Tin tức

Cây hương thảo: hương liệu quen thuộc của món ăn, thần dược cho sức khỏe

Ngày 02/08/2024
Tham vấn y khoa: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Cây hương thảo là loài cây được sử dụng để mang lại hương vị đặc trưng cho nhiều món ăn. Đặc biệt, trong thành phần của hương thảo còn chứa nhiều hợp chất tốt cho sức khỏe. Nếu bạn chưa biết đến lợi ích này thì có thể tham khảo thông tin dưới đây để có thêm một loài cây hương liệu cho thực đơn dinh dưỡng của gia đình mình.

1. Đặc điểm sinh học của cây hương thảo

Cây hương thảo thuộc họ Húng bạc hà. Đây là loài cây thân thảo dáng nhỏ, cao 1 - 2m, mọc bụi. Thân cây hương thảo gồm nhiều nhánh. Lá cây hình dải, màu xanh lục. Mặt trên lá hương thảo nhẵn, mặt dưới có lốm đốm trắng và lông nhỏ. Lá dai chắc, không có cuống. Hoa hương thảo màu tím hoặc lam nhạt, xếp dọc theo vòng lá. 

Hương thảo dễ trồng bằng phương pháp giâm cành hoặc gieo hạt. Loài cây này mọc nhiều ở châu Âu, Tây Á, Bắc Phi. Ở nước ta, hương thảo có nhiều nhất ở miền Nam và miền Trung.

Hương thảo được nhiều người trồng để làm cảnh

Hương thảo được nhiều người trồng để làm cảnh 

2. Thành phần hóa học và công dụng dược liệu của cây hương thảo

2.1. Thành phần hóa học

Trong lá hương thảo chứa nhiều thành phần như: terpen, borneol, tannin, cineol, a-pinen, camphor. Thân hương thảo chứa: axit rosmarinic, axit saponosid, citric, glycolic, glyceric, roma sidel, romarinoside, choline,...

Phần lá và ngọn cây hương thảo có thể chữa bệnh, thu hái vào mùa hè rồi rửa sạch và phơi khô sau đó bảo quản vào túi kín ở điều kiện nhiệt độ thoáng, mát, môi trường không ẩm mốc.

2.2. Công dụng chữa bệnh của cây hương thảo

Theo y học cổ truyền, cây hương thảo có tính ấm, vị cay xen đắng, thơm nồng, không có độc, xếp vào kinh tỳ, kinh can. Chủ trị lợi tiểu, thông kinh, phá ứ huyết, thông ruột, lợi mật, giảm viêm. Hương thảo được dùng để chữa mụn nhọt, kinh nguyệt không đều, mất ngủ, đau nửa đầu, nhiễm trùng da,... 

Theo y học hiện đại, trong thành phần của lá hương thảo có nhiều hợp chất với công dụng:

- Tăng đề kháng: thành phần myrcene trong tinh dầu hương thảo có khả năng chống oxy hóa, loại bỏ gốc tự do để cải thiện miễn dịch, tăng đề kháng.

- Giảm đau: eucalyptol và alpha-pinene trong lá hương thảo có tác dụng chống viêm, giảm đau nên có thể chữa đau do bệnh lý xương khớp, bong gân.

- Cải thiện hô hấp: lá hương thảo với thành phần long não và eucalyptol có thể cải thiện lưu thông không khí trong phổi, giãn phế quản phổi, cải thiện triệu chứng đau họng và ngạt mũi,...

- Giảm căng thẳng: tinh dầu từ lá hương thảo có tác dụng cân bằng tâm trạng, thoải mái tinh thần. 

- Cải thiện trí nhớ: chiết xuất lá hương thảo có thể cải thiện trí nhớ, khả năng nhận thức ở người cao tuổi, nhất là người bị bệnh Alzheimer.

- Tốt cho mắt: thành phần axit carnosic trong cây hương thảo có tác dụng tốt cho thị lực, có thể hỗ trợ điều trị các vấn đề về thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể.

