Tin tức
Bệnh giảm tiểu cầu vô căn là do đâu? Điều trị như thế nào?
- 31/01/2023 | Bệnh giảm tiểu cầu là gì? có nguy hiểm không?
- 31/10/2022 | Hỏi đáp: Giảm tiểu cầu có phải là ung thư máu không?
- 27/10/2022 | Nguyên nhân giảm tiểu cầu và phương án điều trị bệnh
1. Tìm hiểu chung về bệnh giảm tiểu cầu vô căn
Cùng với bạch cầu và hồng cầu, tiểu cầu cũng là một trong 3 thành phần có chức năng quan trọng của máu. Các tế bào này được sinh ra từ tủy xương và nhiệm vụ chính là giúp cầm máu khi có vết thương xuất hiện trên cơ thể. Khi có tổn thương xảy ra, tiểu cầu sẽ được tập kết đến vị trí bị thương tổn và liên kết với nhau để hình thành máu đông, che kín vết thương hạn chế tình trạng mất máu.
Trong trường hợp tiểu cầu bị giảm quá thấp, việc đông máu sẽ bị ảnh hưởng và gây xuất huyết trong, xuất huyết dưới da hoặc ngoài da. Bệnh giảm tiểu cầu vô căn thường xuất hiện ở cả người lớn lẫn trẻ em. Đặc biệt ở người trẻ thì nữ giới chiếm tỷ lệ mắc bệnh cao hơn, nhưng đối với người lớn tuổi thì nam giới lại là đối tượng mắc bệnh nhiều hơn. Trẻ em bị bệnh giảm tiểu cầu vô căn thường là hệ quả sau một đợt mắc quai bị, thủy đậu hoặc sởi.
Tiểu cầu và các thành phần khác của máu
Căn bệnh này được phân thành 2 loại chính là giảm tiểu cầu vô căn cấp và mạn tính. Ở trẻ em, thể cấp tính thường diễn ra dưới 6 tháng và ở người lớn sẽ kéo dài trên 6 tháng được gọi là thể mạn tính.
2. Bệnh giảm tiểu cầu vô căn xuất phát từ nguyên nhân nào?
Vô căn được hiểu là không rõ căn nguyên gây bệnh. Trước đây khoa học vẫn chưa làm rõ được nguyên nhân nào dẫn đến bệnh giảm tiểu cầu vô căn. Tuy nhiên hiện nay cơ chế gây bệnh đã được sáng tỏ hơn, trong đó có sự tham gia của hệ miễn dịch khi phát triển căn bệnh này. Do vậy bệnh giảm tiểu cầu vô căn còn được gọi là xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch.
Khi hệ thống miễn dịch bị nhầm lẫn tiểu cầu là tác nhân gây hại nên đã sản xuất ra những loại kháng thể tiêu diệt tiểu cầu. Thêm một nguyên nhân khác đó là rối loạn hệ miễn dịch cũng làm ảnh hưởng đến các tế bào có chức năng tạo ra tiểu cầu, chính những điều này khiến tiểu cầu bị suy giảm về số lượng.
3. Dấu hiệu nhận biết bệnh giảm tiểu cầu vô căn
Bệnh nhân bị giảm tiểu cầu vô căn thường có các triệu chứng như sau:
-
Tại nhiều vị trí trên cơ thể bị bầm tím, xuất huyết dưới da dạng chấm nhỏ li ti như bị phát ban hoặc tụ thành mảng lớn, chảy máu niêm mạc trong miệng;
-
Chảy máu kéo dài trong ống tiêu hóa hoặc trong đường tiết niệu;
-
Chảy máu chân răng sau khi áp dụng thủ thuật nha khoa;
-
Rong kinh;
-
Chảy máu trong quá trình phẫu thuật.
Xuất huyết dưới da là một trong những triệu chứng của bệnh giảm tiểu cầu vô căn
Tuy nhiên cũng có những trường hợp bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng nào. Nếu không được kiểm soát và điều trị đúng cách, bệnh giảm tiểu cầu vô căn có thể gây chảy máu kéo dài, dẫn tới biến chứng là xuất huyết nội tạng hoặc xuất huyết não.
Ngoài ra khi dùng corticoid để điều trị bệnh, người bệnh cũng có nguy cơ đối diện với các tác dụng phụ do thuốc gây ra như bệnh tiểu đường, dễ bị nhiễm trùng, loãng xương,...
4. Bệnh giảm tiểu cầu vô căn có điều trị được không?
Dựa trên tình trạng bệnh bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp điều trị khác nhau. Nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị giảm tiểu cầu cấp tính có thể khỏi bệnh trong 6 tháng mà không cần điều trị. Nếu bệnh nhân là người lớn bị giảm tiểu cầu nhẹ cũng không nhất thiết phải điều trị nhưng cần phải theo dõi và kiểm tra thường xuyên số lượng tiểu cầu trong máu để tránh nguy cơ gặp phải biến chứng.
