Tin tức

Cách trị giãn tĩnh mạch chân tại nhà giúp giảm đau, giảm sưng nhanh chóng

Ngày 11/05/2025
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Giãn tĩnh mạch chân (giãn tĩnh mạch chi dưới) là một tình trạng phổ biến, đặc biệt ở đối tượng người cao tuổi, phụ nữ mang thai và những người thường xuyên đứng hoặc ngồi lâu. Nếu không điều trị kịp thời, giãn tĩnh mạch chân có thể gây đau nhức, phù nề, loét da và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Hiện nay, một số cách trị giãn tĩnh mạch chân tại nhà có thể giúp cải thiện tình trạng này, giảm bớt triệu chứng khó chịu cho người bệnh.

1. Thế nào là tình trạng giãn tĩnh mạch chân?

giãn tĩnh mạch chân (hay còn gọi là giãn tĩnh mạch chi dưới) là tình trạng các tĩnh mạch ở chân bị giãn to, dài ra và xoắn lại bất thường do máu lưu thông kém, dẫn đến ứ đọng máu trong lòng tĩnh mạch. Hệ thống tĩnh mạch đưa máu từ chân về tim nhờ hệ thống các van một chiều và sự co cơ khi vận động. Khi các van này bị suy yếu hoặc hỏng, máu không được đẩy về tim mà bị ứ đọng tại chỗ, gây phình giãn tĩnh mạch, tạo thành các đường gân xanh, ngoằn ngoèo dưới da, thường thấy ở mặt các vị trí như sau bắp chân hoặc khoeo chân.

Người bị giãn tĩnh mạch chân thường có các biểu hiện thường gặp như:

  • Tĩnh mạch nổi to, nổi rõ trên da.

  • Người bệnh có cảm giác nặng chân, mỏi chân, đặc biệt sau khi đứng lâu.

  • Phù nhẹ ở mắt cá chân hoặc bàn chân do ứ trệ tuần hoàn.

  • Đôi khi, người bệnh có biểu hiện đau rát, ngứa hoặc co thắt về đêm.

Giãn tĩnh mạch chân là một dạng bệnh mạn tính tiến triển, có thể gây ra các biến chứng nếu không được điều trị đúng cách như viêm tắc tĩnh mạch, loét chân do tĩnh mạch…

Giãn tĩnh mạch chân là tình trạng các tĩnh mạch ở chân bị giãn to, dài ra và xoắn lại bất thường.

Giãn tĩnh mạch chân là tình trạng các tĩnh mạch ở chân bị giãn to, dài ra và xoắn lại bất thường.

2. Cách trị giãn tĩnh mạch chân tại nhà hiệu quả

Nếu thực hiện đều đặn, đúng cách và ở mức độ giãn tĩnh mạch nhẹ, các cách trị giãn tĩnh mạch chân tại nhà là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp giãn tĩnh mạch chân nặng hơn, người bệnh cần được thăm khám và điều trị chuyên sâu bằng thuốc hoặc can thiệp y khoa. Các cách trị giãn tĩnh mạch chân tại nhà nên là phương pháp hỗ trợ điều trị, không thể thay thế hoàn toàn các phương pháp điều trị y học chính thống.

Bạn có thể tham khảo một số phương pháp điều trị sau:

2.1. Thay đổi lối sống sinh hoạt khoa học

Để hỗ trợ phòng và điều trị giãn tĩnh mạch chi dưới, bạn nên: 

  • Tập luyện thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày giúp tăng co bóp cơ, từ đó hỗ trợ đẩy máu về tim tốt hơn. Bạn có thể thực hiện các bài tập thể dục nâng chân, yoga, đi bộ, bơi lội, đạp xe nhẹ nhàng,… . 

  • Kiểm soát cân nặng hợp lý để tránh thừa cân, béo phì gây áp lực lớn lên tĩnh mạch chi dưới.

  • Chế độ ăn giàu rau xanh, chất xơ, hạn chế muối và đường giúp kiểm soát cân nặng và giảm phù chân. Bổ sung thực phẩm giàu flavonoid như cam, quýt, bưởi, rau bina, hành tím.

  • Tránh rượu, bia, cà phê và thức ăn nhiều muối.

  • Khi nằm nghỉ, bạn hãy nâng chân cao hơn tim bằng gối hoặc kê chân trên tường 15-20 phút, 2-3 lần/ngày, từ đó giúp máu từ chân dễ dàng hồi lưu về tim, giảm ứ trệ.

  • Tránh đứng hoặc ngồi quá lâu. Cứ mỗi 30 phút, nên đứng lên đi lại hoặc co duỗi chân nhẹ nhàng vài lần. Nếu công việc bắt buộc phải ngồi lâu, hãy kê chân cao hoặc dùng bệ kê chân.

Tập luyện thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày giúp tăng co bóp cơ, từ đó hỗ trợ đẩy máu về tim tốt hơn.

Tập luyện thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày giúp tăng co bóp cơ, từ đó hỗ trợ đẩy máu về tim tốt hơn.

2.2. Mang vớ y khoa (vớ áp lực)

Một trong những biện pháp đơn giản, ít xâm lấn và có thể thực hiện ngay tại nhà để cải thiện tình trạng giãn tĩnh mạch chân là sử dụng vớ y khoa (vớ áp lực). Đây là sản phẩm y tế chuyên dụng, được thiết kế để tạo ra áp lực đều và ổn định lên thành tĩnh mạch, giúp hỗ trợ lưu thông máu từ chi dưới trở về tim hiệu quả hơn.

