Tin tức
Chàm vành tai ở trẻ sơ sinh điều trị ra sao?
- 01/11/2023 | Chàm da mặt - làm sao để chữa trị hiệu quả?
- 01/03/2024 | Chàm sữa ở trẻ sơ sinh: có cách nào giúp trẻ bớt khó chịu?
- 01/01/2024 | Bệnh chàm sữa ở trẻ và cách điều trị
1.
Thế nào là bệnh chàm vành tai ở trẻ?
Chàm vành tai ở trẻ nhỏ là tình trạng rất dễ gặp phải. Các vết chàm thường xuất hiện ở ống tai, vành tai hoặc những phần da ở vị trí quanh tai. Khi bị chàm vành tai, trẻ thường sẽ có những triệu chứng như sau:
● Nốt sần do chàm vành tai sẽ nổi thành các mụn nước, màu hồng ban.
● Khi các nốt mụn nước trên bị vỡ ra, chất dịch trong mụn có thể khiến trẻ bị nhiễm trùng vành tai.
● Chất dịch từ mụn chàm có thể lan sang những vùng da lân cận, vì vậy sẽ khiến diện tích vùng da bị chàm gia tăng.
● Sau một thời gian, dịch chàm bị khô, bám trên da và xuất hiện tình trạng bong tróc.
● Trẻ bị chàm vành tai thường có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu ở tai, quấy khóc thường xuyên, mất ngủ và bỏ bú.
Trẻ sơ sinh là đối tượng dễ gặp phải tình trạng chàm vành tai
Chàm vành tai không phải là một bệnh lý nguy hiểm. Vùng da có dấu hiệu chàm sẽ có xu hướng khô lại và bong ra. Bên dưới những nốt chàm sẽ là các tế bào mới hình thành. Mặc dù không gây nguy hiểm nặng nề nhưng chàm vành tai lại ảnh hưởng tới việc ăn uống, sinh hoạt của trẻ.
Những nốt chàm sẽ khiến trẻ cảm thấy ngứa ngáy và càng gãi nhiều, gãi mạnh, gãi trong vô thức. Điều này làm cho nốt chàm lâu lành và dễ sinh ra bội nhiễm. Trẻ vì thế mà ngủ không ngon giấc, bỏ bú, ban ngày mệt mỏi, quấy khóc. Căn bệnh này còn có thể tái phát nhiều lần và khó chữa khỏi hoàn toàn.
Vì vậy khi trẻ xuất hiện các triệu chứng nêu trên, tốt hơn hết cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán, điều trị đúng cách, phù hợp. Nếu trì hoãn bệnh chàm vành tai có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm về sau.
2. Chàm vành tai ở trẻ điều trị ra sao?
2.1. Chăm sóc trẻ tại nhà
Dưới đây là những biện pháp chăm sóc cho trẻ bị chàm vành tai tại nhà mà cha mẹ có thể tham khảo áp dụng:
● Vệ sinh tai sạch sẽ cho trẻ. Để giúp trẻ giảm ngứa, cha mẹ nên chườm ấm vùng da bị chàm.
● Cắt móng tay thường xuyên cho trẻ để tránh việc trẻ gãi mạnh vào tai khi bị ngứa.
● Vệ sinh sạch sẽ các vật dụng trẻ dùng hàng ngày như chăn ga gối đệm, mũ, quần áo mặc cho trẻ nên làm từ loại vải có chất liệu thoáng mát, thấm hút mồ hôi.
● Giữ ấm vùng tai của trẻ khi thời tiết lạnh vì nhiệt độ thấp có thể làm gia tăng sự kích ứng cho vùng da bị chàm ở vành tai.
● Sau khi tắm, hãy cho trẻ bôi kem dưỡng nhưng nên dùng loại không có mùi thơm, không chứa chất gây kích ứng.
● Không để vành tai bị chàm của trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng có trong đồ dùng, thực phẩm, lông động vật, phấn hoa, khói thuốc, sữa tắm hay dầu gội chứa chất tẩy rửa mạnh,...
