Tin tức

Bệnh vảy nến da đầu nguyên nhân do đâu?

Ngày 30/11/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Vảy nến da đầu là hiện tượng vùng da đầu xuất hiện các mảng da đỏ và tróc vảy trắng. Đây là tình trạng viêm mạn tính do nhiều nguyên nhân gây ra, làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống và sự tự tin của người bệnh.

1. Tìm hiểu chung về vảy nến da đầu

Bệnh vảy nến da đầu xảy ra khi các tế bào da bị rối loạn làm nổi các mảng vảy đỏ, có thể là một vài vị trí nhưng nhiều trường hợp bị lan ra toàn bộ vùng da đầu, sau gáy, trên trán, sau vành tai hoặc trong tai.

Các chuyên gia y tế khẳng định tình trạng này xuất phát từ bất thường trong hệ miễn dịch khiến các tế bào da tăng sinh với tốc độ nhanh chóng, dần dần chúng tích tụ lại trên da đầu tạo thành các mảng bám bong tróc.

Vảy nến da đầu nếu bị mức độ nhẹ thường ít bộc lộ triệu chứng rõ ràng nhưng nếu ở giai đoạn  nặng có thể làm dày và vỡ các mảng bám trên da khiến người bệnh cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu, mất ngủ, gây nhiễm trùng da hoặc rụng tóc nếu gãi quá nhiều, từ đó làm suy giảm chất lượng cuộc sống. 

Hình ảnh một người mắc bệnh vảy nến da đầu

Hình ảnh một người mắc bệnh vảy nến da đầu

2. Vảy nến da đầu hình thành là do đâu?

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới bệnh vảy nến da đầu, bao gồm:

Do di truyền:

Căn bệnh này có liên quan đến yếu tố di truyền, nếu trong gia đình có cha mẹ hay anh chị em bị vảy nến da đầu thì rất có thể thế hệ sau cũng sẽ mắc bệnh.

Rối loạn hệ miễn dịch:

Theo các nhà khoa học thì vảy nến da đầu có mối liên hệ mật thiết với các tế bào lympho T. Đây là một trong những tế bào của hệ miễn dịch có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể trước sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh.

Khi hoạt động của hệ miễn dịch gặp rối loạn có thể ảnh hưởng tới chức năng của tế bào lympho T. Lúc này nó sẽ nhầm lẫn các tế bào da bình thường là tác nhân có hại, thay vì bảo vệ cơ thể nó lại quay sang tiêu diệt các tế bào da này dẫn tới hiện tượng viêm da mạn tính. 

Các nguyên nhân khác:

Ngoài 2 nguyên nhân điển hình nêu trên, vảy nến da đầu còn là hệ quả của những tình trạng sau:

  • Bệnh nhân bị viêm da, viêm họng, nhiễm khuẩn tiêu hóa hoặc nhiễm HIV;

  • Sang chấn hay chấn thương da đầu;

  • Thường xuyên trong trạng thái lo âu, căng thẳng;

  • Tác dụng phụ của các thuốc chứa lithium, kháng sinh tetracycline, thuốc điều trị sốt rét hay corticoid;

  • Chế độ dinh dưỡng thiếu hụt vitamin D;

  • Nghiện rượu, hút thuốc lá lâu năm.

Cơ thể bị thiếu hụt vitamin D cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh vảy nến da đầu

Cơ thể bị thiếu hụt vitamin D cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh vảy nến da đầu

Những yếu tố nêu trên khi tương tác và kết hợp với nhau sẽ trở thành tác nhân gây bệnh đồng thời cũng khiến cho các triệu chứng của vảy nến da đầu trở nên nghiêm trọng hơn.

3. Dấu hiệu nhận biết bệnh vảy nến da đầu

Dưới đây là tổng hợp các biểu hiện của bệnh vảy nến da đầu từ nhẹ đến nặng:

  • Da đầu xuất hiện các mảng màu đỏ tươi, có thể là hình tròn hoặc đa cung, khác biệt hẳn với vùng da bình thường xung quanh;

  • Mảng đỏ có thể to khoảng vài milimet đến vài centimet với đặc điểm có nhiều vảy trắng dễ bong tróc và bể vụn xếp chồng lên nhau, đôi khi đi qua ranh giới đường chân tóc và lan xuống gáy, trán hoặc mang tai. Chúng thường khiến bệnh nhân cảm thấy ngứa ngáy nhưng cũng có khi không có triệu chứng rõ ràng nào khác;

  • Những nơi trên da đầu có vết thương hoặc cọ xát do vết gãi thường sẽ xuất hiện nhiều các mảng vảy nến;

  • Những người bị vảy nến da đầu cùng hay có biểu hiện rụng tóc, nếu điều trị khỏi tóc sẽ mọc lại.

