Tin tức

Bong gân cổ chân: Nhận diện và cách xử trí hiệu quả

Ngày 12/11/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Bong gân cổ chân là một trong những chấn thương thường gặp, nhất là đối với những người thường xuyên vận động hoặc chơi thể thao. Khi bị bong gân, dây chằng quanh cổ chân có thể bị giãn hoặc rách, gây đau đớn và khó khăn trong việc di chuyển. Để xử trí bong gân cổ chân, bạn có thể tham khảo một số thông tin được cung cấp sau đây.

1. Dấu hiệu nhận biết bong gân cổ chân

1.1. Phân loại mức độ bong gân cổ chân

- Bong gân mức độ 1: Đau nhẹ, sưng ít, dây chằng chỉ bị giãn nhẹ.

- Bong gân mức độ 2: Đau rõ rệt, sưng to, bầm tím nhiều, dây chằng có thể bị rách một phần.

- Bong gân mức độ 3: Đau dữ dội, sưng rất to, mất hoàn toàn khả năng chịu lực do dây chằng bị rách hoàn toàn.

Triệu chứng bong gân cổ chân ở bệnh nhân tiến triển theo mức độ tổn thương

Triệu chứng bong gân cổ chân ở bệnh nhân tiến triển theo mức độ tổn thương

1.2. Dấu hiệu nhận diện bong gân cổ chân

1.2.1. Cảm giác đau đột ngột và dữ dội

Người bệnh sẽ cảm thấy đau ngay ở vùng bị tác động do chấn thương hoặc xoay cổ chân đột ngột làm bong gân. Cơn đau thường có cường độ mạnh và có thể khiến người bệnh không thể chịu lực hoặc khó di chuyển. Cơn đau có thể tăng lên khi người bệnh cố gắng xoay hoặc di chuyển cổ chân.

1.2.2. Sưng to vùng cổ chân

Vùng bị bong gân sẽ sưng lên sau khi xảy ra chấn thương. Sưng là phản ứng của cơ thể với tổn thương dây chằng và là dấu hiệu đặc trưng của bong gân. Tùy vào tính chất nghiêm trọng của tình trạng bong gân cổ chân mà mức độ ở mỗi bệnh nhân sẽ khác nhau.

1.2.3. Bầm tím hoặc đổi màu da xung quanh cổ chân

Chấn thương mạnh làm vỡ mạch máu quanh dây chằng. Kết quả của tình trạng này là bầm tím hoặc đổi màu da ở vùng cổ chân bị bong gân. Da thường chuyển sang màu đỏ, xanh và vàng theo diễn tiến của bệnh. Các vết bầm thường xuất hiện từ ngày thứ hai trở đi và một số trường hợp có thể bị lan bầm tím xuống bàn chân hoặc lên phía trên cổ chân.

1.2.4. Giảm chức năng vận động khớp cổ chân

Bong gân cổ chân làm dây chằng mất tính đàn hồi, cổ chân không thể giữ được sự ổn định như trước. Điều này khiến cho việc đứng và di chuyển trở nên khó khăn. Người bệnh cảm thấy cổ chân bị yếu, không đứng vững, nhất là khi xoay, nhón chân hoặc leo cầu thang.

1.2.5. Khó khăn khi đứng và di chuyển

Tùy theo mức độ bong gân, người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc đứng, đi lại hoặc thậm chí là đặt chân xuống sàn. Nếu bong gân nặng thậm chí người bệnh còn không thể chịu nổi áp lực nào lên vùng cổ chân. Bong gân nhẹ có thể di chuyển nhưng thường bị đau và kém linh hoạt.

1.2.6. Nóng ấm vùng bị bong gân

Đây là dấu hiệu thường gặp ở vùng bong gân do sự gia tăng lưu lượng máu đến vùng tổn thương, làm cho khu vực này có cảm giác nóng hơn các vùng da khác. Cảm giác nóng rát thường kéo dài trong vài giờ sau chấn thương, sau đó sẽ dịu dần nhưng vùng bị thương có thể vẫn cảm thấy ấm hơn bình thường.

1.2.7. Mất cảm giác hoặc tê ở khu vực xung quanh

Một số bệnh nhân cảm thấy tê hoặc mất cảm giác nhẹ quanh vùng cổ chân. Đây là kết quả của tình trạng cổ chân bị sưng gây áp lực cho dây thần kinh quanh dây chằng. Nếu cảm giác tê lan rộng và kéo dài, người bị nên đi khám bác sĩ để loại trừ các vấn đề tổn thương thần kinh.

