Tin tức
Cẩm nang sức khỏe về bệnh sỏi tuyến nước bọt
- 27/07/2022 | Tình trạng nuốt nước bọt đau họng do những nguyên nhân nào?
- 13/10/2022 | Các thông tin cơ bản về u tuyến nước bọt mà bạn nên biết!
- 03/06/2022 | Bệnh viêm tuyến nước bọt có để lại biến chứng nặng hay không?
1. Sỏi tuyến nước bọt - nguyên nhân và triệu chứng
1.1. Sỏi tuyến nước bọt là gì, chủ yếu hình thành ở đâu?
Có 3 cặp tuyến nước bọt chính của cơ thể gồm: dưới hàm, mang tai và dưới lưỡi. Ngoài ra còn nhiều tuyến nước bọt nhỏ ở các vị trí khác như: má, môi, cổ họng,... Sỏi tuyến nước bọt là các viên đá nhỏ nằm trong lòng những tuyến này, khiến cho dòng nước bọt được tiết ra bị chặn lại.
Chính sự xuất hiện của sỏi ở tuyến nước bọt khiến cho tuyến này bị kích thích và sưng phồng khi nhai. Khi kết thúc bữa ăn, nước bọt ở miệng tiết ra ít đi nên tuyến xẹp xuống, chính điều này làm cho nhiều người nghĩ rằng bệnh đã khỏi hoặc không có gì nguy hiểm.
Những khu vực dễ hình thành sỏi tuyến nước bọt
Sỏi tuyến nước bọt chủ yếu xuất hiện ở các ống dẫn kết nối với các tuyến bên dưới hàm, tuyến mang tai, ngay phía trước tai hoặc hai bên mặt. Trong một ống dẫn có thể cùng lúc tồn tại nhiều viên sỏi.
1.2. Nguyên nhân hình thành sỏi tuyến nước bọt
Nguyên nhân chính khiến cho sỏi tuyến nước bọt hình thành là sự lắng đọng các chất trong nước bọt (chủ yếu là canxi) tích tụ ở tuyến hoặc lòng ống dẫn. Chưa thể xác định chính xác được căn nguyên gây bệnh nhưng các yếu tố như: nước bọt giàu nhớt, kiềm, chứa tỷ lệ canxi phốt phát cao, lỗ đổ và vị trí của ống Wharton,… được xem là có vai trò lớn trong việc làm ứ đọng và tăng nguy cơ hình thành tạo sỏi.
Ngoài ra, những yếu tố sau cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý này:
- Nam giới.
- Người đang ở tuổi trưởng thành.
- Đã từng xạ trị cổ hoặc vùng đầu.
- Tiền sử đối với chấn thương miệng.
- Dùng thuốc ảnh hưởng đến việc sản xuất nước bọt như thuốc chống dị ứng, thuốc kháng cholinergic, thuốc huyết áp, thuốc kiểm soát bàng quang, thuốc tâm thần,...
- Đã từng bị hội chứng Sjogren hoặc gút.
- Vấn đề với thận.
- Uống nước không đủ.
1.3. Triệu chứng thường gặp của bệnh sỏi tuyến nước bọt
Khi đang trong quá trình hình thành, sỏi tuyến nước bọt thường không gây ra triệu chứng, thậm chí có trường hợp sỏi còn tự biến mất. Khi đã hình thành sỏi, chúng sẽ có kích thước khác nhau nhưng thường có màu trắng và rất cứng.
Vào thời điểm kích thước viên sỏi tăng làm tắc ống dẫn, khiến cho nước bọt chảy ngược vào tuyến thì người bệnh sẽ bị sưng đau, viêm và nhiễm trùng trong tuyến nước bọt xảy ra sau đó. Triệu chứng thường gặp giai đoạn này là:
Sỏi tuyến nước bọt khiến người bệnh dễ bị sưng đau phía dưới hàm
- Cảm giác giống như lưỡi bị đẩy phồng hẳn lên.
- Vùng hai bên trước tai hoặc dưới hàm bị sưng, đau.
- Cảm giác đau tăng dần khi ăn.
- Nếu nhiễm trùng trong hoặc xung quanh tuyến do sỏi có thể sốt, có mủ xanh xung quanh khu vực có sỏi.
