Tin tức

Bệnh huyết khối là gì, phương pháp điều trị ra sao?

Ngày 23/03/2022
Sự hình thành của huyết khối là vô cùng cần thiết đối với việc ngăn ngừa mất máu khi xảy ra chấn thương. Tuy nhiên, khi sự xuất hiện của chúng làm cho mạch máu bị tắc nghẽn thì lại trở thành vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe và chính sự sống của mỗi người. Vậy huyết khối là gì, hình thành do đâu, điều trị như thế nào,... tất cả những điều này sẽ được chia sẻ ngay trong nội dung bài viết dưới đây.

1. Nguyên nhân hình thành và dấu hiệu cảnh báo huyết khối là gì?

1.1. Như thế nào được gọi là huyết khối?

Huyết khối chính là những cục máu đông ở mạch máu

Huyết khối chính là những cục máu đông ở mạch máu

Khi nhắc đến thuật ngữ cục máu đông thì nhiều người biết nhưng được hỏi về khái niệm huyết khối là gì thì có lẽ rất nhiều người lại không hiểu. Thực ra, huyết khối chính là cục máu đông dạng gel hình thành ở mạch máu.

Cơ chế hình thành huyết khối diễn ra như sau: khi bị thương, huyết khối hình thành để tập trung máu đến các mạch máu bị vỡ, giúp quá trình chảy máu ngưng lại. Lúc này, tiểu cầu sẽ nhanh chóng có mặt ở vùng tổn thương để tạo ra nút chặn.

Các yếu tố đông máu gây ra phản ứng dây chuyền, làm hình thành các sợi fibrin để tiểu cầu liên kết với nhau. Tiểu cầu phóng thích ra chất hóa học để thu hút các tiểu cầu khác hình thành huyết khối bền hơn và ngăn không cho quá trình chảy máu diễn ra nữa.

Khi huyết khối đủ lớn, các protein sẽ xác định thời điểm dừng lại của quá trình hình thành máu đông. Đến lúc vết thương được chữa lành thì các sợi sẽ tự hòa tan còn tiểu cầu sẽ quay về trạng thái bình thường.

Về cơ bản, quá trình hình thành huyết khối tương đối có lợi cho cơ thể vì nó giúp cơ thể không bị mất quá nhiều máu khi bị thương. Tuy nhiên, nếu xuất hiện ở một số vị trí đặc biệt và không có khả năng hòa tan, huyết khối có thể cản trở quá trình lưu thông máu, kết quả là sự xuất hiện của hàng loạt vấn đề nguy hiểm như: đột quỵ, nhồi máu cơ tim, thuyên tắc phổi,...

1.2. Nguyên nhân hình thành huyết khối là gì?

Các nguyên nhân hình thành huyết khối được xác định là:

- Xảy ra vết thương gây chảy máu làm cho cục máu đông xuất hiện để ngăn ngừa mất máu.

- Trong quá trình di chuyển của mình, nếu dòng máu gặp khó khăn hoặc trở nên trì trệ cũng làm máu đông xuất hiện.

Sự hình thành các mảng xơ vữa ở lòng mạch là một trong những nguyên nhân hình thành huyết khối

Sự hình thành các mảng xơ vữa ở lòng mạch là một trong những nguyên nhân hình thành huyết khối

- Các mảng xơ vữa trong lòng mạch khi vỡ ra có thể hình thành huyết khối.

- Khi máu chảy không đúng cách làm cho tiểu cầu dính vào nhau tạo điều kiện cho cục máu đông xuất hiện.

- Huyết khối tĩnh mạch sâu và rung nhĩ làm cho máu di chuyển chậm trong tĩnh mạch.

Bệnh huyết khối có thể ảnh hưởng tới bất kỳ ai, ở mọi độ tuổi. Tuy nhiên, người mắc bệnh mạch vành là đối tượng có nguy cơ cao bởi có sự hình thành của mảng xơ vữa trong lòng mạch. Ngoài ra, những yếu tố sau cũng làm tăng nguy cơ xuất hiện huyết khối:

- Sự gia tăng tuổi tác.

- Tiêu thụ quá nhiều độ ăn giàu chất béo.

- Thường xuyên hoặc hút quá nhiều thuốc lá.

- Mỗi ngày uống quá 3 - 4 chén rượu (nam giới) và 2 - 3 chén rượu (nữ giới).

- Bị béo phì hoặc thừa cân.

- Vận động quá ít.

- Bệnh tiểu đường.

- Bệnh cao huyết áp.

- Tăng Cholesterol trong máu.

