Tin tức

Cảnh báo các dấu hiệu ung thư tinh hoàn đấng mày râu chớ nên bỏ qua

Ngày 19/08/2022
Tương tự như nữ giới, nam giới cũng có thể bị mắc các bệnh lý ở cơ quan sinh dục, trong đó bao gồm bệnh ác tính như ung thư tinh hoàn. Hiểu rõ về các dấu hiệu ung thư tinh hoàn sẽ giúp phái mạnh nhận biết sớm bệnh lý này để điều trị kịp thời, ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm về sau.

1. Khái niệm ung thư tinh hoàn 

Tinh hoàn là bộ phận thuộc hệ thống sinh sản ở nam giới. Bao bọc bên ngoài tinh hoàn là túi da hay còn gọi là bìu, treo ở vị trí dưới gốc dương vật. Chức năng chính của tinh hoàn bao gồm sản sinh ra tiết tố nam và tạo ra tinh trùng giúp đàn ông duy trì nòi giống. Tinh trùng được tạo ra trong ống sinh tinh. Ống này có hình dáng dài như sợi chỉ nằm bên trong tinh hoàn. Sau khi được tạo ra, các tinh trùng được lưu trữ ở mào tinh hoàn và bắt đầu quá trình phát triển tại đây.

Khi các tế bào thuộc tinh hoàn phát triển vượt mức cho phép và không chết đi theo quy luật sẽ dẫn tới ung thư. Theo thời gian chúng sẽ xâm lấn và lan rộng sang những khu vực gần đó, đến thời điểm di căn sẽ làm ảnh hưởng tới các cơ quan khác ngoài tinh hoàn và khiến bệnh nhân tử vong.

Nhận biết các dấu hiệu ung thư tinh hoàn sẽ giúp chẩn đoán và điều trị bệnh từ giai đoạn sớm

Nhận biết các dấu hiệu ung thư tinh hoàn sẽ giúp chẩn đoán và điều trị bệnh từ giai đoạn sớm

2. Các dấu hiệu ung thư tinh hoàn thường gặp? 

Đa phần những người bị ung thư tinh hoàn không biểu hiện bệnh ngay từ giai đoạn đầu mà phải đến mãi sau này khi khối u ác tính đã bước sang giai đoạn tiến triển thì bệnh nhân mới bộc lộ triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên trong một số trường hợp vẫn có thể nhận ra dấu hiệu của bệnh thông qua một khối u hoặc biểu hiện sưng nhưng không đau tại tinh hoàn. Ngoài triệu chứng này, bệnh còn có các biểu hiện khác như sau:

  • Hai tinh hoàn có kích thước khác biệt nhau;

  • Đau nhói ở bìu hoặc tinh hoàn;

  • Cảm giác nặng ở bìu;

  • Đôi khi do sự thay đổi của nội tiết tố do ung thư sẽ dẫn tới hiện tượng to ngực và đau phần ngực;

Sang tới giai đoạn nặng khi khối u đã di căn tới những cơ quan khác sẽ làm xuất hiện thêm các dấu hiệu ung thư tinh hoàn khác như sau:

  • Nếu khối u di căn tới phổi thì bệnh nhân sẽ thường xuyên bị khó thở;

  • Trong trường hợp ung thư tinh hoàn di căn não, bệnh nhân hay bị nhức đầu và lú lẫn;

  • Đau nhiều phần lưng dưới nếu các tế bào ung thư lây lan và xâm lấn tới các hạch bạch huyết;

  • Đau bụng nếu khối u xâm lấn vào gan.

3. Tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến ung thư tinh hoàn 

Nguyên nhân gây ung thư tinh hoàn hiện chưa được xác định rõ nhưng những người bị tình trạng tinh hoàn không xuống bìu khi còn nhỏ thường có khả năng cao bị ung thư tinh hoàn hơn những người ở tuổi đó. Dưới đây là một số yếu tố khiến đàn ông dễ mắc phải ung thư tinh hoàn:

  • Tinh hoàn lạc chỗ: là một bệnh lý thể hiện tình trạng tinh hoàn không có khả năng di chuyển, tức là một hoặc cả 2 tinh hoàn không thể xuống bìu trước khi trẻ chào đời như bình thường. Nếu phẫu thuật trước tuổi dậy thì, nguy cơ ung thư tinh hoàn sẽ được cải thiện. Thời điểm tốt nhất để thực hiện phẫu thuật này là từ 6 - 15 tháng tuổi để hạn chế tối đa nguy cơ vô sinh trong tương lai. Bởi vì bệnh tinh hoàn lạc chỗ thường phát triển từ khi còn nhỏ và nhiều nam giới không phát hiện ra điều này cho tới khi vào độ tuổi kết hôn và sinh con;

  • Tuổi tác: ung thư tinh hoàn thường tiến triển trong độ tuổi từ 20 - 45. Nhưng trên thực tế độ tuổi nào cũng có thể mắc phải bệnh lý ác tính này, bao gồm cả thanh thiếu niên và những người ngoài 60 tuổi;

  • Tiền sử mắc bệnh: nam giới đã hoặc đang bị ung thư ở một bên tinh hoàn thì bên tinh hoàn còn lại cũng có nguy cơ cao bị ung thư;

  • Di truyền: nam giới có người thân trong gia đình, nhất là anh trai thì nguy cơ cao người đó cũng có thể mắc bệnh này;

  • Người có hệ miễn dịch bị suy giảm: ví dụ như bệnh nhân nhiễm virus HIV/AIDS;

  • Chủng tộc: mặc dù đàn ông ở bất kỳ chủng tộc nào cũng có thể bị ung thư tinh hoàn nhưng những người mang chủng tộc da trắng có tỷ lệ bị bệnh cao hơn so với các chủng tộc khác.

Tinh hoàn lạc chỗ ở trẻ sơ sinh có khả năng phát triển thành ung thư tinh hoàn trong tương lai

Tinh hoàn lạc chỗ ở trẻ sơ sinh có khả năng phát triển thành ung thư tinh hoàn trong tương lai

4. Ung thư tinh hoàn được chẩn đoán bằng phương pháp nào?

Sau khi đã thăm khám thực thể, hỏi về các triệu chứng bất thường mà bệnh nhân thường gặp đồng thời khai thác bệnh sử của bệnh nhân, bác sĩ sẽ cần chỉ định người bệnh thực hiện các biện pháp sau để tìm kiếm, xác định ung thư tinh hoàn. Đó là các biện pháp sau:

  • Xét nghiệm máu (gonadotropin  màng đệm, alpha-fetoprotein): khi xét nghiệm nồng độ của 2 loại protein trong máu ( human chorionic gonadotropin và  human chorionic gonadotropin) sẽ giúp chẩn đoán bệnh nhưng kết quả chưa thực sự chắc chắn liệu rằng các protein này có thường tăng lên ở cơ thể những bệnh nhân nam giới bị ung thư tinh hoàn hay không;

  • Siêu âm: kiểm tra tình trạng, tính chất của khối u: đặc điểm cấu trúc là rắn hay bên trong nó chứa đầy chất lỏng (dạng nang);

  • Một số biện pháp xét nghiệm bổ sung khác: chụp cắt lớp vi tính CT và chụp X-quang ngực được tiến hành với mục đích kiểm tra xem khối u đã tiến triển sang giai đoạn di căn sang những cơ quan khác hay chưa. Đa phần trong các trường hợp bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân nên tự thực hiện các bài kiểm tra tại nhà để xem vùng tinh hoàn của mình có đang xuất hiện khối u cục hay không. Hoạt động này nên được thực hiện khoảng 1 lần/tháng. Nếu cảm nhận được sự bất thường, người bệnh nên đi kiểm tra càng sớm càng tốt.

Để điều trị ung thư tinh hoàn, cần dựa trên loại ung thư tinh hoàn mà bệnh nhân mắc phải, mức độ tiến triển của bệnh đang ở giai đoạn nào, thể trạng hiện tại của người bệnh,... để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị sao cho phù hợp nhất.

Dấu hiệu ung thư tinh hoàn

Chẩn đoán hình ảnh cho phép phát hiện dấu hiệu ung thư

Trên đây là những thông tin cơ bản về các dấu hiệu ung thư tinh hoàn ở nam giới và các phương pháp được áp dụng trong chẩn đoán loại ung thư này đang phổ biến hiện nay. Để được tư vấn chi tiết hơn về các vấn đề sức khỏe mà bạn đang gặp phải cũng như nhu cầu sử dụng dịch vụ tầm soát ung thư, bạn hãy liên hệ ngay tới tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