Tin tức

Cẩm nang y tế: Những lưu ý cho bệnh nhân sau phẫu thuật tim

Ngày 14/08/2021
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
Sau mỗi cuộc phẫu thuật, bệnh nhân cần được theo dõi và chăm sóc kỹ lưỡng để tránh các biến chứng nguy hiểm cũng như để thể chất nhanh hồi phục, bệnh nhân mổ tim cũng không ngoại lệ. Bài viết hôm nay sẽ giúp liệt kê những lưu ý cho bệnh nhân sau phẫu thuật tim bạn có thể tham khảo cho bản thân và người thân của mình.

1. Lý do bệnh nhân hậu phẫu thuật bệnh tim cần được chăm sóc đặc biệt

Việc chăm sóc và tập luyện đóng một vai trò quan trọng sau khi phẫu thuật tim của bệnh nhân. Đây là thời kỳ nhằm phục hồi sức khoẻ của người bệnh và phát hiện ra các biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, với mỗi loại bệnh phẫu thuật tim mạch cần phải được chăm sóc đặc biệt. Cần đặc biệt lưu ý theo dõi diễn biến sức khoẻ của các bệnh nhân có bệnh lý nền, các bệnh lý tim mạch nặng nề hoặc mắc nhiều bệnh phối hợp,... do diễn biến bệnh khó lường và diễn tiến nhanh. 

Sau khi hoàn thành ca phẫu thuật, người bệnh cần được theo dõi về tình trạng tim mạch, tri giác, sinh niệu, lượng dịch xuất nhập vào cơ thể tại phòng hồi sức. Hạn chế quá nhiều người thân vào thăm nom để tránh vết thương của bệnh nhân bị nhiễm trùng và để vết thương mau chóng lành lại.

Lưu ý cho bệnh nhân sau phẫu thuật tim

Chăm sóc sau phẫu thuật đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị

Sau một thời gian theo dõi ngắn, thăm khám thấy huyết áp và mạch của bệnh nhân đã ổn định trở lại, người bệnh đã tự thở được, ăn uống được bằng đường miệng thì sẽ chuyển sang khoa chăm sóc hậu phẫu. Lúc này người bệnh cần tập luyện nhẹ nhàng bằng cách đi lại để sức khoẻ được ổn định trở lại.

2. Một số lưu ý cho bệnh nhân sau phẫu thuật tim

Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ và dùng thuốc theo đơn:

Đối với những bệnh nhân phải thay van tim cơ học thì hầu như phải gắn bó với thuốc chống đông cả đời. Trường hợp người bệnh không uống thuốc hoặc dùng không đủ liều sẽ khiến các cục máu đông hình thành tại vị trí van cơ học. Nghiêm trọng hơn là nếu cục máu đông gây bít tắc tại van này, làm vô hiệu hoá hoạt động của van sẽ khiến bệnh nhân bị đột tử.

Ngược lại nếu uống thuốc quá liều thì sẽ gây nên biến chứng xuất huyết trong như xuất huyết não, thận, dạ dày, cơ, hoặc da,... Loại thuốc kháng đông được sử dụng tại Việt Nam đó là sintrom thuộc nhóm thuốc kháng Vitamin K.

Do đó, khi dùng thuốc chống đông cần đặc biệt lưu ý đến chế độ ăn uống. Những thực phẩm gây cản trở tác dụng của thuốc chống đông vì có chứa Vitamin K đó là: trà xanh, bơ, cải xoăn, măng tây, bông cải xanh, mùi tây, mù tạt, các loại đậu,... Vì thế bệnh nhân nên hạn chế ăn những loại rau này để không làm ảnh hưởng tới việc điều trị.

Vận động thể chất nhẹ nhàng:

Sẽ là rất tốt nếu bệnh nhân có thể tự vận động theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn, kỹ thuật viên phục hồi chức năng, một số động tác như đi bộ, lên - xuống cầu thang để thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi hậu phẫu. 

Khi đi bộ, người bệnh có thể bắt đầu với quãng đường ngắn, vừa sức, sau này tăng dần về cường độ, không nên bắt đầu leo dốc nhiều. Hình thức vận động này giúp làm tăng hiệu quả tuần hoàn máu, đưa máu tới các cơ quan khác trong cơ thể. Đồng thời bệnh nhân cần tránh vận động quá sức, cần nghỉ ngơi khi cảm thấy mệt và không nên vận động khi thời tiết quá nắng nóng hoặc khi trời quá lạnh.

