Tin tức

Giãn tĩnh mạch chi dưới ảnh hưởng như thế nào đối với sức khỏe?

Ngày 18/12/2024
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Giãn tĩnh mạch chi dưới là tình trạng suy giảm chức năng lưu thông máu của các tĩnh mạch ở chân, làm cho máu không thể vận chuyển về tim như bình thường. Người bệnh sẽ nổi các tĩnh mạch ngoằn ngoèo bên dưới vùng da nông như bắp chân, khoeo kèm theo các triệu chứng khác như: đau nhức, tê bì chi dưới. Cụ thể bệnh lý này ảnh hưởng ra sao đến người bệnh và khắc phục bằng cách nào, MEDLATEC sẽ đề cập chi tiết trong nội dung chia sẻ dưới đây.

1. Giãn tĩnh mạch chi dưới: Yếu tố nguy cơ và dấu hiệu nhận biết

1.1. Yếu tố làm tăng nguy cơ bị giãn tĩnh mạch chi dưới

Giãn tĩnh mạch chi dưới là tình trạng suy yếu chức năng lưu thông máu của các tĩnh mạch ở chân làm cho máu không thể đưa về tim như bình thường. Tình trạng này thường xảy ra khi các van trong tĩnh mạch hoạt động không tốt, gây máu bị ứ đọng tại chân. 

Một trong những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bị giãn tĩnh mạch chi dưới là lối sống ít vận động. Người thường xuyên đứng hay ngồi một chỗ quá lâu rất dễ khiến máu khó lưu thông bình thường từ đó xuất hiện tình trạng gia tăng áp lực trong tĩnh mạch và làm giãn tĩnh mạch chi dưới.

Ngoài ra, giãn tĩnh mạch chi dưới cũng có phần do yếu tố di truyền. Điều này khiến cho những người sinh ra từ gia đình có người đã bị giãn tĩnh mạch sẽ có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này.

Sự thay đổi nội tiết tố, đặc biệt ở phụ nữ trong thai kỳ, mãn kinh hoặc sử dụng thuốc tránh thai, cũng là yếu tố gây suy yếu và làm tăng nguy cơ giãn tĩnh mạch. 

Cuối cùng, tăng cân quá mức làm tăng áp lực lên tĩnh mạch ở chi dưới, khiến cho máu khó bơm ngược về tim.

Tăng cân quá mức tạo áp lực lên tĩnh mạch dễ gây giãn tĩnh mạch chi dưới

Tăng cân quá mức tạo áp lực lên tĩnh mạch dễ gây giãn tĩnh mạch chi dưới

1.2. Dấu hiệu thường thấy ở bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới

Các triệu chứng điển hình thường thấy ở bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch chi dưới là:

- Giãn tĩnh mạch chi dưới giai đoạn đầu

+ Tĩnh mạch nổi thành đường ngoằn ngoèo, màu xanh hoặc tím dưới da, thường tập trung ở vùng bắp chân.

+ Người bệnh thường có cảm giác mỏi, nặng chân sau khi đứng hay ngồi lâu một chỗ.

+ Một số trường hợp có thể gặp đau nhức nhẹ ở chân khi vận động hoặc nghỉ ngơi.

- Giãn tĩnh mạch chi dưới giai đoạn tiến triển nghiêm trọng

+ Sưng phù chân vào buổi tối, có thể giảm khi nâng cao chân hoặc nghỉ ngơi.

+ Da vùng tĩnh mạch giãn có cảm giác nóng rát hoặc ngứa ngáy.

+ Vùng da quanh tĩnh mạch bị giãn thường cứng hoặc sẫm màu hơn bình thường.

2. Mức độ ảnh hưởng của giãn tĩnh mạch chi dưới đối với người bệnh

Giãn tĩnh mạch chi dưới giai đoạn đầu thường khiến người bệnh trải qua cảm giác mỏi, đau nhức hoặc nặng chân. Tình trạng này có chiều hướng khó chịu hơn sau khi đứng hoặc ngồi quá lâu.

Về lâu dài, tình trạng giãn tĩnh mạch có thể dẫn đến sưng phù, viêm da, thậm chí loét chân. Nguy hiểm hơn, người bị giãn tĩnh mạch chi dưới có thể gặp biến chứng xuất hiện huyết khối. Nếu không được điều trị ngay, có thể gây tắc mạch phổi. Những ảnh hưởng trên đây rất dễ khiến người bệnh cảm thấy tự ti, lo lắng về ngoại hình và tình trạng sức khỏe của mình khi bị giãn tĩnh mạch chi dưới.

