Tin tức
Số lượng tiểu cầu giảm là do đâu và nhận biết như thế nào?
Số lượng tiểu cầu giảm là do đâu và nhận biết như thế nào?
Số lượng tiểu cầu giảm bất thường là tình trạng khiến nhiều người bệnh lo lắng. Hiện tượng này có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó bao gồm 2 nguyên nhân chính là do tủy xương giảm sinh tiểu cầu và do bệnh lý ở những cơ quan khác. Để tìm hiểu rõ căn nguyên gây bệnh và các dấu hiệu giúp nhận biết tình trạng số lượng tiểu cầu giảm trong cơ thể, mời quý bạn đọc hãy cùng theo dõi những thông tin trong bài viết sau.
1. Số lượng tiểu cầu giảm là do nguyên nhân gì?
Như chúng ta đã biết thì trong máu của cơ thể có 3 thành phần chính, đó là tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Trong 3 loại tế bào máu thì tiểu cầu có kích thước nhỏ nhất và chúng do tủy xương sản xuất ra. Nhờ tính chất đặc thù là chúng có thể tập trung theo từng đám, liên kết với nhau nên chúng sẽ bám dính vào những thành mạch bị tổn thương, từ đó giải phóng ra những chất làm đông máu. Thông qua quá trình này, các vết thương sẽ nhanh chóng được cầm máu và ngăn không cho máu tiếp tục rỉ ra từ thành mạch. Khi số lượng tiểu cầu giảm có thể gây ảnh hưởng đến quá trình đông máu, từ đó có thể gây ra tình trạng xuất huyết ở nhiều cấp độ.
Tiểu cầu có nhiệm vụ tham gia vào quá trình đông máu
Số lượng trung bình của tiểu cầu có trong máu là từ 150 - 450 triệu tế bào/ml máu. Triệu chứng dễ nhận thấy nhất khi số lượng tiểu cầu giảm đó là chảy máu, điển hình nhất là chảy máu ở niêm mạc và da. Bên cạnh đó cách duy nhất để phát hiện và kiểm chứng chính xác tình trạng giảm tiểu cầu đó là tiến hành xét nghiệm tế bào máu ngoại vi.
Nguyên nhân gây giảm số lượng tiểu cầu được các chuyên gia phân tích là nó khá phức tạp bởi vì hiện tượng này có thể xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm:
● Cơ thể nhiễm phải virus cúm, quai bị, sởi, viêm gan B siêu vi hoặc nhiễm ký sinh trùng khác,...;
● Nhiễm trùng nặng;
● Các bệnh về máu như xơ tủy, suy tủy hoàn toàn, ung thư hạch, thiếu máu tiêu huyết tự miễn, ung thư tủy di căn, ung thư máu,...;
● Các bệnh lý tự miễn như viêm nút động mạch, Lupus ban đỏ, viêm đa khớp dạng thấp,...;
● Tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc kháng sinh, một số loại thuốc điều trị cảm cúm, thuốc hạ nhiệt, thuốc an thần,... cũng có thể dẫn đến tình trạng giảm tiểu cầu;
● Xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn: là tình trạng giảm tiểu cầu nhưng không thể xác định được nguyên nhân.
2. Các triệu chứng giúp nhận biết tình trạng giảm tiểu cầu
Số lượng tiểu cầu giảm có thể bắt gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, tuy nhiên phổ biến nhất là ở trẻ nhỏ và người trẻ tuổi, nữ giới dễ bị hơn so với nam giới. Bệnh có các biểu hiện điển hình như xuất huyết, thường gặp nhất là ở da và niêm mạc.
Trong trường hợp xuất huyết dưới da thì trên bề mặt da của người bệnh sẽ xuất hiện các nốt chấm đỏ, hoặc các mảng máu bầm dưới da, chảy máu lợi chân răng, chảy máu mũi. Nghiêm trọng hơn là xuất huyết nội tạng, xuất huyết phổi, xuất huyết não và màng não. Xuất huyết sinh dục, hệ tiết niệu, rong kinh, đa kinh,... Tình trạng xuất huyết có thể khiến bệnh nhân bị thiếu máu.
Nếu tiểu cầu giảm mạnh (<10.000/micro lít) thì sẽ dẫn đến tình trạng xuất huyết nghiêm trọng, tính nguy hiểm cao. Giảm tiểu cầu nặng còn có nguy cơ biến chứng là chảy máu tiêu hóa, xuất huyết não đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh.
