Tin tức
Chàm sữa ở trẻ sơ sinh: có cách nào giúp trẻ bớt khó chịu?
- 17/05/2021 | Cha mẹ nên biết: vì sao trẻ sơ sinh hay bị bệnh chàm sữa
- 19/05/2021 | Bệnh chàm sữa: dấu hiệu nhận biết và cách điều trị
- 09/11/2022 | Bệnh chàm sữa là gì? Những điều quan trọng cha mẹ nên biết
- 31/12/2023 | Bệnh chàm sữa ở trẻ và cách điều trị
- 01/10/2024 | Trẻ bị lác sữa (chàm sữa) có tự hết không? Cách giảm ngứa ngáy giúp trẻ ngủ ngon giấc
1.
Nguyên nhân gây ra những vết chàm sữa ở trẻ sơ sinh
Chàm sữa hay còn gọi là lác sữa là biểu hiện của giai đoạn đầu bệnh chàm thể tạng. Hiện tượng này thường sẽ xuất hiện vào giai đoạn 6 tháng đầu đời của trẻ sơ sinh. Những nốt chàm sữa là các vết mụn nước li ti tập trung theo từng đám, màu hồng nổi lên chủ yếu ở mặt, đặc biệt là hai bên má, có thể lan xuống cùng chân tay trên cơ thể bé. Các vết mụn này sau đó có thể bị vỡ và chảy dịch, bong tróc.
Khi trẻ bước vào giai đoạn 2 - 4 tuổi thì sẽ không còn bị chàm sữa. Có những trường hợp đến tuổi này vẫn còn bị chàm sữa thì nguy cơ tái phát sẽ cao, đồng thời triệu chứng chàm sữa có thể tiến triển thành bệnh chàm thể tạng. Mặc dù chàm sữa thường không lây lan nhưng nếu để lâu sẽ rất khó điều trị.
Trẻ sơ sinh rất dễ bị chàm sữa do trẻ sở hữu làn da nhạy cảm
Nguyên nhân cụ thể gây chàm sữa ở trẻ sơ sinh vẫn chưa được làm rõ nhưng các chuyên gia y tế cũng phát hiện ra một số yếu tố làm tăng rủi ro mắc căn bệnh này đó là:
● Do chế độ ăn của mẹ: thức ăn chính của trẻ sơ sinh trong những tháng đầu đời đó là sữa mẹ. Nếu thực đơn ăn uống của mẹ có nhiều chất đạm, hải sản thì sẽ ảnh hưởng tới nguồn sữa. Mà trẻ lại chưa thể thích ứng tốt với các loại đạm này nên khi trẻ bú sữa mẹ sẽ dễ bị chàm sữa.
● Do cơ địa của bé: nếu phụ huynh hay bị dị ứng da, nổi mề đay, bị hen suyễn,... thì trẻ cũng sẽ dễ bị dị ứng và nổi chàm sữa trên da.
● Do môi trường và thời tiết bên ngoài: dị ứng thời tiết, môi trường sống ô nhiễm, tiếp xúc nhiều với các dị nguyên như phấn hoa, lông động vật, đồ chơi không được vệ sinh sạch sẽ thường xuyên,... cũng là những yếu tố khiến trẻ sơ sinh bị chàm sữa.
2. Các dấu hiệu chàm sữa ở trẻ sơ sinh
Cha mẹ nên để ý các triệu chứng chàm sữa dưới đây để có cách điều trị và chăm sóc kịp thời cho trẻ:
● Các vết chàm sữa thường xuất hiện ở các vị trí như 2 má, trên mặt, tay chân,...
● Lúc đầu chàm sữa sẽ có hình dáng và màu sắc là các nốt mụn nhỏ, mẩn đỏ, sang giai đoạn sau nó sẽ nứt vỡ, đóng vảy và bong tróc ngoài da.
● Trẻ có thể kèm theo các triệu chứng của bệnh viêm mũi, hen suyễn.
● Vùng da bị chàm sữa thường khô, thô ráp, căng, xuất hiện vảy li ti khiến trẻ luôn cảm thấy khó chịu, ngứa ngáy và muốn gãi. Tác động này càng khiến mụn nước dễ bị vỡ, thậm chí là chảy máu và nhiễm trùng.
● Trẻ quấy khóc nhiều, bú ít, khó ngủ.
