Tin tức

Bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Ngày 16/07/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Nhiễm trùng đường tiết niệu rất dễ gặp phải nhưng rất nhiều người không hiểu rõ bệnh, dẫn đến tâm lý chủ quan, không điều trị sớm và cuối cùng gặp phải những biến chứng vô cùng nghiêm trọng. Mời độc giả cùng tìm hiểu kiến thức cơ bản về bệnh qua bài viết sau.

1. Triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu

Hệ tiết niệu gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Vai trò của những cơ quan này như sau: 

  • Thận: Lọc và bài tiết chất thải vào nước tiểu, góp phần điều hòa huyết áp, điều hòa pH nước tiểu và đường huyết. 
  • Niệu quản đưa nước tiểu từ thận xuống bàng quang.
  • Bàng quang là một túi rỗng có chức năng lưu trữ nước tiểu. Khi bàng quang đầy, sẽ có biểu hiện buồn tiểu.
  • Niệu đạo là nơi nước tiểu được đẩy ra khỏi cơ thể. Đây cũng là bộ phận dẫn tinh của “cánh mày râu”.

Nhiễm khuẩn hay nhiễm trùng đường tiết niệu là tình trạng nhiễm trùng tại các cơ quan đường tiết niệu. Biểu hiện của bệnh rất đa dạng, trong đó bao gồm những biểu hiện chung và biểu hiện riêng tùy thuộc vào cơ quan bị viêm nhiễm. Cụ thể như sau: 

Đi tiểu nhiều lần do bị nhiễm trùng đường tiểu

Đi tiểu nhiều lần do bị nhiễm trùng đường tiểu

- Những biểu hiện chung: 

  • Có cảm giác nóng rát khi đi tiểu.
  • Thường xuyên buồn tiểu nhưng lượng tiểu mỗi lần rất ít. 
  • Khi buồn tiểu, người bệnh khó nhịn tiểu mà cần đi tiểu rất gấp. 
  • Nước tiểu có đặc điểm khác thường: Đục, đặc hơn, nặng mùi. 
  • Đau ở hai bên lưng. 
  • Sốt.
  • Buồn nôn và nôn

- Biểu hiện bệnh theo giới tính: 

  • Nam giới: Ngoài những biểu hiện chung, nam giới có thể bị đau trực tràng. .
  • Nữ giới: Thường xuyên bị đau vùng chậu.

- Biểu hiện bệnh ở người bị viêm bể thận cấp tính: Tiểu buốt, tiểu ra mủ, sốt cao, đau nhức đầu, đau thắt lưng, đau quặn thận.

- Biểu hiện nhiễm trùng bàng quang: Thường xuyên buồn tiểu nhưng lượng tiểu thải ra ngoài rất ít. Nước tiểu có máu. Mùi nước tiểu nồng hơn bình thường. 

- Nhiễm trùng niệu đạo: Bệnh thường gây ra một số biểu hiện như tiểu khó, tiểu gấp, tăng tần suất đi tiểu, sốt và ớn lạnh… Nữ giới bị bệnh thường bị đau khi “yêu” dịch tiết âm đạo bất thường. Nếu là nam giới, người bệnh có thể xuất hiện một số triệu chứng như nóng rát khi đi tiểu, có máu hoặc tinh dịch trong nước tiểu, bị đau khi xuất tinh, một số trường hợp có thể nổi hạch ở bẹn…

2. Nguyên nhân gây bệnh

Nhiễm trùng đường tiết niệu thường xảy ra do vi khuẩn xâm nhập và tấn công các cơ quan thuộc hệ thống tiết niệu. Trong đó phổ biến nhất là do vi khuẩn Escherichia coli. 

Phụ nữ dễ mắc phải căn bệnh này là vì đặc điểm niệu đạo ngắn khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và gây bệnh. Hơn nữa, nếu sử dụng màng chắn tránh thai hay một số loại thuốc diệt tinh trùng thì nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu ở chị em cũng sẽ cao hơn. Thời kỳ mãn kinh là giai đoạn nội tiết tố của chị em thay đổi rất nhiều và đây cũng chính là yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh. Bên cạnh đó, trong giai đoạn sinh nở, nếu trải qua phương pháp đẻ mổ, chị em cũng có nguy cơ cao bị nhiễm trùng đường tiết niệu. 