Số lượng tiểu cầu giảm sẽ khiến trên da của bệnh nhân xuất hiện các vết bầm tím
3. Một số phương pháp giúp điều trị bệnh giảm tiểu cầu
Dưới đây là các can thiệp y khoa thường được chỉ định trong điều trị giảm tiểu cầu:
● Nếu số lượng tiểu cầu giảm là do xuất phát từ nguyên nhân tủy xương giảm sinh tiểu cầu và do bệnh lý ở những cơ quan khác thì dựa trên nguyên nhân gây bệnh sẽ có những phác đồ điều trị cụ thể, thích hợp.
● Truyền tiểu cầu: phương pháp truyền tiểu cầu có thể sẽ được áp dụng nhưng đây chỉ là cách thức đối phó tạm thời trong trường hợp cần cầm máu hay đề phòng nguy cơ xuất huyết nặng. Nên hạn chế tối đa các thủ thuật như nhổ răng, chọc dò, tiêm chích hay phẫu thuật,...
● Dùng thuốc: đối với những trường hợp giảm tiểu cầu vô căn thì chỉ định đầu tay sẽ là các loại thuốc chứa corticoides.
● Cắt lách: được áp dụng khi giảm tiểu cầu tiến triển thành dạng mạn tính, bệnh nhân bị phụ thuộc vào corticoides hay corticoides không còn mang lại hiệu quả điều trị. Sau phẫu thuật này, nếu bệnh nhân bị tái phát thì sẽ kết hợp với một số loại thuốc có công dụng ức chế miễn dịch như Endoxan, Purinéthol, Imuran, Vincristine,...
● Khi người bệnh xuất hiện các dấu hiệu như sưng tấy, đau đầu, xuất huyết, bầm tím ngoài da không rõ nguyên nhân thì cần đưa đi cấp cứu ngay. Nếu số lượng tiểu cầu giảm nhanh, nhiều thì có thể chỉ định truyền khối tiểu cầu hoặc cầm máu tại chỗ, kết hợp dùng thêm các loại thuốc đặc trị cùng những nhóm vitamin cần thiết nhằm cải thiện thể trạng của bệnh nhân.
Truyền tiểu cầu có thể được chỉ định trong trường hợp cần đề phòng bệnh nhân bị xuất huyết nặng
Bệnh giảm tiểu cầu có nguy cơ tái phát cao nên bệnh nhân cần duy trì lịch tái khám định kỳ và có kế hoạch điều trị ổn định, lâu dài nhằm kịp thời theo dõi, điều trị các diễn biến của bệnh. Có những trường hợp được điều trị kịp thời, đúng cách đã khỏi dứt điểm căn bệnh này.
4. Các cách phòng tránh nguy cơ giảm tiểu cầu
Số lượng tiểu cầu giảm là một tình trạng nguy hiểm nhưng đây không phải là bệnh nan y. Chỉ cần biết được nguyên nhân gây bệnh, đồng thời giảm thiểu tối đa nguy cơ xuất huyết bằng các cách sau sẽ giúp bệnh nhân không gặp phải nguy hiểm do tình trạng giảm số lượng tiểu cầu:
● Cẩn thận trong sinh hoạt và vận động hàng ngày (không xỉa răng hoặc đánh răng quá mạnh, không ăn những đồ cứng như xương, mía, không vận động mạnh và chạy nhảy nguy hiểm),... Tránh các môn thể thao có thể gây thương tích cho cơ thể như bóng đá, quyền anh, trượt tuyết, cưỡi ngựa,...
● Ngừng uống rượu trong thời gian điều trị bệnh vì thói quen này sẽ làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất tiểu cầu.
● Tăng cường luyện tập thể dục thể thao, nâng cao sức đề kháng để chống lại các bệnh lý có liên quan tới tình trạng giảm tiểu cầu;
● Thận trọng trong việc dùng thuốc, nhất là những loại thuốc giảm đau như ibuprofen, aspirin,...
Nhìn chung số lượng tiểu cầu giảm là tình trạng mà bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể gặp phải, nhưng phổ biến hơn cả là trẻ nhỏ và phụ nữ trẻ tuổi. Bên cạnh việc dùng thuốc, truyền tiểu cầu hay truyền máu thì bệnh nhân cần kết hợp thêm những biện pháp chăm sóc tại nhà nêu trên để cải thiện số lượng tiểu cầu.
Hy vọng rằng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng giảm tiểu cầu. Nếu cần được tư vấn kỹ lưỡng hơn về vấn đề này, bạn có thể liên hệ ngay với hotline 1900565656 của Hệ thống Y tế MEDLATEC, tổng đài viên sẽ hướng dẫn bạn đặt lịch khám và cung cấp các thông tin chi tiết về dịch vụ thăm khám tại viện.
BS Thanh Tuấn đã duyệt
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!