Tin tức

Bệnh tiểu cầu thấp là gì? Triệu chứng và cách khắc phục tình trạng này?

Ngày 01/07/2023
Vũ Thị Thu Hương
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn

Bệnh tiểu cầu thấp là gì? Triệu chứng và cách khắc phục tình trạng này?

Bệnh tiểu cầu thấp xảy ra khi số lượng tiểu cầu bị giảm dưới mức bình thường. Ở mức độ nhẹ giảm tiểu cầu sẽ ít bộc lộ triệu chứng rõ ràng, tuy nhiên nếu tiểu cầu giảm mạnh thì có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có nguy cơ tử vong cao nếu bệnh nhân không được phát hiện sớm và kịp thời.

1. Bệnh tiểu cầu thấp là gì?

Tiểu cầu là một trong những thành phần của máu, chúng sinh ra từ tủy xương và đóng vai trò chủ đạo trong nhiệm vụ đông cầm máu. Khi cơ thể gặp tổn thương, tiểu cầu sẽ liên kết với nhau để tạo thành những cục máu đông bao phủ lấy miệng vết thương để ngăn không cho máu tiếp tục chảy ra.

Trung bình số lượng tiểu cầu trong máu sẽ ở mức 150.000 - 450.000 tế bào/μl máu (trong đó 1 μl = 1 mm3). Mỗi lít máu sẽ là sự hiện diện của 150 - 450 tỷ tiểu cầu. Người mắc bệnh tiểu cầu thấp sẽ có lượng tiểu cầu nằm dưới mức nêu trên. Nếu tiểu cầu bị giảm trong phạm vi cho phép thì tiểu cầu vẫn có thể duy trì được chức năng bình thường. Ngược lại nếu tiểu cầu bị giảm xuống mức quá thấp sẽ làm chậm quá trình đông máu, có thể dẫn tới tình trạng chảy máu dưới da, chảy máu bên trong hoặc chảy máu tự phát bên ngoài. Cụ thể các mức độ giảm tiểu cầu được phân loại như sau:

       Tiểu cầu giảm nhẹ (số lượng tế bào vẫn trên 50.000/μL): bệnh nhân thường không biểu hiện triệu chứng, chỉ phát hiện một cách tình cờ khi làm xét nghiệm huyết đồ;

       Tiểu cầu giảm trung bình (số lượng tiểu cầu trong khoảng từ 20.000 - 50.000/μL): bệnh nhân bị chảy máu nhẹ khi gặp chấn thương, chảy máu khó cầm khi bị đứt tay, chân hoặc rong kinh;

       Tiểu cầu giảm nặng (dưới mức 20.000/μL): xuất huyết tự nhiên dưới da hoặc niêm mạc họng, miệng, mũi và trong ống tiêu hóa khiến bệnh nhân bị chảy máu chân răng, chảy máu cam, tiểu ra máu hoặc phân lẫn máu,...;

       Tiểu cầu giảm nghiêm trọng (dưới mức 5.000/μL): người bệnh dễ bị chảy máu tự nhiên rất nguy hiểm với các triệu chứng và biến chứng như xuất huyết đường tiết niệu, ói ra máu, xuất huyết não,... Những biểu hiện này có nguy cơ đe dọa đến tính mạng nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời.

Tiểu cầu là một trong 3 thành phần quan trọng của máu, bên cạnh hồng cầu và bạch cầu

Bên cạnh các triệu chứng dễ bị chảy máu, xuất huyết kéo dài thì bệnh nhân còn có thể xuất hiện các chấm xuất huyết nhỏ màu đỏ dưới da, kích thước bé bằng đầu kim, thường phân bố ở 2 cẳng chân, đồng thời những nốt xuất huyết này có thể tập trung thành các mảng lớn gọi là ban xuất huyết.

Bệnh tiểu cầu thấp ở trẻ nhỏ và người lớn sẽ có diễn tiến phát triển khác nhau. Khoảng 70% trẻ em có thể tự hồi phục tự nhiên sau 3 tháng, số còn lại sẽ chuyển sang thể giảm bạch cầu mạn. Đối với người lớn bệnh có xu hướng trở thành dạng mạn tính và dễ tái phát.

