Tin tức

Bị tiêu chảy nhiều lần là do nguyên nhân gì và làm sao để hết?

Ngày 25/09/2021
Tiêu chảy là một hiện tượng rối loạn tiêu hoá do nhiều nguyên nhân khác nhau với số lần đi ngoài trong một ngày nhiều hơn bình thường và phân lỏng. Tình trạng tiêu chảy không những khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi mà còn ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt, thậm chí là bị đe doạ tính mạng nếu không được khắc phục kịp thời.

1. Tiêu chảy nhiều lần xảy ra khi nào?

Một người được coi là gặp phải tình trạng tiêu chảy nhiều lần là khi trong 1 ngày có hơn 3 lần đi ngoài và khối lượng của phân bài tiết trên 200gr/ngày. Có thể ước lượng như sau:

  • Người trưởng thành: tiêu chảy với trọng lượng phân là > 200gr/ngày;

  • Trẻ em: đi ngoài với trọng lượng phân > 20gr/ngày;

  • Trong phân chứa nhiều chất lỏng. Thông thường một người đại tiện thì có 60% là nước trong phân nhưng những người bị tiêu chảy thì phải có đến hơn 90% trọng lượng của phân là nước.

2. Nguyên nhân dẫn tới tiêu chảy nhiều lần trong ngày là gì?

Có rất nhiều căn nguyên khiến cho tình trạng tiêu chảy nhiều lần xảy ra, một số các yếu tố có thể kể đến đó là:

  • Do sự xâm nhập của các loại virus, vi khuẩn, ký sinh trùng: là khi bạn ăn phải những thức ăn không đảm bảo vệ sinh, bị ẩm mốc, ôi thiu hoặc bị nhiễm độc thì có nguy cơ cao bạn sẽ bị tấn công bởi các loại ký sinh trùng, vi khuẩn, virus trú ngụ trong các thực phẩm này và dẫn tới tiêu chảy:

  • Loại vi khuẩn gây tiêu chảy:

  • Salmonella có trong trứng gà, trứng gia cầm;

  • Staphylococcus aureus trong các loại bánh làm từ sữa hoặc trong thịt qua công nghệ xử lý;

  • Bacillus cereus có trong giá đỗ sống, đậu và gạo;

  • Clostridium perfringens trong thức ăn đã được hâm nóng;

  • Escherichia coli (E. coli) hay tồn tại trong những miếng thịt sống chưa qua chế biến;

  • Yersinia enterocolitica có trong sữa và thịt bị nhiễm trùng;

  • Shigella hay được tìm thấy trong nhà trẻ, làng mạc ở vùng nông thôn;

  • Campylobacter jejuni phát sinh ở các gia đình nuôi chim và gia cầm như gà, vịt, ngan, ngỗng,...;

  • Vibrio cholerae: một loại vi trùng gây bệnh tả và sống trong những nguồn nước bẩn bị ô nhiễm;

  • Vibrio parahaemolyticus gây bệnh cho con người khi ăn hải sản sống, nhất là con hàu.

  • Ký sinh trùng gây tiêu chảy: chúng len lỏi vào cơ thể con người chủ yếu qua con đường ăn uống. Cần phải kể đến các loại ký sinh trùng phổ biến sau:

  • Cryptosporidium: lây nhiễm qua thực phẩm;

  • Entamoeba histolytica: lây nhiễm qua thức ăn hoặc nước có nhiễm phân người, qua quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc với tay bị bẩn;

  • Giardia lamblia: sống trong nguồn nước ô nhiễm.

  • Nhóm virus gây tiêu chảy: thường là tác nhân dẫn tới các đợt tiêu chảy cấp tính, phổ biến nhất là bệnh viêm dạ dày ruột do virus hay còn được biết tới với cái tên cúm dạ dày. Những loại virus là thủ phạm gây tiêu chảy bao gồm: Adenovirus, Astrovirus, Caliciviruses, Rotavirus.

Vi khuẩn là một trong các tác nhân gây nên bệnh tiêu chảy nhiều lần

Vi khuẩn là một trong các tác nhân gây nên bệnh tiêu chảy nhiều lần

  • Do cơ thể không dung nạp lactose, fructose, gluten, sorbitol: tuỳ thuộc vào cơ địa của từng người mà có những trường hợp không dung nạp được các loại đường có trong thực phẩm như: fructose trong nước ngọt đóng chai, thực phẩm chế biến sẵn; lactose trong sữa cùng các chế phẩm có nguồn gốc từ sữa; protein gluten là thành phần chứa nhiều trong lúa mì, yến mạch, ngũ cốc, bánh mì,... Tình trạng tiêu chảy có thể hết nếu ngừng tiêu thụ các sản phẩm này;

  • Do tác dụng phụ của một số loại thuốc: bên cạnh những ích lợi đẩy lui bệnh tật do các thuốc điều trị đem lại thì có rất nhiều thuốc gây nên tác dụng phụ là tiêu chảy do chúng thường tiêu diệt cả vi khuẩn có lợi lẫn có hại trong ruột. Các thuốc có khả năng cao dẫn tới tiêu chảy bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh;

  • Thuốc chống trầm cảm;

  • Thuốc hoá trị chữa ung thư;

  • Thuốc kháng axit;

  • Thuốc nhuận tràng;

  • Thuốc điều trị một số loại bệnh lý như: bệnh gút, loãng xương, tiểu đường, huyết áp cao,...