Đi bộ nhẹ nhàng khi cơ thể đã sẵn sàng giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục tim

Đi bộ nhẹ nhàng khi cơ thể đã sẵn sàng giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục tim

Việc lên xuống cầu thang cũng được khuyến khích đối với bệnh nhân đã mổ tim nhưng không nên lạm dụng. Cần đi chậm kết hợp với nghỉ ngơi khi thấy mệt, tối đa chỉ nên lên xuống 2 đợt cầu thang. 

Người bệnh cũng có thể di chuyển bằng phương tiện giao thông như ô tô, xe đạp, xe máy nhưng ít nhất là sau phẫu thuật 3 tháng vì đây là khoảng thời gian an toàn tối thiểu để xương ức có thể bình thường trở lại.

Nếu bệnh nhân có nhu cầu quay trở lại đối với các hoạt động khác như tập gym, tập yoga, đi máy bay để du lịch,... thì cần trao đổi với bác sĩ để tuỳ vào tình trạng cơ thể mà lên kế hoạch tập luyện và vận động phù hợp.

Tập vật lý trị liệu:

Người bệnh cần tập ho khạc đờm, tập thở sâu để tiêu giảm lượng dịch ứ đọng trong phổi, tránh nguy cơ nhiễm trùng hoặc tràn dịch màng phổi. 

Phần lớn bệnh nhân đã có thể trở lại công việc văn phòng bình thường sau từ 6 đến 12 tuần sau phẫu thuật. Còn đối với các công việc đòi hỏi sức lao động nhiều hơn hoặc tình trạng sức khoẻ người bệnh vẫn còn quá yếu, cần có tư vấn từ bác sĩ để bệnh nhân lựa chọn công việc khác phù hợp hơn.

Lưu ý là sau ca mổ, người bệnh không hoạt động hay mang vác đồ vật nặng, đặc biệt là trong vòng 3 tháng sau phẫu thuật. Không kéo hoặc đẩy cửa nặng, hoặc không tham gia hoạt động nào mà yêu cầu nín thở.

3. Bệnh nhân cần tái khám khi nào?

Bệnh nhân cần nhanh chóng tới bệnh viện để kiểm tra nếu chẳng may gặp các triệu chứng như sau:

  • Sốt cao: trên 38,5 độ C;

  • Bị cơn đau thắt ngực giống với các cơn đau đã từng xảy ra trước khi mổ;

  • Vết khâu có hiện tượng chảy dịch. Dịch giống mủ hoặc có màu đỏ;

  • Vết mổ có tình trạng bất thường như sung phù, đau, đỏ, hở hoặc bị toác vết khâu, nhịp tim và mạch không đều, nhanh;

  • Tăng cân từ 0,9  - 1,3kg chỉ sau 2 ngày, hoặc phù quanh mắt cá chân;

  • Đau đầu, hoa mắt, choáng váng, chóng mặt;

  • Bị ngất xỉu hoặc đột nhiên đau đầu dữ dội;

  • Có các vết thâm tím, bầm dập không rõ nguyên nhân xuất hiện trên da. Đặc biệt là ở những bệnh nhân mổ van tim có dùng thuốc chống đông;

  • Chảy máu chân răng (tự nhiên chảy hoặc bị rau mỗi lần đánh răng);

  • Nước tiểu lẫn máu hoặc phân đen.

Khi xuất hiện các cơn đau ngực bệnh nhân cần tái khám ngay

Khi xuất hiện các cơn đau ngực bệnh nhân cần tái khám ngay

Trường hợp người bệnh đã từng trải qua phẫu thuật mổ tim đang phải mang van tim nhân tạo và dùng thuốc chống đông, nhưng phải nhập viện vì một lý do nào đó (tai nạn, bệnh lý khác,...), thì phải thông báo cho bác sĩ biết về thông tin này. 

Để được giải đáp những thắc mắc liên quan đến các lưu ý cho bệnh nhân sau phẫu thuật tim hoặc có nhu cầu đi thăm khám bất kỳ bệnh lý nào, xin vui lòng liên hệ tới hotline 1900565656 của BVĐK MEDLATEC để được tư vấn cụ thể.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.