Tin tức

Biến chứng nguy hiểm của viêm túi lệ cần hết sức cảnh giác

Ngày 08/09/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Viêm túi lệ là một trong những bệnh lý nhãn khoa nghiêm trọng, nếu không được xử trí kịp thời, đúng cách có thể khiến bệnh nhân phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe.   

1. Nguyên nhân gây viêm túi lệ là gì?

Viêm túi lệ là hiện tượng ống lệ, túi lệ bị viêm. Đây là bộ phận có nhiệm vụ dẫn nước và chứa nước mắt chảy từ nhãn cầu xuống khoang mũi. Vị trí của các tuyến lệ là nằm dưới mi mắt, chúng tiết nước mắt liên tục để đảm bảo độ ẩm cho mắt. Để nhường chỗ cho dòng nước mắt mới, số bụi bẩn và những giọt nước mắt cũ sẽ chảy vào túi lệ, men theo ống lệ đi về sau mũi. Tuy nhiên do một số nguyên nhân (thường là do tắc tuyến lệ) mà nước mắt không thể di chuyển được xuống mũi mà ứ đọng lại ở túi lệ. Điều này đã tạo cơ hội để vi khuẩn sinh sôi, phát triển dẫn tới viêm và nhiễm trùng túi lệ.

Tắc tuyến lệ là nguyên nhân phổ biến dẫn tới tình trạng viêm túi lệ

Tắc tuyến lệ là nguyên nhân phổ biến dẫn tới tình trạng viêm túi lệ

Có 2 loại viêm túi lệ đó là loại cấp tính và mạn tính. Những trường hợp cấp tính thường có triệu chứng rầm rộ, tình trạng viêm tiến triển nhanh, cấp tính và thời gian viêm cấp thường không kéo dài, còn mạn tính thì diễn tiến trong thời gian dài, phần lớn bệnh nhân đều cần phải phẫu thuật để chấm dứt tình trạng này.

Bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể bị viêm túi lệ nhưng trẻ sơ sinh và người trưởng thành sau 40 tuổi là những đối tượng dễ mắc nhất. Nguyên nhân viêm túi lệ ở trẻ sơ sinh thường là do tắc nghẽn lệ đạo hoặc bất thường bẩm sinh ở lệ đạo. Còn đối với người lớn có thể xuất phát từ những nguyên nhân như sau:

  • Áp xe mũi;

  • Viêm xoang;

  • Polyp mũi;

  • Chấn thương mắt hoặc mũi;

  • Dị vật ở trong lệ đạo;

  • Khối u cản trở đường mũi hoặc bên trong xoang;

  • Đã từng phẫu thuật xoang hoặc mũi;

  • Bị vi sinh vật tấn công, ví dụ như vi khuẩn gram âm (Haemophilus influenzae, Pseudomonas aeruginosa, Proteus), vi khuẩn gram dương (Staphylococcus aureus, Staphylococcus epidermidis, Streptococcus pneumoniae) và vi khuẩn kị khí (Propionibacterium acnes);

  • Bệnh nhân bị ung thư.

Ngoài ra những yếu tố sau cũng làm gia tăng nguy cơ gây viêm túi lệ:

  • Viêm niêm mạc mũi;

  • Kích thước 2 bên lỗ mũi không cân xứng do bệnh nhân bị lệch vách ngăn mũi;

  • Cấu trúc xương trong mũi ảnh hưởng tới chức năng làm ẩm và sàng lọc không khí khi hít thở.

2. Dấu hiệu nhận biết tình trạng viêm túi lệ

Viêm túi lệ có thể bộc lộ những biểu hiện khác nhau tùy từng trường hợp, mức độ nghiêm trọng cũng như phân loại tình trạng viêm. Đối với những người bị viêm cấp tính thường có những triệu chứng như sau:

  • Cảm thấy đau, sưng tấy, nóng đỏ ở khu vực khóe mắt trong vùng túi lệ;

  • Chảy nhiều nước mắt, có hoặc không kèm theo chảy mủ;

  • Sốt;

  • Hiện tượng đau nhức có thể càng tăng nặng khi liếc mắt.

Khi bị viêm túi lệ bệnh nhân có thể bị chảy nhiều nước mắt hơn bình thường mà không vì lý do gì

Khi bị viêm túi lệ bệnh nhân có thể bị chảy nhiều nước mắt hơn bình thường mà không vì lý do gì

Nếu bị nặng viêm túi lệ cấp tính còn có nguy cơ tiến triển thành rò mủ ngoài da, áp xe túi lệ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng khác. Ngược  lại những trường hợp viêm túi lệ mạn tính thường ít gây triệu chứng nguy hiểm hơn và ít khi xảy ra đột ngột như trường hợp cấp tính. Khóe mắt bệnh nhân thường bị khó chịu dai dẳng, tiết nhiều gỉ và nước mắt nhưng không bị sốt hoặc sưng túi lệ.

