Tin tức

Biểu hiện, biến chứng của suy gan cấp và cách bảo vệ gan hiệu quả

Ngày 10/11/2021
Tình trạng suy gan cấp xảy ra khi gan bị tổn thương ở mức độ nặng nề với các triệu chứng bệnh lý não gan và chỉ số đông máu INR tăng cao, mặc dù trước đó bệnh nhân không bị mắc các bệnh lý về gan hay xơ gan. Biến chứng của suy gan cấp khá nghiêm trọng và nếu không được chữa trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong cao.

1. Tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến suy gan gấp

Một số nguyên nhân gây nên hiện tượng suy gan cấp bao gồm:

  • Bệnh nhân uống quá liều Paracetamol: 

Tại Hoa Kỳ, đây là nguyên nhân phổ biến dẫn tới tình trạng suy gan cấp. Điều này là hệ quả của việc lạm dụng Paracetamol quá nhiều trong cùng một lúc hoặc uống nhiều Paracetamol trong khoảng thời gian dài. Nếu bạn hoặc người thân uống Paracetamol quá liều, đừng đợi tới khi triệu chứng suy gan cấp xuất hiện mà hãy đến ngay các cơ sở y tế và bệnh viện để nhờ đến sự trợ giúp của bác sĩ.

Bên cạnh đó, những loại thuốc kê đơn gồm thuốc kháng sinh, thuốc chống co giật, thuốc giảm đau kháng viêm không steroid cũng có khả năng gây suy gan cấp nếu không được sử dụng đúng cách.

Biến chứng của suy gan cấp

Quá liều paracetamol khiến người bệnh bị suy gan cấp

  • Mắc bệnh viêm gan và nhiễm các loại virus khác: Một số bệnh viêm gan A, B, C và các loại virus như herpes simplex, cytomegalo và Epstein-Barr cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới suy gan cấp.

  • Các loại thuốc bổ có chiết xuất từ thảo dược: Nếu uống quá nhiều không có sự chỉ định của bác sĩ thì những loại thuốc bổ có nguồn gốc từ thảo dược như ma hoàng, bạc hà hăng, cây kava, bán chỉ liên có thể khiến bệnh nhân bị suy gan cấp.  

  • Nhiễm độc: suy gan cấp tính có khả năng là hậu quả của việc ăn phải nấm độc Amanita phalloides hoang dã. Ngoài ra nếu bệnh nhân bị nhiễm phải một loại hóa chất công nghiệp tên là Carbon tetrachloride có trong chất làm lạnh, dung môi cho vecni, sáp hoặc các vật liệu khác cũng có thể gặp tình trạng suy gan cấp tính. 

  • Mắc bệnh rối loạn chuyển hóa: các bệnh như gan nhiễm mỡ cấp tính trong thời gian thai kỳ, bệnh Wilson là bệnh lý hiếm gặp về chuyển hóa cũng là nguyên nhân của suy gan cấp. 

  • Bệnh lý tự miễn: suy gan còn có thể do bệnh nhân bị tình trạng viêm gan tự miễn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch quay sang tấn công chính các tế bào gan của cơ thể, khiến gan bị viêm và tổn thương.

  • Nhiễm trùng huyết: tình trạng sốc và nhiễm trùng huyết sẽ khiến cho lưu lượng máu cung cấp tới  gan bị suy giảm nghiêm trọng, dần dần tạo nên hiện tượng suy gan cấp.

  • Bệnh lý tĩnh mạch gan: ví dụ như hội chứng Budd - Chiari có thể làm tắc nghẽn tĩnh mạch gan dẫn tới suy gan cấp.

  • Ung thư: bao gồm ung thư nguyên phát tại gan và ung thư di căn từ cơ quan khác tới gan.

Bên cạnh các nguyên nhân nêu trên, cũng có nhiều trường hợp người bệnh bị suy gan cấp mà không rõ nguyên do.

2. Các biểu hiện ở người bị suy gan cấp 

Triệu chứng của suy gan cấp khá tương đồng với các bệnh về gan, được biểu hiện như sau:

  • Cơ thể mệt mỏi, chán ăn.

  • Ngứa da, vàng da vàng mắt.

  • Cảm thấy buồn nôn và nôn.

  • Bụng đau khu vực gan (¼ phía trên, ở bên phải của ổ bụng).

  • Lú lẫn, thậm chí hôn mê.

  • Thờ ơ, khó ngủ nhưng cũng có khi ngủ lịm.

Khi bị suy gan cấp người bệnh thường mệt mỏi chán ăn

Khi bị suy gan cấp người bệnh thường mệt mỏi chán ăn

Nếu phát hiện ra bản thân hoặc người xung quanh có các dấu hiệu như mắt hoặc da chuyển vàng, bụng đau phần trên rốn hoặc tâm thần biến đổi biến thường, hành vi ứng xử, tính cách thay đổi thì hãy ngay lập tức đi khám bác sĩ.

