Tin tức

Cẩm nang sức khỏe về bệnh Trichomonas vaginalis

Ngày 08/09/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Trichomonas vaginalis là nhiễm trùng âm đạo ở nữ giới hoặc đường sinh dục ở nam giới lây qua đường tình dục. Loại trùng roi này có khả năng sống nhiều giờ trên da hoặc băng vệ sinh và lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua môi trường bể bơi, bể tắm,... bể bơi. Với nam giới, trùng roi Trichomonas thường sống ký sinh ở niệu đạo, tuyến tiền liệt và túi tinh.

1. Trichomonas vaginalis là bệnh gì?

Bệnh Trichomonas vaginalis là bệnh viêm âm đạo hoặc đường sinh dục do trùng roi cùng tên gây ra. Ở nữ giới, trùng roi này chủ yếu được tìm thấy ở niệu đạo, âm đạo và tuyến nhờn âm hộ. Ở nam giới, trùng roi có trong lỗ niệu đạo và dương vật.

Trùng roi Trichomonas vaginalis - tác nhân gây ra bệnh nhiễm trùng đường sinh dục 

Trùng roi Trichomonas vaginalis - tác nhân gây ra bệnh nhiễm trùng đường sinh dục 

Trichomonas vaginalis chủ yếu lây truyền qua đường quan hệ tình dục không an toàn từ âm đạo sang dương vật hoặc ngược lại. Rất hiếm khi Trichomonas trú ngụ ở bộ phận khác của cơ thể. Một con đường tuy ít khi xảy ra nhưng vẫn có khả năng lây truyền viêm âm đạo do Trichomonas nữa là sử dụng chung vật dụng với người bệnh hoặc trong môi trường nước có trùng roi Trichomonas.

2. Triệu chứng của bệnh Trichomonas vaginalis như thế nào?

2.1. Triệu chứng bệnh Trichomonas vaginalis ở nam giới

Có đến 70% trường hợp nhiễm trùng roi Trichomonas không xuất hiện triệu chứng cụ thể. Nếu có triệu chứng thì thường chúng sẽ xuất hiện trong khoảng 5 - 28 ngày tính từ thời điểm bị nhiễm bệnh. Trường hợp không có triệu chứng thì rất lâu sau mới có khả năng xuất hiện triệu chứng.

Các triệu chứng dễ gặp ở các bệnh nhân bị Trichomonas vaginalis là:

- Khu vực sinh dục đau nhức, tấy đỏ, rát và ngứa.

- Thường xuyên cảm thấy khó chịu khi tiểu tiện, tiểu nhiều, bị đau hoặc chảy máu sau khi quan hệ tình dục.

Cụ thể triệu chứng bệnh Trichomonas vaginalis ở từng giới như sau:

1. Ở nam giới

Đại đa số nam giới mắc bệnh không xuất hiện triệu chứng, một số ít trường hợp bị kích ứng hoặc ngứa dương vật, tiểu tiện khó và tiểu nhiều lần trong ngày, có cảm giác ngứa rát khi xuất tinh hoặc tiểu tiện. Ngoài ra, có thể tìm thấy dịch niệu đạo từ dương vật nhưng lại rất khó phân biệt với viêm niệu đạo. Một số nam giới mắc bệnh có triệu chứng viêm mào tinh,viêm niệu đạo hoặc viêm tuyến tiền liệt.

2.2. Triệu chứng Trichomonas vaginalis ở nữ giới

Nữ giới bị bệnh Trichomonas vaginalis thường gặp triệu chứng:

Dịch tiết âm đạo nữ chuyển màu xanh hoặc vàng là một trong các dấu hiệu của bệnh Trichomonas vaginalis 

Dịch tiết âm đạo nữ chuyển màu xanh hoặc vàng là một trong các dấu hiệu của bệnh Trichomonas vaginalis 

- Cơ quan sinh dục bị tấy đỏ, rát và ngứa.

- Đi tiểu tiện cảm thấy khó chịu.

- Dịch âm đạo thay đổi theo chiều hướng chuyển màu từ trắng trong sang xanh hoặc vàng kèm theo mùi hôi tanh.

Một số trường hợp nữ giới mắc Trichomonas vaginalis nặng sẽ xuất hiện điểm xuất huyết lấm tấm ở cổ tử cung và niêm mạc âm đạo.

3. Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh Trichomonas vaginalis 

3.1. Chẩn đoán Trichomonas vaginalis 

Việc thực hiện xét nghiệm chẩn đoán bệnh Trichomonas vaginalis được khuyến cáo nên thực hiện định kỳ ở những người có nguy cơ cao như: đã mắc bệnh lý lây truyền qua đường tình dục, có đời sống tình dục phức tạp,... Những xét nghiệm thường được dùng để chẩn đoán bệnh lý này gồm:

- Soi tươi dịch âm đạo: hoà bệnh phẩm vào giọt nước muối sinh lý, soi kính hiển vi ngay sẽ thấy hình thể điển hình của trùng roi có hình hạt chanh đang di động.

- Cấy bệnh phẩm tìm Trichomonas vaginalis: mẫu bệnh phẩm ở nam giới là nước tiểu, dịch niệu đạo hoặc tinh dịch đồ; ở nữ giới là dịch tiết âm đạo.

- Xét nghiệm PCR có độ nhạy và đặc hiệu đạt từ trên 80 - 100% so với soi tươi và nuôi cấy.

3.2. Điều trị Trichomonas vaginalis 

Phương pháp điều trị bệnh Trichomonas vaginalis phổ biến nhất là dùng thuốc kháng sinh Metronidazol hoặc Tinidazol theo đơn của bác sĩ trong vòng 7 ngày và nên điều trị cả người bị bệnh lẫn bạn tình của họ. Điều đáng nói là những người đã từng điều trị khỏi bệnh lý này vẫn có thể bị tái nhiễm. Thống kê cho thấy trung bình 5 người mắc bệnh sẽ có 1 người bị tái nhiễm trong khoảng 3 tháng sau khi đã điều trị khỏi.

Muốn phòng ngừa tái nhiễm, tốt nhất cần đảm bảo bạn tình của người bệnh cũng phải được điều trị. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần kiêng quan hệ tình dục trong khoảng 7 - 10 ngày sau khi điều trị khỏi bệnh cho cả 2 phía. Nếu tiếp tục xuất hiện triệu chứng bệnh Trichomonas vaginalis thì cần tới gặp bác sĩ thăm khám ngay.

4. Biện pháp phòng ngừa viêm âm đạo do Trichomonas vaginalis

Có đời sống tình dục an toàn là giải pháp phòng ngừa bệnh Trichomonas vaginalis hiệu quả nhất. Muốn được như vậy, cả nam giới và nữ giới đều cần:

Có đời sống tình dục an toàn là cách tốt nhất để phòng ngừa Trichomonas vaginalis 

Có đời sống tình dục an toàn là cách tốt nhất để phòng ngừa Trichomonas vaginalis 

- Chỉ nên duy trì mối quan hệ tình dục với một bạn tình duy nhất.

- Khi quan hệ tình dục cần dùng bao cao su để bảo vệ.

- 6 tháng - 1 năm/lần cần thăm khám phụ khoa định kỳ.

- Không quan hệ tình dục bằng đường miệng hoặc hậu môn.

Bên cạnh đó, việc duy trì khám sức khỏe định kỳ, nhất là sức khỏe đường sinh dục cũng là giải pháp giúp phát hiện bệnh sớm và điều trị ngay. Nhờ thế mà tránh được sự lây lan bệnh cho người khác cũng như các hậu quả về sức khỏe do bệnh gây ra.

Bệnh Trichomonas vaginalis không đáng lo ngại vì nó có thể điều trị dễ dàng bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, nếu bị đi bị lại nhiều lần sẽ khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn và gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản. Thai phụ bị nhiễm trùng âm đạo do Trichomonas vaginalis có thể sinh non, nhiễm trùng sau sinh, vỡ ối sớm,...

Vì thế, muốn bệnh sớm chấm dứt và hạn chế tối đa khả năng tái phát cũng như các nguy cơ trên thì khi nghi ngờ triệu chứng như đã nói ở trên, người bệnh nên đến gặp bác sĩ phụ khoa để chẩn đoán và có biện pháp ngăn ngừa biến chứng. Các triệu chứng được khuyến cáo ưu tiên phát hiện gồm: âm đạo ra dịch có mùi hôi, đi tiểu nóng rát, tiểu đau buốt, bị đau khi quan hệ,...

Những chia sẻ trên đây hy vọng đã giúp quý khách hàng có được cái nhìn tổng quan nhất về bệnh Trichomonas vaginalis. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào hay có nhu cầu làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh, quý khách hàng hãy gọi đến 1900 56 56 56 để được Tổng đài viên giải đáp, chia sẻ về xét nghiệm cần làm hoặc hướng dẫn đặt lịch nhanh chóng phù hợp với thời gian của quý khách.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.