Cơ chế hoạt động của vớ y khoa là tạo áp lực cao nhất ở cổ chân và giảm dần khi đi lên phía trên. Cơ chế này giúp nén các tĩnh mạch giãn rộng, thu hẹp đường kính lòng mạch, từ đó cải thiện tuần hoàn máu, ngăn máu bị ứ đọng ở chân, phòng ngừa hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu.

Cách sử dụng vớ y khoa:

  • Tùy theo mức độ giãn tĩnh mạch, bác sĩ có thể chỉ định loại vớ áp lực nhẹ (15 – 20 mmHg), trung bình (20 – 30 mmHg) hoặc nặng (30 – 40 mmHg).

  • Người bị giãn tĩnh mạch chi dưới nên mang vớ vào buổi sáng, khi chân chưa bị phù và cởi ra vào buổi tối trước khi đi ngủ.

  • Tránh gấp mép vớ, vì có thể làm cản trở tuần hoàn.

  • Giặt vớ đúng cách theo hướng dẫn của nhà sản xuất để duy trì độ đàn hồi.

  • Không nên sử dụng cho người có bệnh da liễu ở chân, bị thiếu máu cục bộ chi dưới nặng (ví dụ bệnh động mạch ngoại biên).

Mang vớ y khoa (vớ áp lực) là một trong những cách trị giãn tĩnh mạch chi dưới tại nhà

Mang vớ y khoa (vớ áp lực) là một trong những cách trị giãn tĩnh mạch chi dưới tại nhà

2.3. Massage chân đều đặn hàng ngày

Một trong những cách trị giãn tĩnh mạch chân tại nhà mà bạn có thể áp dụng là massage chân. Massage chân không chỉ giúp thư giãn mà còn là một phương pháp hỗ trợ cải thiện tuần hoàn tĩnh mạch, đặc biệt hữu ích đối với những người đang gặp phải tình trạng giãn tĩnh mạch chi dưới mức độ nhẹ đến trung bình. Bằng cách tác động cơ học lên các mô mềm, massage kích thích dòng máu trở về tim, giảm tình trạng máu ứ trệ ở chi dưới.

Cách thực hiện:

  • Ngâm chân nước ấm 10 phút trước khi massage.

  • Sử dụng các động tác vuốt, bóp, miết nhẹ nhàng theo chiều từ dưới lên.

  • Thực hiện 15-20 phút mỗi ngày, tốt nhất vào buổi tối.

  • Có thể kết hợp dùng con lăn massage chân hoặc máy massage chân chuyên dụng được thiết kế cho người giãn tĩnh mạch.

Lưu ý: Không massage nếu có viêm da, loét da hoặc huyết khối tĩnh mạch sâu nghi ngờ.

Massage chân giúp kích thích dòng máu trở về tim, giảm tình trạng máu ứ trệ ở chi dưới.

Massage chân giúp kích thích dòng máu trở về tim, giảm tình trạng máu ứ trệ ở chi dưới.

2.4. Các biện pháp dân gian hỗ trợ trị giãn tĩnh mạch chân

Ngoài các phương pháp trên thì một số biện pháp dân gian cũng góp phần hỗ trợ cải thiện triệu chứng của giãn tĩnh mạch chi dưới như đau, sưng, nặng chân hay chuột rút. Cụ thể:

  • Chườm lá ngải cứu: Theo y học cổ truyền, ngải cứu có tính ấm, giúp hoạt huyết, tán hàn, giảm đau. Chườm ngải cứu có thể hỗ trợ lưu thông máu tại chỗ, giảm cảm giác căng tức, đau mỏi ở chân. Bạn có thể dùng khoảng 1 nắm lá ngải cứu tươi, rửa sạch, sao nóng với ít muối hột. Bọc vào khăn sạch rồi chườm lên vùng chân bị giãn tĩnh mạch.

  • Ngâm chân với nước muối gừng ấm: Ngâm chân nước muối gừng làm giãn mạch ngoại vi, giảm phù nề nhẹ và thư giãn cơ. Gừng còn có tác dụng kháng viêm nhẹ và tăng cường lưu thông máu. Bạn nên thực hiện bằng cách đun sôi 1 lít nước với vài lát gừng tươi đập dập và 1 thìa muối biển. Để nước nguội còn 40-45 độ rồi ngâm chân trong 15-20 phút mỗi tối.

  • Thoa giấm táo: Thoa giấm táo nguyên chất lên vùng tĩnh mạch giãn 2 lần/ngày, kết hợp massage nhẹ giúp hỗ trợ tuần hoàn máu, giảm sưng.

Lưu ý: Các phương pháp trị giãn tĩnh mạch chân tại nhà được giới thiệu trên bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Nếu có các dấu hiệu như sưng phù không giảm khi nghỉ ngơi, đau, nóng đỏ tại vùng giãn tĩnh mạch,… hay tình trạng bệnh không cải thiện sau khi áp dụng các cách trị giãn tĩnh mạch chân tại nhà thì bạn nên thăm khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp nhất. Bạn có thể liên hệ với Hệ thống Y tế MEDLATEC theo hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn và đặt lịch khám cùng các bác sĩ Tim mạch. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