Tin tức

Muốn phòng bệnh cảm lạnh - Hãy áp dụng ngay những cách này

Ngày 21/03/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Cảm lạnh là chứng bệnh rất dễ gặp phải ở mọi lứa tuổi, nhất là vào giai đoạn thời tiết đang giao mùa. Bệnh thường có thể tự khỏi sau một vài ngày nhưng lại khiến bệnh nhân phải trải qua những dấu hiệu khó chịu. Bài viết sau đây sẽ giúp gợi ý một số cách điều trị và phòng bệnh cảm lạnh hiệu quả theo phương pháp dân gian mà bạn có thể tham khảo.

1. Thông tin chung về bệnh cảm lạnh

Theo y học cổ truyền thì cảm lạnh còn được gọi là bệnh thương hàn, thường xuất hiện khi cơ thể suy yếu khiến gió lạnh, phong hàn xâm nhập vào hệ hô hấp và dẫn tới cảm lạnh. Đa phần khi bị cảm nhẹ người bệnh có thể tự khỏi sau vài ngày. Nhưng trên thực tế cũng có những trường hợp bệnh nhân bị cảm nặng, nếu không có biện pháp điều trị đúng cách và kịp thời có thể khiến bệnh chuyển nặng và khó điều trị.

Khi bị cảm lạnh, bệnh nhân thường có dấu hiệu sợ lạnh, sợ gió, ngạt mũi, đau đầu, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi dịch loãng và trong, đau rát họng, ho nhiều,...

Cảm lạnh là chứng bệnh rất dễ gặp phải ở mọi lứa tuổi, nhất là vào giai đoạn thời tiết đang giao mùa

Cảm lạnh là chứng bệnh rất dễ gặp phải ở mọi lứa tuổi, nhất là vào giai đoạn thời tiết đang giao mùa

2. Các phương pháp chữa cảm lạnh theo y học cổ truyền

2.1. Chữa cảm lạnh không cần dùng thuốc 

Xông hơi:

Bạn có thể xông hơi cùng với những loại lá với các công dụng như sau:

  • Lá kháng khuẩn: hương nhu, ngải cứu,...
  • Lá giúp hạ sốt: lá duối, lá tre,...
  • Lá chứa tinh dầu: lá bưởi, vỏ bưởi, tía tô, bạc hà, sả,...

Cách chuẩn bị nguyên liệu:

  • Lấy mỗi loại lá một nắm, đem rửa sạch rồi bỏ nguyên liệu vào nồi nước.
  • Đậy kín vung, đun sôi nồi nước trong 2 - 3 phút.
  • Đối với những loại lá chứa tinh dầu thì sau khi nước đã sôi mới cho vào để tinh dầu không bị bay hơi hết.

Cách xông giải cảm:

  • Bệnh nhân mặc quần áo mỏng, ngồi trên giường hoặc trên ghế.
  • Chùm chăn kín người, nồi nước xông đặt bên trong và mở vung. Hơi nóng bay ra sẽ xông vào cơ thể.
  • Mỗi lần xông chỉ nên kéo dài trong 15 - 20 phút, không nên xông quá lâu.
  • Xông xong, dùng khăn để lau khô người và thay bộ quần áo khác. Nằm đắp chăn dưỡng sức trong phòng kín gió.

Lưu ý: trẻ nhỏ, người già không nên xông quá lâu. Xông hơi xong nên ăn thêm một bát cháo tía tô. Nếu bệnh nhân đang mắc bệnh mạn tính, người cao tuổi, cơ thể suy nhược thì cần phải có người trông nom để tránh bị ngã trong lúc xông hơi. Trong trường hợp không có sẵn các loại lá trên thì bệnh nhân có thể thay thế bằng các loại tinh dầu quế, khuynh diệp, long não, chàm,...

Xoa bóp bấm huyệt, châm cứu:

  • Nếu ho nhiều: bấm huyệt thái uyên, xích trạch.
  • Nhức đầu: day các huyệt thái dương, bách hội.
  • Ngạt mũi: bấm huyệt nghinh hương.
  • Phương pháp cứu ngải: tán hàn bằng cách hơ điếu ngải vào vị trí những huyệt nêu trên.

2.2. Bài thuốc chữa cảm lạnh

Trong Y học cổ truyền cũng có những bài thuốc giúp chữa chứng cảm lạnh, ví dụ như Ma hoàng thang, Hương tô tán, Ngân kiều tán, Tang cúc ẩm,... Nhưng trước khi sử dụng, người bệnh cần phải đi khám để được bác sĩ y học cổ truyền kê đơn. 

Nếu bệnh nhân tự điều trị cảm lạnh tại nhà thì có thể dùng những loại thuốc chứa các thành phần dược liệu đông y như siro ho, cảm xuyên hương, giải cảm Liên ngân, Cảm cúm bốn mùa, Viên nang mẫu đơn,... Ngoài ra, một cách giải cảm vừa đơn giản và hiệu quả khác mà bạn có thể áp dụng đó là uống trà gừng mật ong. Bởi vì tính chất nóng của gừng sẽ giúp xua đuổi hàn khí, giữ ấm, còn mật ong lại có tính kháng khuẩn rất tốt có lợi cho những trường hợp cảm lạnh kèm triệu chứng ho.

