Tin tức

Các loại vắc xin COVID-19 ở Việt Nam đã được cấp phép sử dụng bạn nên biết

Ngày 13/08/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Tiêm vắc xin là một trong những phương pháp phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả nhất hiện nay. Vậy, các loại vắc xin COVID-19 ở Việt Nam gồm những cái tên nào? Hãy cùng chúng tôi theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu rõ hơn về 6 loại vắc xin đã được cấp phép sử dụng ở nước ta hiện nay nhé!

1. Tìm hiểu về vắc xin COVID-19

Vắc xin COVID-19 là loại vắc xin giúp phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp. Các tác nhân chứa trong vắc xin sẽ kích thích hệ miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2 khi bị xâm nhập. Vì vậy, sau khi tiêm vắc xin thì sức khỏe của bạn sẽ được bảo vệ và tạo miễn dịch cộng đồng. Số lượng người bị nhiễm virus sẽ giảm xuống và hạn chế sự lây lan dịch bệnh.

Không chỉ vậy, các loại vắc xin COVID-19 ở Việt Nam sau khi sử dụng còn làm giảm số ca bệnh có biến chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong.

Vắc xin COVID-19 giúp phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp

Vắc xin COVID-19 giúp phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp

Hiện nay, có rất nhiều đơn vị trên thế giới sản xuất vắc xin COVID-19 thành công. Sau khi đưa vào sử dụng, tất cả đều cho hiệu quả tích cực. Để chế tạo ra các loại vắc xin phòng ngừa dịch COVID-19, các nhà sản xuất đã dựa vào 3 cơ chế dưới đây:

Vắc xin mARN:

Là loại vắc xin chứa vật chất di truyền của virus SARS-CoV-2. Sau khi tiêm, tế bào trong cơ thể sẽ tạo ra protein vô hại với virus gây bệnh. Đồng thời nhiều bản sao khác cũng được tạo ra để phá hủy vật chất di truyền của vắc xin. Từ đó, hệ miễn dịch đã nhận diện protein không phải là thành phần của cơ thể. Nên khi bị mắc bệnh, các tế bào lympho T và lympho B sẽ ghi nhớ cách tiêu diệt virus.

Vắc xin tiểu đơn vị Protein:

Là loại vắc xin chứa nhiều mảnh Protein tinh khiết, vô hại của virus SARS-CoV-2. Sau khi tiêm chủng hệ miễn dịch sẽ nhận định rằng, protein là kẻ xâm nhập lạ và sản sinh ra các tế bào lympho T và kháng thể. Những tế bào này giúp cơ thể nhận diện và ghi nhớ virus gây bệnh, từ đó tiến hành tiêu diệt chúng.

Vắc xin Vector:

Vắc xin Vector được sản xuất một cách gián tiếp nhờ sử dụng phiên bản điều chỉnh của một loại virus có bản chất khác với virus SARS-CoV-2. Trong vỏ của loại virus này có chứa các vật liệu của virus gây bệnh, được gọi là vector virus.

Sau khi vector virus xâm nhập vào, tế bào sẽ tạo ra protein khác với virus gây bệnh, đồng thời tạo ra nhiều bản sao của protein đó. Điều này kích thích hệ miễn dịch tạo ra tế bào lympho T và lympho B. Các tế bào này có chức năng ghi nhớ cách chống lại virus SARS - CoV - 2 khi bạn bị lây nhiễm.

2. Các loại vắc xin COVID-19 ở Việt Nam đã được cấp phép sử dụng

Dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp, chúng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của cộng đồng. Trước tình hình đó, công tác tiêm phòng đang được chú trọng đẩy mạnh. Dưới đây là các loại vắc xin COVID-19 ở Việt Nam đã được cấp phép sử dụng:

Vắc xin COVID-19 AstraZeneca:

Vắc xin COVID-19 AstraZeneca được phát triển bởi đại học Oxford và tập đoàn AstraZeneca - hãng dược nổi tiếng tại Vương quốc Anh. Từ tháng 2/2021, Tổ chức Y tế thế giới đã đưa loại vắc xin này vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Cho đến nay, đã có khoảng 119 quốc gia và lãnh thổ cấp phép và thực hiện tiêm chủng vắc xin AstraZeneca cho người dân, với tổng số liều đạt 980 triệu.

Trong đó, Việt Nam đã tiếp nhận được 8.716.290 triệu liều vắc xin COVID-19 AstraZeneca. Sau khi phê duyệt, từ tháng 3/2021 Bộ Y tế đã triển khai tiêm loại vắc xin này trong cộng đồng. Do đó, đây là loại vắc xin được sử dụng nhiều nhất tại nước ta hiện nay.

