Tin tức
Bế sản dịch sau sinh mổ: Biến chứng hậu sản nguy hiểm cần xử lý ngay
- 24/01/2022 | Góc giải đáp: Làm thế nào để nhanh hết sản dịch sau sinh?
- 27/10/2024 | Bế sản dịch là gì? Nguyên nhân và các triệu chứng ra sao, điều trị thế nào?
- 06/01/2025 | Sản dịch là gì? Sản dịch sau sinh thường bao lâu thì hết?
1. Bế sản dịch sau mổ do nguyên nhân nào?
1.1. Khái niệm bế sản dịch sau sinh
Sản dịch là hỗn hợp máu, mô niêm mạc tử cung và dịch nhầy. Sau sinh, sản dịch sẽ được đẩy dần ra khỏi tử cung và ra ngoài đường âm đạo để cơ thể trở về trạng thái bình thường. Bế sản dịch là tình trạng sản dịch không được đẩy ra ngoài như bình thường mà ứ đọng lại ở tử cung. Tình trạng này thường gặp ở những mẹ sinh mổ do quá trình phục hồi tử cung và cơ chế co bóp bị hạn chế, chế độ hậu sản không tốt như: mẹ ít vận động, chưa biết cách chăm sóc cơ thể sau sinh,...
Sản dịch sau sinh nếu không được đẩy ra ngoài sẽ ứ đọng lại trong tử cung gây bế sản dịch
1.2. Nguyên nhân nào khiến sau sinh mổ sản phụ bị bế sản dịch?
Bế sản dịch sau sinh mổ chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân:
- Tử cung co bóp yếu
Sau khi sinh mổ, cơ tử cung của mẹ thường bị ảnh hưởng do quá trình phẫu thuật nên khả năng co bóp kém, khiến sản dịch không được đẩy ra ngoài.
- Mất máu nhiều
Nếu bị mất máu nhiều quá trong quá trình sinh mổ, cơ tử cung sẽ co bóp kém dẫn đến ứ tắc sản dịch trong tử cung.
- Nhiễm trùng hậu sản
Nhiễm trùng tử cung hoặc vùng kín sau sinh cũng có thể gây tắc nghẽn sản dịch, khiến sản dịch bị giữ lại bên trong không thể thoát ra ngoài như bình thường.
- Sẹo vết mổ cũ
Sẹo ở tử cung hình thành sau lần sinh mổ trước có thể làm tử cung co bóp kém, gây khó khăn trong việc đẩy sản dịch ra ngoài.
2. Các dấu hiệu cảnh báo bế sản dịch sau sinh mổ
Sản phụ cần lưu ý các dấu hiệu cảnh báo bế sản dịch sau sinh mổ sau đây:
- Sản dịch không ra hoặc ra rất ít
Thông thường, vào tuần đầu sau sinh, sản dịch sẽ ra nhiều, có thể giống như máu kinh trong vài ngày đầu sau sinh và giảm dần sau đó. Nếu mẹ nhận thấy sản dịch ra rất ít hoặc hoàn toàn không có thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng bế tắc.
- Đau tức bụng dưới
Bụng dưới đau tức hoặc căng cứng là kết quả của việc tử cung cố gắng co bóp để đẩy sản dịch ra ngoài.
- Sốt và rét run
Hai dấu hiệu này đi kèm sau sinh có thể cảnh báo nhiễm trùng tử cung do sản dịch bị ứ đọng.
- Tử cung không co hồi
Sờ thấy rõ cục cứng ở bụng cũng là dấu hiệu cho thấy sản dịch bị bế tắc.
- Sản dịch có mùi hôi hoặc màu bất thường
Sản dịch có mùi hôi nặng hoặc chuyển sang màu vàng, xanh bất thường là dấu hiệu nhiễm trùng cần được xử lý ngay.