1.3. Những dấu hiệu cho thấy huyết khối hình thành

Hầu hết chúng ta không biết được dấu hiệu hình thành huyết khối là gì nên không phát hiện bệnh từ sớm để có biện pháp ngăn chặn kịp thời, kết quả là phải đối mặt với nhiều vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe. Nhìn chung, khi cơ thể có hiện tượng chảy máu, xung quanh vết thương sẽ có một vùng sưng nhỏ, có thể ngứa hoặc không và cảm giác đau.

Nếu huyết khối hình thành trong tĩnh mạch, tại vùng đó sẽ có hiện tượng đau, tấy đỏ, sưng và đôi khi có cảm giác nóng ấm. Một số trường hợp có hiện tượng sưng ở vùng bị thương kèm theo có màu xanh đó chính là cục máu đông lớn.

Các dấu hiệu của huyết khối khác nhau tùy thuộc vào vào vị trí mà nó hình thành, cụ thể là:

- Ở bụng: buồn nôn, đau bụng.

- Ở chân hoặc cánh tay: sưng, tấy đỏ, đau, chạm vào có cảm giác nóng ấm.

- Ở não: mất thị lực, lú lẫn, nói khó, mất cảm giác hoặc không di chuyển được ở một bên cơ thể và có thể kèm co giật. Tình trạng này là kết quả của việc máu không đến được não, nếu kích thước huyết khối lớn tới mức làm tắc nghẽn hoàn toàn mạch máu não nó sẽ dẫn đến tử vong.

- Ở phổi và tim: trường hợp xuất hiện huyết khối ở tim người bệnh có thể bị nhồi máu cơ tim với dấu hiệu ra mồ hôi, đau tức ngực, khó thở, có cơn đau lan xuống cánh tay. Nếu huyết khối ở phổi người bệnh sẽ bị ho ra máu, khó thở, đau ngực.

2. Điều trị huyết khối bằng cách nào?

Trước khi có quyết định về phương pháp điều trị huyết khối, người bệnh cần phải được chẩn đoán đúng bệnh. Vậy biện pháp chẩn đoán huyết khối là gì? Do đại đa số trường hợp bị huyết khối không có biểu hiện lâm sàng nên bác sĩ sẽ khai thác tiền sử các yếu tố nguy cơ. Nếu huyết khối gây tắc, tùy vào vị trí gây tắc mà nó sẽ gây ra các biểu hiện lâm sàng khác nhau, như:

 Thăm khám bác sĩ chuyên khoa là cách duy nhất để biết được phương pháp điều trị huyết khối là gì

Thăm khám bác sĩ chuyên khoa là cách duy nhất để biết được phương pháp điều trị huyết khối là gì

- Tâm phế cấp khi bị thuyên tắc động mạch phổi.

- Hội chứng động mạch vành cấp khi bị tắc động mạch vành.

- Có cơn đau cách hồi khi di chuyển với trường hợp tắc mạch chi.

Để hỗ trợ chẩn đoán và xác định vị trí tổn thương do huyết khối gây tắc mạch bác sĩ có thể sẽ cần thực hiện một số xét nghiệm nhất định kèm theo chẩn đoán hình ảnh như: chụp MRI, chụp CT, siêu âm,...

Biện pháp điều trị huyết khối không giống nhau ở tất cả bệnh nhân vì huyết khối có thể xảy ra bất cứ vị trí nào của cơ thể. Mặt khác, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho huyết khối xuất hiện nên việc điều trị cũng cần căn cứ vào yếu tố này. Dù áp dụng phác đồ điều trị như thế nào thì tất cả những phương pháp này cũng đều hướng đến mục tiêu là lặp lại quá trình lưu thông máu bình thường ở hệ tuần hoàn.

Hiện nay, việc điều trị huyết khối chủ yếu áp dụng các phương pháp:

- Điều trị bằng thuốc: thuốc làm tan huyết khối, thuốc chống đông.

- Phẫu thuật hoặc thủ thuật: một số biện pháp thường được áp dụng như:

+ Phẫu thuật mở tĩnh mạch để loại bỏ hoàn toàn huyết khối.

+ Phẫu thuật để đặt lưới lọc ở tĩnh mạch chủ.

+ Sử dụng dụng cụ cơ học để loại bỏ huyết khối.

Những thông tin được chia sẻ từ bài viết trên đây hy vọng có thể giúp bạn đọc hiểu bệnh huyết khối là gì cũng như cơ chế hình thành và cách thức điều trị bệnh. Mọi thắc mắc có liên quan đến bệnh lý này, bạn đọc có thể liên hệ đến Tổng đài 1900 56 56 56 để trao đổi cùng đội ngũ chuyên gia y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, chúng tôi luôn sẵn lòng chia sẻ cùng bạn những thông tin chính xác và cần thiết về vấn đề mà bạn đang quan tâm.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