Người bị giãn tĩnh mạch chi dưới có thể gặp biến chứng nguy hiểm

Người bị giãn tĩnh mạch chi dưới có thể gặp biến chứng nguy hiểm

3. Khắc phục giãn tĩnh mạch chi dưới như thế nào?

3.1. Thay đổi trong lối sống

Sự điều chỉnh về lối sống là tuy không phải là giải pháp điều trị bệnh nhưng có thể kiểm soát nguy cơ giãn tĩnh mạch chi dưới tiến triển nghiêm trọng. Người bệnh cần điều chỉnh một số vấn đề như:

- Tăng vận động

+ Hoạt động nhẹ nhàng giúp cải thiện lưu thông máu tới chi dưới và lưu thông máu ngược về tim.

+ Các bài tập cơ bụng và chân cũng nên được thực hiện nhằm tăng sức mạnh cho hệ thống cơ chi dưới và hỗ trợ lưu thông máu.

- Duy trì cân nặng lý tưởng

+ Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ và giảm muối để tránh phù nề.

+ Tránh thực phẩm nhiều dầu mỡ để làm giảm áp lực lên tĩnh mạch.

3.2. Can thiệp y khoa

3.2.1. Sử dụng vớ y khoa

Đây là loại vớ được thiết kế đặc biệt để tạo áp lực đồng đều lên chân, giúp máu lưu thông từ chi dưới trở về tim dễ dàng hơn. Người bệnh cần lựa chọn loại vớ phù hợp với mức độ giãn tĩnh mạch và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả tối ưu.

3.2.2. Dùng thuốc 

Một số loại thuốc uống, thường là nhóm thuốc tăng cường tuần hoàn máu hoặc chống viêm, có thể được kê đơn bởi bác sĩ. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc bôi ngoài da chứa các thành phần làm dịu tĩnh mạch và giảm sưng phù. Tuy nhiên, người bệnh cần chú ý thực hiện theo đúng chỉ dẫn dùng thuốc của bác sĩ để không gặp phải các tác dụng phụ.

3.2.3. Điều trị và kiểm soát bệnh nền 

Các trường hợp tăng huyết áp, mỡ máu, tiểu đường cần điều trị kiểm soát tốt bệnh lý nền để giảm thiểu tối đa huyết khối tĩnh mạch gây suy van.

3.2.4. Tiêm xơ giãn tĩnh mạch

Đây là phương pháp điều trị bằng dung dịch đặc biệt tiêm trực tiếp vào các tĩnh mạch bị giãn. Dung dịch này gây kích thích và làm xơ hóa thành mạch, khiến tĩnh mạch bị giãn dần thu nhỏ lại. Tiêm xơ giãn tĩnh mạch phù hợp với trường hợp bệnh mới xuất hiện tĩnh mạch giãn ở mức độ nhỏ hoặc trung bình.

Người bị giãn tĩnh mạch chi dưới cần được bác sĩ chuyên khoa khám và đánh giá để đưa ra phương pháp điều trị thích hợp

Người bị giãn tĩnh mạch chi dưới cần được bác sĩ chuyên khoa khám và đánh giá để đưa ra phương pháp điều trị thích hợp 

3.2.5. Điều trị laser

Phương pháp này sử dụng tia laser để loại bỏ hoặc làm giảm tình trạng giãn tĩnh mạch. Tia laser tạo ra năng lượng nhiệt tập trung, giúp đóng kín và làm xẹp các tĩnh mạch bị tổn thương. Quá trình này thường không gây đau, thời gian thực hiện nhanh và phù hợp với các trường hợp giãn tĩnh mạch mức độ nhẹ đến trung bình. Sau điều trị, người bệnh có thể vận động, sinh hoạt bình thường.

3.2.6. Điều trị sóng cao tần

Phương pháp dùng sóng cao tần RFA có khả năng làm nóng và khiến cho tĩnh mạch bị giãn đóng kín lại. Đây là giải pháp thay thế an toàn và hiệu quả, thời gian thực hiện nhanh và ít gây khó chịu cho bệnh nhân.

3.2.7. Phẫu thuật cắt bỏ tĩnh mạch

Trong trường hợp tĩnh mạch bị giãn quá nặng hoặc có nguy cơ biến chứng cao, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt bỏ tĩnh mạch. Đây là giải pháp triệt để để loại bỏ tĩnh mạch không còn chức năng, giúp giảm đau và ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng.

Giãn tĩnh mạch chi dưới có thể gây ảnh hưởng đến vận động, tiềm ẩn biến chứng tiêu cực cho sức khỏe bệnh nhân. Khi có các dấu hiệu cho thấy bệnh lý này, người bệnh cần được bác sĩ chuyên khoa thăm khám để chẩn đoán đúng và kịp thời điều trị bằng phác đồ phù hợp.

Để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị hiệu quả bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới, quý khách hàng có thể liên hệ đặt lịch cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