Vắc xin COVID-19 AstraZeneca do tập đoàn AstraZeneca sản xuất

Vắc xin COVID-19 AstraZeneca do tập đoàn AstraZeneca sản xuất

Vaccine Sputnik V (tên khác là Gam-COVID-Vac):

Viện nghiên cứu Gamaleya của Nga đã sản xuất ra loại vắc xin Sputnik V. Tính đến thời điểm này đã có hơn 70 quốc gia cấp phép sử dụng và 49 quốc gia đã thực hiện tiêm vắc xin cho người dân, với tổng số liều đạt khoảng 85 triệu.

Ngay từ hồi tháng 3/2021, Bộ Y tế nước ta đã phê duyệt có điều kiện vắc xin Sputnik V được sử dụng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Lúc này, nước ta đã tiếp nhận 2.000 liều vắc xin nhờ sự viện trợ của chính phủ Liên Bang Nga. Đến đầu tháng 8/2021, Việt Nam lại được nước bạn tặng thêm 10.000 liều vắc xin.

Vắc xin Vero Cell của Sinopharm:

Vắc xin Vero Cell được sản xuất bởi Sinopharm và Viện Nghiên cứu Sinh phẩm Bắc Kinh - Trung Quốc. Vào ngày 8/5, Tổ chức Y tế thế giới đã đưa loại vắc xin này vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Hiện nay, vắc xin Vero Cell đã được 64 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới cấp phép, trong đó có 59 quốc gia đã thực hiện tiêm chủng, với tổng số liều đạt 800 triệu.

Ở Việt Nam, Vero Cell đã được Bộ Y tế phê duyệt vào ngày 3/6. Nhờ sự viện trợ của Chính phủ Trung Quốc, nước ta đã tiếp nhận được 500.000 liều và triển khai tiêm chủng bắt đầu từ tháng 7/2021.

Vắc xin Comirnaty của Pfizer/BioNTech:

Comirnaty của Pfizer là một trong các loại vắc xin COVID-19 đầu tiên được Tổ chức Y tế thế giới công nhận và đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Hiện nay, đã có khoảng 111 quốc gia cấp phép sử dụng, trong đó có 97 quốc gia đã thực hiện tiêm vắc xin cho người dân, với tổng số liều đạt 850 triệu.

Tại Việt Nam, vào tháng 6/2021 Bộ Y tế đã phê duyệt vắc xin Comirnaty cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Với khoảng 746.460 liều đã tiếp nhận, nước ta đang triển khai thực hiện tiêm chủng.

Các loại vắc xin COVID-19 ở Việt Nam

Vào tháng 6/2021 Bộ Y tế đã phê duyệt vắc xin Pfizer cho công tác phòng, chống dịch COVID-19

Vắc xin phòng COVID-19 Moderna (tên khác là Spikevax):

Vắc xin Moderna do công ty Moderna của Mỹ sản xuất và được 64 quốc gia và vùng lãnh thổ cấp phép. Trong đó, có 63 nước đưa vào sử dụng với tổng số liều là 340 triệu. Ở Việt Nam, Bộ Y tế đã phê duyệt vắc xin Modern sử dụng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 vào cuối tháng 6/2021. Thông qua sự viện trợ của Chính phủ Mỹ, thì tính đến thời điểm này nước ta đã nhận được tổng cộng 5.000.100 liều.

Vắc xin Johnson & Johnson (J & J):

Janssen Pharmaceutica NV (Bỉ) và Janssen Biologics B.V (Hà Lan) là hai đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất. Loại vắc xin này đã được Tổ chức Y tế trên thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Hiện tại, đã có 56 quốc gia và vùng lãnh thổ cấp phép sử dụng, trong đó có khoảng 34 quốc gia đã thực hiện tiêm chủng với 60 triệu liều.

Vào ngày 15/7, Bộ Y tế Việt Nam đã phê duyệt vắc xin Johnson & Johnson sử dụng trong phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, nước ta chưa tiếp nhận loại vắc xin này.

Janssen Pharmaceutica NV (Bỉ) và Janssen Biologics B.V (Hà Lan) là hai đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất vắc xin Johnson & Johnson

Janssen Pharmaceutica NV (Bỉ) và Janssen Biologics B.V (Hà Lan) là hai đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất vắc xin Johnson & Johnson

Đứng trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh thì tiêm chủng là phương pháp phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả nhất. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết, bạn đã hiểu rõ hơn về các loại vắc xin COVID-19 ở Việt Nam đã được cấp phép. Để phát huy tác dụng, bạn nên tiêm đầy đủ 2 mũi. Đồng thời, bạn cũng nên thực hiện tốt thông điệp 5K và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế, để bảo vệ sức khỏe của mình.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.