2. Bệnh tiểu cầu thấp là do đâu gây nên?

Các nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng giảm tiểu cầu có thể là do:

       Bệnh nhân mắc chứng rối loạn tiểu cầu: các mô mềm trong cơ thể bị hủy  hoại hoặc người bệnh bị thủy tinh cầu khiến tiểu cầu hoạt động sai cách;

       Mắc bệnh suy tủy xương: đây là hiện tượng tủy xương không thể sản xuất đủ số lượng tế bào máu, trong đó bao gồm cả giảm số lượng tiểu cầu;

       Bệnh tăng giãn tĩnh mạch: sự tăng giãn tĩnh mạch trong cơ thể sẽ làm suy yếu chức năng sản xuất tiểu cầu của tủy xương, từ đó thiếu hụt tiểu cầu cung cấp cho các cơ quan trong cơ thể;

       Mắc bệnh lý về thận: khi thận gặp vấn đề sẽ bị gián đoạn hoặc giảm chức năng lọc máu cũng như thải độc, điều này cũng sẽ làm ảnh hưởng tới số lượng tiểu cầu;

       Do dùng thuốc: các thuốc như thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), thuốc kháng sinh, thuốc Plaquenil, Heparin, Sulfamethoxazole/Trimethoprim, Quinine, Acetaminophen, Hydrochlorothiazide, chất ức chế Glycoprotein IIb/IIIa, Ranitidin, Chlorpropamide, Rifampin, Carbamazepine, Vancomycin,... cũng có thể khiến tiểu cầu suy giảm số lượng;

       Các nguyên nhân khác gây giảm tiểu cầu: nhiễm trùng hệ thống, giảm tiểu cầu thai kỳ, giảm tiểu cầu miễn dịch,...

Tiểu cầu thấp có thể gây ra những vết bầm tím không rõ nguyên nhân trên da

3. Điều trị bệnh tiểu cầu thấp bằng những phương pháp nào?

Để cải thiện số lượng tiểu cầu bị suy giảm, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân thực hiện các phương pháp điều trị dựa trên nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể như sau:

       Nếu bệnh tiểu cầu thấp là do nhiễm trùng gây ra thì các thuốc kháng sinh sẽ được kê đơn nhằm giải quyết tình trạng nhiễm trùng;

       Nếu nguyên nhân gây giảm tiểu cầu xuất phát từ hệ thống miễn dịch thì sẽ cần vận dụng tới các loại thuốc ức chế miễn dịch;

       Trong trường hợp giảm tiểu cầu là do thuốc thì phải ngừng sử dụng những loại thuốc này, đặc biệt là nhóm thuốc giảm đau không steroid (NSAIDs) và aspirin;

       Truyền khối tiểu cầu là chỉ định sẽ được áp dụng khi thực sự cần thiết. Việc truyền khối cầu dự phòng không nên lạm dụng do hiệu quả mà phương pháp này mang lại ở những lần truyền tiếp theo là không cao. Bởi vì lúc này cơ thể đã sản sinh ra các loại kháng thể kháng lại những tiểu cầu lạ mới được đưa vào từ bên ngoài. Truyền khối tiểu cầu thường được tiến hành trong những trường hợp bị giảm tiểu cầu do vấn đề ở tủy xương hoặc rối loạn chức năng tiểu cầu, khi bệnh nhân bị giảm tiểu cầu nghiêm trọng (số lượng tiểu cầu ở dưới mức 10.000/μL) hoặc có số lượng tiểu cầu < 30.000 / μL nhưng đang có dấu hiệu xuất huyết trên lâm sàng hoặc khi bệnh nhân giảm tiểu cầu mà bắt buộc phải thực hiện các thủ thuật xâm lấn. Đặc biệt khi số lượng tiểu cầu bị phá hủy ở mức nghiêm trọng, chảy máu thần kinh trung ương và bệnh nhân bị mất máu nhiều thì cần phải truyền khối tiểu cầu cấp cứu.

Thuốc kháng sinh sẽ giúp khắc phục tình trạng nhiễm trùng - nguyên nhân khiến tiểu cầu giảm thấp

Có thể thấy rằng bệnh tiểu cầu thấp tuy không phổ biến nhưng lại có độ nguy hiểm cao. Tùy theo mức giảm tiểu cầu từ nhẹ đến nặng mà bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng khác nhau. Cho dù là ở mức độ nào thì bệnh nhân cũng cần được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, kịp thời tình trạng này để tránh gặp phải những biến chứng nghiêm trọng có thể tước đi tính mạng của người bệnh bất cứ lúc nào.

Nếu bạn còn nhiều thắc mắc cần được giải đáp về bệnh tiểu cầu thấp hay các vấn đề khác về sức khỏe, bạn có thể liên hệ ngay đến hotline 1900565656 để được tổng đài viên của MEDLATEC tư vấn, giải đáp và hỗ trợ đặt lịch khám cùng các bác sĩ chuyên khoa ngay hôm nay!

 

 

 

BS Thanh Tuấn đã duyệt

Từ khoá: bệnh tiểu cầu

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.