Sản phụ bị đau bụng dưới và sốt do bế sản dịch sau sinh mổ
3. Biến chứng hậu sản nguy hiểm do bế sản dịch sau sinh mổ
Bế sản dịch sau sinh mổ có thể gây nên nhiều biến chứng hậu sản nguy hiểm ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, thậm chí đe dọa đến tính mạng của sản phụ như:
3.1. Nhiễm trùng tử cung
Sản dịch không được đào thải hết ra ngoài sẽ trở thành môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Đây chính là lý do gây nhiễm trùng nội mạc tử cung. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng có thể lan rộng ra các cơ quan khác và gây nhiễm trùng huyết.
3.2. Nhiễm trùng huyết
Nhiễm trùng huyết là biến chứng nguy hiểm nhất của bế sản dịch sau sinh mổ. Khi vi khuẩn xâm nhập vào máu, chúng có thể lan ra toàn bộ cơ thể, gây suy đa cơ quan. Nhiễm trùng huyết cần được điều trị cấp cứu ngay lập tức, vì nó có thể dẫn đến tử vong.
3.3. Viêm nội mạc tử cung mạn tính
Nhiễm trùng tử cung gây viêm nội mạc tử cung cấp nếu không được điều trị ngay rất dễ dẫn đến viêm nội mạc tử cung mạn tính. Tình trạng này làm tăng nguy cơ dính buồng tử cung - một trong những nguyên nhân gây vô sinh.
3.4. Rối loạn đông máu
Bế sản dịch kéo dài, cơ thể phản ứng bằng cách kích hoạt quá trình đông máu bất thường, dẫn đến huyết khối tĩnh mạch sâu, tắc mạch phổi hoặc xuất huyết nội tạng,...
3.5. Cắt tử cung
Khi sản dịch bị ứ đọng lâu ngày, vi khuẩn phát triển mạnh sẽ dẫn đến nhiễm trùng tử cung, hoại tử mô. Nếu điều trị nội khoa không hiệu quả, bác sĩ buộc phải cắt bỏ tử cung để ngăn nhiễm trùng lan rộng, đe dọa đến tính mạng của sản phụ.
4. Cách xử lý tình trạng bế sản dịch sau sinh mổ
Sau sinh mổ, sản phụ cần chú ý theo dõi sức khỏe của mình và biểu hiện của sản dịch. Trong thời gian này, sản phụ nên thường xuyên massage nhẹ nhàng vùng bụng dưới để kích thích tử cung co bóp và đẩy sản dịch ra ngoài. Nếu phát hiện các dấu hiệu cảnh báo bế sản dịch sau sinh như đã đề cập ở trên, sản phụ không nên chần chừ mà cần khám bác sĩ Sản phụ khoa ngay.
Sau khi đã kiểm tra, đánh giá đúng, tùy vào tình trạng bế sản dịch sau sinh mổ mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng can thiệp phù hợp như:
- Dùng thuốc kích thích co bóp tử cung để quá trình đào thảo sản dịch trở nên dễ dàng hơn.
- Nếu sản dịch quá nhiều, bác sĩ sẽ thực hiện hút sản dịch để loại bỏ sản dịch bị tắc nghẽn.
- Kết hợp dùng kháng sinh đường uống hoặc tiêm truyền tùy mức độ, chống viêm. Nếu bế sản dịch gây biến chứng rối loạn đông máu, chảy máu không cầm thì trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ phải cắt bỏ tử cung.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ bế sản dịch, sản phụ cần được thăm khám chuyên khoa ngay
Bế sản dịch sau sinh mổ gây ra những cơn đau bụng dưới dai dẳng, khiến sản phụ mệt mỏi về tinh thần và thể chất. Nếu tình trạng này kéo dài mà không được can thiệp, thai phụ sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng hậu sản. Vì thế, sau sinh, bên cạnh việc nghỉ ngơi hợp lý, sản phụ hãy chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe và sản dịch để không bỏ qua dấu hiệu bất thường.
Trường hợp nghi ngờ dấu hiệu bế sản dịch sau sinh, quý khách hàng có thể liên hệ đặt lịch khám nhanh chóng cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56 để được chẩn đoán đúng và hướng dẫn cách xử trí phù hợp.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
![bác sĩ lựa chọn dịch vụ](/media/35762/file/image_2024-10-25_15-20-17.png)