Tin tức
Chấn thương đám rối thần kinh cánh tay có nguy hiểm không? Điều trị bằng cách nào?
- 11/07/2022 | Triệu chứng điển hình của chèn ép rễ thần kinh và đám rối thần kinh cổ
- 05/11/2022 | Rối loạn thần kinh thực vật: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
- 05/11/2022 | Liệt dây thần kinh số 7 và những điều cần biết
- 04/11/2022 | Triệu chứng chèn ép dây thần kinh và cách điều trị bệnh hiệu quả
1. Chấn thương đám rối thần kinh cánh tay là gì?
Chấn thương đám rối thần kinh cánh tay là tình trạng đám rối dây thần kinh cánh tay bị đè nén hoặc kéo căng.
- Với những trường hợp chấn thương nhẹ, người bệnh sẽ có cảm giác nóng rát hoặc đau như bị châm chích. Tình trạng này thường gặp ở những người tham gia các bộ môn thể thao có tính đối kháng, nhất là môn bóng đá.
Hình ảnh đám rối dây thần kinh cánh tay
- Với những trường hợp chấn thương nghiêm trọng, khi những dây thần kinh này bị đứt rời khỏi tủy sống, người bệnh có thể bị tê liệt cánh tay, mất chức năng vận động và cảm giác ở vùng cánh tay.
2. Những biểu hiện của chấn thương đám rối thần kinh cánh tay
Biểu hiện của chấn thương đám rối thần kinh cánh tay phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như vị trí của chấn thương hay mức độ của chấn thương. Thông thường, người bệnh chỉ bị ảnh hưởng ở một bên cánh tay.
Người bệnh bị đau nhức vùng cánh tay
- Một số triệu chứng phổ biến ở các chấn thương nhẹ:
+ Người bệnh cảm thấy đau như bị châm chích hoặc cảm giác nóng rát ở dọc suốt cánh tay.
+ Bị tê vùng cánh tay.
+ Cảm giác cánh tay yếu hơn.
Những triệu chứng này có thể chỉ xảy ra trong một vài giây, vài phút. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp có thể kéo dài trong nhiều ngày hoặc cũng có thể lâu hơn.
- Ở những trường hợp gặp phải chấn thương nghiêm trọng khiến cho dây thần kinh có thể bị rách hoặc đứt, thậm chí là rễ thần kinh bị tách ra khỏi tủy sống, thì triệu chứng của bệnh cũng sẽ nghiêm trọng hơn. Cụ thể như sau:
+ Cơ vai, cơ cánh tay hay bàn tay của bệnh nhân rất yếu, gặp nhiều khó khăn khi vận động vùng cơ này.
+ Trong một số trường hợp, bệnh nhân còn có thể hoàn toàn mất cảm giác và không thể cử động được cả vai, cánh tay và bàn tay.
+ Người bệnh có biểu hiện đau dữ dội vùng cánh tay, vai và bàn tay.
Ngoài những biểu hiện nêu trên, người bị chấn thương đám rối thần kinh cánh tay cũng có thể gặp phải một số triệu chứng bất thường khác.
3. Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay là do đâu?
Khi vai bị ép xuống và cổ bị kéo căng thì bạn sẽ có nguy cơ cao xảy ra tổn thương ở vùng đám rối thần kinh cánh tay. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến những chấn thương dạng này:
- Các môn thể thao đối kháng: Khi chơi các môn thể thao đối kháng chẳng hạn như bóng đá, quần vợt, bóng rổ, karate,… các vận động viên có nguy cơ phải đối mặt với các chấn thương do va chạm với người khác hoặc do các dây thần kinh bị kéo quá giới hạn. Trong số các chấn thương thường gặp bao gồm cả chấn thương ở các dây thần kinh cánh tay.
Ca chuyển dạ khó khăn cũng gây chấn thương đám rối thần kinh cánh tay cho trẻ
- Gặp khó khăn trong quá trình chuyển dạ: Trên thực tế, nhiều trường hợp trẻ sơ sinh bị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay và nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng này là quá trình sinh thường gặp nhiều khó khăn và phải diễn ra quá lâu. Trong trường hợp vai của trẻ bị kẹt quá lâu bên trong ống sinh thì trẻ sẽ có nguy cơ cao bị tổn thương dây thần kinh vùng cánh tay và có thể dẫn tới liệt cơ.
- Một số nguyên nhân khác cũng có thể khiến đám rối thần kinh cánh tay bị tổn thương là do tai nạn giao thông, do va đập, vấp ngã hoặc do có vết thương do súng đạn.
4. Điều trị chấn thương đám rối thần kinh cánh tay bằng cách nào?
Để có thể đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất, phù hợp nhất với người bệnh, các bác sĩ sẽ dựa vào nhiều yếu tố như mức độ nghiêm trọng của chấn thương như thế nào, loại chấn thương đó là gì, xảy ra chấn thương từ bao giờ và thể trạng của người bệnh đang như thế nào,…
Tập vật lý trị liệu để khắc phục bệnh
- Đối với những trường hợp đám rối thần kinh cánh tay chỉ bị kéo căng, người bệnh sẽ không cần phải điều trị mà bệnh có thể tự phục hồi. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện các bài tập vật lý trị liệu với mục đích giữ cho khớp và cơ được hoạt động bình thường, giữ được phạm vi chuyển động đồng thời hạn chế nguy cơ bị cứng khớp.
- Với những trường hợp tổn thương nặng gây ra những triệu chứng vô cùng đau đớn, người bệnh có thể được kê thuốc giảm đau ở thời gian đầu.
- Một số trường hợp có thể gặp phải tình trạng mô sẹo trong quá trình điều trị. Do đó, cần tiến hành phẫu thuật để loại bỏ mô sẹo, từ đó cải thiện chức năng dây thần kinh một cách hiệu quả nhất. Nếu cần thiết cần thực hiện phẫu thuật để khắc phục đám rối dây thần kinh trong vòng 6 đến 7 tháng tính từ thời điểm xảy ra chấn thương. Nếu để để quá muộn sẽ khiến cơ khó hoặc không thể phục hồi chức năng của chúng.
- Ghép thần kinh: Là phương pháp loại bỏ đám rối thần kinh bị thương và thay vào đó bằng dây thần kinh của các bộ phận khác của cơ thể. Từ đó, chức năng của cánh tay sẽ được phục hồi.
- Chuyển đổi dây thần kinh: Thường được áp dụng với những trường hợp rễ thần kinh bị rách. Đây là cách các bác sĩ lấy một dây thần kinh vẫn còn dính vào tủy sống để kết nối lại với dây thần kinh đã bị tách ra khỏi tủy sống.
- Chuyển cơ: Là phương pháp lấy cơ hoặc gân từ một phần khác của cơ thể để đưa vào cánh tay và kết nối trở lại với các dây thần kinh và mạch máu tại cánh tay.
Khi có những biểu hiện nghi ngờ chấn thương đám rối thần kinh cánh tay như có cảm giác như châm chích, nóng rát, yếu cánh tay hoặc bàn tay sau chấn thương, bạn không nên chủ quan, hãy đến thăm khám bác sĩ để được điều trị kịp thời và phòng tránh những biến chứng nguy hiểm.
Nếu còn thắc mắc cần được giải đáp, mời bạn liên hệ đến Tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được tư vấn chi tiết hơn.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!