Tin tức

Bệnh viêm tai ngoài ở trẻ - những điều cha mẹ nên biết

Ngày 14/01/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Viêm tai ngoài ở trẻ là một bệnh lý đường hô hấp trên dễ xảy ra với trẻ nhỏ do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh cần được điều trị kịp thời để tránh chuyển sang mãn tính, biến chứng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và thính lực của trẻ. 

1. Tại sao trẻ bị viêm tai ngoài

Tai ngoài gồm có hai bộ phận là ống tai ngoài và vành tai. Khi các yếu tố ngoại lai xâm nhập, gây viêm nhiễm và khiến cho lớp bảo vệ tai ngoài bị tổn thương gọi là viêm tai ngoài. Tác nhân gây nên bệnh lý này ở trẻ chủ yếu là vi trùng và nấm. Chúng không đột ngột gây bệnh mà một phần là do cách cha mẹ chăm sóc tai cho trẻ sai tạo điều kiện để chúng xâm nhập và gây bệnh.

Trẻ nhỏ sức đề kháng còn yếu nên dễ bị viêm tai ngoài

Trẻ nhỏ sức đề kháng còn yếu nên dễ bị viêm tai ngoài

Các yếu tố góp phần thúc đẩy viêm tai ngoài ở trẻ hình thành là:

- Tai tiếp xúc với nguồn nước bẩn ở ao hồ, hồ bơi,...

- Dùng dụng cụ ngoáy tai kém vệ sinh.

- Sức đề kháng của trẻ còn yếu hơn so với người lớn.

- Hệ lụy của một số bệnh như: viêm họng, cảm lạnh, cảm cúm,...

- Chấn thương niêm mạc tai do một thứ gì đó chọc vào.

Ngoài những yếu tố trên đây thì bệnh vảy nến, chàm,... cũng được xem là tác nhân khiến cho viêm tai ngoài ở trẻ dễ hình thành.

2. Nhận biết viêm tai ngoài ở trẻ và cách xử lý

2.1. Những dấu hiệu cho thấy trẻ bị viêm tai ngoài

Tùy vào mức độ bệnh mà dấu hiệu viêm tai ngoài của trẻ sẽ có sự khác nhau:

- Với trường hợp viêm ở mức độ nhẹ: trẻ cảm thấy ngứa ở bên trong tai, dùng đèn quan sát vào trong ống tai ngoài sẽ thấy có hiện tượng đỏ nhẹ, nếu ấn vào vùng sưng phía trước tai hoặc kéo tai sẽ thấy trẻ khó chịu, bên ngoài lỗ tai có chất dịch trong suốt và không có mùi chảy ra.

- Với trường hợp viêm ở mức độ vừa: trẻ bị ngứa tai dữ dội, đau ở trong tai nên trẻ rất khó chịu, dịch chảy ra ngoài ống tai nhiều hơn, khả năng nghe bị kém đi.

- Với trường hợp viêm ở mức độ nặng: cơn đau lan lên cổ, một bên đầu hoặc mặt; ống tai bị tắc nghẽn hoàn toàn, tai ngoài đỏ hoặc sưng, hạch bạch huyết ở cổ bị sưng, trẻ bị sốt.

Trẻ sơ sinh và những trẻ chưa biết nói nếu bị viêm tai ngoài sẽ không thể diễn đạt cho chúng ta hiểu những triệu chứng mà trẻ đang phải chịu. Những trẻ lớn hơn và đã biết cách mô tả về những triệu chứng đang xảy ra thì việc chẩn đoán của bác sĩ sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Viêm tai ngoài khiến cho dịch chảy ra ngoài ống tai

Viêm tai ngoài khiến cho dịch chảy ra ngoài ống tai

Nhìn chung, cha mẹ có thể nhận diện bệnh viêm tai ngoài ở trẻ thông qua các dấu hiệu sau:

- Khi xoa hoặc kéo vào tai trẻ, trẻ sẽ phản ứng hoặc khóc thét.

- Trẻ không có phản ứng với một số loại âm thanh.

- Trẻ dễ bị cáu kỉnh, bỏ ăn, mất thăng bằng,...

