Tin tức

Chẩn đoán bệnh thông qua kỹ thuật siêu âm khớp gối

Ngày 14/03/2020
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thạch Thảo
Các bệnh lý liên quan đến khớp gối gây ảnh hưởng không nhỏ đến đi lại và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Ngày nay với sự phát triển của y học hiện đại, siêu âm khớp gối chính là một trong những phương pháp hàng đầu trong chẩn đoán các bệnh về khớp gối. Hôm nay hãy cùng MEDLATEC tìm hiểu chi tiết về kỹ thuật này qua bài viết dưới đây.

1. Thế nào là Siêu âm khớp gối?

Siêu âm là một kỹ thuật chẩn đoán dựa vào các sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh về cơ quan, bộ phận cần khám. siêu âm khớp gối là một trong những phương pháp hiện đại và an toàn được sử dụng để chẩn đoán các bệnh liên quan đến khớp gối. 

Có rất nhiều phương pháp chẩn đoán bệnh về xương khớp như là: siêu âm, chụp X - quang, chụp CT, chụp cộng hưởng từ (MRI),... Trong đó, siêu âm và chụp X - quang được sử dụng phổ biến trong hỗ trợ chẩn đoán các vấn đề thường gặp ở khớp gối: viêm khớp gối, tràn dịch khớp gối, thoái hoá khớp gối. Tuy nhiên, kỹ thuật siêu âm vẫn có những ưu điểm vượt trội hơn là đánh giá tốt các tổn thương phần mềm, có thể khảo sát động và tương tác trực tiếp với bệnh nhân. Đồng thời, phương pháp này khá an toàn, dễ thực hiện và chi phí thấp nên thường được ưa chuộng hiện nay.

siêu âm khớp gối

Siêu âm khớp gối là một kỹ thuật được ứng dụng nhiều trong chẩn đoán bệnh khớp gối

2. Vai trò của kỹ thuật siêu âm trong chẩn đoán các bệnh về khớp gối

Siêu âm khớp gối là một kỹ thuật chẩn đoán hiện đại với những vai trò sau:

Đánh giá độ dày sụn khớp: độ dày mỏng của khớp gối liên quan đến nhiều bệnh nguy hiểm. Siêu âm giúp quan sát được mặt nang sụn khớp, biết được vị trí đầu xương đùi ở tư thế gấp từ đó có thể đánh giá được độ dày mỏng và tình trạng dày không đều, mỏng không đều của sụn khớp gối.

Đánh giá tình trạng tổn thương tràn dịch khớp: Dịch khớp hiển thị trên hình ảnh siêu âm là vùng trống âm, do đó có thể phát hiện và đánh giá được tình trạng tổn thương tràn dịch khớp ở người bệnh.

Đánh giá tình trạng hẹp khe khớp, gai xương: Thông qua hình ảnh siêu âm có thể biết được vị trí hẹp khe khớp, các bất xương ở vị trí gai xương. Trong một số trường hợp phức tạp cần kết hợp với chụp X - quang để cho kết quả chính xác hơn.

Đánh giá tình trạng màng hoạt dịch: Quan sát được dị vật trong khớp gối, hình ảnh thoát vị màng hoạt dịch, có thể thấy kén Baker ở khoeo chân.

 Ngoài ra có thể đánh giá các tổn thương phần mềm khác vùng gối như các điểm bám gân, dây chằng, sụn chêm.

Các bệnh lý tại khớp gối có thể phát hiện thông qua siêu âm:

  • Thoái hóa khớp gối: siêu âm có thể phát hiện thoái hóa khớp gối tương tự như ở kết quả chụp X - quang.

  • Rách hoặc viêm gân cơ tứ đầu đùi.

  • Dây chằng bên mác cũng thực hiện tương tự.

  • Viêm bao hoạt dịch khớp gối.

  • Tổn thương tại sụn chêm: rách sụn chêm, thoái hóa sụn chêm, nang cạnh sụn chêm.

  • Tổn thương Pellegrini - Stieda (đóng vôi hoặc hóa dịch ở đầu dây chằng trong).

  • Bệnh lý nang Baker trong khớp gối.

  • Phát hiện các dị vật trong khớp gối.

  • Phình động mạch khoeo, chèn ép động mạch khoeo.

siêu âm khớp gối

Siêu âm giúp đánh giá tình trạng tổn thương tại khớp gối

3. Khi nào cần thực hiện siêu âm khớp gối?

Kỹ thuật này thường được chỉ định trong các trường hợp:

  • Những người thường xuyên đau nhức xương khớp, gặp phải các rối loạn về xương khớp.

  • Người có tiền sử bị chấn thương hoặc đang bị tổn thương mô mềm.

  • Nghi ngờ có dị vật trong khớp gối.