- Phòng ung thư: axit carnosic là chất chống oxy hóa trong cây hương thảo có thể làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư.
Cây hương thảo có thể giải độc gan và kích thích sản xuất dịch tiêu hóa. Sử dụng hương thảo sau mỗi bữa ăn có thể giảm quá trình lên men đường ruột. Khả năng chống nhiễm trùng của hương thảo rất tốt trong chữa trị viêm bàng quang. Ngoài ra, axit carnosic và axit rosmarinic trong lá hương thảo còn có mặt trong các sản phẩm kem đánh răng.

Tinh dầu hương thảo có thể cải thiện hệ miễn dịch, tốt cho hệ hô hấp

Tinh dầu hương thảo có thể cải thiện hệ miễn dịch, tốt cho hệ hô hấp 

3. Bài thuốc chữa bệnh sử dụng dược liệu hương thảo và lưu ý khi sử dụng

3.1. Chữa bệnh với bài thuốc từ dược liệu hương thảo

- Giảm sưng đau bàn chân

Lấy 30g nhánh hương thảo nấu cùng 1 lít nước trong 10 phút sau đó tắt bếp, chắt lấy nước để ngâm chân.

- Cải thiện tiêu hóa, căng thẳng

Ngâm lá hương thảo 200g với lá bạc hà 100g cùng 1 lít rượu trắng 40 độ. Hàng ngày lấy 2ml rượu đã ngâm pha cùng nước ấm uống 2 lần.

- Chữa đau đầu, lợi tiểu

Lấy 1 lá vối, 10g thảo quyết minh, 3 lá hương thảo tươi hãm cùng nước sôi rồi hãm như hãm trà, uống 2 cốc/ngày.

- Chữa loét miệng

Dùng 30g lá hoắc hương, 30g lá hương thảo sắc lấy nước súc miệng 2 lần/ngày.

- Chữa đau bụng kinh

Chuẩn bị đầy đủ 20g mỗi loại dược liệu: ích mẫu, ngải cứu, nhọ nồi, hương thảo, củ gấu rồi rửa sạch, sắc nước uống trước kỳ kinh 10 - 15 ngày, 2 lần/ngày.

- Chữa chán ăn, mất ngủ

Sắc các dược liệu sau: mạch môn 20g, hương thảo 20g, nhân trần 6g, ngải cứu 10g, rẻ quạt 4g, vỏ bưởi đào khô 4g cùng với 550ml nước đến khi còn 250ml thì chắt nước thuốc chia làm 2 lần/ ngày, uống thuốc khi nước còn ấm.

- Chữa sưng đau do mụn nhọt

Giã nhuyễn 50g lá hương thảo tươi đã được rửa sạch rồi đắp vào nốt mụn nhọt 10 - 15 phút 2 lần/ngày.

- Giải cảm nắng

Rửa sạch 100g lá hương thảo nấu canh ăn, duy trì liên tục 3 ngày.

Cây hương thảo thường được phơi khô làm dược liệu

Cây hương thảo thường được phơi khô làm dược liệu

3.2. Dùng hương thảo để chữa bệnh cần lưu ý

- Không dùng hương thảo liên tục trên 3 tuần.

- Lá hương thảo dùng quá liều có thể gây co thắt đường ruột, chóng mặt, phù phổi, mất ý thức,... Nếu phát hiện biểu hiện này cần dừng ngay và đến cơ sở y tế kiểm tra, có biện pháp khắc phục.

Các bài thuốc chữa bệnh từ cây hương thảo có thể hỗ trợ điều trị bệnh nhưng cần một khoảng thời gian dài. Trước khi thực hiện, người bệnh nên hỏi bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định đơn thuốc phù hợp. 

Sở hữu hương thơm đặc trưng nên cây hương thảo được dùng làm hương liệu chế biến nhiều món ăn như: hầm, nướng,... Hương thảo khô cũng có thể dùng rắc lên món ăn để tăng hương vị.

Những thông tin trên đây mong rằng có thể giúp bạn hiểu thêm về công dụng của cây hương thảo - loài cây hương liệu quen thuộc trong chế biến ẩm thực. Biết cách sử dụng thảo dược này, bạn không chỉ có được món ăn thơm ngon đặc trưng mà còn cung cấp cho cơ thể nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe.

Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám sức khỏe cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC có thể liên hệ đặt lịch khám qua tổng đài 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.