3. Biến chứng của suy gan cấp là gì?

Có nhiều cách để gọi tên hiện tượng suy gan cấp, ví dụ như viêm gan kịch phát, suy gan kịch phát, hoại tử gan cấp hay hoại tử gan kịch phát. Chỉ dựa trên tên gọi cũng đủ cho thấy mức độ nguy hiểm của suy gan cấp nghiêm trọng như thế nào, bởi nếu không được xử trí kịp thời, bệnh thường có tiên lượng rất xấu. Suy gan cấp để lại nhiều biến chứng nặng nề như bệnh não gan, rối loạn chuyển hóa, biến chứng phổi, suy thận, phù não và co giật,...:

  • Phù não: Do mất cân bằng điện giải và dịch thể dẫn đến tình trạng phù não làm gia tăng áp lực lên hộp sọ.

  • Nhiễm trùng: nhiễm trùng đường tiểu, nhiễm trùng máu và hệ hô hấp.

  • Xuất huyết và biến chứng của xuất huyết: chức năng gan suy giảm dẫn đến rối loạn quá trình sản xuất các yếu tố đông máu, từ đó làm rối loạn đông máu khiến hệ tiêu hóa dễ bị xuất huyết. Thông thường rất khó để kiểm soát biến chứng này. 

  • Suy thận: biến chứng suy thận xuất hiện ở 55% trong số các trường hợp suy gan cấp tính khi được chuyển tới chuyên khoa điều trị, thường bộc phát sau suy gan (hay còn được biết đến với tên gọi hội chứng gan thận). Cũng có khi suy thận đồng thời xảy ra với suy gan do các tác nhân khác ảnh hưởng tới 2 cơ quan này (ví dụ như uống quá liều paracetamol).

  • Rối loạn chuyển hóa: hạ kali máu, nhiễm kiềm chuyển hóa, giảm phosphat máu, hạ đường huyết (do cholesterol trong máu tăng và glycogen ở gan bị giảm).  

4. Các cách để bảo vệ sức khỏe của lá gan 

Nhằm ngăn ngừa các bệnh lý làm tổn hại tới gan và đặc biệt là các biến chứng của suy gan cấp, chúng ta nên thực hiện các biện pháp sau:

  • Uống thuốc tuân theo hướng dẫn và chỉ định của y bác sĩ: khi uống paracetamol hoặc bất kỳ loại thuốc nào, bạn cần kiểm tra kỹ liều lượng khuyến cáo được ghi trên bao bì sản phẩm, không được dùng quá liều cho phép. Nếu bị mắc bệnh lý về gan thì trước khi sử dụng paracetamol, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

  • Cung cấp thông tin về các loại thuốc đang dùng cho bác sĩ biết: bao gồm cả những thuốc có nguồn gốc từ thảo dược hay các thuốc không kê đơn cũng cần phải thông báo với bác sĩ. Bởi vì những thuốc này có thể tương tác với thuốc mà bạn sẽ dùng để điều trị bệnh.

  • Tiêm phòng vacxin đầy đủ: nên thực hiện tiêm vacxin viêm gan A, B khi bạn có tiền sử, nguy cơ hoặc đang mắc viêm gan mạn tính.

  • Tránh thực hiện các hành vi làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh về gan: 

  • Không uống rượu bia và đồ uống có cồn.

  • Không sử dụng chung kim tiêm và đồ dùng cá nhân.

  • Khi quan hệ tình dục luôn dùng bao cao su an toàn.

  • Tránh xa khói thuốc lá.

  • Nếu muốn xăm hình hoặc xỏ khuyên trên cơ thể, bạn cần tìm hiểu kỹ lưỡng độ an toàn và vệ sinh sạch sẽ của cơ sở bạn lựa chọn để thực hiện.

  • Thận trọng khi tiếp xúc với các hóa chất: thực hiện các biện pháp bảo hộ cơ thể như đeo khẩu trang, kính chắn, quần áo, mũ, găng tay, giày bảo hộ khi sử dụng thuốc trừ sâu, bình xịt vệ sinh, sơn, thuốc diệt nấm và các hóa chất độc hại khác. 

  • Duy trì vóc dáng và chỉ số cân nặng một cách cân đối, khỏe mạnh: bệnh thừa cân, béo phì sẽ làm gia tăng tỷ lệ mắc gan nhiễm mỡ không do rượu, bệnh này dễ tiến triển thành xơ gan và viêm gan.

Tiêm vacxin sẽ giúp phòng ngừa và hạn chế biến chứng của suy gan cấp

Tiêm vacxin sẽ giúp phòng ngừa và hạn chế biến chứng của suy gan cấp

Bài viết trên đây đã tổng hợp một số biến chứng của suy gan cấp cũng như các cách giúp phòng tránh nguy cơ mắc bệnh lý về gan. Vì vậy, để có một lá gan khỏe mạnh trước hết là phụ thuộc vào lối sống của mỗi người. Nên áp dụng thói quen sinh hoạt cũng như phòng bị các kiến thức hữu ích về bệnh gan để giảm thiểu rủi ro gây tổn thương cơ quan này bạn nhé!

Nếu muốn biết thêm các thông tin hữu ích liên quan tới sức khỏe và tham khảo các dịch vụ khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, bạn hãy  kết nối ngay tới tổng đài 1900565656 của chúng tôi. Các tư vấn viên luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn 24/24.   

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