Tin tức

Cách xử trí vết thương ở tĩnh mạch mạc treo tràng trên

Ngày 14/07/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Tĩnh mạch mạc treo tràng trên là một loại tĩnh mạch có kích thước lớn nằm trong ổ bụng. Nó có thể gặp tổn thương do nhiều nguyên nhân khác nhau và cách xử trí thường được chỉ định đó là khâu vị trí bị tổn thương lại. Đây được coi là một phẫu thuật phức tạp thường do các bác sĩ phẫu thuật có trình độ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm tiến hành. Những thông tin do MEDLATEC chia sẻ dưới đây sẽ phần nào giúp bạn hiểu rõ hơn về thủ thuật này.

1. Khâu tĩnh mạch mạc treo tràng trên do chấn thương

1.1. Tĩnh mạch mạc treo tràng trên là gì?

Tĩnh mạch mạc treo tràng trên là tĩnh mạch nằm trong ổ bụng, kích thước lớn có chức năng nhận máu của đại tràng phải và ruột non. Nó sẽ hợp lưu với tĩnh mạch lách trước khi đổ máu về gan thông qua tĩnh mạch cửa. 

Tĩnh mạch mạc treo tràng trên có tốc độ tuần hoàn máu khoảng 0,8 lít/phút, đảm nhận vận chuyển ⅔ lượng máu đổ vào gan nên nếu nó gặp phải tổn thương nào thì sẽ gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm, cụ thể là: thiếu máu, sốc mất máu, hoại tử ruột non, thậm chí là tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Do đó các phẫu thuật viên cần phải nắm vững vị trí giải phẫu cũng như nhanh chóng phát hiện ra tổn thương tại tĩnh mạch mạc treo tràng trên để có phương pháp xử trí đúng đắn, kịp thời.

Minh họa cấu tạo và vị trí tĩnh mạch mạc treo tràng trên (vùng khoanh đỏ)

Minh họa cấu tạo và vị trí tĩnh mạch mạc treo tràng trên (vùng khoanh đỏ)

1.2. Chỉ định khâu tĩnh mạch mạc treo tràng trên trong trường hợp nào?

  • Bệnh nhân có vết thương hay gặp chấn thương vùng bụng;
  • Chẩn đoán hình ảnh bằng chụp CT nhận thấy khu vực bờ dưới tụy, mạc treo ruột non, sau phúc mạc có máu tụ lớn;
  • Có khối u xâm lấn vào tĩnh mạch, cần chủ động cắt và khâu vết thương để tiêu diệt triệt căn khối u.

 1.3. Trường hợp chống chỉ định khâu tĩnh mạch mạc treo tràng trên 

Không có chống chỉ định tuyệt đối, tuy nhiên vẫn có chống chỉ định tương đối: 

  • Bệnh nhân đang gặp vấn đề về huyết áp và bệnh lý tim mạch;
  • Người bị rối loạn đông máu hoặc bệnh lý về tiểu cầu;
  • Bệnh nhân trước đây đã từng bị dị ứng với thuốc kháng sinh hoặc thuốc gây tê, gây mê;
  • Người đang mắc các bệnh liên quan đến gan, thận, suy giảm chức năng thận;
  • Bệnh nhân đang phải điều trị bằng các thuốc gây ức chế đông máu/chống đông máu hoặc những loại thuốc có khả năng tương tác với thuốc gây tê.

Đây chỉ là chống chỉ định tương đối. Các bác sĩ phẫu thuật sẽ dựa trên tình trạng bệnh lý của bệnh nhân cùng các yếu tố quan trọng khác để cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro xem có nên hay không nên tiến hành khâu vết thương tại tĩnh mạch mạc treo tràng trên. 

2. Các bước chuẩn bị phẫu thuật

2.1. Thành viên ekip mổ

  • 01 bác sĩ phẫu thuật chính, 02 bác sĩ mổ phụ;
  • 01 bác sĩ gây mê, 01 điều dưỡng phụ gây mê;
  • 01 dụng cụ viên và 01 điều dưỡng hỗ trợ ngoài.

2.2. Người bệnh sẵn sàng

  • Bác sĩ và điều dưỡng viên sẽ phổ biến các thông tin cần thiết về cuộc phẫu thuật;
  • Giải thích về các rủi ro và nguy cơ có thể gặp phải trong quá trình phẫu thuật;
  • Chuẩn bị các thủ tục liên quan khác như một phiên mổ thông thường.

2.3. Dụng cụ và phương tiện phẫu thuật

  • Prolene (chỉ mạch máu 3/0, 4/0, 5/0;
  • Bộ dụng cụ dùng cho đại phẫu cùng mạch máu lớn;
  • Bông gòn;
  • Mạch nhân tạo;
  • Máy siêu âm Doppler cần dùng trong khi phẫu thuật nhằm kiểm tra và đánh giá lưu lượng máu ở tĩnh mạch cửa.

