Tin tức
Chân tay miệng tắm lá gì? Góc nhìn từ dân gian và khuyến cáo từ bác sĩ
- 03/03/2021 | Trẻ bị chân tay miệng kiêng gì, phương pháp chữa như thế nào để mau khỏi?
- 08/05/2022 | Chẩn đoán và quá trình điều trị chân tay miệng có thể bạn chưa biết
- 01/04/2024 | Một số mẹo dân gian chữa bệnh chân tay miệng
- 26/06/2025 | Trẻ bị chân tay miệng bôi gì nhanh khỏi? Hướng dẫn chi tiết từ bác sĩ
1. Bệnh chân tay miệng là gì?
chân tay miệng là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến, thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, gây ra bởi virus đường ruột. Bệnh lây qua đường tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, phân hoặc dịch tiết từ mụn nước của trẻ bệnh. Chân tay miệng có thể xảy ra vào mọi thời điểm trong năm, nhưng thường gặp nhất từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9 - 12.
Triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm:
- Sốt nhẹ hoặc sốt cao.
- Xuất hiện các nốt hồng ban, mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, miệng và mông.
- Trẻ có thể biếng ăn, quấy khóc, mệt mỏi.
Phần lớn các trường hợp bệnh đều sẽ tự khỏi sau 7 - 10 ngày khởi phát nếu được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, nếu không được theo dõi sát và phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp.
Chân tay miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi
2. Chân tay miệng tắm lá gì?
Chân tay miệng tắm lá gì? là thắc mắc của rất nhiều phụ huynh hiện nay. Việc tắm lá cho trẻ khi bị chân tay miệng là mẹo dân gian được nhiều người truyền tai nhau, với hy vọng giúp làm dịu da, giảm ngứa và hỗ trợ phục hồi tổn thương ngoài da. Có thể kể đến một số loại lá như: lá trà xanh, lá tía tô, lá khế,...
Dưới góc nhìn của y học hiện đại, các loại lá kể trên có thể chứa một số hoạt chất có tính kháng khuẩn, chống viêm nhẹ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bất kỳ nghiên cứu khoa học cụ thể nào chứng minh rằng việc tắm lá giúp cải thiện triệu chứng hoặc rút ngắn thời gian hồi phục của bệnh chân tay miệng.
Do đó, ba mẹ cần hết sức cẩn trọng, không nên áp dụng tuỳ tiện phương pháp này nếu chưa có sự tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa. Với những trẻ có tình trạng vết loét sâu, sưng đỏ hoặc nhiễm trùng, không nên tắm lá vì có thể khiến tình trạng nặng hơn hoặc gây kích ứng da.
3. Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị chân tay miệng tại nhà hiệu quả
Như đã đề cập trước đó, phần lớn các trường hợp mắc bệnh đều có thể tự hồi phục sau 7 - 10 ngày nếu được chăm sóc đúng cách tại nhà. Dưới đây là một số nguyên tắc quan trọng mà ba mẹ cần ghi nhớ:
- Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ: Trẻ cần được tắm rửa hằng ngày bằng nước ấm để loại bỏ bụi bẩn trên bề mặt da. Lưu ý, ba mẹ chỉ nên lau người nhẹ nhàng, không chà xát vào vùng có mụn nước vì có thể làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh. Ngoài ra, ba mẹ cần chú ý vệ sinh cẩn thận đồ chơi, dụng cụ ăn uống, khăn tắm của trẻ và hạn chế cho con tiếp xúc với người khác để tránh lây lan virus.
- Chế độ ăn uống hợp lý: Nên ưu tiên các món ăn mềm, nguội, dễ nuốt như cháo, súp, sữa, nước ép trái cây cho thực đơn mỗi ngày của con. Ba mẹ chú ý nên cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt là khi trẻ sốt cao hoặc tiêu chảy.
- Theo dõi triệu chứng hàng ngày: Bên cạnh việc giữ vệ sinh sạch sẽ và chế độ ăn uống hợp lý, ba mẹ cũng cần theo dõi triệu chứng hằng ngày của con bằng cách: đo nhiệt độ cơ thể ít nhất 2 lần/ngày, theo dõi mụn nước, chú ý tình trạng giật mình run cơ . Nếu có triệu chứng này cần tái khám ngay. Trường hợp trẻ bỏ ăn, ngủ li bì, co giật, sốt cao, run tay chân, cần đưa trẻ đến thăm khám bác sĩ để được hướng dẫn chi tiết.
- Lưu ý về việc tắm lá: Ba mẹ không nên tự ý tắm lá cho con khi chưa có sự tham vấn của bác sĩ chuyên khoa. Điều này có thể làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh của con, đặc biệt là với bé có tình trạng viêm loét, nhiễm trùng.
Ba mẹ cần chú ý theo dõi triệu chứng của con mỗi ngày để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và có hướng xử lý kịp thời
4. Khi nào nên đưa trẻ đến bệnh viện thay vì chăm sóc tại nhà?
Trong một số trường hợp đặc biệt, chân tay miệng có thể tiến triển nặng và cần có sự can thiệp y tế kịp thời. Ba mẹ nên đưa con đến bệnh viện nếu gặp một trong những dấu hiệu sau:
- Sốt cao kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm sau 2 ngày dùng thuốc hạ sốt.
- Trẻ lừ đừ, ngủ li bì, bỏ bú hoặc bỏ ăn kéo dài.
- Nôn ói nhiều, tiêu chảy liên tục.
- Co giật, run tay chân, giật mình 2 cơn / 30 phút.
- Mụn nước lan nhanh và có dấu hiệu nhiễm trùng.
Ba mẹ nên đưa con đến bệnh viện nếu cơn sốt kéo dài trên 2 ngày kèm các triệu chứng nôn ói nhiều và tiêu chảy liên tục
Bài viết trên đây đã giúp trả lời chi tiết cho câu hỏi “chân tay miệng tắm lá gì” tốt. Theo quan niệm dân gian, tắm lá được cho là có công dụng trong hỗ trợ làm dịu da và đẩy nhanh quá trình hồi phục. Tuy nhiên, đáng nói, đến nay vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định về hiệu quả của phương pháp này. Để bảo đảm an toàn cho sức khỏe của trẻ, ba mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị dân gian nào.
Trong quá trình chăm sóc trẻ bị chân tay miệng, ba mẹ cần theo dõi sát tình trạng sức khỏe của trẻ, giữ vệ sinh tốt và bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Trường hợp xuất hiện các dấu hiệu bất thường như sốt cao liên tục, không giảm; bỏ ăn; tiêu chảy; nôn ói; mụn nước lan nhanh;… ba mẹ cần đưa bé đến bệnh viện thăm khám để được xử lý kịp thời, phòng ngừa biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng sức khoẻ.
Nếu ba mẹ có bất kỳ thắc mắc liên quan, có thể liên hệ Tổng đài MEDLATEC 1900 56 56 56 để được giải đáp nhanh chóng và đặt lịch hẹn cùng bác sĩ chuyên khoa.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
