Tin tức
Cách chăm sóc người bệnh bị liệt tăng cơ hội hồi phục
- 27/02/2022 | Phải làm sao để cải thiện tình trạng liệt dây thần kinh số 7?
- 05/01/2022 | Những nguyên nhân gây hiện tượng liệt bell và hướng điều trị
1. Đôi điều về bệnh liệt
Mất đi cơ lực do những tác nhân khác nhau là nguyên nhân gây liệt ở nhiều người
Liệt được xem là tình trạng mất đi cơ lực. Nó có thể gây ảnh hưởng đến một hay nhiều cơ, tiến triển từ từ hoặc đột ngột. Trường hợp liệt các nhóm cơ có thể dẫn đến khó nói, rối loạn vận nhãn, khó nuốt, liệt hô hấp.
Liệt thường xuất phát từ các nguyên nhân như: đột quỵ, bệnh lý thần kinh, rễ thần kinh tủy sống bị chèn ép, xơ cứng rác thải, ép tủy sống, bệnh tật hoặc do không hoạt động lâu ngày gây mất chức năng, bệnh đa dây thần kinh mức độ nặng, bệnh cơ, dùng thuốc gây liệt,...
2. Cách chăm sóc người bệnh bị liệt sao cho đúng
2.1. Chọn giường cho người bị liệt
Đối với người bị liệt, được nằm trên một chiếc giường phù hợp là điều rất quan trọng bởi nó đem lại sự thoải mái cho họ trong suốt một thời gian dài và kích thích khả năng hồi phục tốt hơn. Chiếc giường tốt nhất cho bệnh nhân chính là giường đa năng bởi nó nâng đỡ dễ dàng hơn từ đó khiến cho người chăm sóc bệnh nhân đỡ mệt mỏi hơn, nhất là khi vệ sinh cho người bệnh.
2.2. Vệ sinh cá nhân
Chăm sóc người bệnh bị liệt sẽ rất khó khăn vì họ phải nằm bất động một chỗ. Vì thế khi chăm sóc cho bệnh nhân, cần chú ý:
- Vệ sinh cơ thể
Người bệnh nên được tắm 2 lần/tuần vào mùa hè và 1 lần/tuần vào mùa đông. Việc làm này có thể được thực hiện bằng cách dùng khăn ấm lau toàn bộ cơ thể cho người bệnh. Ngoài ra, người bệnh cũng cần được thay bỉm thường xuyên để có cảm giác khô thoáng.
- Vệ sinh răng miệng
Do người bệnh không thể tự đánh răng cho mình nên mỗi ngày người chăm sóc cần dùng bông gạc kèm theo nước muối để vệ sinh răng miệng cho họ 2 - 3 lần.
Người bị liệt cần được vệ sinh răng miệng mỗi ngày 2 - 3 lần
- Vệ sinh vết lở loét
Nằm lâu một chỗ trên giường rất dễ khiến cho người bệnh có các vết lở loét trên da. Nếu không chăm sóc vết loét cẩn thận, sạch sẽ rất dễ dẫn đến nhiễm trùng, hoại tử,... Người chăm sóc người bệnh bị liệt đòi hỏi phải có kỹ năng trong khâu vệ sinh này. Cách đúng nhất là dùng cồn y tế vệ sinh sạch vết loét sau đó lau khô rồi bôi thuốc được bác sĩ chỉ định.
2.3. Chế độ dinh dưỡng
Đối với những người bị liệt có khả năng tự ăn uống thì nên để họ tự xúc ăn. Việc làm này khiến cho họ vận động tay, nhờ đó mà tăng cơ hội hồi phục. Nếu thức ăn thuộc loại dai, cứng,... nên xay nhuyễn cho họ cảm thấy dễ ăn. Khi người bệnh ăn ít, hãy chia thành nhiều bữa ăn và đa dạng thực đơn để họ cảm thấy ngon miệng nhờ đó tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Trường hợp người bị liệt không thể tự ăn uống được thì cần hỗ trợ việc ăn uống cho họ. Việc làm này tưởng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm đúng. Trong khi chăm sóc người bệnh bị liệt, hãy nhớ đút từ từ, chậm rãi, xay hoặc cắt nhỏ thức ăn cho họ. Nếu người bệnh ăn kém, nên bổ sung thêm ngũ cốc hoặc sữa cho họ.
2.4. Chế độ luyện tập
Luyện tập là khâu rất cần thiết đối với việc tăng khả năng hồi phục cho bệnh nhân bị liệt, nhất là trong 3 - 6 tháng mới mắc bệnh. Giai đoạn này, tốt nhất nên cho người bệnh đến trung tâm vật lý trị liệu để được tập luyện cùng chuyên gia và dụng cụ hỗ trợ phù hợp. Người bệnh cũng có thể tự tập luyện tại nhà nhưng nên có phác đồ cụ thể từ bác sĩ.
Nếu liệt ở mức độ nhẹ, hàng ngày hãy dìu họ đi lại vài lần, tốt nhất là hãy khuyến khích người bệnh tự đi còn người chăm sóc hãy giữ thăng bằng cho họ. Một số dụng cụ tiếp sức như xe tập đi, gậy,... cũng có thể được sử dụng trong quá trình luyện tập.
Trong quá trình chăm sóc người bệnh bị liệt cần chú ý duy trì các bài tập phù hợp đều đặn để giúp họ tăng khả năng hồi phục
Với người bị liệt mức độ nặng thì mỗi 2h nên cho họ lăn trở người 1 lần. Hãy đỡ cho họ ngồi dậy rồi chụm bàn tay vào vỗ đều ở lưng để giúp cho máu lưu thông. Ngoài ra, người bệnh cũng cần được co duỗi các ngón chân ngón tay, các khớp chi để cải thiện khả năng vận động trong tương lai.
Khi chăm sóc người bệnh bị liệt, tốt nhất hãy duy trì cho họ mỗi tuần luyện tập 6 tiếng để tăng cơ hội hồi phục. Tuy nhiên, lưu ý rằng, các bài tập phục hồi chức năng cho người bệnh cần có sự tham khảo ý kiến bác sĩ, thực hiện đúng tư thế, duy trì luyện tập tác động đến các cơ để cải thiện sức mạnh cho cơ, tăng cơ hội độc lập của người bệnh trong từng hoạt động.
2.5. Chăm sóc tinh thần
Do bản thân người bị liệt đã gặp khó khăn trong vận động nên họ phải phụ thuộc rất nhiều vào người chăm sóc. Theo thời gian, điều này tác động trực tiếp đến tâm lý của họ, khiến họ cảm thấy chán nản, bi quan, buồn bã,...
Đối với người bị liệt, yếu tố tinh thần rất quan trọng đối với việc họ nỗ lực hồi phục khả năng vận động. Do đó, người chăm sóc cần động viên tinh thần cho bệnh nhân cảm thấy yêu đời, lạc quan; nên khuyến khích người bệnh tự cố gắng làm việc trong khả năng của họ để họ có động lực phấn đấu.
Về cơ bản, chăm sóc người bệnh bị liệt không hề dễ dàng, nó đòi hỏi sự kết hợp của rất nhiều yếu tố thì mới khiến cho cả bệnh nhân và người chăm sóc không bị đánh mất tinh thần. Nếu cần sự hướng dẫn chi tiết hơn, bạn đọc có thể gọi trực tiếp đến Tổng đài 1900 56 56 56. Tại đây, đội ngũ chuyên gia y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC sẽ lắng nghe chia sẻ và căn cứ trên thực tế câu hỏi của bạn để có những tư vấn xác đáng và hiệu quả nhất.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!