Nếu vùng da đầu của bạn xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào nêu trên hãy đi khám ngay để được chẩn đoán xác định bệnh và điều trị từ sớm, tránh tiến triển thành biến chứng khó chữa và ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như chất lượng cuộc sống.

4. Có những phương pháp nào giúp điều trị vảy nến da đầu?

4.1. Điều trị tại chỗ

Bệnh nhân có thể sử dụng một số sản phẩm áp dụng trực tiếp lên da đầu như kem, gel, dầu gội dược phẩm, dầu, kem dưỡng, xà phòng, thuốc mỡ. Các sản phẩm điều trị vảy nến da đầu không kê đơn được FDA cấp phép sử dụng thường chứa 1 trong 2 thành phần chính đó là Coal tar (than đá) hoặc axit salicylic.

Trong trường hợp bị vảy nến da đầu mức độ nặng thì cần dùng những loại thuốc kê đơn như:

  • Thuốc kháng sinh: dùng để kháng nấm và vi khuẩn gây bệnh vảy nến da đầu;

  • Tazarotene: một trong những dẫn xuất của vitamin A;

  • Anthralin;

  • Calcipotriene: dẫn xuất của vitamin D;

  • Dẫn xuất vitamin D (Calcipotriene) kết hợp với một hoạt chất steroid mạnh (betamethasone dipropionate);

  • Steroid dùng tại chỗ.

Vảy nến da đầu có thể được điều trị bằng các thuốc steroid 

Vảy nến da đầu có thể được điều trị bằng các thuốc steroid 

Những thuốc trên cần được theo dưới chỉ định và hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa. Sau khi khỏi bệnh bạn cần chú ý giữ gìn vệ sinh da đầu và duy trì loại thuốc dưỡng khác theo yêu cầu của bác sĩ cho tới khi bệnh khỏi hẳn và phòng ngừa nguy cơ tái phát.

4.2. Điều trị tại viện

Tiêm steroid trực tiếp vào vùng da bị tổn thương là phương pháp thường được áp dụng cho những trường hợp vảy nến da đầu dạng nhẹ. Trong trường hợp các biện pháp điều trị tại chỗ không đem lại hiệu quả thì có thể cân nhắc đến liệu pháp quang trị liệu bằng laser hoặc không laser.

Đối với những người bị vảy nến da đầu mức độ từ trung bình đến nặng, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc dùng theo đường uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch. Một số loại thuốc uống đó là: Methotrexate, Cyclosporine, dẫn xuất vitamin A Soriatane, Corticosteroid. Những thuốc này giúp đem lại kết quả điều trị khả quan trong nhiều trường hợp bị vảy nến da đầu nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như tổn thương gan. Vì vậy khi sử dụng thuốc cần có sự theo dõi nghiêm ngặt của bác sĩ.

Mới đây nhất FDA đã phê duyệt nhóm thuốc sinh học ứng dụng trong điều trị bệnh vảy nến da đầu. Đó là các loại thuốc có công dụng ngăn cản sự tăng sinh nhanh chóng của các tế bào da đầu. Theo ghi chép của Học viện Da liễu Hoa Kỳ, sau đây là 7 loại thuốc sinh học được phê duyệt: 

  • Etanercept (Enbrel);

  • Adalimumab (Humira);

  • Infliximab (Remicade);

  • Secukinumab (Cosentyx);

  • Guselkumab (Tremfya);

  • Ustekinumab (Stelara);

  • Ixekizumab (Talz).

Có thể nói điều trị dứt điểm bệnh vảy nến da đầu là điều không hề dễ dàng. Thay vào đó chỉ có các phương pháp giúp hỗ trợ kiểm soát triệu chứng, ngăn không cho bệnh tái phát hoặc tiến triển nghiêm trọng hơn. 

Nếu bạn đang có nhu cầu được thăm khám và tư vấn điều trị bệnh vảy nến da đầu hay bất kỳ vấn đề da liễu nào khác, hãy liên hệ đặt lịch khám với các chuyên gia Khoa Da liễu của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC ngay hôm nay qua tổng đài 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.