Trà gừng được bày bán sẵn tại các hiệu thuốc và bạn cũng có thể tự pha chế tại nhà:

  • Chuẩn bị: nước lọc (2 cốc), gừng tươi đã nạo vỏ và giã nát (2 thìa), mật ong (1 thìa) hoặc đường trắng (2 thìa).
  • Cách pha chế: bỏ gừng vào cốc, đun sôi 2 cốc nước trên sau đó đổ vào cốc có gừng, thêm mật ong hoặc đường và uống khi nước còn ấm.
  • Trà gừng nên dùng vào buổi sáng, ngay khi mới bị cảm lạnh.

Trà gừng có tác dụng giải cảm rất tốt

Trà gừng có tác dụng giải cảm rất tốt

2.3. Chế độ ăn uống và chăm sóc

Người bệnh cũng cần phải lưu ý đến chế độ ăn uống và chăm sóc cơ thể khi bị cảm lạnh như sau:

  • Không nên ăn những món lạnh (kem, đồ uống lạnh,...) và những món mang tính hàn như lươn, ốc, trạch, hay thực phẩm đông lạnh chưa qua chế biến,...
  • Nên ăn những món loãng, dễ nuốt như súp, cháo,...
  • Tăng cường rau xanh, hoa quả tươi trong thực đơn, bồi dưỡng đủ chất cho cơ thể. 
  • Ngủ đủ giấc (ít nhất 8 tiếng/ngày), nghỉ ngơi từ 1 - 2 ngày ở nhà để không lây cảm cho mọi người.

Nếu cơ thể xuất hiện thêm những triệu chứng tăng nặng như đau ngực, khó thở, ho nhiều,... thì cần đi khám ngay.

3. Gợi ý một số cách phòng bệnh cảm lạnh

  • Cách tốt nhất để phòng bệnh cảm lạnh đó là giữ ấm cho cơ thể, nhất là khi thời tiết chuyển lạnh hoặc giai đoạn giao mùa, không nên tắm nước lạnh hay tắm đêm. 
  • Rửa tay với xà phòng diệt khuẩn để tránh nhiễm phải các loại virus vi khuẩn gây cảm cúm, cảm lạnh. Nhất là sau khi sờ vào những bề mặt ở nơi công cộng, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Không đưa tay bị nhiễm khuẩn lên niêm mạc mắt, mũi, miệng.
  • Hạn chế tiếp xúc với những người đang bị cảm lạnh, cảm cúm để không bị lây bệnh bằng cách đeo khẩu trang khi nói chuyện, che miệng mũi khi ho, hắt hơi,... Sau đó hãy rửa tay sạch sẽ.
  • Đảm bảo nhà ở luôn thông thoáng, sạch sẽ bằng cách vệ sinh thường xuyên, đặc biệt là ở những vị trí có nhiều người cùng chạm phải hay tiếp xúc nhiều như tay nắm cửa, điều khiển điều hoà, điều khiển ti vi,... 
  • Thường xuyên vận động cơ thể, tập luyện thể dục thể thao để tăng cường sức đề kháng chống lại vi khuẩn gây bệnh.
  • Uống trà nóng: theo các chuyên gia tai mũi họng, việc duy trì thói quen uống trà nóng pha cùng mật ong và chanh sẽ giúp phòng bệnh cảm lạnh một cách hiệu quả. Bởi vì mật ong có tác dụng kháng khuẩn, trong khi đó chanh sẽ giúp làm tan loãng dịch đờm do cảm. Kết hợp với hơi nóng từ trà sẽ giúp niêm mạc mũi dễ dàng loại bỏ những yếu tố gây bệnh. Bạn hoàn toàn có thể tự pha trà nóng tại nhà và uống hàng ngày.

Giữ ấm cơ thể và uống trà nóng mỗi ngày là cách phòng bệnh cảm lạnh đơn giản mà hiệu quả

Giữ ấm cơ thể và uống trà nóng mỗi ngày là cách phòng bệnh cảm lạnh đơn giản mà hiệu quả

Hy vọng rằng thông qua bài viết này, quý bạn đọc đã tìm hiểu được một số cách giúp phòng bệnh cảm lạnh. Tuy rằng cảm lạnh thường được coi là một bệnh vặt và có thể tự khỏi sau một vài ngày nhưng không nên vì thế mà chúng ta trở nên chủ quan với nó. Nếu bị cảm lạnh lâu ngày không khỏi thì bạn nên đi khám từ sớm để được chẩn đoán nguyên nhân và cách điều trị hợp lý, hiệu quả. 

Để được tư vấn về các cách điều trị và phòng bệnh cảm lạnh, quý bạn đọc có thể liên hệ ngay đến tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC ngay hôm nay.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.