Tin tức

Bệnh do vi khuẩn Hib là gì, có triệu chứng ra sao

Ngày 16/07/2021
Tham vấn y khoa: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Hib là một trong các mũi vacxin chủng ngừa vô cùng quan trọng với trẻ nhỏ nên hầu hết các bậc cha mẹ đều không bỏ qua khi đi tiêm chủng cho con mình. Vậy vi khuẩn Hib là gì, nó có nguy hiểm không mà lại cần tiêm phòng, chúng ta hãy cùng đi tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây?

1. Vi khuẩn Hib là gì?

Mặc dù Hib là một mũi vacxin được sử dụng phổ biến trong chương trình tiêm chủng cho trẻ nhỏ nhưng không phải ai cũng hiểu rõ vi khuẩn Hib là gì. Haemophilus influenzae là loại vi khuẩn chủ yếu được tìm thấy trong mũi họng của trẻ nhỏ. Loại khuẩn này có 6 týp, trong đó týp b (Hib) là tác nhân gây ra 90% bệnh nhiễm khuẩn nặng gồm: viêm màng não, viêm phổi, viêm nắp thanh quản, viêm tủy xương, viêm mô tế bào,... Những bệnh nhiễm khuẩn này có thể phát tác rất nhanh và có trường hợp gây ra tử vong, điển hình nhất là viêm nắp thanh quản và bệnh viêm màng não.

vi khuẩn Hib là gì

Viêm màng não mủ do Hib không điều trị sớm có thể biến chứng gây tử vong

Haemophilus influenzae có nhiều loại nữa nhưng không giống như Hib, chúng  không liên quan đến bộc phát bệnh. Trước khi có vacxin phòng Hib ra đời thì Hib là nguyên nhân chính gây ra viêm phổi cho trẻ dưới hai tuổi. Không những thế, nó còn là nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm màng não cấp cho trẻ dưới 5 tuổi. Điều nguy hiểm nhất là khi cơ thể mang vi khuẩn Hib sẽ không có dấu hiệu rõ ràng nên rất khó phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn đầu và dẫn đến tình trạng 90% ca bệnh bị nhiễm khuẩn nặng.

2. Vi khuẩn Hib nguy hiểm như thế nào và nhận diện ra làm sao

2.1. Mức độ nguy hiểm của vi khuẩn Hib

Vi khuẩn Hib có khả năng lây theo đường hô hấp từ trẻ bị bệnh sang trẻ bình thường qua những giọt nước bọt bắn ra không khí khi người bệnh bị ho, hắt hơi. Bản thân trẻ bị nhiễm Hib trong mũi họng không có dấu hiệu hay triệu chứng nào nên rất dễ vô tình làm lây bệnh cho trẻ khác. Trẻ bị bệnh do nhiễm Hib có thể lây truyền bệnh khi vi khuẩn vẫn còn trú ngụ trong mũi họng, thậm chí ngay cả sau khi họ chúng ta cảm thấy trẻ đang khỏe mạnh thì khả năng lây truyền vẫn cao. Hib chỉ không thể lây truyền sau khi đã được điều trị 1 - 2 ngày.

Bệnh viêm màng não do Hib rất nguy hiểm vì 40% trường hợp mắc bệnh có thể để lại di chứng thần kinh vĩnh viễn, khiến cho não bị tổn thương, gây rối loạn tâm thần, điếc,... Đặc biệt, nếu viêm màng não do Hib nếu không được điều trị từ sớm thì rất dễ biến chứng gây tử vong. Thậm chí, có những trường hợp trẻ đã được điều trị bằng kháng sinh theo đúng phác đồ thì sác xuất tử vong vẫn là 3 - 20%.

Hầu hết các trường hợp bị bệnh không biết triệu chứng vi khuẩn Hib là gì nên không phát hiện sớm để điều trị

Hầu hết các trường hợp bị bệnh không biết triệu chứng vi khuẩn Hib là gì nên không phát hiện sớm để điều trị

Thêm vào đó, bệnh do vi khuẩn Hib có khả năng tái nhiễm nên đã bị dạng bệnh này 1 lần không có nghĩa là trẻ sẽ không bao giờ bị Hib nữa. Chưa kể đến, những biến chứng do Hib không được điều trị có thể gây ra tử vong. Vì thế, tất cả những trường hợp có triệu chứng của bệnh viêm màng não hay viêm phổi đều cần được đưa đến bác sĩ chuyên khoa khám càng sớm càng tốt.

