Tin tức

Cây đác - món ăn ngon, dược liệu tốt cho sức khỏe

Ngày 19/08/2024
Tham vấn y khoa: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Hạt đác là món ăn không quá xa lạ với nhiều người nhưng ít ai biết rằng các bộ phận khác trên cây đác cũng có thể dùng như một loại dược liệu để chữa bệnh hoặc thực phẩm giúp bồi bổ sức khỏe. Trong bài viết sau đây, MEDLATEC sẽ cùng bạn đi sâu tìm hiểu để biết thêm về công dụng và cách dùng về loài cây này sao cho hiệu quả.

1. Đặc điểm sinh học cây đác

Cây đác (búng báng, dừa núi, bụng báng, quang lang, đào rừng) thuộc họ Cau, thân cột, cao khoảng 7 - 10m, đường kính thân trung bình 30cm, thân trên của cây được bao phủ bởi các bó sợi màu đen.

Lá cây đác mọc vòng quanh thân, chủ yếu tập trung trên thân, dài khoảng 3 - 5m, thuộc dạng xẻ lông chim.

Hoa của cây đác hình bông mo, mọc chùm, gồm nhiều nhánh trĩu xuống, mỗi mo hoa dai trung bình 1 - 1.2m. Hoa đác hơi giống với hoa cau. 

Quả đác màu nâu nhạt, hình cầu, dài 3 - 5cm, chứa 3 hạt màu xám nâu bên trong, hạt có nước gây ngứa.

Cây đác bắt nguồn từ các nước nhiệt đới như Indonesia, Malaysia, Myanmar, Trung Quốc, Ấn Độ,... Loài cây này thường mọc ở thung lũng đá vôi hoặc vùng đất ẩm dưới chân núi. Ở nước ta, cây đác có mặt nhiều nhất ở Phú Yên, Khánh Hòa.

Cây đác có hình dáng và chùm hoa, quả hơi giống với cây cau

Cây đác có hình dáng và chùm hoa, quả hơi giống với cây cau

2. Nhận diện để phân biệt hạt đác với hạt thốt nốt

Hạt thốt nốt và hạt đác hơi có nét tương đồng nên không ít người nhầm lẫn. Cần lưu ý rằng, hạt đác không có mùi còn hạt thốt nốt có mùi thơm. Kích thước hạt thốt nốt to hơn so với hạt đác. Hạt đác có lớp thịt màu trắng đục còn lớp thịt của hạt thốt nốt màu trắng trong.

Hạt đác dai, giòn, vị ngọt còn hạt thốt nốt lại mềm và dẻo, ngọt dịu nhẹ.

3. Cách sử dụng cây đác 

Khi cây ra hoa sẽ được người dân chặt phần thân để lấy lớp bột bên trong ruột, giã nhỏ, lọc lấy tinh bột đem sấy hoặc phơi khô. Mỗi cây đác có thể cho thu hoạch 20 - 100kg tinh bột. Giữa thế kỷ 20, người dân ở nhiều vùng đã dùng bột đác làm nước mát uống để bồi bổ sức khỏe, làm bánh, chế biến thức ăn,... Phần lá non và búp cây đác được dùng như một loại rau xanh.

Nước tiết ra từ cây đác cũng được thu hoạch bằng cách chặt bỏ bông mo hoa cho phần nước chảy ra, đem ngâm men cùng rượu sau đó cô đặc lấy đường.

Hạt đác tính mát, ngọt và giòn nên được người dân dùng làm mứt, nấu chè, chế biến thành món ăn giải nhiệt. Tuy nhiên, hạt có thể gây ngứa nên khi sử dụng làm dược liệu thường được đốt cháy rồi mới lấy lớp hạt bên trong. 

Rễ, thân và quả đác có thể dùng làm dược liệu bằng cách sắc lấy nước uống hoặc chế biến thành món ăn. Phần nõn cây sau khi bóc bỏ lớp vỏ cứng thì thái mỏng, xào hoặc nấu canh.

Thời xưa, người dân nước ta còn dùng cây đác lấy bột ăn thay cho cơm. Phần sợi xơ từ bẹ lá không bị hủy hoại bởi nước nên được dùng để bện dây thừng hoặc làm chỉ khâu nón lá.

Dược liệu cây đác được dùng với liều trung bình 35 - 50g/ngày. 

