Tin tức

Cách trị cảm lạnh tại nhà dễ thực hiện và hiệu quả nhanh chóng

Ngày 07/07/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Minh Dũng
Cảm lạnh là một bệnh nhiễm siêu vi rất phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi hoặc cơ thể bị suy giảm sức đề kháng. Hiện nay, cảm lạnh chưa có thuốc đặc trị và cũng chưa có vắc xin phòng bệnh. Do đó, mỗi người cần chủ động trang bị những kiến thức cơ bản về bệnh để bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất. Dưới đây là gợi ý về cách trị cảm lạnh tại nhà dễ thực hiện và mang lại hiệu quả nhanh chóng.

1. Một vài triệu chứng cảm lạnh 

cảm lạnh là tình trạng viêm đường hô hấp trên cấp tính do virus gây ra. Bệnh có thể xuất hiện quanh năm, nhưng phổ biến hơn vào mùa lạnh hoặc khi thời tiết thay đổi thất thường. Bất cứ ai cũng có thể bị cảm lạnh. Tuy nhiên, trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc bệnh do hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện và thường xuyên tiếp xúc gần trong môi trường đông người như trường học, nhà trẻ. 

Có khoảng 200 loại virus có thể gây cảm lạnh nhưng loại virus thường gặp nhất là Rhinovirus. Những loại virus gây cảm lạnh có thể xâm nhập qua đường miệng, mũi, mắt khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh (trò chuyện, ho, hắt hơi). Loại virus này cũng có thể tồn tại nhiều ngày ngoài môi trường, do đó, nếu vô tình tiếp xúc với đồ vật có virus, chẳng hạn như khăn tắm, cốc nước,.. rồi đưa tay lên mặt, bạn cũng có nguy cơ bị nhiễm bệnh. 

Cảm lạnh có thể xảy ra ở trẻ em và người lớn

Cảm lạnh có thể xảy ra ở trẻ em và người lớn

Dấu hiệu bị cảm lạnh thường xuất hiện sau 1–3 ngày từ khi virus xâm nhập vào cơ thể người bệnh. Triệu chứng ở mỗi người có thể khác nhau. Tuy nhiên, những triệu chứng dưới đây được đánh giá là phổ biến: 

- Nghẹt mũi, sổ mũi.

- Đau họng, ho. 

- Đau nhức cơ thể, đau đầu.

- Có thể sốt.

Các triệu chứng cảm lạnh thường trở nên nặng nhất vào khoảng ngày thứ 2 hoặc thứ 3 sau khi bắt đầu phát bệnh. Sau đó, tình trạng sẽ dần cải thiện và thường khỏi trong vòng 5–7 ngày nếu được chăm sóc đúng cách.

Người bệnh cảm lạnh, đặc biệt là trẻ em bị cảm lạnh không được chăm sóc đúng cách có thể gặp phải những biến chứng như sau: 

- Viêm tai giữa: Virus gây cảm lạnh có thể lan tới vùng tai giữa thông qua vòi nhĩ (thông giữa mũi và tai), gây viêm và ứ dịch phía sau màng nhĩ. Triệu chứng điểm hình của viêm tai giữa là đau tai và sốt, trẻ nhỏ có thể kéo tai hoặc quấy khóc bất thường. 

- Hen suyễn: Với những người mắc hen suyễn, cảm lạnh có thể làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh. Các dấu hiệu người bệnh và gia đình cần chú ý như khò khè, khó thở, ho dai dẳng, đau nặng ngực...

- Viêm xoang cấp tính: Đây cũng là một trong những biến chứng mà tình trạng cảm lạnh có thể gây ra do tắc nghẽn lỗ thông xoang và kích hoạt phản ứng viêm. Triệu chứng của viêm xoang cấp tính có thể kể đến như nghẹt mũi, đau vùng trán, má, quanh hốc mắt, dịch mũi đặc, vàng xanh.

- Một số bệnh nhiễm trùng khác: Ngoài những biến chứng nêu trên, cảm lạnh còn có thể làm suy giảm hàng rào bảo vệ tự nhiên, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây các bệnh lý như: 

+ Viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A (sốt cao, đau họng dữ dội, nổi hạch cổ).

+ Viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn (sốt cao kéo dài, ho nhiều, khó thở, mệt mỏi toàn thân).

Đây là những vấn đề nghiêm trọng cần được điều trị sớm để tránh gây nguy hiểm cho người bệnh. 

2. Gợi ý một số cách trị cảm lạnh tại nhà 

Phần lớn những trường hợp bị cảm lạnh mức độ nhẹ đều có thể tự khỏi sau khoảng vài ngày. Tuy nhiên, nếu có những triệu chứng bất thường, người bệnh cần đi khám sớm để được bác sĩ kiểm tra và lên phác đồ điều trị phù hợp. 