  • Do bệnh nhân mắc các bệnh lý tiềm ẩn:

  • Tiểu đường;

  • Hội chứng ruột kích thích;

  • Bệnh Crohn;

  • Bệnh phình đại tràng bẩm sinh;

  • Nhiễm trùng máu;

  • Viêm đại tràng;

  • Bệnh cường giáp;

  • Rối loạn tiêu hoá bạch cầu ái toan;

  • Ung thư máu, ung thư gan, tuyến tụy.

3. Mức độ nguy hiểm của hiện tượng tiêu chảy nhiều lần

Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị tiêu chảy và tần suất tiêu chảy càng nhiều, thời gian bị tiêu chảy càng kéo dài thì nguy cơ biến chứng nghiêm trọng sẽ càng cao.

  • Đối với trẻ nhỏ khi bị tiêu chảy: gây rối loạn chức năng hấp thu dinh dưỡng trong đường ruột, giảm sức đề kháng, sụt cân, cơ thể suy nhược và có thể dẫn tới tử vong;

Trẻ em bị tiêu chảy nhiều lần có thể gặp các biến chứng hết sức nguy hiểm

Trẻ em bị tiêu chảy nhiều lần có thể gặp các biến chứng hết sức nguy hiểm

  • Đối với các mẹ bầu: tiêu chảy nhiều lần kèm theo triệu chứng đau quặn bụng khiến cho tử cung bị kích thích co bóp nhiều hơn, ảnh hưởng tới sự an toàn của thai nhi gây nguy cơ sảy thai cao;

  • Trường hợp tiêu chảy chỉ xảy ra trong khoảng từ 1 - 2 ngày và tự khỏi được thì không cần thiết phải can thiệp điều trị. Nhưng có những người bị tiêu chảy nhiều lần và kéo dài liên tục, không có phương án xử lý sớm sẽ dễ gặp các tình trạng như: mất nước, suy thận, sốc phản vệ, suy dinh dưỡng, nguy hiểm tới tính mạng.

4. Bị tiêu chảy khi nào thì cần đi bệnh viện?

Nếu xuất hiện các dấu hiệu sau, hãy lập tức đi khám để không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ:

  • Sốt cao hơn 38 độ;

  • Mất nước nhiều, đau bụng, khô miệng, hay thấy khát nước;

  • Phân đi ngoài có lẫn mủ, máu hoặc đen giống màu bã cà phê;

  • Nước tiểu sậm màu kèm theo biểu hiện chóng mặt;

  • Tiêu chảy và thường xuyên nôn mửa;

  • Đau bụng quằn quại kèm tiêu chảy.

5. Phương pháp giúp chấm dứt tình trạng tiêu chảy nhiều lần

Có 2 giai đoạn trong điều trị tiêu chảy, đặc biệt là đối với trường hợp nặng:

Phương pháp xử trí ban đầu:

  • Tiến hành cho bệnh nhân bù nước, bù dịch bằng Oresol;

  • Nếu người bệnh không có khả năng hấp thu glucose thì truyền dịch tĩnh mạch cho tới khi bệnh nhân đáp ứng Oresol;

  • Trường hợp bệnh tiến triển nặng hơn thì sẽ kết hợp thêm các biện pháp xử lý phức tạp hơn.

Phương pháp xử trí đặc hiệu:

Nếu cần thiết, bệnh nhân cần được soi phân để tìm ra chính xác nguyên nhân gây tiêu chảy cũng như chỉ định dùng đúng thuốc chuyên biệt để điều trị. Trường hợp người bệnh bị tiêu chảy nhiều lần do mắc bệnh viêm đại tràng mạn tính, có thể áp dụng các biện pháp sau:

  • Dùng kháng sinh đường ruột: Flagentyl, Flagyl, Biceptol,... và loại thuốc điều hoà nhu động ruột như: Rekalat, Dobriat, Visceralgin,...

  • Bổ sung thêm các loại khoáng chất và vitamin như đồng, kẽm, sắt, folate, magne, vitamin A;

  • Theo dõi bệnh thường xuyên bằng cách giám sát thân nhiệt, cân nặng, số lần tiêu chảy, lượng thức ăn hấp thu,... nhằm đánh giá tình trạng sức khoẻ và quyết định có thể cho bệnh nhân xuất viện được hay chưa.

Tất cả những chỉ định trên cần phải được thực hiện tại cơ sở y tế và phải được chỉ định bởi bác sĩ. Tránh tình trạng cha mẹ trẻ tự ý mua thuốc và xử lý tại nhà cho trẻ, có thể dùng thuốc sai, không phù hợp,... gây ra các biến chứng nguy hiểm khác.

Kháng sinh đường ruột có giá trị trong việc kiểm soát các triệu chứng của tiêu chảy nhiều lần

Kháng sinh đường ruột có giá trị trong việc kiểm soát các triệu chứng của tiêu chảy nhiều lần

Nhìn chung, tiêu chảy là một hiện tượng phổ biến hầu như ai cũng đã từng mắc phải. Mức độ nặng hay nhẹ còn phụ thuộc vào từng thể trạng cũng như nguyên nhân gây bệnh, nhưng mọi người chớ nên coi thường vì tiêu chảy nhiều lần có nguy cơ gây nên nhiều hệ lụy nguy hiểm đối với sức khỏe, thậm chí còn đe dọa tới tính mạng.

Qua bài viết này, nếu bạn còn nhiều băn khoăn chưa hiểu rõ, hãy nhấc máy và gọi tới hotline 1900 56 56 56 của BVĐK MEDLATEC, tổ tư vấn sẽ chia sẻ thêm về các gói khám và thông tin hữu ích cho bạn ngay hôm nay!

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.