Tin tức

Cách cầm máu khi nhổ răng khôn cho hiệu quả tức thì

Ngày 19/01/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Quá trình nhổ răng gây tác động đến các mạch máu và dây thần kinh xung quanh. Do đó, chảy máu và đau buốt là hiện tượng thường gặp ở những người sau khi mới nhổ răng khôn. Vậy làm cách nào để cầm máu khi nhổ răng khôn? Đừng vội bỏ qua bài viết dưới đây để biết cách khắc phục tình trạng này nhanh chóng và hiệu quả nhé!

1. Chảy máu khi nhổ răng khôn

Răng khôn mọc lệch không đúng vị trí gây ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống và sức khỏe răng miệng. Do đó, nhiều người thường giải quyết bằng cách đến nha sĩ và loại bỏ chúng.

Thông thường, sau khi nhổ răng máu sẽ chảy rỉ rả từ 30 - 60 phút hoặc lâu hơn 1 - 2 giờ, tùy vào cơ địa của mỗi người. Tuy nhiên nếu sau hơn một ngày mà tình trạng này vẫn không chấm dứt, hoặc sau nhổ răng 1-2h mà thấy máu vẫn chảy đầy khoang miệng, ướt đẫm băng gạc thì bạn nên tìm gặp nha sĩ để có biện pháp can thiệp kịp thời. Tránh trường hợp để máu chảy kéo dài dẫn đến nhiễm trùng và các biến chứng nguy hiểm khác.

Răng khôn mọc không đúng vị trí, gây ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống, sức khỏe răng miệng nên nhiều người muốn loại bỏ chúng

Răng khôn mọc không đúng vị trí, gây ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống, sức khỏe răng miệng nên nhiều người muốn loại bỏ chúng

Nguyên nhân gây chảy máu khi nhổ răng khôn:

Mặc dù chảy máu sau khi nhổ răng là hiện tượng hoàn toàn bình thường, nhưng bạn nên có biện pháp xử lý kịp thời. Trước khi tìm hiểu về những cách cầm máu khi nhổ răng khôn hiệu quả thì bạn nên xác định được nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này:

  • Răng khôn thường có thân to, nhiều chân và nằm sâu trong cung hàm nên việc nhổ bỏ sẽ làm tổn thương nướu và mạch máu xung quanh.

  • Quy trình nhổ không đúng kỹ thuật có thể tạo vết rách quá to, làm tổn thương mạch máu lớn bên trong. Khiến máu chảy kéo dài và lâu cầm lại được.

  • Bỏ sót chân răng ở sâu bên trong vì vậy cần thực hiện tiểu phẫu để lấy hết.

  • Ăn đồ cứng, vận động mạnh sau khi nhổ răng.

Ngoài ra, hiện tượng máu chảy kéo dài còn có thể xuất phát từ những nguyên nhân bất thường khác như:

  • Nhổ răng khôn bị viêm hoặc do mắc phải các bệnh lý như: sâu răng, viêm nha chu,…

  • Cơ thể người nhổ răng bị thiếu hụt Vitamin C hoặc đang sử dụng các loại thuốc chống đông máu, đồng thời phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt cũng dễ gặp tình trạng này.

  • Người mắc các bệnh liên quan đến giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu, u máu xương hàm,…

  • Không nạo sạch các mô hạt nhiễm trùng ở xương ô răng, dị vật hoặc nang răng rơi vào trong.

Để biết được tình trạng chảy máu là bình thường hay bất thường bạn nên tham khảo ý kiến của nha sĩ, đồng thời đưa ra cách cầm máu khi nhổ răng khôn hiệu quả.

Tình trạng chảy máu kéo dài có thể do nha sĩ nhổ đúng răng bị viêm hoặc do bạn mắc phải các bệnh như: sâu răng, viêm nha chu,…

Tình trạng chảy máu kéo dài có thể do nha sĩ nhổ đúng răng bị viêm hoặc do bạn mắc phải các bệnh như: sâu răng, viêm nha chu,…

2. Cách cầm máu khi nhổ răng khôn hiệu quả

Để hạn chế những biến chứng có thể xảy ra, bạn nên áp dụng các biện pháp cầm máu khi nhổ răng khôn càng sớm càng tốt, cụ thể như:

Cố định băng gạc đúng vị trí:

Để cầm máu khi nhổ răng khôn, nha sĩ sẽ đặt một miếng băng gạc vô trùng vào vị trí vừa nhổ và dặn bạn cắn chặt vào miếng băng gạc đó. Máu ở vết thương sẽ được thấm từ từ và đông lại nhanh hơn. Do đó khi về đến nhà, bạn cũng có thể thực hiện cách này như sau:

  • Lấy một miếng gạch sạch cuộn tròn hoặc gấp thành hình vuông sao cho vừa khít với ổ răng.