Trong trường hợp chỉ bị cảm lạnh nhẹ, người bệnh cần được chăm sóc đúng cách để giảm khó chịu, tăng cường đề kháng và ngăn nguy cơ biến chứng. Ngoài việc tuân thủ theo đơn thuốc của bác sĩ, người bệnh có thể tham khảo cách trị cảm lạnh tại nhà dưới đây: 

- Ăn uống đầy đủ dưỡng chất: Cơ thể cần năng lượng để chống lại virus gây bệnh. Hãy ưu tiên các món ăn dễ tiêu, mềm, ấm, như cháo, súp, canh rau củ… Đồng thời, bổ sung thêm trái cây giàu vitamin C như cam, ổi, bưởi để hỗ trợ miễn dịch.

- Bổ sung nước và điện giải: Sốt, đổ mồ hôi, chảy nước mũi đều khiến cơ thể dễ mất nước và chất điện giải. Người bệnh nên uống nhiều nước ấm, có thể bổ sung thêm nước oresol, nước ép loãng hoặc canh rau, giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn. Lưu ý: Tránh đồ uống có cồn, caffeine vì có thể gây mất nước nhiều hơn. 

Người bệnh cần uống nước đầy đủ

Người bệnh cần uống nước đầy đủ

- Nghỉ ngơi đầy đủ: Nếu làm việc quá sức trong thời gian bị cảm lạnh, cơ thể sẽ mệt mỏi, đồng thời hệ miễn dịch cũng sẽ suy yếu, từ đó, virus có thể hoạt động mạnh mẽ hơn, khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn. Chính vì thế, bệnh nhân cần nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc và không nên làm việc nặng khi đang bị cảm lạnh để nhanh chóng hồi phục sức khỏe. 

- Súc miệng với nước muối hoặc nước ấm: Đây là cách trị cảm lạnh tại nhà rất đơn giản mà bất cứ người bệnh nào cũng có thể thực hiện được. Tác dụng của phương pháp này là làm dịu cổ họng và giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn. Có thể sử dụng nước muối sinh lý 0,9% hoặc nước ấm pha muối loãng, thực hiện 2–3 lần mỗi ngày. 

Súc miệng bằng nước muối ấm cũng là cách trị cảm lạnh tại nhà hiệu quả

Súc miệng bằng nước muối ấm cũng là cách trị cảm lạnh tại nhà hiệu quả

- Vệ sinh mũi mỗi ngày bằng nước muối sinh lý: Tác dụng của phương pháp này là làm sạch chất nhầy, cải thiện tình trạng sổ mũi, nghẹt mũi,.. Lưu ý cần rửa tay trước và sau khi vệ sinh mũi để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người khác. 

- Duy trì độ ẩm trong phòng để người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn: Cách duy trì độ ẩm là đặt một chậu nước ấm trong phòng hoặc sử dụng máy tạo độ ẩm không khí. Nếu sử dụng máy tạo độ ẩm, bạn cần vệ sinh máy và thay nước mỗi ngày để hạn chế tình trạng vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi gây bệnh. 

- Tắm nước ấm: Tác dụng của việc tắm nước ấm là giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn, bổ sung hơi ẩm cho mũi, họng giúp thông thoáng đường thở. Người bệnh cần lưu ý không tắm quá lâu, tránh tắm khi đang sốt cao và trước khi mặc quần áo cần lau khô người bằng khăn sạch. 

- Kê cao gối khi ngủ: Cách làm này giúp đường thở thông thoáng hơn, hô hấp dễ dàng và giảm triệu chứng nghẹt mũi của người bệnh. Để hạn chế nguy cơ bị đau cổ, người bệnh nên kê gối cao từ vai trở lên. 

Ngoài những lưu ý nêu trên, bệnh nhân cảm lạnh cũng cần lưu ý không nên ra ngoài khi trời lạnh hoặc khi thời tiết đang nắng nóng. Tốt nhất, người bệnh hãy nghỉ ngơi trong nhà – nơi có nhiệt độ ổn định và có thể kiểm soát được. 

Mong rằng, với những thông tin trên, bạn đã hiểu rõ hơn về cảm lạnh và một số cách trị cảm lạnh tại nhà. Nếu có những triệu chứng bất thường, bạn nên đi khám sớm để được bác sĩ tư vấn và điều trị, phòng ngừa biến chứng nghiêm trọng. 

Để đặt lịch khám sớm, quý khách có thể gọi tới tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC, các tổng đài viên sẽ hướng dẫn cụ thể hơn cho bạn.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