Một số yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu như: 

  • Hoạt động tình dục quá nhiều hay quan hệ với nhiều bạn tình. 
  • Đường tiết niệu có dị tật bẩm sinh.
  • Tắc nghẽn đường tiết niệu do sỏi. 
  • Suy giảm miễn dịch. 
  • Sử dụng ống thông tiểu. 
  • Từng phẫu thuật đường tiết niệu.

3. Chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu bằng cách nào?

Ngoài thăm khám triệu chứng, các bác sĩ cần dựa vào một số biện pháp sau để có đầy đủ căn cứ đưa ra chẩn đoán bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu: 

Bạn nên đi khám khi có triệu chứng nghi ngờ nhiễm trùng đường tiểu

Bạn nên đi khám khi có triệu chứng nghi ngờ nhiễm trùng đường tiểu

- Xét nghiệm mẫu nước tiểu: Để đảm bảo có kết quả chính xác, bệnh nhân cần dùng giấy sát trùng để lau bộ phận sinh dục, sau đó lấy nước tiểu giữa dòng. 

- Cấy nước tiểu để tìm vi khuẩn gây bệnh và lên phác đồ thuốc điều trị phù hợp.

- Chụp CT, chụp cộng hưởng từ để quan sát hình ảnh đường tiết niệu để biết rõ tình trạng của những cơ quan này, có xảy ra những tổn thương nào hay không.

- Nội soi bàng quang.

4. Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu

Tùy theo mức độ viêm nhiễm, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị bệnh cụ thể: 

- Đối với những trường hợp nhiễm trùng đơn giản: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh cho người bệnh, chẳng hạn như Trimethoprim, Fosfomycin, Ceftriaxone,... Sau khoảng vài ngày đầu điều trị, những triệu chứng bệnh sẽ giảm triệu chứng rõ rệt. Tuy nhiên, lúc này, bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có hướng dẫn của bác sĩ. Để bệnh khỏi triệt để, cần tiếp tục dùng thuốc trong một tuần hoặc nhiều hơn, tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ. 

Người bệnh cần uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ

Người bệnh cần uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ

- Đối với những trường hợp nhiễm trùng thường xuyên, bác sĩ có thể điều trị bằng các biện pháp như sau:

  • Dùng kháng sinh liều thấp, thời gian dùng thuốc có thể là 6 tháng hoặc lâu hơn
  • Trường hợp nhiễm trùng do các bệnh lý có liên quan đến hoạt động tình dục, người bệnh có thể cần dùng một liều kháng sinh duy nhất sau khi quan hệ tình dục
  • Liệu pháp estrogen: Thường được áp dụng với những trường hợp đã mãn kinh

- Đối với những trường hợp nhiễm trùng nặng: Bệnh nhân cần nhập viện điều trị và cần truyền kháng sinh qua đường tĩnh mạch.

Nên uống nhiều nước để nhanh chóng khỏi bệnh

Nên uống nhiều nước để nhanh chóng khỏi bệnh

- Một số lưu ý với người bệnh trong quá trình điều trị: 

  • Người bệnh nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, không nên uống bia rượu hay các loại đồ uống có chứa caffeine. 
  • Hạ sốt bằng thuốc nếu sốt cao, tuy nhiên cần lưu ý thực hiện đúng theo hướng dẫn của bác sĩ. 
  • Chườm ấm bụng: Phương pháp này để giúp giảm những cơn đau, khó chịu ở bàng quang.
  • Bổ sung chất đạm và các vitamin.
  • Trong trường hợp suy thận, nên hạn chế ăn hải sản, trứng, sữa tươi…
  • Vệ sinh vùng kín đúng cách để hạn chế nguy cơ tiến triển bệnh và đẩy nhanh quá trình điều trị bệnh.
  • Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên tăng cường vận động để nâng cao thể trạng sức khỏe. 

Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu mà ai cũng nên tìm hiểu. Nếu có biểu hiện nghi ngờ bệnh, bạn có thể gọi đến tổng đài chăm sóc khách hàng 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được tư vấn và hỗ trợ nhanh chóng.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.