2. Chẩn đoán và điều trị sỏi tuyến nước bọt như thế nào?
2.1. Tính chất nguy hiểm của sỏi tuyến nước bọt
Đại đa số các trường hợp sỏi tuyến nước bọt đều có thể loại bỏ dễ dàng mà không gây ra bất cứ biến chứng nào. Tuy nhiên, nếu viên sỏi không được lấy ra ngoài, nguy cơ nhiễm trùng tuyến nước bọt sẽ xảy ra và kéo theo hàng loạt hệ lụy như:
- Vùng sàn miệng bị viêm tấy gây đau dữ dội đến mức không thể nói, ăn hay nuốt được, đau triền miên và ảnh hưởng đến giấc ngủ, khó há miệng, có thể khạc ra mủ khi nhổ nước bọt, sốt,...
- Viêm sàn miệng tiến triển mạn tính hoặc nhiễm trùng toàn bộ sàn miệng.
- Hình thành ổ áp xe, dây thần kinh bị tổn thương ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ mặt, bị liệt mặt.
2.2. Chẩn đoán sỏi tuyến nước bọt
Để chẩn đoán sỏi tuyến nước bọt bác sĩ sẽ thăm khám bên ngoài tuyến, quan sát các tuyến nước bọt và phía trong miệng của người bệnh. Ngoài ra, một số xét nghiệm cũng sẽ được yêu cầu thực hiện như: chụp X-quang, chụp CT scan, siêu âm vùng tuyến,... để tìm sỏi hoặc khối u hoặc hạch,…
2.3. Điều trị bệnh sỏi tuyến nước bọt
Mục tiêu điều trị sỏi tuyến nước bọt là loại bỏ chúng. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ quyết định phương án điều trị phù hợp như:
Nội soi loại bỏ sỏi tuyến nước bọt
- Với trường hợp viên sỏi kích thước nhỏ:
+ Mút nước chanh hoặc ngậm kẹo chua để viên sỏi tự nhiên trôi đi.
+ Xoa bóp đẩy sỏi ra ngoài ống dẫn.
- Với trường hợp viên sỏi kích thước lớn:
+ Tán sỏi tuyến nước bọt bằng dụng cụ vi phẫu có khả năng phát ra sóng xung kích điện từ để làm vỡ sỏi mà không hề làm tổn thương mô tuyến.
+ Rạch một đường nhỏ phía trong miệng để lấy viên sỏi ra ngoài.
+ Nội soi lấy sỏi bằng camera chuyên dụng để xác định vị trí sỏi và dùng dụng cụ vi mô gắp sỏi ra ngoài.
+ Cắt bỏ tuyến dưới hàm nhằm đề phòng tổn thương thần kinh (ở mặt, dưới lưỡi và lưỡi) rồi may thành từng lớp và hút dẫn lưu.
- Điều trị nội khoa: sử dụng thuốc kháng viêm, kháng sinh, giảm đau,... với trường hợp sỏi tuyến nước bọt đã gây nhiễm trùng.
Nói tóm lại, việc điều trị loại bỏ sỏi tuyến nước bọt không hề khó khăn nhưng do tâm lý chủ quan nên bệnh hay bị bỏ qua, dẫn đến nhiều trường hợp bị viêm nhiễm, áp xe, cắt bỏ tuyến nước bọt,... Vì thế, chuyên gia y tế khuyến cáo, ngay khi có những triệu chứng bất thường ở phía trước hai bên tai, dưới hàm hay sàn miệng, hãy sớm gặp bác sĩ để được kiểm tra và chẩn đoán.
Nếu đang nghi ngờ có triệu chứng sỏi tuyến nước bọt, quý khách hàng có thể đến thăm khám tại Chuyên khoa Tai - mũi - họng của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Tại đây, quý khách sẽ được bác sĩ chuyên khoa hàng đầu trực tiếp thăm khám và chẩn đoán chính xác để có hướng xử trí tối ưu. Ngoài ra, quý khách hàng cũng có thể đặt lịch khám thông qua tổng đài 1900 56 56 56 để chủ động sắp xếp thời gian cho công việc của mình.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!