Tin tức
Bệnh cường giáp có phải là ung thư tuyến giáp? Cách điều trị thế nào?
- 16/06/2023 | Cường giáp dưới lâm sàng là gì?
- 30/06/2023 | Chẩn đoán và điều trị bệnh cường giáp ở đâu tốt nhất?
- 01/03/2024 | Cường giáp khi mang thai và nguy cơ tiền sản giật, sinh non ở mẹ bầu
1. Bệnh cường giáp có phải là ung thư tuyến giáp không?
Cường giáp là tình trạng tuyến giáp tiết ra nhiều hormone hơn nhu cầu của cơ thể gây tổn hại đến mô và quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Trong khi đó, ung thư tuyến giáp là tình trạng tế bào tuyến giáp bị đột biến và tăng sinh bất thường và không kiểm soát.
Cường giáp thực chất là một hội chứng và có thể xảy ra ở nhiều loại bệnh lý khác nhau. Chẳng hạn, cường giáp có thể do ung thư tuyến giáp, nhiễm độc tuyến giáp, bệnh basedow, viêm tuyến giáp,... gây ra.
Tuyến giáp hoạt động quá mức vì rất nhiều lý do khác nhau
Do đó, với thắc mắc “bệnh cường giáp có phải là ung thư tuyến giáp không” thì câu trả lời là cường giáp chưa hẳn là ung thư tuyến giáp, đây chỉ là một hội chứng có thể gặp khi bị ung thư tuyến giáp.
2. Triệu chứng cường giáp là gì? Những ai dễ mắc bệnh?
Khi mắc hội chứng cường giáp, bệnh nhân thường có rất nhiều sự thay đổi trong cơ thể, dưới đây là một số triệu chứng nhận biết bệnh:
- Sợ nóng, mồ hôi nhiều và có thể sốt nhẹ.
- Thường xuyên bị đánh trống ngực, hồi hộp và khó thở khi xúc động hay khi làm việc nặng.
- Rối loạn giấc ngủ và thay đổi tâm lý.
- Run đầu ngón tay.
- Phụ nữ trẻ bị cường giáp thường có biểu hiện rối loạn kinh nguyệt.
- Da mỏng và nóng, tóc dễ gãy.
- Yếu cơ.
- Tiêu chảy.
- Sụt cân nhanh dù không thay đổi chế độ ăn.
- Mắt hay bị nóng rát, chảy nước mắt, chói mắt, lồi mắt,...
Nhịp tim nhanh hơn bình thường có thể là do bệnh cường giáp
Những trường hợp có nguy cơ cao gặp hội chứng cường giáp gồm:
- Phụ nữ có nguy cơ bị bệnh cao hơn nam giới.
- Người đã từng mắc bệnh về tuyến giáp, từng phẫu thuật tuyến giáp,...
- Người có vấn đề về sức khỏe chẳng hạn như mắc bệnh thiếu máu mạn tính, suy thượng thận nguyên phát, dùng quá nhiều thực phẩm chứa i-ốt, người trên 60 tuổi,...
Hội chứng cường giáp cần được nhận biết sớm và khắc phục hiệu quả để tránh gây ra những biến chứng nguy hiểm như:
- Những vấn đề về mắt như chứng song thị, đau mắt, mắt nhạy cảm với ánh sáng, thậm chí là mất thị lực,...
- Rối loạn nhịp tim, tăng nguy cơ hình thành những cục máu đông, suy tim và một số vấn đề khác về tim mạch.
- Cơn bão giáp có thể khiến bệnh nhân tử vong.
- Mắc cường giáp khi mang thai có thể dẫn đến một số vấn đề về sức khỏe như huyết áp cao, sinh non, sảy thai,...
3. Điều trị bệnh cường giáp
Trước hết, bác sĩ thường khai thác bệnh sử, yêu cầu người bệnh siêu âm tuyến giáp, sinh thiết tuyến giáp, xét nghiệm máu,... để đưa ra chẩn đoán bệnh chính xác. Sau đó, tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ điều trị cho người bệnh bằng phác đồ phù hợp. Mục tiêu điều trị là giúp cân bằng nồng độ hormone tuyến giáp và hạn chế những biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Một số loại thuốc được áp dụng trong việc khắc phục triệu chứng bệnh cường giáp
- Điều trị bằng thuốc, bao gồm:
+ Thuốc chẹn beta: Có tác dụng giảm triệu chứng bệnh chẳng hạn như triệu chứng tim đập nhanh, run tay,...
+ Thuốc kháng giáp: Mục đích sử dụng loại thuốc này là để kiểm soát, hạn chế tình trạng hoạt động quá mức của cơ quan này. Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như nổi mề đay, đau khớp, giảm số lượng bạch cầu,... Vì thế, trong thời gian dùng thuốc, nếu có vấn đề gì bất thường, người bệnh cần thận trọng và nhanh chóng liên hệ với bác sĩ điều trị để được tư vấn cụ thể.
- Liệu pháp phóng xạ: Người bệnh thường được áp dụng điều trị I-ốt phóng xạ bằng đường uống. Sau khi thuốc đi vào máu, các tế bào tuyến giáp hoạt động quá mức sẽ hấp thụ thuốc và bị phá hủy. Từ đó khiến nồng độ tuyến giáp trở lại bình thường. Không áp dụng cách điều trị này với đối tượng phụ nữ đang lên kế hoạch sinh con.
- Phẫu thuật tuyến giáp: Phương pháp này có thể chữa khỏi bệnh vĩnh viễn. Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ cần được bổ sung thuốc tuyến giáp theo chỉ định của bác sĩ.
- Ngoài những phương pháp nêu trên, bệnh nhân cũng cần lưu ý những vấn đề như sau:
+ Luyện tập thể dục thường xuyên: Đây là cách hiệu quả để tăng cường miễn dịch cho cơ thể. Tuy nhiên, bạn chỉ nên tập luyện khi cơ thể cảm thấy khỏe mạnh và cần theo dõi nhịp tim trong quá trình tập luyện. Tránh tập luyện với cường độ cao gây tăng nhịp tim và tạo gánh nặng cho tim. Khi tập luyện bạn cũng nên chú ý đến việc bù điện giải và uống đủ nước để giảm nguy cơ bị chuột rút.
+ Bổ sung dinh dưỡng hợp lý: Nên ưu tiên ăn rau củ quả, hạn chế ăn đồ nhiều mỡ, thực phẩm chế biến sẵn, bia rượu. Một số loại rau củ và trái cây mà người bệnh nên ăn là quả dâu tây, việt quất, cải xoăn, súp lơ,...
+ Thường xuyên thăm khám: Nếu có những biểu hiện khác thường, bạn không nên chủ quan mà cần đi khám sớm.
Bạn nên khám tuyến giáp định kỳ tại cơ sở y tế uy tín
Hi vọng với những thông tin trên, bạn đã hiểu hơn về cường giáp và tìm được câu trả lời cho thắc mắc “bệnh cường giáp có phải là ung thư tuyến giáp hay không”. Bệnh lý tuyến giáp ngày càng phổ biến và gây ra những vấn đề sức khỏe đáng lo ngại cho bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, người bệnh có thể được điều trị hiệu quả, kể cả bệnh ung thư tuyến giáp. Do đó, việc tầm soát bệnh lý tuyến giáp là vô cùng quan trọng để hạn chế biến chứng.
Nếu có nhu cầu đặt lịch khám tuyến giáp hoặc kiểm tra các vấn đề sức khỏe, mời bạn liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC, đội ngũ tư vấn viên của chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn chi tiết và hỗ trợ bạn.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!