Bầm tím vùng da quanh khu vực bị bong gân cổ chân

Bầm tím vùng da quanh khu vực bị bong gân cổ chân

2. Cách xử trí với tình trạng bong gân cổ chân

2.1. Phương pháp RICE điều trị bong gân cổ chân

- R (Rest - Nghỉ ngơi): Tránh gây thêm áp lực lên vùng cổ chân bị bong gân.

- I (Ice - Đá lạnh): Sử dụng đá chườm lên khu vực bị sưng để giảm viêm. Chườm mỗi lần 15 - 20 phút, nghỉ 1 tiếng rồi chườm lại.

- C (Compression - Băng ép): Sử dụng băng ép quanh cổ chân để giảm sưng.

- E (Elevation - Nâng cao chân): Nâng cao chân khi nghỉ ngơi để giảm lưu lượng máu đổ dồn vào vùng tổn thương.

2.2. Dùng thuốc giảm đau

Thuốc giảm đau không kê đơn thông dụng được dùng trong điều trị chấn thương mềm có thể dùng để giảm đau do bong gân cổ chân như: Ibuprofen hoặc Paracetamol. Thuốc có tác dụng giảm đau, giảm sưng và kháng viêm. 

Tuy nhiên, khi giảm đau bằng thuốc không kê đơn, người bệnh cần tuân thủ liều lượng do nhà sản xuất khuyến nghị, tránh lạm dụng thuốc. Nếu có tiền sử dị ứng hoặc vấn đề sức khỏe khác, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.

2.3. Áp dụng bài tập phục hồi chức năng

Áp dụng cho các trường hợp đã phục hồi được chức năng gân cổ chân:

- Bài tập tăng cường sức mạnh cơ quanh cổ chân

Khi sưng và đau đã giảm, người bệnh có thể tập các bài như nâng gót chân hoặc nhón chân để tăng sức mạnh cho cổ chân. Hãy đứng nhón chân trên mặt phẳng, nâng gót lên và giữ 1 - 2 giây, sau đó từ từ hạ xuống. Thực hiện 10 - 15 lần mỗi lần tập.

- Bài tập thăng bằng

Đứng một chân trên mặt phẳng hoặc sử dụng bóng thăng bằng để tăng cường khả năng giữ thăng bằng và tránh tái phát chấn thương. Có thể dùng tay hoặc ghế để hỗ trợ (nếu cần) và duy trì tư thế trong 10 - 15 giây rồi đổi chân.

- Bài tập kéo giãn cơ cổ chân 

Dùng dây chun hoặc khăn quấn quanh bàn chân, nhẹ nhàng kéo dây hoặc khăn để tạo lực giãn. Giữ tư thế kéo giãn trong 15 - 30 giây và thả lỏng, lặp lại 5 - 10 lần mỗi lần tập.

Bài tập thăng bằng cho cổ chân

Bài tập thăng bằng cho cổ chân

2.4. Sử dụng dụng cụ hỗ trợ

Để tránh áp lực lên cổ chân trong thời gian đầu phục hồi, bạn có thể sử dụng nạng hoặc giày đế mềm chuyên dụng để cố định và bảo vệ cổ chân. Một số loại băng thun hoặc giày chuyên dụng cũng có thể giúp ổn định khớp cổ chân và giảm thiểu nguy cơ tái phát.

3. Những lưu ý trong quá trình khắc phục bong gân cổ chân

- Không tiếp tục hoạt động khi cảm thấy đau để tránh tổn thương nặng hơn, thậm chí gây ra chấn thương mạn tính.

- Sử dụng giày giày có độ bám tốt, đế mềm và ôm sát bàn chân khi vận động để hạn chế nguy cơ bong gân cổ chân nghiêm trọng hơn.

- Tập các bài tập như nhảy dây, chạy bộ nhẹ nhàng hoặc các bài tập tăng cường cơ bắp chân cũng có hiệu quả bảo vệ cổ chân khỏi chấn thương.

- Can thiệp y tế

Nếu gặp phải bong gân mức độ 2 hoặc 3, đau kéo dài hoặc có dấu hiệu biến dạng cổ chân, người bệnh nên tìm kiếm sự can thiệp của bác sĩ. 

Bong gân cổ chân hầu hết trường hợp không gây nên nguy hiểm, nhưng cần được xử trí đúng cách để không gặp phải biến chứng. Nếu không thể tự xử trí đúng cách tại nhà, người bệnh cần sớm gặp bác sĩ chuyên khoa để tránh tổn thương thêm nghiêm trọng.

Quý khách hàng có nhu cầu đặt lịch thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp - Hệ thống Y tế MEDLATEC, hãy liên hệ Hotline 1900 56 56 56 để được hướng dẫn xác nhận lịch nhanh chóng.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