dinh dưỡng, nhẹ cân, sinh non,... Thai phụ bị nhau tiền đạo thường sẽ được chỉ định mổ lấy thai.

Mẹ bầu nên khám thai định kỳ để biết bị trí bám bánh nhau là gì và phát hiện kịp thời bất thường để kịp thời xử lý

Mẹ bầu nên khám thai định kỳ để biết bị trí bám bánh nhau là gì và phát hiện kịp thời bất thường để kịp thời xử lý

2.3. Bánh nhau bong non

Theo quy luật thông thường, bánh nhau sẽ tự bong sau khi sổ thai. Tuy nhiên, ở một số người, vì lý do nào đó mà bánh nhau đã tự bong khi thai vẫn còn ở trong tử cung. Đây là bệnh lý nguy hiểm vì bánh nhau là cầu nối đề truyền dinh dưỡng từ mẹ qua bé, việc bánh nhau bị bong, tách ra khỏi tử cung khiến thai nhi bị mất nguồn dinh dưỡng. Nhau bong non là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho thai nhi và trẻ sơ sinh.

2.4. Phù bánh nhau

Đây là trường hợp bánh nhau có độ dày vượt quá 4cm, chủ yếu do mắc bệnh miễn dịch, nhiễm trùng. Do bị phù nên chức năng của bánh nhau bị suy giảm, thai nhi dễ bị phù, thai lưu hoặc sinh non.

Nếu kích thước bụng to nhanh hơn tuổi thai có thể nghi ngờ bị phù bánh nhau. Trường hợp này sẽ phải chấm dứt sớm thai kỳ vì dễ bị lưu thai và sau sinh mẹ dễ bị băng huyết.

Tất cả những bất thường trên đây đều vô cùng nguy hiểm. Vậy dấu hiệu bất thường bánh nhau là gì? Khi có hiện tượng đau bụng kèm đau lưng, xuất huyết âm đạo, xuất hiện cơn gò tử cung thì thai phụ cần đến khám bác sĩ sản khoa ngay vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề về bánh nhau.

Các bất thường có thể xảy ra với bánh nhau thường là cấp cứu sản khoa. Vì thế, để đảm bảo an toàn cho thai kỳ, tốt nhất thai phụ nên chú ý không bỏ qua các mốc khám thai định kỳ được bác sĩ sản khoa khuyến cáo. Ở những lần khám như vậy, thông qua siêu âm, bác sĩ có thể biết được độ bám bánh rau, vị trí bánh rau,... như thế nào để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Ngoài những chia sẻ trên đây, nếu còn thắc mắc nào khác về bánh nhau hoặc các bất thường liên quan đến thai kỳ, bạn đọc có thể trao đổi qua hotline tư vấn sức khỏe: 1900 56 56 56, Tổng đài viên của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC luôn sẵn lòng giải đáp cụ thể.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