Tin tức
Bệnh ung thư: Nguyên nhân hình thành, phương pháp tầm soát và phòng ngừa hiệu quả
- 12/05/2025 | Xạ trị đối với ung thư tiền liệt tuyến diễn ra như thế nào?
- 13/05/2025 | Tầm soát ung thư đại tràng: Vai trò và phương pháp thực hiện
- 13/05/2025 | Ung thư thận có dễ mắc không và dấu hiệu nhận biết là gì?
1. Khái quát cơ chế hình thành bệnh ung thư
ung thư là nhóm các bệnh lý bắt nguồn từ sự biến đổi bất thường của tế bào, khiến tế bào bị mất kiểm soát khả năng phân chia và sinh trưởng. Khi tế bào ung thư hình thành, chúng sẽ xâm lấn mô lành, lan đến cơ quan khác thông qua hệ bạch huyết hoặc máu.
Bình thường, cơ thể có khả năng kiểm soát sự phát triển của tế bào. Tuy nhiên, khi xảy ra đột biến gen hoặc tác động tiêu cực từ các yếu tố nguy cơ, một số tế bào sẽ phát triển không kiểm soát và hình thành khối u ác tính.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có hơn 100 loại ung thư, được phân loại dựa trên nguồn gốc mô học và vị trí cơ quan, có thể kể đến các nhóm ung thư thường gặp nhất là: Ung thư phổi, ung thư vú, ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư cổ tử cung, ung thư tuyến tiền liệt,...
Hình ảnh mô tả sự tăng sinh bất thường của tế bào trong quá trình hình thành bệnh ung thư
2. Những yếu tố nguy cơ chính gây ung thư
Một số yếu tố đã được chứng minh có liên quan đến nguy cơ phát triển ung thư, bao gồm:
- Yếu tố di truyền: Một số loại ung thư có tính di truyền, như ung thư vú, buồng trứng (liên quan đột biến gen BRCA1/2), chiếm khoảng 5 - 10% các trường hợp ung thư.
- Thói quen hút thuốc lá và lạm dụng rượu bia: Là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây Ung thư phổi, thực quản, thanh quản, gan, vú, đại trực tràng,…
- Chế độ ăn uống không lành mạnh: Ăn nhiều thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, thực phẩm chiên rán, ít rau xanh và chất xơ có thể làm tăng nguy cơ ung thư đường tiêu hóa.
- Phơi nhiễm hóa chất độc hại: Như amiang (gây ung thư màng phổi), benzen (ung thư máu), thuốc trừ sâu và một số hóa chất công nghiệp.
- Tác nhân sinh học: Một số virus và vi khuẩn có khả năng làm biến đổi gen của tế bào người dẫn tới ung thư như: HPV (ung thư cổ tử cung), virus viêm gan B (ung thư gan), Helicobacter pylori (ung thư dạ dày).
3. Phát hiện sớm ung thư qua tầm soát định kỳ
3.1. Ý nghĩa của việc tầm soát ung thư
Nhiều trường hợp mắc bệnh ung thư không được phát hiện sớm do ít khi xuất hiện triệu chứng từ giai đoạn đầu. Tuy nhiên, nếu được tầm soát định kỳ, các dấu hiệu tổn thương tiền ung thư sẽ được xác định sớm, nhờ đó người bệnh sẽ được:
3.1.1. Tăng khả năng điều trị thành công
Phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm là yếu tố quan trọng giúp điều trị hiệu quả hơn, ít xâm lấn hơn và có khả năng đạt được sự hồi phục cao. Người bệnh thường không cần các phương pháp điều trị quá phức tạp, nhờ đó giảm chi phí điều trị, rút ngắn thời gian nằm viện và cải thiện chất lượng cuộc sống.
3.1.2. Hạn chế di căn và biến chứng
Nhờ phát hiện sớm, các tổn thương có thể được xử lý trước khi lan rộng hoặc xâm lấn sâu vào mô và cơ quan lân cận. Điều này giúp người bệnh tránh được các biện pháp điều trị mạnh (như hóa trị liều cao, xạ trị diện rộng) vốn dễ gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng như suy giảm miễn dịch, suy kiệt thể trạng và biến chứng mạn tính.
3.2. Các phương pháp tầm soát ung thư thường được áp dụng
Có rất nhiều kỹ thuật thực hiện và cách thức sàng lọc phát hiện sớm ung thư để nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, các phương pháp sau có tính phổ biến nhất:
3.2.1. Chụp nhũ ảnh
Đây là phương pháp được áp dụng trong tầm soát ung thư vú, được khuyến nghị nên ưu tiên thực hiện ở phụ nữ từ 40 tuổi trở lên, đặc biệt là trường hợp có tiền sử gia đình đối với bệnh lý này. Quá trình chụp nhũ ảnh sử dụng tia X liều thấp để chụp ảnh, phát hiện khối u nhỏ kích thước 2 - 3 mm ở vú không thể sờ thấy qua thăm khám thông thường.