3. Gợi ý cách điều trị và chăm sóc cho trẻ sơ sinh bị chàm sữa
3.1. Điều trị chàm sữa cho trẻ sơ sinh
Vì thuộc nhóm các bệnh dị ứng cơ địa nên mục tiêu điều trị của căn bệnh này sẽ là trả lại trạng thái bình thường cho da và hạn chế rủi ro tái phát bệnh về sau. Chàm sữa là bệnh khó chữa dứt điểm nên cha mẹ hãy áp dụng đúng phương pháp điều trị, chú ý giữ gìn vệ sinh cho trẻ để tránh biến chứng. Cụ thể:
● Chú trọng dưỡng ẩm da cho trẻ. Ngoài ra cha mẹ cần đảm bảo vệ sinh da bé sạch sẽ để tránh nhiễm khuẩn ở vùng da bị tổn thương.
● Môi trường sống của trẻ cũng phải được vệ sinh thường xuyên và không khí trong phòng ở cần thoáng đãng.
● Điều trị kháng sinh, kháng viêm khi có bội nhiễm, nhiễm khuẩn. Đặc biệt cha mẹ cần dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Bởi vì nếu dùng kháng sinh không theo hướng dẫn, sai liều lượng, sai loại thuốc thì có thể khiến trẻ bị nhờn thuốc, kháng kháng sinh, thậm chí là sốc phản vệ rất nguy hiểm.
Việc dùng thuốc bôi điều trị chàm sữa ở trẻ sơ sinh cần được tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ
3.2. Chế độ dinh dưỡng của trẻ
Nếu trẻ bị chàm sữa và đang bú sữa mẹ thì mẹ chú ý hãy kiêng những nhóm thực phẩm dưới đây để tránh làm ảnh hưởng tới trẻ:
● Thực phẩm chứa nhiều chất béo: đồ ăn chiên rán, thịt mỡ,... sẽ làm tăng phản xạ kích ứng và khiến tình trạng chàm sữa ở trẻ trở nên nghiêm trọng hơn.
● Thực phẩm gây tanh: ví dụ như tôm, cua, cá,... vì chúng chứa các loại đạm dễ làm mẹ và bé dị ứng.
● Thực phẩm mang tính chất cay tê: các loại tiêu, chanh, ớt,... không nên có trong thực đơn và gia vị các món ăn của mẹ. Vì chúng có tính kích thích hệ tiêu hóa, dễ khiến tiết mồ hôi, mẩn ngứa và ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ. Do đó mẹ không nên ăn những món này trong thời gian đang cho con bú.
4. Hướng dẫn cách ngăn ngừa nguy cơ chàm sữa ở trẻ sơ sinh
Để tránh nguy cơ trẻ bị nổi các nốt chàm sữa, mẹ hãy thay đổi chế độ ăn uống phù hợp hơn, đồng thời chú ý đến các vấn đề vệ sinh môi trường sống cũng như cơ thể của trẻ:
● Thường xuyên giặt giũ chăn ga gối đệm, không gian sinh hoạt của bé, hạn chế cho trẻ ở gần chó mèo, khi đưa trẻ ra ngoài hãy che chắn kỹ càng để trẻ không tiếp xúc trực tiếp với khói bụi.
● Nhiệt độ trong môi trường sống nên được duy trì ở mức ổn định, không quá lạnh hay quá nóng, luôn sạch sẽ, thoáng mát, độ ẩm vừa phải.
● Vệ sinh cơ thể trẻ hàng ngày, tránh để trẻ đổ quá nhiều mồ hôi hoặc bẩn thỉu, liên tục thay tã lót bẩn cho bé.
● Những trẻ đã bước sang thời kỳ ăn dặm thì giai đoạn đầu mẹ nên tránh cho trẻ ăn thực phẩm lên men, hải sản hoặc trứng vì dễ khiến trẻ bị dị ứng.
● Hàng ngày hãy bôi kem dưỡng ẩm cho bé, điều này sẽ cấp ẩm cho da, tránh tình trạng da quá khô và dễ bị tổn thương hay nổi mẩn đỏ. Ngoài ra, mẹ cũng cần lưu ý trong việc lựa chọn loại sữa tắm, nước giặt xả phù hợp cho trẻ.
Cha mẹ hãy bôi kem dưỡng ẩm hàng ngày cho bé
Như vậy bài viết đã gợi ý một số cách giúp điều trị chứng chàm sữa ở trẻ sơ sinh. Vì nguy cơ tái phát cao nên cha mẹ hãy lưu ý các phương pháp phòng ngừa căn bệnh này. Nếu cần được tư vấn và đặt lịch khám cho trẻ, cha mẹ có thể liên hệ đến hotline 1900565656 để được tổng đài viên của MEDLATEC hỗ trợ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!