2.2. Triệu chứng nhận diện bệnh do vi khuẩn Hib là gì

Hib gây ra hai bệnh phổ biến nhất ở trẻ em là viêm màng não và viêm phổi. Đây đều là những bệnh lý dễ diễn biến nặng, chủ yếu xảy ra ở những trẻ dưới 24 tháng tuổi, đặc biệt nguy cơ cao nhất rơi vào nhóm trẻ 4 - 18 tháng. Điều đáng nói là hầu hết chúng ta không biết triệu chứng ở những bệnh do vi khuẩn Hib là gì nên thường đến khi bệnh nặng mới phát hiện ra, trẻ phải đứng trước nhiều biến chứng nguy hiểm.

Như đã nói ở trên, trẻ bị bệnh do Hib đa phần không có triệu chứng gì nên tất cả trường hợp trẻ bị viêm màng não hay viêm phổi đều cần phải nghĩ ngay đến Hib. Những trường hợp này trẻ thường có các triệu chứng:

- Viêm phổi: ớn lạnh, sốt, thở nhanh, ho, rút lõm lồng ngực.

- Viêm màng não: đau đầu, sốt, nhạy cảm với ánh sáng, cổ cứng, đôi khi có rối loạn hoặc lú lẫn về mặt ý thức.

3. Điều trị và phòng ngừa bệnh do vi khuẩn Hib 

3.1. Điều trị

Vậy phương pháp điều trị cho những trường hợp bị vi khuẩn Hib là gì? Những trẻ bị nhiễm Hib có thể được điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu như Chloramphenicol, Cephalosporins, Cotrimoxazol và Ampicillin. Một số trường hợp bị Hib có thể xuất hiện tình trạng kháng một số loại kháng sinh thường sử dụng.

Tiêm vacxin giúp phòng ngừa bệnh do vi khuẩn Hib gây ra

Tiêm vacxin giúp phòng ngừa bệnh do vi khuẩn Hib gây ra

3.2. Phương pháp phòng ngừa

Tất cả trẻ em dưới 1 tuổi hoặc trước 24 tháng đều có thể phòng ngừa bệnh do vi khuẩn Hib gây ra bằng cách tiêm vacxin có chứa thành phần Hib. Ở nước ta, trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã áp dụng lịch tiêm 3 mũi phòng bệnh do Hib cho trẻ dưới dạng vacxin phối hợp khi trẻ được 2 - 4 tháng tuổi. Loại vacxin này giúp phòng ngừa 5 loại bệnh: ho gà, bạch hầu, viêm gan B, uốn ván, viêm màng não mủ/viêm phổi do Hib.

Liệu trình tiêm vacxin Hib trong chương trình tiêm chủng mở rộng gồm 3 liều cơ bản được tiêm khi trẻ được 2 - 4 tháng tuổi sau đó tiêm 1 liều nhắc khi trẻ được 18 tháng tuổi. Có thể dùng vacxin Hib dưới dạng vacxin phối hợp để trong cùng 1 mũi tiêm giúp phòng ngừa được các bệnh khác nữa đồng thời giúp giảm đau và giảm số mũi tiêm trẻ. Quan trọng nhất là cha mẹ cần phải cho con mình hoàn thành toàn bộ liệu trình tiêm loại vacxin này đúng như khuyến cáo thì trẻ mới được bảo vệ khỏi bệnh do vi khuẩn Hib một cách tốt nhất.

Bên cạnh việc tiêm phòng, cha mẹ còn cần thực hiện những biện pháp sau để giúp trẻ phòng bệnh do Hib tốt nhất:

- Đảm bảo trong 6 tháng đầu đời trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn.

- Trong quá trình chăm sóc trẻ, người chăm trẻ cần thực hiện tốt nguyên tắc vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường đồng thời giữ sạch không khí trong nhà và môi trường sống vì những điều này sẽ giúp nâng cao sức đề kháng cho trẻ.

Những chia sẻ trên đây hy vọng sẽ hữu ích đối với các bậc cha mẹ nếu chưa biết vi khuẩn Hib là gì và thấy được tầm quan trọng của việc tiêm phòng vacxin ngừa bệnh do Hib. Nếu cần tư vấn hay giải đáp thắc mắc nào khác có liên quan, cha mẹ có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để các chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC giải đáp đầy đủ.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.