  • Nghi ngờ lắng đọng tinh thể trong khớp gối.

  • Bệnh nhân bị viêm bao hoạt dịch, viêm khớp gối, tràn dịch khớp gối.

  • Người có các dị tật bẩm sinh ở khớp gối hoặc gặp phải các vấn đề về phát triển xương khớp.

  • Người bị chấn thương, sai khớp, có khối u chèn ép hoặc mắc các bệnh lý tại dây thần kinh.

  • Siêu âm khi muốn kiểm tra, đánh giá tình trạng tụ dịch, phù nề trong khớp gối.

  • Siêu âm đánh giá tình trạng khớp gối sau phẫu thuật và khảo sát dây chằng.

Khi có nằm trong các trường hợp nói trên hoặc có các dấu hiệu bất thường về khớp gối, bạn nên gặp bác sĩ để được thăm khám và thực hiện siêu âm khớp gối, phát hiện kịp thời những bệnh lý để được điều trị sớm.

4. Những lưu ý khi đi siêu âm khớp gối

  • Nếu bạn đang trong tình trạng tổn thương tại khớp gối thì cần được đưa đến bệnh viện gấp để siêu âm và xử lý, tuyệt đối không tự ý điều chỉnh, chạm vào vị trí bị thương.

  • Hỏi bác sĩ về những việc mình cần làm trong và sau khi thực hiện siêu âm xong.

  • Siêu âm chẩn đoán bệnh ở khớp gối là một phương pháp an toàn, bạn không cần quá chú tâm về những lưu ý nhỏ nhưng nên nghe theo lời bác sĩ khi cần.

siêu âm khớp gối

Nên thăm khám và siêu âm ở khớp gối ngay khi có dấu hiệu đau nhức

5. Một vài kỹ thuật siêu âm khớp gối thường gặp

Siêu âm khớp gối là một kỹ thuật khá đơn giản nhưng lại rất có giá trị trong chẩn đoán. Tuy nhiên, vùng gối là vùng khớp khá phức tạp nên có nhiều khó khăn trong chẩn đoán. Chính vì vậy, bác sĩ/ kỹ thuật viên thực hiện cần nắm rõ các kỹ thuật trước khi thực hiện phương pháp này. Dưới đây là một số kỹ thuật siêu âm khớp gối thường gặp:

Mặt cắt dọc qua gân cơ tứ đầu đùi: 

Kỹ thuật siêu âm gân cơ tứ đầu đùi và túi hoạt dịch nằm trên xương bánh chè.

  • Cơ tứ đầu đùi bao gồm: cơ thẳng đùi, cơ rộng giữa, cơ rộng ngoài, cơ rộng trong. Bốn cơ này phối hợp để thực hiện động tác gập và duỗi đùi. 

  • Túi hoạt dịch trên xương bánh chè, thông với ổ khớp. Kỹ thuật siêu âm này giúp phát hiện bệnh nhân có bị tràn dịch khớp gối hay không.

  • Thực hiện: Người bệnh nằm ngửa ở tư thế đầu gối tạo thành góc 30 độ. Đầu dò siêu âm được đặt ở vị trí ngay sát xương bánh chè.

siêu âm khớp gối

Tư thế của khớp gối khi thực hiện siêu âm

Mặt cắt qua ròng rọc xương đùi

Kỹ thuật đánh giá xương khớp và đo độ dày sụn khớp. Khi thực hiện, bệnh nhân được yêu cầu nằm ngửa với tư thế đầu gối gấp tối đa. Đầu dò siêu âm được đặt sát với xương bánh chè và vuông góc với xương đùi. Lúc này sụn khớp được bộc lộ rõ, giúp quan sát kết quả chính xác hơn.

Túi hoạt dịch trước xương bánh chè: 

Người bệnh được yêu cầu nằm ngửa ở tư thế đầu gối gấp 30 độ. Đầu dò siêu âm được đặt phía trên xương bánh chè.

Dây chằng bánh chè: 

Người bệnh nằm ngửa trong tư thế đầu gối co 30 độ, đầu dò được đặt dọc trên đường nối xương bánh chè đến lồi củ chày.

Dây chằng bên chày và sụn chêm: 

Đầu dò được đặt dọc trên đường nối giữa xương chày và xương đùi, giúp phát hiện những tổn thương tại sụn chêm và dây chằng bên. Dây chằng bên mác cũng thực hiện tương tự.

Siêu âm khớp gối là một kỹ thuật khá đơn giản nhưng lại rất quan trọng trong hỗ trợ chẩn đoán các vấn đề về khớp gối. Với các thông tin cung cấp, chúng tôi hy vọng độc giả đã có những kiến thức cơ bản về kỹ thuật này. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được giải đáp và tư vấn miễn phí.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.