  • Đặt miếng gạc đã chuẩn bị vào vị trí răng vừa nhổ, và cố định chắc chắn bằng cách cắn giữ trong khoảng 45 - 60 phút. Việc này sẽ tạo áp lực lên ổ răng nên có thể ngăn chặn được tình trạng chảy máu ở các mao mạch nhỏ.

Ngoài cách này, bạn có thể làm tương tự với túi lọc trà để nhanh chóng tạo cục máu đông, giảm thiểu tình trạng chảy máu.

Không tác động đến cục máu đông:

Trong 24 giờ đầu sau khi nhổ răng, bạn nên hạn chế tác động đến cục máu đông. Bởi vì chúng có vai trò quan trọng trong việc cầm máu và hồi phục vết thương. Do đó, bạn nên kiêng kỵ những thói quen dưới đây:

  • Khạc nhổ, súc miệng quá mạnh.

  • Vận động mạnh, ăn đồ cứng.

  • Sử dụng ống hút hoặc tay, lưỡi chạm vào vị trí vừa nhổ răng khôn.

  • Chơi các loại nhạc cụ như kèn, sáo,…

Nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý:

Tinh thần thoải mái, dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi sẽ giúp vết thương nhanh lành hơn. Để cầm máu khi nhổ răng khôn bạn nên tránh làm việc nặng nhọc ít nhất 1 - 2 ngày sau khi nhổ răng. Đồng thời bạn nên kê cao đầu khi ngủ để kiểm soát tình trạng chảy máu.

Ngoài ra, một chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng sẽ góp phần giúp bạn hồi phục nhanh chóng. Sau khi nhổ răng khô, bạn nên ăn thức ăn dạng lỏng, mềm nhừ như: cháo, súp,… Nhai nhẹ nhàng, chậm rãi, tránh ăn các đồ cứng, dai tránh tình trạng làm vết thương trở nên trầm trọng hơn. Đồng thời, bạn cũng có thể tăng cường sức đề kháng bằng cách bổ sung thêm các loại sinh tố trái cây.

Đặc biệt, trong thời điểm này bạn không nên uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng sau khi mới nhổ răng khôn.

Để hồi phục nhanh chóng, sau khi nhổ răng khôn bạn nên ăn thức ăn dạng lỏng, mềm nhừ như: cháo, súp,…

Để hồi phục nhanh chóng, sau khi nhổ răng khôn bạn nên ăn thức ăn dạng lỏng, mềm nhừ như: cháo, súp,…

Vệ sinh răng miệng đúng cách:

Vậy vệ sinh răng miệng như thế nào để cầm máu khi nhổ răng khôn? Trong khoảng 1 - 2 ngày đầu, bạn nên súc miệng bằng nước muối sinh lý để làm sạch răng miệng và giúp vết thương nhanh lành.

Vào những ngày tiếp theo thì bạn nên đánh răng bằng bàn chải mềm, đánh nhẹ nhàng và tránh động chạm đến vị trí vừa nhổ răng.

Thăm khám bác sĩ:

Sau khi đã áp dụng những biện pháp trên mà máu vẫn chảy kéo dài thì bạn nên tìm gặp nha sĩ để chẩn đoán nguyên nhân và đề ra phương pháp xử lý:

  • Trường hợp chảy máu do rách nướu, vỡ ổ xương thì nha sĩ sẽ giúp bạn rửa sạch, khâu miệng vết thương.

  • Nếu sót chân răng, tổ chức viêm thì bạn cần được nạo bỏ hết những phần này, rửa sạch và cắn gạc tẩm oxy già để hạn chế viêm nhiễm.

  • Đối với tình trạng chảy máu do đứt mạch thì bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện tiểu phẫu để thắt lại mạch máu đó.

Nếu máu vẫn chảy kéo dài thì bạn nên tìm gặp nha sĩ để chẩn đoán nguyên nhân và đề ra phương pháp xử lý

Nếu máu vẫn chảy kéo dài thì bạn nên tìm gặp nha sĩ để chẩn đoán nguyên nhân và đề ra phương pháp xử lý

Nhiều người vẫn cứ nghĩ cầm máu khi nhổ răng khôn đơn giản, nhưng nếu thực hiện không đúng cách sẽ dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: nhiễm trùng. Hy vọng với những biện pháp mà chúng tôi vừa chia sẻ trong bài viết sẽ giúp bạn cầm máu nhanh chóng và hiệu quả.

Để đảm bảo an toàn khi nhổ răng khôn, bạn nên tìm hiểu và lựa chọn các cơ sở y tế uy tín, điển hình như Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề răng miệng, quý khách vui lòng liên hệ Hotline 1900 56 56 56 để được giải đáp bởi các bác sĩ Khoa Răng Hàm Mặt tại bệnh viện chúng tôi.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.