Tin tức

CCS tim mạch (hội chứng động mạch vành mạn): triệu chứng và hướng phòng ngừa hiệu quả

Ngày 23/08/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
CCS tim mạch (hội chứng động mạch vành mạn) là một căn bệnh nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong. Chính vì vậy, việc nhận biết sớm các dấu hiệu và có hướng phòng ngừa hiệu quả bệnh lý nguy hiểm này là những thông tin được nhiều người quan tâm.

1. CCS tim mạch và thông tin tổng quan  

CCS tim mạch (hay còn gọi là hội chứng động mạch vành mạn) là bệnh lý khiến cho các động mạch cung cấp máu và oxy cho tim bị tắc nghẽn hoặc thu hẹp khiến cho tim hoạt động không hiệu quả do thiếu một lượng oxy cần thiết, thường do xơ vữa động mạch gây ra.


CCS tim mạch hay còn được gọi là hội chứng động mạch vành mạn 

Hội chứng mạch vành mạn tính được chia thành 3 nhóm chính như sau:

  • Nhóm có biểu hiện, triệu chứng bệnh mạch vành nhưng chưa được chẩn đoán trước đây;
  • Nhóm đã được tái thông động mạch vành;
  • Nhóm bệnh lý vi mạch vành, không có triệu chứng. 

Các nguyên nhân chính gây ra hội chứng động mạch vành mạn bao gồm:

  • Xơ vữa động mạch: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh động mạch vành mạn. Xơ vữa động mạch xảy ra khi cholesterol và các chất béo tích tụ trong thành động mạch hình thành các mảng bám dẫn tới dòng máu trong động mạch bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn, giảm sự cung cấp máu đến cơ tim;


Xơ vữa động mạch là một trong những nguyên nhân chính gây hội chứng động mạch vành mạn

  • Mạch máu nhỏ bị tổn thương: Việc tổn thương các mạch máu nhỏ khiến cho tim không được cung cấp máu đầy đủ là nguyên nhân dẫn đến hội chứng động mạch vành mạn. 

2. Người mắc hội chứng CCS tim mạch có những triệu chứng gì? 

Cơn đau thắt ngực

Cơn đau thắt ngực là triệu chứng điển hình nhất của hội chứng động mạch vành mạn. Cơn đau thắt ngực điển hình hội chứng mạch vành mạn được xác định dựa trên các tiêu chuẩn sau:

  • Tính chất của cơn đau: Cơn đau thường được mô tả như cảm giác bị một áp lực nặng nề, đè nén hoặc cảm giác căng thẳng ở vùng ngực. Đôi khi, cơn đau có thể cảm thấy như bị đâm, xóc hoặc như bị một vật nặng đè lên ngực. Cơn đau xuất hiện ở giữa ngực, có thể lan ra vai, cánh tay (thường là bên trái), lưng, cổ, hàm hoặc bụng;
  • Thời gian và tần suất: Cơn đau có thể xuất hiện theo từng cơn (kéo dài từ vài giây đến vài phút), thường xảy ra khi gắng sức, căng thẳng cảm xúc hoặc khi gặp thời tiết lạnh;
  • Giảm triệu chứng: Cơn đau thắt ngực thường giảm hoặc đỡ khi nghỉ ngơi trong vài phút hoặc sử dụng thuốc nitroglycerin -  một loại thuốc giúp giãn nở mạch máu. 


Cơn đau thắt ngực là triệu chứng điển hình nhất của hội chứng động mạch vành mạn

Dựa vào mức độ hoạt động thể lực mà cơn đau có thể xuất hiện, Hội tim mạch Canada đã phân loại đau thắt ngực ổn định thành 4 độ:

  • Mức độ 1: Cơn đau thắt ngực chỉ xuất hiện khi hoạt động thể lực nặng hoặc gắng sức nhiều;
  • Mức độ 2: Hoạt động thể lực ở mức trung bình cũng gây ra cơn đau thắt ngực;
  • Mức độ 3: Cơn đau thắt ngực xảy ra ngay cả lúc hoạt động thể lực ở mức độ nhẹ;
  • Mức độ 4: Đau thắt ngực xuất hiện cả khi không hoạt động thể lực, ngay cả khi trong thời gian nghỉ ngơi.

Cách phân loại này rất hữu ích giúp các bác sĩ chẩn đoán được mức độ của bệnh nhân, từ đó đưa ra được phác đồ điều trị phù hợp.

Các triệu chứng khác

Bên cạnh triệu chứng điển hình là cơn đau thắt ngực, các dấu hiệu khác mà bệnh nhân có thể gặp phải như: khó thở, tim đập nhanh hoặc không đều, chóng mặt, mệt mỏi, tức nặng ngực hoặc đau tức vùng thượng vị… 

Dựa vào những triệu chứng kể trên của hội chứng CCS tim mạch, người dân cần theo dõi sức khỏe một cách chặt chẽ và liên hệ với cơ sở y tế nếu xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ. 

3. Hướng dẫn phòng ngừa CCS tim mạch hiệu quả 

Thay đổi lối sống là một trong những yếu tố rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ mắc bệnh. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa hội chứng CCS tim mạch hiệu quả người dân có thể tham khảo áp dụng: 

  • Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều rau củ và trái cây, chọn nguồn protein lành mạnh từ thịt nạc, cá, đậu và cá loại hạt, hạn chế chất béo bão hòa và cholesterol;
  • Giảm muối: Hạn chế sử dụng muối trong các bữa ăn hằng ngày, thay vì thêm muối chúng ta có thể sử dụng các loại thảo mộc để tăng hương vị mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe;
  • Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần bằng các hoạt động như đi bộ, chạy, bơi hoặc đạp xe giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ bệnh mạch vành;


Tăng cường vận động bằng các bộ môn phù hợp để cải thiện sức khỏe tim mạch 

  • Ngừng hút thuốc lá: Hãy ngưng hút thuốc vì trong thuốc lá có chứa rất nhiều các chất gây hại cho động mạch và tim mạch;
  • Kiểm soát cân nặng: Giảm cân nếu bạn bị béo phì hoặc thừa cân bằng cách kết hợp chế độ ăn uống và tập thể dục giúp duy trì một cân nặng hợp lý;
  • Điều trị các bệnh kèm theo: Nếu bệnh nhân có bất kỳ bệnh bệnh lý nào như tăng huyết áp, tiểu đường hoặc mỡ máu cao thì việc điều trị và kiểm soát tốt các bệnh này giúp giảm thiểu nguy cơ bệnh mạch vành;
  • Kiểm soát tâm lý ổn định: Căng thẳng kéo dài có thể gây ra tăng huyết áp và tác động xấu đến sức khỏe tim mạch.

Việc xây dựng và duy trì những thói quen trên đây được coi là biện pháp hữu hiệu giúp phòng ngừa hội chứng CCS tim mạch hiệu quả. Bên cạnh đó, người dân tuyệt đối không nên bỏ qua việc thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ. 

Thông qua quá trình thăm khám, người dân sẽ được chỉ định thực hiện các kỹ thuật nhằm phát hiện sớm yếu tố nguy cơ, từ đó được hướng dẫn và tư vấn hướng xử trí kịp thời, hiệu quả. 

Người dân có nhu cầu thăm khám, điều trị hội chứng CCS tim mạch nói riêng và các bệnh lý tim mạch nói chung cùng đội ngũ chuyên gia đầu ngành tại Hệ thống Y tế MEDLATEC, hãy liên hệ ngay tới hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn và hỗ trợ. 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