4.1. Dùng thuốc điều trị
Sau đây là những nhóm thuốc thường được chỉ định trong điều trị bệnh giảm tiểu cầu vô căn:
-
Corticosteroid: bao gồm methylprednisolone, prednisolone giúp ức chế hệ miễn dịch để làm tăng tiểu cầu;
-
Anti D immunoglobulin: công dụng của loại thuốc này là giúp tiểu cầu gia tăng nhanh chóng về số lượng nhưng thường chỉ được chỉ định cho những bệnh nhân nhóm máu Rh(+) do các tác dụng phụ mà thuốc có thể gây ra;
-
Thuốc đồng vận thụ cảm Thrombopoietin: tác dụng giúp kích thích tủy xương tăng sinh tiểu cầu, hạn chế các vết bầm tím và tình trạng chảy máu. Romiplostim và Eltrombopag là 2 loại thuốc thuộc nhóm này đã được FDA Hoa Kỳ phê duyệt đưa vào sử dụng trong điều trị bệnh giảm tiểu cầu vô căn. Đối với những ca nghiêm trọng bác sĩ có thể cho bệnh nhân dùng cyclophosphamid, azathioprine hay mycophenolate;
-
Rituximab: loại thuốc này chứa các kháng thể đơn dòng có tác dụng ức chế và tiêu diệt những tế bào kháng tiểu cầu. Tuy nhiên công dụng của loại thuốc này vẫn cần được nghiên cứu thêm;
-
Globulin tiêm đường tĩnh mạch: giúp gia tăng tiểu cầu nhanh chóng và hạn chế tối đa lượng máu bị mất, áp dụng cho những bệnh nhân bị chảy máu nghiêm trọng;
-
Kháng sinh: nếu xuất huyết giảm tiểu cầu là do vi khuẩn Helicobacter pylori gây bệnh viêm loét dạ dày thì cần dùng thuốc kháng sinh để điều trị nguyên nhân.
Thuốc là phương án thường được lựa chọn trong điều trị bệnh giảm tiểu cầu vô căn
4.2. Phương pháp khác
Bên cạnh việc dùng thuốc để điều trị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, tùy từng trường hợp cụ thể những biện pháp khác cũng cần được áp dụng như:
-
Trong tình trạng khẩn cấp: dùng immunoglobulin anti D, tiêm methylprednisolon tĩnh mạch, truyền tiểu cầu;
-
Phẫu thuật cắt lách: đối với những người bị giảm tiểu cầu nặng không đáp ứng thuốc thì bác sĩ sẽ cân nhắc cắt bỏ lách - nơi tập trung nhiều lượng tiểu cầu bị phá hủy. Tuy nhiên phẫu thuật này không khả thi ở trẻ em do nguy cơ nhiễm trùng và tái phát cao.
-
Đối với giảm tiểu cầu thai kỳ: nếu thai phụ bị nhẹ thì chưa cần thiết phải điều trị mà sẽ được theo dõi định kỳ thông qua xét nghiệm máu để kiểm tra số lượng tiểu cầu trong máu. Trong trường hợp lượng tiểu cầu quá thấp khi vào cuối thai kỳ, nguy cơ băng huyết sau khi sinh là rất cao nên bác sĩ sẽ có kế hoạch điều trị phù hợp để đảm bảo cả mẹ và bé đều an toàn cho đến khi lâm bồn. Đa phần trẻ sinh ra trong những trường hợp này đều ít khi bị ảnh hưởng. Nếu sau khi ra đời trẻ có lượng tiểu cầu thấp thì sẽ cần phải theo dõi điều trị;
-
Bệnh nhân bị giảm tiểu cầu vô căn cũng không được uống rượu bia vì sẽ gây rối loạn chức năng đông máu. Ngoài ra cần hạn chế dùng các thuốc ảnh hưởng đến tiểu cầu, ví dụ như aspirin, ibuprofen hay warfarin.
Nhìn chung bệnh giảm tiểu cầu vô căn có thể điều trị được. Nếu cơ thể có các triệu chứng cảnh báo tình trạng này, người bệnh nên đi khám để được tư vấn điều trị.
Nếu quý bạn đọc có nhu cầu được thăm khám và tư vấn chi tiết hơn, xin vui lòng liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC qua hotline 1900565656. Tổng đài viên sẽ hỗ trợ bạn đặt lịch khám cùng các y bác sĩ của MEDLATEC ngay hôm nay.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!