Bột từ cây đác có thể sử dụng như ngũ cốc để làm bánh, nấu chè

Bột từ cây đác có thể sử dụng như ngũ cốc để làm bánh, nấu chè

4. Thành phần hóa học và công dụng của cây đác dược liệu

4.1. Thành phần hóa học

Trong cây đác chứa một số thành phần như 74.1% dẫn xuất không protein, 2.5% khoáng toàn phần, 2.6% protid, 7.6% cellulose, 14.8% nước, đường sacaroza, tinh bột,…

4.2. Công dụng dược liệu

4.2.1. Công dụng của cây đác dược liệu theo y học hiện đại

Trong hạt đác chứa thành phần Galactomannan với công dụng giảm đau, chống viêm nên có thể hỗ trợ chữa trị các bệnh xương khớp. 100g hạt đác có tới 91mg canxi nên đây được xem là thực phẩm bổ trợ hiệu quả cho người bị loãng xương, có nguy cơ loãng xương hoặc có nhu cầu canxi cao.

Ngoài ra, hạt đác còn giàu kali - khoáng chất có vai trò điều hòa huyết áp và cân bằng điện giải. Các loại axit amin, vitamin, khoáng chất từ hạt đác cũng rất tốt cho hoạt động tiêu hóa, thúc đẩy cơ thể hấp thu canxi và magie tốt hơn. Hàm lượng đường trong hạt đác cũng có thể ổn định đường huyết và cải thiện sản sinh insulin.

4.2.2. Công dụng của cây đác dược liệu theo y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền, hạt đác có tính mát, vị ngọt dịu, có công dụng bồi bổ sức khỏe và thanh nhiệt. Quả đác tính bình, vị đắng, có công dụng giảm đau nhức, tan máu bầm. Bột đác tính bình, vị ngọt, có công dụng tăng cường sức khỏe. Thân cây đác có thể trị cảm sốt, viêm cuống phổi, thanh nhiệt, lợi tiểu, kích thích tiêu hóa.

5. Một số cách dùng hạt đác và bài thuốc chữa bệnh với cây đác dược liệu

5.1. Cách dùng hạt đác

- Hạt đác rim

+ Nguyên liệu: 300g đường, 1kg hạt đác.

+ Cách thực hiện: hạt đác đem rửa cho hết nhớt rồi luộc sôi, vớt ra, để cho ráo nước sau đó ướp cùng với đường (có thể kết hợp thêm với loại trái cây khác theo sở thích), lá dứa trong khoảng 1 giờ. Khi quá trình ngâm đã hoàn tất, đem rim hạt đác trên lửa nhỏ đến khi nào thấy hạt săn lại thì tắt bếp. Hạt đác rim có thể dùng để nấu chè, làm nước uống để thanh nhiệt, giải khát vào mùa hè.

- Sữa chua hạt đác

+ Nguyên liệu: trái cây ưa thích thái hạt lựu, 1 lượng hạt đác vừa đủ ăn, 1 hộp sữa chua.

+ Cách thực hiện: trộn trái cây, sữa chua và hạt đác cùng nhau để ăn. Sử dụng món ăn này hàng ngày có thể giúp giảm cân, làm đẹp da, ổn định nhu động ruột.

Hạt đác rim - món ăn, thức uống giải nhiệt hiệu quả vào mùa hè

Hạt đác rim - món ăn, thức uống giải nhiệt hiệu quả vào mùa hè

5.2. Bài thuốc chữa bệnh dân gian từ cây đác dược liệu

- Chữa đau nhức xương khớp

+ Nguyên liệu: 12g cốt toái bổ, 12g quả đác, 12g cẩu tích.

+ Cách thực hiện: dược liệu sau khi đã được rửa sạch thì sắc lấy nước uống trong ngày. Duy trì liên tục 5 - 7 ngày.

- Chữa cảm sốt

+ Nguyên liệu: ngọn cây đác hoặc thân cây đác đã bóc bỏ vỏ.

+ Cách thực hiện: giã nát ngọn đác lấy nước uống hoặc chặt nhỏ thân cây đã bỏ vỏ rồi sắc lấy nước uống. Khi bóc bỏ lớp vỏ tươi của cây đác nên dùng găng tay, tránh tiếp xúc trực tiếp vì có thể gây ngứa.

- Cải thiện tiêu hóa, chữa viêm cuống phổi

+ Nguyên liệu: 8g trần bì, 12g sâm bố chính, 12g rễ cây đác.

+ Cách thực hiện: rửa sạch phần nguyên liệu đã chuẩn bị rồi sắc để chắt lấy nước uống. 

Những thông tin từ bài viết này hy vọng sẽ giúp bạn hiểu thêm về công dụng của cây đác để biết cách khai thác, sử dụng loài cây này như một loại dược liệu bồi bổ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