2.2. Cách xử lý khi trẻ bị viêm tai ngoài

2.2.1. Chăm sóc, vệ sinh tai cho trẻ tại nhà

Đặc trưng của bệnh viêm tai ngoài ở trẻ là hiện tượng sưng, nóng, đỏ tai. Trong giai đoạn trẻ mắc bệnh, việc vệ sinh tai đúng cách đóng vai trò không nhỏ trong việc chấm dứt nhanh chóng tình trạng viêm nhiễm. Việc làm này vừa loại bỏ môi trường sống của tác nhân gây bệnh mà còn đem lại cảm giác dễ chịu cho trẻ.

Mỗi ngày, trẻ nên được rửa tai ít nhất 2 lần/ngày để viêm nhiễm nhanh chóng chấm dứt và duy trì hàng tối để phòng ngừa khả năng bệnh tái phát. Nước muối sinh lý 0.9% được xem là dung dịch cần để vệ sinh  tai cho trẻ. Cha mẹ cũng có thể tự làm nước muối nhưng cần đảm bảo nó không chứa bụi bẩn. Cách dùng nước muối vệ sinh tai cho trẻ như sau:

- Bước 1: cha mẹ rửa sạch tay sau đó cho trẻ nằm nghiêng đầu về một bên để quan sát vùng da bị nhiễm.

- Bước 2: nhỏ 2 - 3 giọt nước muối ấm đã được làm ấm vào tai của bé, chờ 30 giây.

- Bước 3: để trẻ nằm tư thế nghiêng khoảng 30 giây cho dịch chảy ra ngoài.

Riêng với trẻ sơ sinh bị viêm tai ngoài, cha mẹ nên dùng khăn mỏng và mềm ngâm với nước muối rồi vắt khô để lau xung quanh vành tai trẻ. 

Thời điểm tốt nhất để vệ sinh tai ngoài cho trẻ là:

- Sau khi trẻ tắm xong.

- Trước khi trẻ dùng thuốc nhỏ tai.

2.2.2. Đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa

Hầu hết trẻ nhỏ không thể diễn đạt được sự khó chịu của bệnh nên cha mẹ hãy chú ý quan sát, khi thấy những hiện tượng sau đây cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ tai - mũi - họng càng sớm càng tốt:

Bệnh viêm tai ngoài ở trẻ cần được điều trị sớm để ngăn chặn biến chứng xấu

Bệnh viêm tai ngoài ở trẻ cần được điều trị sớm để ngăn chặn biến chứng xấu

- Có dịch chảy ra ngoài  ngoài tai của trẻ.

- Sốt cao từ 39 độ C.

- Trẻ gặp khó khăn trong việc nhận biết âm thanh.

Nếu bệnh viêm tai ngoài ở trẻ được phát hiện và điều trị từ sớm thì chỉ vài ngày sau là có thể khỏi bệnh. Những trường hợp phát hiện muộn hoặc điều trị sai cách rất dễ gây ra biến chứng không tốt như: mất thính giác tạm thời, vỡ hoặc thủng màng nhĩ, tổn thương xương sụn, nhiễm trùng mô tế bào, áp xe quanh khu vực tai,...

Thời gian khỏi bệnh viêm tai ngoài ở trẻ phụ thuộc vào sự tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ và sức đề kháng của trẻ. Hầu hết các trường hợp viêm nhiễm sẽ cải thiện trong 3 - 4 ngày và khỏi hẳn sau khoảng 1 tuần.

Nếu đã điều trị viêm tai giữa ở nhà cho trẻ mà không có dấu hiệu thuyên giảm sau 3 ngày kèm theo hiện tượng: đau tai dữ dội, sưng mặt,... thì cha mẹ nên tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa để có phác đồ trị liệu khác hiệu quả hơn. Một số ít trường hợp viêm tai ngoài có thể lan đến các mô xung quanh gây nhiễm trùng trên diện rộng và sưng đau rất khó chịu. Cha mẹ cần đưa trẻ đến để bác sĩ chuyên khoa để có hướng ngăn chặn biến chứng.

Những thông tin về viêm tai ngoài ở trẻ trên đây chỉ có tính chất tham khảo. Ngay khi nghi ngờ trẻ bị mắc bệnh lý này, tốt nhất cha mẹ nên đến trực tiếp bệnh viện để bác sĩ thăm khám, nhận diện mức độ bệnh và đưa ra phác đồ trị liệu hiệu quả. Hoặc cha mẹ cũng có thể liên hệ qua Tổng đài 1900 56 56 56, chuyên gia y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC luôn sẵn lòng chia sẻ và giải thích cặn kẽ để cha mẹ biết cách bảo vệ cho sức khỏe của con mình.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.