Bác sĩ phụ trách mổ phải là người có chuyên môn cao

Bác sĩ phụ trách mổ phải là người có chuyên môn cao

2.4. Thời gian thực hiện phẫu thuật

Trung bình một ca phẫu thuật khâu vết thương tĩnh mạch mạc treo tràng trên sẽ kéo dài trong khoảng 30 phút, thậm chí có thể lên tới 3 giờ tùy thuộc vào mức độ tổn thương, tính chất phức tạp và loại phẫu thuật 

3. Quy trình thực hiện

Bệnh nhân được đặt nằm ngửa, nếu cần thiết có thể kê gối dưới lưng, vị trí ngang mũi ức. Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành gây mê toàn thân cho người bệnh. 

Kỹ thuật thực hiện phẫu thuật:

  • Bước 1: quan sát tổn thương tĩnh mạch và các khối máu tụ tại vị trí này để có đánh giá tổng quan về tình trạng vết thương;
  • Bước 2: di chuyển khối tá tràng đầu tụy bằng cách thực hiện động tác Kocher;
  • Bước 3: tiến hành mở phúc mạc dọc theo đường di chuyển của tĩnh mạch mạc treo tràng trên;
  • Bước 4: để lộ cấu trúc và vị trí tổn thương của tĩnh mạch mạc treo tràng trên. Phụ thuộc vào vị trí cũng như mức độ thương tổn mà bác sĩ sẽ áp dụng biện pháp xử trí tối ưu nhất;
  • Bước 5: thực hiện khâu vết thương tĩnh mạch mạc treo tràng trên bằng chỉ Prolene 4/0, 5/0 bằng kỹ thuật khâu vắt 1 lớp. Sử dụng bông gòn để cầm máu tăng cường;
  • Bước 6: kiểm tra lại các tổn thương và vết khâu, đồng thời đặt dẫn lưu ổ bụng, đóng bụng theo trình tự các lớp giải phẫu.

Đây là quy trình phẫu thuật quy chuẩn có thể được áp dụng đối với cả những trường hợp cần loại bỏ các hạch hay khối u xâm lấn tĩnh mạch mạc treo tràng trên. Đôi khi việc nạo vét sẽ tạo ra tổn thương ở tĩnh mạch này để điều trị triệt căn khối u nên cần phải khâu vết thương với các bước tiến hành tương tự như trên. 

4. Theo dõi hậu phẫu và xử trí nếu xuất hiện tai biến

4.1. Theo dõi biến chứng

Bệnh nhân có thể xuất hiện những biến chứng hậu phẫu như sau:

  • Thiếu máu ruột non: theo dõi mức độ chướng bụng, các triệu chứng xuất huyết tiêu hóa, viêm phúc mạc, sốc. Chụp mạch hoặc chụp CT có thể giúp đánh giá tưới máu ruột non;
  • Chảy máu: cần theo dõi thân nhiệt, huyết áp, mạch, tình trạng bụng, toàn trạng cơ thể, màu sắc và thể tích dịch dẫn lưu ổ bụng với tần suất kiểm tra tối thiểu là 1 lần/giờ trong vòng 24 giờ đầu sau phẫu thuật;
  • Nhiễm trùng: theo dõi nguy cơ xuất hiện các dấu hiệu nhiễm trùng tại chỗ hoặc nhiễm trùng toàn thân. Biến chứng này có thể đến từ khối máu tụ, vết mổ, do bỏ sót tổn thương hoặc do bị thiếu máu hoại tử ruột.

Bệnh nhân sau phẫu thuật cần được theo dõi sát sao nguy cơ biến chứng

Bệnh nhân sau phẫu thuật cần được theo dõi sát sao nguy cơ biến chứng

4.2. Cách xử trí biến chứng

Các biện pháp khắc phục biến chứng sau phẫu thuật bao gồm:

  • Điều trị bảo tồn: sử dụng kháng sinh toàn thân, truyền máu cùng các chế phẩm của máu, bổ sung dinh dưỡng. Bệnh nhân cần lưu lại viện và được theo dõi sát sao trong quá trình điều trị bảo tồn;
  • Phẫu thuật: trong trường hợp phát hiện nguy cơ viêm phúc mạc hoặc có dấu hiệu chảy máu thì cần mổ lại sớm.

Nhìn chung phẫu thuật khâu vết thương tĩnh mạch mạc treo tràng trên khá phức tạp và cần được xử lý nhanh nhạy bởi đội ngũ y bác sĩ tay nghề cao, giàu kinh nghiệm. Mong rằng những thông tin do MEDLATEC chia sẻ đã giúp bạn hiểu rõ hơn về thủ thuật này và có các biện pháp bảo vệ, ngăn ngừa tổn thương ở tĩnh mạch mạc treo tràng trên. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.