● Bổ sung các chất dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ thông qua loại sữa mà bé đang uống. Ngoài ra cần đảm bảo trong thực đơn ăn uống hàng ngày của trẻ có đủ các loại khoáng chất và vitamin để tăng hệ miễn dịch cho trẻ.
Những nốt chàm sẽ khiến trẻ cảm thấy ngứa ngáy và càng gãi nhiều
Nhìn chung chàm vành tai ở trẻ không phải là căn bệnh quá nguy hiểm nhưng bệnh có thể tái phát, không khỏi dứt điểm khiến trẻ khó chịu và cản trở cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của bé. Do vậy, cha mẹ khi chăm sóc trẻ bị chàm vành tai hãy tham khảo thông tin, hướng dẫn điều trị khoa học từ bác sĩ chuyên khoa, không nên tự ý áp dụng các biện pháp dân gian để điều trị cho con.
2.2. Điều trị chàm vành tai bằng thuốc
Da của trẻ thường rất nhạy cảm và non nớt. Vì vậy cha mẹ cần phải đặc biệt lưu ý khi sử dụng thuốc cho trẻ. Hãy điều trị chàm vành tai cho bé theo hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ chuyên khoa. Cha mẹ có thể kết hợp thuốc cả dạng bôi và dạng uống, tác dụng chính của thuốc là giúp chống dị ứng, giảm ngứa, ngăn ngừa chàm lan rộng, kháng sinh, tiêu diệt tác nhân gây bệnh hay nhiễm trùng.
Nhiều khi nếu chỉ vận dụng các biện pháp điều trị tại nhà, các triệu chứng do chàm vành tai gây ra cũng không được cải thiện hiệu quả. Lúc này trẻ cần được điều trị bằng các loại thuốc do bác sĩ chỉ định:
● Thuốc chống nấm, thuốc chứa steroid, kem bảo vệ da.
● Thuốc nhỏ tai (nếu vết chàm lan vào trong ống tai).
● Thuốc giúp làm giảm các triệu chứng kích ứng toàn thân như thuốc kháng histamin: Fexofenadine, Chlorpheniramine, Cetirizine,...
● Thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng: Cefuroxime, Augmentin, Levofloxacin, Cefixime,...
● Chăm sóc tại chỗ: nếu vết chàm xảy ra hiện tượng chảy mủ trong ống tai thì cha mẹ nên rửa tai định kỳ cho trẻ, kết hợp với việc bôi thuốc Nitrat bạc 5% cho trẻ. Đối với những trường hợp bị bội nhiễm thì cần bôi xanh Methylen và nhỏ loại thuốc kháng viêm có chứa thành phần Steroid cho tai như Methylprednisolone, Prednisolone 5mg hay Lysozyme thuộc nhóm Enzyme.
● Giảm đau cho trẻ bằng Paracetamol (liều lượng khoảng 30 - 40 mg/kg/ngày).
● Các thuốc điều trị bổ sung: vitamin PP, Complex C, Calcium C.
Cha mẹ cần chú ý vệ sinh tai định kỳ cho trẻ để tránh nguy cơ trẻ bị chàm vành tai
Chàm vành tai ở trẻ là bệnh lý rất hay gặp phải. Các vết chàm có thể ở vành tai hoặc lan sâu vào trong tai do bội nhiễm. Nếu phát hiện trẻ có những triệu chứng bất thường cảnh báo bệnh chàm vành tai thì cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm.
Cho dù áp dụng biện pháp điều trị nào đối với căn bệnh này thì cha mẹ cũng nên tuân thủ hướng dẫn từ các bác sĩ chuyên khoa thay vì tự ý áp dụng những biện pháp chưa được kiểm chứng.
Hy vọng rằng với những thông tin được cung cấp trong bài viết trên, các bậc cha mẹ đã nắm được một số kiến thức cơ bản về bệnh chàm vành tai ở trẻ. Nếu quý bậc phụ huynh cần được tư vấn chi tiết hơn thì có thể liên hệ ngay tới tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được hỗ trợ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!