Khi không được điều trị đúng cách và kịp thời, viêm túi lệ cấp tính hoàn toàn có thể chuyển thành dạng mạn tính. Nhất là đối với trẻ sơ sinh, viêm túi lệ có thể xâm nhập vào tổ chức hốc mắt dẫn đến nhiều vấn đề đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của trẻ, ví dụ như viêm màng não, áp xe não, nhiễm trùng máu.

3. Một số phương pháp giúp chẩn đoán viêm túi lệ 

Viêm túi lệ không phải là tình trạng nhãn khoa quá phức tạp trong việc chẩn đoán. Bác sĩ cần thăm khám lâm sàng như tìm hiểu bệnh sử, kiểm tra biểu hiện bên ngoài của mắt ví dụ như hiện tượng sưng, đỏ mắt, ấn vào túi lệ để xác định xem liệu  dịch hay mủ có bị tụ lại ở đó hay không,... Trong trường hợp xuất hiện mủ thì mẫu mủ của bệnh nhân sẽ được đưa tới phòng thí nghiệm để kiểm tra vi khuẩn trong mẫu là dạng nào.

Đôi khi để hỗ trợ việc chẩn đoán, thăm khám bệnh bác sĩ cần phải vận dụng tới phương pháp “dye disappearance test”. Khi thực hiện phương pháp này, người bệnh sẽ được sử dụng một loại thuốc nhuộm đặc biệt vào trong góc mắt. Thuốc nhuộm này sẽ biến mất một cách nhanh chóng chỉ sau vài phút nếu mắt khỏe mạnh bình thường. Ngược lại nếu thuốc tồn tại lâu hơn chứng tỏ lệ đạo đang bị tắc nghẽn. Bên cạnh việc hỗ trợ kiểm tra, xác định tình trạng tắc nghẽn lệ đạo, đây còn là  thử nghiệm có tác dụng chẩn đoán chính xác việc người bệnh đang bị tắc nghẽn một phần hay toàn bộ lệ đạo.

Triệu chứng của bệnh viêm túi lệ còn dễ gây nhầm lẫn với những bệnh lý nhãn khoa khác. Chính vì thế trong khi chẩn đoán, bác sĩ cần phân biệt với những căn bệnh như u túi lệ, viêm kết mạc hay áp xe túi lệ.

4. Viêm túi lệ cần được điều trị như thế nào?

Đối với những người bị viêm túi lệ cấp tính thì phương pháp điều trị chủ yếu lúc này là dùng thuốc kháng sinh giúp tiêu diệt các tác nhân vi khuẩn gây nhiễm trùng. Thường thì kháng sinh đường uống sẽ được chỉ định trong những trường hợp này. Nhưng ở những ca bệnh nghiêm trọng, bệnh nhân cần được tiêm thêm thuốc qua đường tĩnh mạch, thuốc giúp giảm đau và giảm thiểu tình trạng phù nề để khắc phục các biểu hiện do chứng tắc nghẽn lệ đạo gây nên.

Đối với bệnh nhân là trẻ nhỏ, bác sĩ sẽ nắn vào khu vực túi lệ kèm theo kê đơn thuốc nhỏ mắt. Nếu thủ thuật này không đem lại hiệu quả khả quan  thì mới tiến hành rửa và thông lệ đạo. 

Triệu chứng của bệnh viêm túi lệ còn dễ gây nhầm lẫn với những bệnh lý nhãn khoa khác

Triệu chứng của bệnh viêm túi lệ còn dễ gây nhầm lẫn với những bệnh lý nhãn khoa khác

Nếu bệnh nhân bị viêm túi lệ mạn tính thì sẽ thực hiện thông lệ đạo. Đây là kỹ thuật có tác dụng giúp ống lệ mũi thông thoáng chỗ tắc, khơi thông dịch mủ ở lệ đạo và khôi phục sự lưu thông của dòng chảy nước mắt. Sau khi đã áp dụng hết cả thủ thuật nêu trên mà tình trạng bệnh vẫn không thuyên giảm thì cần triển khai cắt bỏ túi lệ. 

Nhìn chung viêm túi lệ là một bệnh lý nguy hiểm, cần được phát hiện sớm và can thiệp bằng các biện pháp y khoa. Do đó nếu  có các triệu chứng cảnh báo bệnh viêm túi lệ, bạn cần đi khám ngay để được chẩn đoán và  điều trị kịp thời.

Nếu còn nhiều thắc mắc cần được giải đáp, quý khách hàng vui lòng gọi tới tổng đài 1900 56 56 56 để tổng đài viên của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tư vấn và hỗ trợ.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.