Chụp nhũ ảnh giúp tầm soát bệnh ung thư vú
3.2.2. Chụp CT-Scanner
Đây là phương pháp hiệu quả để tầm soát ung thư phổi, đặc biệt ở nhóm đối tượng từ 50 tuổi trở lên có tiền sử hút thuốc lá kéo dài. Chụp CT liều thấp cung cấp hình ảnh chi tiết, giúp phát hiện các nốt nhỏ hoặc tổn thương sớm trong nhu mô phổi trước khi có triệu chứng lâm sàng.
3.2.3. Nội soi tiêu hóa
Người có triệu chứng rối loạn tiêu hóa trong thời gian dài, gia đình có tiền sử mắc bệnh ung thư đường tiêu hóa cần đặc biệt lưu tâm nội soi tiêu hóa định kỳ để tầm soát ung thư.
Đây là phương pháp sử dụng ống nội soi gắn camera để đưa vào ống tiêu hóa, ghi lại hình ảnh bên trong, giúp bác sĩ quan sát trực tiếp tổn thương niêm mạc, sinh thiết hoặc cắt bỏ polyp nếu cần.
3.2.4. Xét nghiệm HPV và Pap smear
Phụ nữ từ 21 đến 65 tuổi được khuyến nghị xét nghiệm HPV định kỳ để tầm soát ung thư cổ tử cung. Trong quá trình khám phụ khoa, bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu tế bào niêm mạc cổ tử cung để làm xét nghiệm Pap smear hoặc xét nghiệm HPV DNA nhằm xác định nguy cơ mắc phải chủng HPV 16 và 18 - tác nhân gây ung thư cổ tử cung.
3.2.5. Xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư
Đây là xét nghiệm giúp tìm ra dấu ấn chỉ điểm bệnh ung thư như: PSA (ung thư tuyến tiền liệt), CA 19-9 (ung thư tụy, mật), AFP (ung thư gan), CA-125 (ung thư buồng trứng),... Xét nghiệm được thực hiện bằng cách sử dụng mẫu máu để phân tích, định lượng kháng nguyên đặc hiệu cảnh báo sự xuất hiện của bệnh ung thư.
Mặc dù không dùng để chẩn đoán xác định, nhưng các chỉ điểm sinh học này có giá trị trong sàng lọc và theo dõi đáp ứng điều trị.
Gần đây, một phương pháp sàng lọc mới, xét nghiệm ctDNA (circulating tumor DNA) cũng được nghiên cứu áp dụng trong tầm soát ung thư. Đây là phương pháp sàng lọc ung thư tiên tiến, sử dụng mẫu máu để phát hiện các đoạn DNA tự do có nguồn gốc từ tế bào ung thư. Khi tế bào ung thư phân hủy, chúng giải phóng DNA mang đặc điểm đột biến đặc hiệu vào máu.
Phân tích ctDNA cho phép phát hiện sớm dấu hiệu ung thư ngay cả khi chưa hình thành khối u rõ ràng trên hình ảnh học. Phương pháp này đang được nghiên cứu và áp dụng trong tầm soát một số ung thư phổ biến như ung thư phổi, đại trực tràng, vú, tụy,… với tiềm năng cá nhân hóa điều trị và theo dõi tái phát bệnh.
Tìm kiếm chất chỉ điểm ung thư trong xét nghiệm máu - phương pháp thường dùng khi tầm soát ung thư
4. Các biện pháp phòng ngừa giảm thiểu nguy cơ hình thành bệnh ung thư
Để phòng ngừa sự tấn công của các yếu tố nguy cơ gây nên bệnh ung thư, bạn có thể chủ động thực hiện các biện pháp sau:
- Thay đổi lối sống lành mạnh bằng cách duy trì giấc ngủ đủ và đúng nhịp sinh học, vận động thể dục thể thao hằng ngày, tránh hút thuốc lá, hạn chế bia rượu, kiểm soát cân nặng hợp lý,... và tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt,...
- Tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh như: vắc xin HPV, vắc xin viêm gan B,...
- Khám sức khỏe và tầm soát ung thư định kỳ.
- Khám bác sĩ chuyên khoa ngay khi phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường về sức khỏe.
Mong rằng những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về cơ chế hình thành bệnh ung thư, chủ động thực hiện tầm soát để phòng ngừa, giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh.
Nếu xuất hiện dấu hiệu nghi ngờ hoặc cần tầm soát ung thư, quý khách hàng hãy liên hệ Hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn, hướng dẫn thao tác đặt trước lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
